Suốt một thập niên qua, theo số liệu từ Sở Di Trú Hoa Kỳ thì nước Mỹ đã đón nhận khoảng 7.2 triệu công dân mới và mỗi năm có khoảng 700 ngàn người đưa tay tuyên thệ để hãnh diện trở thành một công dân Hoa Kỳ. Với hầu hết những di dân, họ có chung một con đường trở thành công dân, khi tị nạn hay di dân đến Mỹ theo nhiều diện khác nhau và nhập tịch sau khi đủ điều kiện. Nhưng có những người đã nhận được vinh dự này nhờ cái giá và những hy sinh mà họ đã đóng góp cho nước Mỹ trước khi đến Mỹ và đưa tay tuyên thệ. Câu chuyện chứa đựng dăm điều hứng khởi về Janis Shinwari là một.

Đại úy Matt Zeller và Janis Shinwari – photo Matt Zeller   

Trong số hàng ngàn người tuyên thệ nhập tịch Hoa Kỳ nhân dịp lễ Ðộc Lập năm nay, Janis Shiwari, một thông dịch viên Afghanistan đã làm việc suốt tám năm cho quân đội Hoa Kỳ tại các vùng chiến sự đầy nguy hiểm trên đất nước mình, là một trong số ít người đã hưởng vinh dự này từ những đóng góp đặc biệt cho Hoa Kỳ.

Janis Shinwari giúp đỡ cho quân đội Hoa Kỳ trong suốt cả thời gian dài khi trở thành một thông dịch viên dân sự vào năm 2004. Các cuộc phục kích của quân Taliban vào các nhóm lính Mỹ mà Janis theo giúp đỡ đã buộc anh phải cầm súng tự vệ, chiến đấu sát cánh cùng các lính Mỹ.

Câu chuyện của Janis được Ðại úy Matt Zeller kể lại cùng đài NPR khi anh được cứu sống ra sao. Ðược nghe về sự quả cảm và lòng trung thành của những đồng đội Afghanistan đang cùng lính Mỹ chiến đấu chống quân Taliban khi vừa được điều sang chiến trường Afghanistan vào năm 2008, chỉ sau hai tuần Matt đã chứng thực điều này.

Matt kể rằng, cuộc hành quân mà anh tham gia tại một khu vực Taliban chiếm đóng bị lạc đường và rơi vào ổ phục kích của Taliban. Matt kể đó là trận đánh mà anh đã sử dụng đến quả lựu đạn cuối cùng và nghĩ rằng mình sẽ khó lòng sống sót trở về. Là thông dịch viên, Janis không mang nhiệm vụ tác chiến nhưng khi hai tên Taliban chĩa thẳng súng vào Matt từ phía sau thì Janis đã xả cả băng đạn vào chúng, cứu sống Matt. Khi tiếp viện đến và giải cứu an toàn nhóm lính Mỹ về hậu cứ, họ trở thành một đôi bạn thân từ sau trận đụng độ này, dù trước đó Matt chưa hề trò chuyện hay biết tên người thông dịch viên của căn cứ.

Janis Shinwari ở Afghanistan năm 2008. Anh đã làm việc với quân đội Hoa Kỳ ở một số khu vực nguy hiểm nhất của đất nước, và Taliban đưa tên anh vào ‘danh sách tiêu diệt’. photo Matt Zeller

Các hồ sơ của quân đội cho biết không chỉ sát cánh cùng lính Mỹ mà Janis đã cứu sống ít nhất là năm người lính trong những tình cảnh nguy hiểm như vậy. Janis bị phiến quân Taliban đưa vào danh sách những người bị tầm nã và cần hạ sát. Anh phải  ở luôn trong căn cứ quân đội Mỹ tại Afghanistan, chỉ thỉnh thoảng mới bí mật về thăm gia đình cùng các con nhỏ.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Ðại úy Matt Zeller trở về nước sau chuyến đồn trú tại Afghanistan, nhìn các con nhỏ của mình và hiểu rằng nếu không có Janis thì chắc chắn anh đã không còn cơ hội sống sót trở về và các con mình sẽ chẳng bao giờ còn gặp cha. Anh bắt đầu vận động các nhà lập pháp để cho Janis được tị nạn sang Hoa Kỳ vì các kế hoạch rút quân của quân đội Hoa Kỳ đã đưa gia đình Janis vào tình trạng đầy nguy hiểm nếu ở lại.

Chính phủ Mỹ hứa rằng những ai làm việc cho Mỹ trên hai năm sẽ được cấp visa sang Mỹ nhưng xem ra thủ tục rắc rối hơn nhiều. Ước tính có khoảng 18,000 người Afghanistan đã làm việc, giúp đỡ hay chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ có thể đủ tiêu chuẩn sang Mỹ theo visa đặc biệt này. Nếu có được sang Mỹ thì cũng vì họ đã từng đem sinh mạng của mình và gia đình ra đánh đổi để nhận được cam kết đó.

Janis Shinwari gặp cố Thượng Nghị Sĩ John McCain – nguồn youtube

Quốc Hội Hoa Kỳ đã chuẩn thuận chương trình giúp đỡ những thông dịch viên, những nhân viên dân sự từng giúp đỡ và sát cánh cùng quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường Iraq và Afghanistan. Nhưng việc xét duyệt và cấp chiếu khán nhập cảnh cho những người này là một quá trình phức tạp và tốn rất nhiều thời gian. Phần lớn vì lý do an ninh vì dù họ đã có một thời gian dài đã làm việc cho Hoa Kỳ tại quốc gia sở tại của mình, quá trình thanh lọc cần được xem xét cẩn trọng và tốn nhiều thời gian nhằm ngăn ngừa các tổ chức khủng bố cài người vào nước Mỹ.  Hồ sơ bảo lãnh Janis được gởi sang Ðại Sứ Quán Kabul. Trên thực tế, hồ sơ của Janis đã bị Bộ Ngoại Giao từ chối và sau nhiều sự vận động cùng tranh đấu bền bỉ của Matt Zeller,  cuối cùng gia đình Janis cũng đã được định cư tại Hoa Kỳ hồi năm 2013, sau ba năm chờ đợi.  Một phần do các phiến quân Taliban tung tin rằng Janis là người của họ, một thủ thuật quen thuộc của các tổ chức khủng bố nhằm ngăn cản những người từng cộng tác với Hoa Kỳ kẹt lại để chịu sự trả thù của họ.

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Ðón gia đình Janis tại phi trường Virginia, gia đình Matt Zeller đã cố gắng giúp đỡ cho gia đình Janis từ những ngày đầu tiên trên đất Mỹ. Anh cũng đứng ra vận động gây quỹ qua trang GoFundMe, thu được cho gia đình Janis được 35 ngàn đô la giúp ổn định đời sống bước đầu nơi xứ người.

Nhưng với nghĩa cử đầy hào hiệp, gia đình Janis đã từ chối nhận số tiền giúp đỡ này và góp hết vào tổ chức phi lợi nhuận No One Left Behind, một tổ chức vận động cho những thông dịch viên như Janis được tị nạn tại Mỹ. Janis bảo anh biết rằng những đồng nghiệp đồng hương còn kẹt lại sẽ gặp nguy hiểm rất lớn vì rủi ro bị trả thù và bị xem là những kẻ phản bội, làm gián điệp cho Mỹ. Khá nhiều người đã bị quân Taliban bắt, bị thu phim cảnh tra tấn trước mặt vợ con họ trước khi bị hạ sát, sau đó chúng gởi cho những thông dịch viên khác như lời hăm dọa về việc hợp tác với quân đội Mỹ.

Janis Shinwari tuyên thệ với tư cách là công dân Hoa Kỳ nhập tịch trong buổi lễ tại Fairfax, VA. photo Greg Myre / NPR

Trong lễ Ðộc Lập vừa qua, Janis đã cùng các con tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ tại một văn phòng di trú tại Washington, có sự tham dự của Giám Ðốc Sở Di Trú kiêm Phó Bộ Nội An Ken Cuccinelli. Janis bảo rằng suốt đêm gia đình anh đã không ngủ vì niềm hạnh phúc được chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Janis nay đã 42 tuổi, đang làm việc cho một hãng điện tử chuyên cung cấp thiết bị cứu hộ cho Bộ Quốc Phòng. Như bất cứ người tị nạn thông thường khác, anh là một nhân viên cần mẫn, chưa hề nghỉ việc ngày nào cho cuộc đời mới nơi xứ người. Hơn vậy, anh vẫn luôn nhớ và tiếp tục tham gia việc vận động cho các đồng nghiệp Afghanistan của mình qua việc thiện nguyện với tổ chức No One Left Behind nói trên. Anh bảo, nếu còn ở lại quê nhà, giấc ngủ hàng đêm của anh chỉ là nỗi ám ảnh bị sát hại thay vì một bầu trời tự do mênh mông. Và các con anh rồi lại phải cầm súng từ rất sớm thay vì được cầm bút và ôm cặp đến trường như hiện nay.

Câu chuyện của Janis Shinwari một lần nữa nhắc nhở về sự quý giá của bầu trời tự do mà những người tị nạn và di dân đang được may mắn thụ hưởng cùng cơ may trở thành công dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ này là như thế nào.

ĐYT