Theo sau Tân Tây Lan và Bồ Đào Nha, Indonesia vừa ra thông báo rằng họ sẽ cấp visa 10 năm cho những người nước ngoài muốn sống tại Bali của quốc gia này với điều kiện họ mang theo và bỏ vào ngân hàng nước này trên hai tỉ rupiah tiền Indonesia, tức khoảng 130,000 đô la. Có lý do gì? Các quốc gia này muốn thu hút những “digital nomad” đến sống và làm việc tại quốc gia mình. Bạn đã từng nghe qua “nomad” chưa và đó là gì?

nguồn Business Destinations

Trước khi nói về “nomad”, hãy tìm hiểu lý do tại sao Indonesia mời gọi người nước ngoài sang sống tại Bali, đảo du lịch xinh đẹp nổi tiếng trên thế giới và với một số tiền mang theo khá phải chăng với những người Mỹ trung lưu nói riêng.

Tạp chí International Living đã làm nghiên cứu và cố vấn cho những người về hưu muốn sống tại nước ngoài cho biết, với khoảng dưới 2,000 đô la mỗi tháng, một cặp vợ chồng có thể sống “vương giả” (royalty) tại đảo du lịch Bali.

Ðể dễ hình dung hơn về mức sống tại đây, tạp chí này cho biết chi phí trung bình mỗi tháng cho cặp vợ chồng bắt đầu từ $1,000 đến $1,900, kể cả bảo hiểm y tế, tùy theo chọn lựa biệt thự hai hay ba phòng ngủ tại khu vực nào, ăn tại các nhà hàng địa phương hay nhà hàng quốc tế và tự lái xe máy, xe hơi hay đi bằng taxi, uber… Cũng theo International Living, chi phí này cũng khá thoải mái cho cặp vợ chồng tại các thành phố biển du lịch như Chiang Mai của Thái Lan, Penang của Malaysia hay  Phi Luật Tân, Chi-Lê, Costa Rica hay các quốc gia Ðông Âu…

Bạn có thể làm việc ở những nơi như thế này ở Bali! Quán cà phê ZIN là một quán cà phê yêu thích của những người du mục điện tử ở Canggu.- nguồn Love and road

Indonesia không chỉ nhắm vào những người nước ngoài về hưu muốn sống tại Bali mà muốn thu hút giới chuyên môn vẫn còn đang làm việc và có thu nhập cao sang sống và làm việc tại thủ phủ du lịch của mình, nhằm giúp bơm vào kỹ nghệ du lịch và kinh tế nước này nhiều hơn nữa qua các “nomad”.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

“Nomad” vốn được định nghĩa là những người “du mục”, lang thang, không có chỗ ở cố định. Theo ý nghĩa mới hiện nay, giới chuyên môn mà Indonesia hay các quốc gia khác mời gọi là những “digital nomad”, tạm gọi họ là những người “du mục điện tử”, tức là những chuyên viên có thể làm việc từ bất cứ nơi nào có thể nối mạng một cách ổn định và đồng thời yêu thích du lịch, có thể sống và làm việc qua mạng internet từ thành phố này đến thành phố khác hay quốc gia này sang quốc gia khác.

Ðây là một xu hướng bắt đầu xuất hiện từ vài năm qua và các số liệu cho biết hiện nay có khoảng 15 triệu “nomad” như vậy. Phần lớn những người này là giới trẻ và đa phần dưới 45 tuổi, có óc phiêu lưu và khám phá. Nhóm “nomad” này thông thường là những chuyên viên độc lập, là người làm việc tự do hay hợp đồng với các hãng hay là các nhân viên chuyên môn mà không bị hãng và công việc ràng buộc nơi làm việc. Một số công việc có thể kể như các chuyên viên nghiên cứu,  lập trình, thiết kế, đồ họa, làm việc hay có dịch vụ qua mạng xã hội hoặc tác giả tự do…, dù không giới hạn chỉ trong những công việc này.

nguồn Flaneur life

Nhóm “du mục điện tử” này có thể chọn di chuyển và sống tại một thành phố nào đó từ vài tuần vừa làm việc và nghỉ mát (workcation) cho đến vài tháng hoặc vài năm, trong nước Mỹ hay tại nước ngoài nếu muốn tìm hiểu về đời sống, các nền văn hóa khác. Chỉ có sống ngay trong một nền văn hóa bản địa người ta mới có thể hiểu được phong tục, tập quán, ẩm thực… của quốc gia đó, điều khó có được trong bất cứ chuyến đi du lịch ngắn hay dài ngày thông thường.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Nhiều người chỉ chọn vài thành phố nhỏ, rẻ tiền ngay trong nước Mỹ, trong khi nhóm không bị ràng buộc về gia đình, con cái có thể chọn ra nước ngoài. Nhóm nào và mục đích gì thì có một thực tế trong việc chọn cách sống “du mục điện tử” này là, họ không chỉ  để du lịch và khám phá mà đồng thời tiết kiệm được rất nhiều tiền khi sang những quốc gia có vật giá rẻ nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và làm việc, như tại các nước Á Châu hay Mỹ La Tinh chẳng hạn. Hầu hết nhóm này đều khá hài lòng với công việc và đời sống, lối sống của mình.

Tuy nhiên có một điều thú vị là không phải ai cũng có thu nhập cao khi chọn trở thành một “nomad” vì có khoảng 20% trong nhóm này có thu nhập chỉ ở mức 25,000 đô la mỗi năm, một phần vì họ làm việc ít hay bán thời gian, phần khác có thể họ có thêm những nguồn thu nhập cố định hay tiết kiệm khác. Và như nói trên, với thu nhập như vậy vẫn có thể có một đời sống khá thoải mái ngay tại Bali, Thái Lan, Việt Nam hay nhiều thành phố xinh đẹp khác ngoài nước Mỹ đã kể trên.

Vật bất ly thân của những người du mục điện tử – nguồn grobetrender

Ðể làm một “nomad” thì như các công việc từ xa khác, điều đầu tiên là các “nomad” vẫn phải tập trung vào công việc hàng ngày theo kỷ luật và thời hạn đề ra vì trong môi trường làm việc thoải mái và tự do như vậy dễ tạo ra tâm lý đang du lịch hơn là làm việc. Mặt khác, những bất lường về thủ tục hành chánh hay y tế ở nước ngoài cũng là điều khác hơn ngay tại Mỹ, cũng cần có những chuẩn bị hay dự liệu cho các tình huống khác nhau. Dẫu sao những điều này cũng không là trở ngại quá lớn với giới trẻ vốn đã quen du lịch khắp nơi.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Nắm bắt được nhu cầu này nên cũng đã bắt đầu có những dịch vụ chuyên lo cho các “nomad” muốn sang làm việc tại các thành phố họ chọn lựa mà không muốn tự mình bỏ công sắp đặt. Các dịch vụ sẽ chuẩn bị chỗ ở, văn phòng làm việc, tạo mối giao tiếp với những nhóm người cùng trong lãnh vực hay sở thích, với cộng đồng bản xứ và các vấn đề hành chánh khác. Các “nomad” có thể thử nghiệm vài tuần cho đến vài tháng khi ký những hợp đồng này.

Một ngày nào đó, bạn có thể thu xếp và xách va-ly lên đường để trở thành một gã du mục thời đại đặt chân đến khắp thế giới. Bằng không, việc nghỉ hưu và chọn làm một “nomad hưu trí” cũng không phải là một điều xa vời với mức lương hưu cùng căn nhà đã trả dứt nợ và đang cho thuê.

Có rất nhiều điểm đến ở Mỹ cho những người du mục điện tử thưởng thức © BFC / Ascent Xmedia / Getty

ĐYT