Sau 11 ngày giao tranh ác liệt, ngày 21-5, Do Thái và Palestine đã công bố thỏa thuận ngưng bắn. Sau khi Hamas nã qua Israel 4000 quả rocket gây tử vong 12 người. Do Thái không kích mãnh liệt, làm thiệt mạng 230 người Palestine… Những nỗ lực hòa giải từ LHQ và Hoa Kỳ không mấy hiệu quả. Chuyên mục xin tổng lược và giới thiệu đôi nét về lịch sử cuộc chiến Dải Gaza nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải nhân câu chuyện thời sự này…

Cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu ở phía nam Gaza. Youssef Massoud / AFP qua Getty Images

Với khoảng hai triệu dân sinh sống trên diện tích khoảng 365 cây số vuông, khoảng gấp đôi diện tích Washington DC, Dải Gaza (Gaza Strip) giáp giới với Do Thái và Ai Cập được xem là một trong những vùng có mật độ dân cư đông nhất thế giới. Những gì người ta biết đến dải Gaza là hàng ngàn năm lịch sử thăng trầm với những sự cai trị, tranh chấp và tàn phá giữa những triều đại, đế  chế, tôn giáo và các dân tộc tại đây.

Cho đến nay, về mặt pháp lý, Gaza vẫn chưa được quốc tế chính thức công nhận thuộc về chủ quyền của quốc gia nào, ngoại trừ những khái niệm gây tranh cãi như “lãnh thổ đang tranh chấp” hay “lãnh thổ bị (Do Thái) chiếm đóng”. Ðể nhìn rõ hơn về những cuộc giao tranh khốc liệt giữa lực lượng vũ trang Hồi Giáo Hamas và Do Thái đang diễn ra hiện nay dải Gaza, có lẽ cũng phải sơ lược lịch sử của những xung đột giữa Do Thái và Palestine cùng thế giới Ả Rập như thế nào.

Lãnh thổ Israel – Palestine hiện nay (trái) và do Liên Hợp Quốc đề nghị.

Không lùi lại hàng ngàn năm trước mà chỉ điểm qua lịch sử cận đại từ quá đầu thế kỷ 20, thì thời Ðệ Nhất Thế Chiến, đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang thống trị khu vực này từ hàng trăm năm trước. Sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc năm 1920 khi người Ả Rập được sự ủng hộ của Anh và được hứa hẹn trao cho sự độc lập tại vùng đất này, đã đánh bật đế chế Ottoman là đồng minh của Ðức lúc bấy giờ ra khỏi khu vực. Dù vậy, tin rằng quân đồng minh sẽ thắng trận nên Anh và Pháp đã bí mật chia cắt khu vực để kiểm soát chung, cũng như có những hứa hẹn riêng với người Ả Rập lẫn Do Thái.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Hai sắc dân này vốn đã đối đầu nhau từ khi người Do Thái khởi xướng phong trào phục quốc từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, để đưa người Do Thái ly hương từng phải rời bỏ xứ sở vì những cuộc chiến tranh trong quá khứ, trở về vùng đất hứa – nằm giữa lòng đất của những người Ả Rập, mà họ tin rằng từng thuộc về họ dựa theo Thánh Kinh. Chính vì vậy, khi chiến tranh kết thúc, Anh thực hiện những điều dẫn đến hệ lụy ngày hôm nay: trao quyền cho người Ả Rập thiết lập các quốc gia Trung Ðông, cho phép người Do Thái lập quốc gia riêng trên vùng đất Palestine và phân chia vùng kiểm soát giữa Anh và Pháp.

Mừng ngày lập quốc tại Jerusalem, 1948 – nguồn israelforever.org

Sự phân chia này làm thế giới Ả Rập bất mãn và tổ chức những cuộc bạo loạn, tấn công vào người Do Thái đang trở về mua chiếm, mở rộng đất đai và củng cố quyền lực của mình. Người Do Thái tự vệ hay thậm chí phản công mạnh mẽ vào những người Ả Rập, bắt đầu đưa hai chủ nghĩa dân tộc này đi vào sự tranh chấp và thù hận kể từ đây.

Khi người Do Thái bị bách hại khắp Châu Âu, đặc biệt khi Hitler lên nắm quyền và mở chiến dịch bài Do Thái trong Ðệ Nhị Thế Chiến qua thuyết chủng tộc và kỳ thị tôn giáo, đã làm tăng làn sóng trở về cố hương của họ. Con số người Do Thái bị Ðức quốc xã sát hại trong các trại tập trung, lò sát sinh tổng cộng lên đến khoảng 6 triệu người. Có lẽ vì lý do đó mà người Do Thái trở nên đoàn kết mạnh mẽ, kiên vững trong đức tin tôn giáo đồng thời cũng tỏ ra không kém phần tàn bạo, không khoan nhượng với các kẻ thù.

Xem thêm:   Biden & Trump

Sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Anh tỏ ý định rút chân ra khỏi vùng đất ủy trị này và giao lại quyền quyết định cho Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết 181 không bắt buộc của LHQ – được phương Tây ủng hộ trong khi các nước Ả Rập và Hồi Giáo phản đối, đã đề nghị phân chia vùng đất Palestine làm đôi, một phần cho người Palestine Ả Rập và phần khác cho Do Thái, cũng như sẽ công nhận các bên là những quốc gia độc lập nếu chấp thuận và thực hiện theo nghị quyết này.

Hệ thống chống hỏa tiễn Vòm Sắt của Israel đánh chặn hỏa tiễn bắn từ Dải Gaza ngày 12 tháng 5 năm 2021. photo REUTERS / Amir Cohen

Do Thái đồng ý và chính thức được thế giới công nhận như một quốc gia độc lập, còn phía Palestine vì không thể nào chấp nhận mất đi một nửa vùng đất mà họ xem là của tổ tiên ngàn đời của họ để lại nên mất đi một cơ hội trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền cho đến nay. Ngày 14 tháng 5 năm 1948, Do Thái chính thức tuyên bố độc lập và thành lập quốc gia trên vùng đất Palestine dưới sự ủng hộ của Hoa Kỳ và phương Tây, ngay sau khi quân Anh rút quân về nước. Người Do Thái xem đây như là quốc khánh của mình trong khi người Palestine gọi đây là “ngày thảm họa”.

Liên quân Ả Rập với Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq, Lebanon bênh vực Palestine đã lập tức mở cuộc tổng tấn công vào Do Thái, xem như cuộc chiến quy mô lần thứ nhất giữa Do Thái và thế giới Ả Rập. Người Ả Rập không muốn có một quốc gia Do Thái trên bản đồ Trung Ðông của mình và chỉ muốn xóa sổ khi nó xuất hiện, trong khi Do Thái phải củng cố sức mạnh, quyền lực và lãnh thổ của mình để sống giữa lòng những kẻ tử thù không đội trời chung.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Dù ít dân nhưng được xem là một dân tộc thông minh, có quy củ, tài chính dồi dào và một ý thức sinh tồn mạnh mẽ, lại có thêm sự hậu thuẫn từ Hoa Kỳ và Phương Tây xem Do Thái như tiền đồn ngăn chận làn sóng Hồi Giáo trỗi dậy tại Trung Ðông, Do Thái đã giành được thắng lợi, đánh đuổi tan tác liên quân Ả Rập, không những kiểm soát toàn bộ lãnh thổ được phân chia của mình mà còn chiếm thêm được các vùng đất Ả Rập khác. Do Thái cũng chiến thắng cuộc đối đầu quy mô với thế giới Ả Rập trong “cuộc chiến 6 ngày” lần thứ 2 vào năm 1967. Từ đó, những cuộc chiến lớn nhỏ tiếp tục xảy ra,  tàn khốc và sát hại rất nhiều thường dân vô tội mà cả 2 phía đều đổ lỗi cho nhau như nhiều cuộc chiến khác trong vài chục năm qua.

Sau cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza, Chủ Nhật, ngày 16 tháng 5 năm 2021. (Ảnh AP / Adel Hana

Dải Gaza hiện nay nằm dưới quyền tài phán (jurisdiction) của tổ chức Hamas Palestine – nắm thẩm quyền kiểm soát an ninh và dân sự nhưng lại do Do Thái kiểm soát không phận và hải giới. Hamas là một tổ chức kháng chiến Hồi Giáo có vũ trang và có ảnh hưởng của Palestine, cứng rắn và cực đoan phủ nhận sự tồn tại của Do Thái nên là kẻ thù số một của Do Thái hiện nay. Hamas từng liên tục thực hiện những vụ đánh bom cảm tử, tấn công, pháo kích, bắt cóc nhắm vào Do Thái. Ngược lại Do Thái trả đũa không nhân nhượng.

Do Thái đổ trách nhiệm cho Hamas khi cho rằng họ phải tự vệ chính đáng, và ngược lại Hamas áp dụng chiến thuật của CSBV, dùng dân làm bia đỡ đạn. Bất chấp lý lẽ thuộc về phe nào, thường dân vô tội cùng trẻ em của cả hai bên là những nạn nhân chịu đựng lớn nhất hiện nay.

ĐYT