Hơn hai triệu du khách đã du ngoạn Alaska trong các tháng Hè mỗi năm, trong đó hơn một nửa đến bằng các du thuyền. Tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ có những nét độc đáo không mấy nơi nào có được với thiên nhiên, núi tuyết, băng hà, núi rừng hoang dã cùng một văn hóa bản địa của những người Eskimo xứ tuyết. Mời các bạn cùng chúng tôi thử ghé thăm Alaska qua loạt bút ký du lịch này.

Tác giả tại băng sơn Hubbard Glacier  

Kỳ 1

Alaska, tiếng gọi nơi hoang dã

Các hiệp hội du lịch của Alaska thống kê rằng, cứ trong ba người đến Alaska thì có một người là du khách quay trở lại. Một tỉ lệ khá cao và đầy mơ ước cho bất cứ vùng đất du lịch nào. Vùng xứ tuyết trắng xóa hoang dã với những chú gấu Bắc cực hay nơi cá hồi tìm về cố quận để đẻ trứng rồi chết tại nơi mình sinh ra có gì lạ mà thu hút du khách đông như vậy?

Nhưng trước khi đến với xứ tuyết này, có lẽ cũng là cơ hội để chúng ta cùng tìm hiểu về lịch sử của Alaska, một tiểu bang xa xôi biệt lập với nước Mỹ mà nếu đến bằng phi cơ thì bay thẳng cũng mất ít nhất từ 6 đến 8 giờ bay, tùy theo tiểu bang.

Nằm về hướng Tây nước Mỹ và vùng cực Tây Bắc của Bắc Mỹ, mang ý nghĩa là “Ðại Ðiền” (The Great Land) theo thổ ngữ dân bản địa, Alaska là tiểu bang lớn nhất nước Mỹ với diện tích khoảng gấp đôi Texas, tiểu bang rộng hàng thứ nhì theo sau. Giáp với biên giới Canada về hướng Ðông, 3 mặt còn lại của Alaska hướng ra 3 biển khác nhau, chỉ cách lãnh thổ của Nga ở điểm ngắn nhất cũng đầy hoang vắng chỉ vài chục cây số tại eo biển Bering.

Seattle, nơi khởi hành các du thuyền Alaska

Ðó là lý do những nhà thám hiểm của Nga đã là những người đầu tiên đặt chân đến Alaska và nhận làm lãnh thổ của mình vào cuối thế kỷ 17. Năm 1867, Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ là William H. Seward đã đàm phán để mua lại Alaska từ người Nga với giá 7.2 triệu đô la Mỹ, tức chỉ vào khoảng 142 triệu đô la theo thời giá hiện tại. Nga Hoàng bán rẻ Alaska vì cần tiền sau chiến tranh  và mặt khác, Alaska cũng là vùng lãnh thổ xa xôi cách trở, khó bảo vệ của Nga nếu quân Anh hay Mỹ có ý định tấn công chiếm đất.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Dù mua được Alaska với giá rẻ mạt vào155 năm trước, Ngoại trưởng Seward cũng đã bị chỉ trích khá nhiều vì bị cho rằng đã phung phí ngân sách Hoa Kỳ cho một vùng đất xa xôi lạnh giá, chưa biết sẽ làm gì. Nhưng Ngoại trưởng Seward là một người có tầm viễn kiến.

Thứ nhất là việc mua lại Alaska đã chính thức chấm dứt sự hiện diện của người Nga cùng lãnh thổ của họ tại Bắc Mỹ. Thứ nhì là Hoa Kỳ có thể mở đường giao thương về Thái Bình Dương thông qua eo biển Bering. Không kể chỉ một thời gian sau, Hoa Kỳ đã nhận ra việc mua Alaska là một quyết định rất đúng đắn khi nó là một nguồn cung cấp tài nguyên phong phú lẫn chiếm vị trí chiến lược quan trọng về sau này.

Du thuyền tại bến đỗ

Alaska vẫn được giữ nguyên là vùng lãnh thổ Hoa Kỳ cho đến năm 1959 mới chính thức trở thành tiểu bang thứ 49 sát nhập vào Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà hàng năm người dân Alaska đón mừng đến hai đại lễ của tiểu bang, một ngày Seward’s Day để ghi công Ngoại trưởng William H. Seward và ngày Alaska chính thức gia nhập Hiệp Chủng Quốc. Bảng tên đường Seaward có ở mỗi thị trấn Alaska tôi ghé qua.

Ngày nay, Alaska góp một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dầu lửa và thủy hải sản cho nước Mỹ với các kỹ nghệ dầu mỏ, khí đốt và đánh bắt hải sản rất phát triển. Là một trong những nền kinh tế nằm cuối bảng trong 50 tiểu bang Hoa Kỳ, nhưng thu nhập bình quân của cư dân Alaska lại nằm trong nhóm các tiểu bang top 10 đầu bảng, một phần nhờ vào các kỹ nghệ kể trên và nguồn thu đáng kể từ du khách đổ vào hàng năm. Không kể cư dân Alaska, nếu cư ngụ tại tiểu bang này trên 12 tháng còn được chia thêm lợi tức hàng năm, khoảng vài ngàn đô la cho mỗi người, có từ nguồn dầu lửa.

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Alaska là vùng đất du lịch nổi tiếng của nước Mỹ. Ðại dương, sông hồ, băng tuyết, rừng rậm, thác nước, núi lửa… Alaska có đủ. Hầu hết những ngọn núi cao nhất nước Mỹ là nằm tại Alaska. Và nếu muốn xem màu sắc lung linh ảo diệu của ánh sáng cực quang (Northern Light), du khách bay sang Anchorage rồi bay thêm 3 tiếng để đến vùng cực Bắc là Fairbanks, điểm lạnh nhất và băng tuyết quanh năm của Alaska. Hầu hết du khách đến với Alaska vào mùa Hè ấm áp, khi nhiệt độ trung bình cũng chỉ khoảng 60-70 độ, không cần áo lông thú như người Eskimo trong phim ảnh.

Du thuyền vào vùng biển Alaska

Bay thẳng sang Alaska đỡ tốn thời gian nhưng sẽ bất tiện và tốn kém hơn nếu cần di chuyển giữa các thành phố khác nhau của tiểu bang này nên phần lớn du khách đã chọn cách đến với Alaska trên các du thuyền. Hầu hết điểm khởi hành đến Alaska tại Mỹ là tại bến cảng Seattle hay ít hơn là tại San Francisco. Tuy nhiên du khách cũng có thể chọn cảng Vancouver bên Canada nếu vé phi cơ sang đó rẻ hơn.

Với một số người thì du thuyền chỉ là chuyến đi chơi trên du thuyền nên thường nghĩ rằng sẽ khá chán nếu thời gian kéo dài trên tàu. Tuy nhiên, nếu xem du thuyền như một phương tiện để đưa du khách đến các điểm dừng muốn khám phá khác nhau bằng đường biển thì chuyến đi sẽ thú vị hơn nhiều. Tôi đã từng đi vài chuyến du thuyền sang Mexico và một số đảo quốc vùng Caribbean, lần này cũng đã chọn phương tiện này khi lần đầu muốn khám phá Alaska bởi hải trình thông thường 7 ngày của nó sẽ đưa du khách ngang qua vài điểm dừng khác nhau của Alaska, rồi ghé đảo Victoria của Canada trước khi quay về lại bến cảng Seattle.

Sau 2 năm các du thuyền bị nằm ụ và vừa tái hoạt động trở lại từ khoảng mùa Xuân năm nay, các hãng du thuyền đã có những chương trình giảm giá để đưa giá vé du thuyền xuống phải chăng nhằm thu hút du khách trở lại. Chỉ có vé phi cơ trong mùa Hè, đặc biệt là dịp lễ Ðộc Lập năm nay đã tăng quá cao khi lượng du khách tăng mức kỷ lục, nên giá vé bay sang Seattle cao hơn gấp đôi so với bình thường. Tuy nhiên nếu chuẩn bị lâu từ trước, vé máy bay cũng sẽ không quá đắt.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Các chương trình nhạc trên du thuyền

Những gia đình có ngân sách giới hạn có thể chọn ở chung loại phòng không có cửa sổ, giá cả khá rẻ cho cả chuyến đi với vài trăm đô cho mỗi thành viên. Nhưng các du thuyền Alaska là hải trình ngắm cảnh nên phần lớn du khách đều chọn phòng có hàng hiên balcony ngồi ngắm bình minh mây nước và phong cảnh, hay ít nhất cũng hạng có cửa sổ nhỏ nhìn ra biển. Tính chung thì chi phí ăn ở, giải trí và di chuyển trung bình chỉ trên dưới $100 cho mỗi người mỗi ngày tùy theo hạng phòng, thì xem ra cũng rất phải chăng.

Mà thật ra với giá vé như vậy có thể chỉ đủ chi phí cho các du thuyền hoạt động cùng bảo hiểm, nhân công, thực phẩm… Các hãng du thuyền sẽ kiếm lời nhờ việc tiêu xài của du khách trên du thuyền như đấu giá, bia rượu, bán hàng, chụp ảnh, dịch vụ thẩm mỹ, vé đi tour, sòng bài…

Nghệ thuật xếp khăn lông trên du thuyền

Kể thêm dăm điều này bên cạnh câu chuyện lịch sử của Alaska bởi có thể mang cho bạn thêm dăm thông tin nếu Alaska nằm trong danh sách những điểm du lịch mà bạn muốn có dịp nào sẽ đi nhưng chưa từng đến.

Anh bạn tôi hỏi Alaska có gì lạ để đến? Tôi chưa có  câu trả lời và cũng không  là câu  hỏi với mình bởi đó là lý do tôi muốn đến với những vùng  đất  lạ. Hơn nữa, không chỉ mang theo niềm háo hức trước khi đến một vùng đất lạ, mà với riêng mình, tôi còn muốn tìm hiểu điều gì của Alaska đã giúp cho nhà văn Jack London viết nên kiệt tác “Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã” (The Call of the Wild) hay đến như vậy.

Xin hẹn cùng các bạn kỳ tới.

Băng sơn Hubbard Glacier, nơi thu hút du khách

ĐYT