Đã bước vào mùa Hè và cũng là dịp của những chuyến du ngoạn hay nghỉ mát hàng năm của phần lớn các gia đình tại Mỹ. Đinh Yên Thảo, người phụ trách chuyên mục Kiến Thức Trẻ cũng là một cây bút du lịch sau mỗi chuyến đi đã chia sẻ dăm suy nghĩ của mình qua bài phỏng vấn do nhà thơ Lưu Diệu Vân thực hiện.

DYT trên Vạn Lý Trường Thành 

Lưu Diệu Vân (LDV): Anh là một phóng viên chuyên mục du lịch và cũng đã đến rất nhiều nơi trên thế giới như Brussels, Amsterdam, Hawaii, Ottawa, Paris, London, và hầu hết những địa danh lớn nhỏ xuyên suốt Việt Nam. Có sự so sánh nào, trong tiềm thức hay có ý thức, giữa đất nước mình và các nước bạn khác không thưa anh?

Đinh Yên Thảo (DYT): Sau những chuyến đi xa, tôi vẫn thường ghi lại dăm suy nghĩ và nhận xét về những nơi này qua các bút ký, phóng sự … có lẽ vì vậy mà Diệu Vân nghĩ rằng tôi là một phóng viên du lịch. Sự thật thì tôi không phải là một PV du lịch, cũng như đã từng đi qua hầu hết những thành phố Diệu Vân kể trên cùng một số quốc gia khác, nhưng chắc vẫn là ít, khi còn quá nhiều nơi muốn đến. Trong những chuyến đi, khi hòa mình hay tìm hiểu về đời sống, văn hóa và con người bản địa, tôi không nghĩ ngợi hay có so sánh nhất thời với Việt Nam, mà chỉ là những điều liên tưởng, gợi nhớ nho nhỏ thuộc về tình cảm và ký ức. Chẳng hạn như khi nhìn thấy những hàng dâm bụt tại Hawaii, nhìn những quả mãng cầu xiêm, sapoche tại Jamaica hay em bé bán kem dạo tại Mexico … Nhưng trong một số bài viết thì quả tôi có so sánh những nơi mình đến với VN. Không phải về kinh tế, chính trị hay văn hoá vì thật ra những điều này hơi lý thuyết và cũng chẳng cần phải đến nơi để có những ý niệm này, mà là các so sánh báo chí cùng vài giải pháp thực dụng hơn. Chẳng hạn như dăm ý tưởng cho việc phát triển du lịch tại VN, khi liên tưởng các thành phố biển tại VN với những khu du lịch tại các quốc gia vùng Caribbean hay Nam Mỹ, nơi chỉ là những làng chài nghèo nàn ven biển, nhưng nay đang thu hút hàng chục triệu du khách khắp thế giới mỗi năm. Hoặc giả là vấn đề giải quyết bài toán giao thông cùng kế hoạch đô thị hoá, khi đi qua đường phố chật hẹp Châu Âu, không rộng gì hơn đường phố Sài Gòn.

LDV: Ca dao Việt có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” nhưng khái niệm “đi” ngày nay đã đổi thay ít nhiều theo sự tiến triển của công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa phong tục và văn hóa. Chúng ta có thể “đi” hàm thụ qua màn hình vi tính hoặc xem những chương trình giới thiệu du lịch trên truyền hình. Thế nhưng chúng ta vẫn thích “đi” theo cách “phổ thông” để thể nghiệm bằng xương thịt. “Đi” theo nghĩa bóng hay nghĩa đen, phần “học” có khác không thưa anh?

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

ĐYT: Người ta vẫn nói rằng kiến thức được tích lũy từ sách vở cùng các thể nghiệm cá nhân. Tôi nghĩ khái niệm “đi” như Diệu Vân nói là những thể nghiệm cá nhân đầy riêng biệt. Chúng ta có thể “đi” nhờ vào con mắt và cái nhìn người khác, như qua phim ảnh, tài liệu, tra khảo… nhưng cái “đi” và nhìn của mỗi người mới thật sự mang thêm cho chính mình những cảm xúc, suy nghĩ cùng kinh nghiệm sống. Chúng có những giá trị riêng, khó có thể thay thế bằng sách vở. Với tôi, “đi” đồng nghĩa với một sự phân thân, đưa mình vào một thế giới nội tại hay thể lý khác biệt với đời sống quen thuộc hàng ngày, thậm chí cả đời, nếu chúng ta sống chỉ một nơi chốn nào đó. Tôi nhớ đã đọc được đâu đó một ý tưởng đại loại rằng, thế giới này là một cuốn sách và nếu chỉ ở nhà thì chúng ta mới đọc được dăm trang.

DYT tại một phố ăn uống Tokyo, Nhật

LDV: Lịch sử gắn liền với nơi chốn và do sự hạn hẹp của ngôn ngữ, chúng ta thường thể nghiệm những chuyến đi theo phong cách “khách du lịch” và vì thế khó có thể tường tận cảm nhận những điều ngoạn mục mà ta chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, qua những bài viết của anh, độc giả nhận thấy sự hòa mình rất tự nhiên cũng như niềm thấu hiểu khá sâu sắc về phong tục và văn hóa cũng như lịch sử ở những nơi anh đã đến. Xin anh chia sẻ bí quyết để thể nghiệm thật trọn vẹn cuộc sống của người bản xứ.

ĐYT: Ðúng như Diệu Vân nhận xét, cho dù có khao khát tìm hiểu đến đâu thì có những giới hạn để chúng ta thấu hiểu về vùng đất mới với một, hay thậm chí với vài chuyến đi. Không ai có đủ tham vọng và khả năng để khám phá một nơi chốn mới mẻ chỉ trong chuyến đi ngắn ngày.

Tùy theo sở thích và tính cách của mỗi cá nhân, chúng ta có những ưu tiên khác nhau để tìm hiểu một phần nào đó những nơi mình đến. Với riêng tôi, mỗi chuyến đi cũng là sự trắc nghiệm về chính con người mình, để xem mình có thể “sống” như thế nào với một đời sống, văn hoá và những con người khác biệt. Tôi hay bắt chuyện làm quen với những thanh niên trẻ, trò chuyện với các đồng nghiệp bản xứ nếu là chuyến đi công vụ, hay xuống quán bar khách sạn trò chuyện với các nhân viên, bắt chuyện người lái taxi, leo lên xe bus, xe điện đi quanh thành phố… cách nào đó mình cũng làm bạn được với một người hiếu khách để có thể được họ chỉ hay kể cho nghe những điểm cần đến, hoặc tạo ra các gặp gỡ bắc cầu thú vị khác. Ðôi khi những điều nho nhỏ nhưng sống thực đó, lại là điều hứng thú cho một số độc giả, bên cạnh các vấn đề về văn hoá, chính trị, lịch sử khác. Trở lực lớn nhất cho một người đi xa là sự sợ hãi, lòng kỳ vọng và thái độ biệt lập, chúng sẽ hạn chế chúng ta rất nhiều trong một không gian lạ.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

LDV: Nhà văn Ái Nhĩ Lan George Moore đã viết: “Người ta chu du thế giới để tìm kiếm điều cần thiết rồi trở về và tìm thấy những điều đó ở nhà.” Là một người thám hiểm, anh đã tìm thấy và đánh mất những gì giữa những đường bay?

ĐYT: Tìm thấy… vợ và những đứa con ở nhà sau chuyến đi (cười). Tôi nghĩ câu nói mang một hàm ý lớn hơn, so với những chuyến đi xa bình thường. Với một người trưởng thành, chúng ta sẽ không nhìn vấn đề được-mất chỉ trong một vài chuyến đi hay cuộc gặp gỡ nào đó. Nhưng chúng có thể điều chỉnh được suy nghĩ, cách nhìn của chúng ta.

LDV: Nếu chúng ta đọc và tích lũy nhiều kiến thức, điều này nâng cao khả năng cảm thụ hay làm giảm sự nhạy cảm của ta trong một không gian thể nghiệm mới?

ĐYT: Như trả lời cùng Diệu Vân bên trên, sự học hay sự đọc đã và sẽ giúp ích cho ta rất nhiều nói chung, và cách riêng trong những chuyến đi. Tỉ như có hiểu biết và cảm thức nào đó về lịch sử, tôi nghĩ tâm trạng chúng ta sẽ khác hơn khi đến cổ thành Alamo, khi viếng ngôi nhà nữ văn sĩ Margaret Mitchell nơi bà viết Cuốn Theo Chiều Gió, khi thăm đài tưởng niệm Trân Châu Cảng hay đi dọc theo bờ biển Normandy. Cũng có khi đến nơi rồi, thì khi tìm đọc lại những sử sách, bài viết liên quan, chúng lại cho ta những cảm xúc và suy nghĩ mới mẻ khác.

Quán bên đường tại Los Cabos, Mexico

LDV: Những nơi chốn mới, lạ thay, lại thường kéo ta trở về với quá khứ và những kỷ niệm thơ ấu và điều này cũng hay xảy ra cho anh. Theo anh, vì sao lại có sự liên tưởng có vẻ như mâu thuẫn này?

ĐYT: Tôi rất thích câu hỏi này của Diệu Vân, vì đây là điều mà tôi nghĩ không ít người thường bắt gặp, đặc biệt với riêng tôi. Thế giới tuổi thơ là thế giới những chuyến phiêu lưu của Tintin qua tranh vẽ họa sĩ Herge,  là cuộc thám hiểm Hai Vạn Dặm Dưới Ðáy Biển của Jules Verne, là mộng tưởng trong những Cánh Buồm Ðỏ Thắm của Alexander Grin… qua các trang sách. Hay ký ức của những ngày ôm cặp đi học và đối diện với bom đạn của một thời chiến tranh của lớp chúng tôi. Bất cứ khi nào bắt gặp trên đường đi, chúng luôn mang lại cho ta những cảm xúc thật sự.  Tôi đoán rằng khi đến một nơi chốn mới lạ và thoát khỏi những lề thói thường nhật, suy nghĩ chúng ta tự do, bay bổng hay lắng đọng hơn nên dễ làm ta liên tưởng hay dẫn dắt ta về cùng những hồn nhiên, háo hức hay kỷ niệm của tuổi thơ và quá khứ. Có những vô thức luôn nằm yên nhưng sẽ không bao giờ chết, mà tuổi thơ của mỗi người là một. Như khi tôi đến Brussels, không có nhiều thời gian lắm, nhưng tôi vẫn muốn tìm đến bảo tàng viện truyện tranh trưng bày các hoạ phẩm nguyên tác của các họa sĩ như Herge, Peyo, Morris… những người đã tạo ra các nhân vật như Tintin, Xì-trum, Asterix, Obelix… đã từng gắn bó với một thuở ấu thời của mình và rất nhiều người cùng trang lứa khác.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

LDV: Ngạn ngữ Pháp có câu “đi xa nhiều, nói dối hay – a beau mentir qui vient de loin.” câu này có thể áp dụng trong những trường hợp hay hoàn cảnh nào thưa anh?

ĐYT: Thế giới bây giờ đã trở nên nhỏ bé và thông tin dễ dàng hơn, sự hiểu biết mọi người sâu rộng hơn. Hoặc chính họ đã đi nhiều hay có thể tự mình kiểm chứng. Những câu ngạn ngữ như trên, hay của VN mình đại loại như “nhà báo nói láo ăn tiền” đã không còn đúng nữa. Với một thế hệ độc giả đầy thông tin và kiến thức thì thái độ tự trọng và cẩn trọng là điều mà phần lớn những người cầm bút ý thức được, hay cần có hiện nay. Người nói dối hay thì họ cũng chẳng cần đi xa (cười).

LDV: Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, và nghệ sĩ nói chung, anh nghĩ những chuyến đi sẽ giúp họ dồi dào thêm sáng tạo về những điều mới mẻ, khoáng đãng, hay ngược lại những thể nghiệm toàn cầu có thể khiến cho họ cảm thấy bé nhỏ và tầm thường để rồi chậm lại những ý tưởng?

ĐYT: Với văn thi sĩ, nghệ sĩ, tôi nghĩ những sáng tác của họ gắn liền với những suy tưởng và liên tưởng hoặc trí tưởng tượng, những điều không cần phải đi xa. Dù vậy sự đi xa sẽ giúp cho suy nghĩ và ngòi bút của họ trở nên khoáng đạt, bao dung và thông hiểu hơn, khi nhìn nhận sự đa dạng, đa tầng của con người và thế giới. Có khi sự đi xa không chỉ để đến một nơi mới lạ, mà là để cho chúng ta một cái (hoặc cách) nhìn mới. Tôi nghĩ chúng có ảnh hưởng tích cực hơn là làm chậm lại ý tưởng trong ta. Với những ngòi bút tả thực, hay trong lãnh vực báo chí, sự đi xa lại là điều vô cùng cần thiết. Ngay với những người không cầm bút thì những chuyến du ngoạn, nghỉ mát sẽ giúp cho đời sống của họ và gia đình trở nên gắn bó, thú vị, nhiều năng lực hơn.

LDV: Có bao giờ, sau một chuyến đi, anh lại hối tiếc, phải chăng mình đừng đi?

ĐYT: Mỗi một nơi chốn đi qua, mỗi cuộc gặp gỡ đều có những điểm thú vị của nó để chúng ta học hỏi, khám phá. Và cũng có thể mức độ yêu thích có khác biệt, chứ chưa bao giờ hối tiếc. Nếu có hối tiếc thì chỉ là, giá như có dịp và điều kiện để đi và sống với nó nhiều hơn.

Cảm ơn Lưu Diệu Vân rất nhiều cho cuộc trò chuyện này.

LDV