Kỳ trước: ” Thái Sơn” nhận được cú gọi trên máy truyền tin là Trung sĩ Phong, một đệ tử cũ lặn lội tới thăm. Người đệ tử này đã kiên nhẫn ở chờ cả tuần lễ để gặp cho bằng được “ông thầy” của mình. Trong quân đội (VNCH) tình “thầy trò” thường khi còn nặng hơn tình ruột thịt vì thật sự ngoài chiến trường sống chết có nhau.

Bài nhiều kỳ – Kỳ 2

Ông thầy! Ông thầy ơi! Em chờ ông thầy gần chục ngày nay. Cứ tưởng sau khi nhảy toán ở Mang Giang xong thì ông thầy sẽ về, nào ngờ, tới hôm nay em vẫn chưa được gặp mặt ông.

Ðúng là chú Phong rồi! Vẫn cái giọng Bắc Kỳ khào khào, quê quê ngày xưa.

Tháng Hai năm 1966, vì lý do kỷ luật, Trung sĩ hiện dịch Nguyễn Hồng Phong bị giáng cấp xuống hạ sĩ, từ Quân Lao Mang Cá về trình diện Ðại Ðội 3/11 Biệt Ðộng Quân. Hôm đó tôi cũng vừa tới đơn vị này sau khi tốt nghiệp Khóa 20 Ðà Lạt và Khóa 23 Rừng Núi Sình Lầy.

Từ ấy Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong thành người nấu cơm cho Thiếu úy Vương Mộng Long.

Ðầu đời lính, tôi có ba anh đồ đệ: Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong, nấu cơm, Binh nhất Mai Ðăng Vinh truyền tin và Binh nhất Lý Thí mang đồ ngủ.

Mười hai ngày sau, Lý Thí và Mai Ðăng Vinh chết trong trận Tháp Bằng An, Quảng-Nam, còn lại một mình Nguyễn Hồng Phong. Chú Phong trở thành thuộc cấp thân thiết nhất của tôi.

Tới khi Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân bị lôi cuốn vào vụ Phật Giáo Miền Trung thì chú Nguyễn Hồng Phong đã theo sát bên tôi suốt thời kỳ binh biến này cho tới khi tôi và Phong chạy vào chùa, cạo đầu, xuống tóc, thành hai tỳ kheo Thích Như Tùng và Thích Như Sơn của Long Tuyền Tự, Hội-An.

Sau đó tôi bị tù, bị giáng cấp xuống trung sĩ còn Phong thì phiêu dạt phương trời nào, tôi không biết.

Thế rồi, tháng 7 năm 1967 hết hạn phạt giam, tôi về Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ chờ lấy sự vụ lệnh để lên Pleiku, thì bất ngờ thầy trò tôi gặp lại nhau.

Trưa hôm đó tôi đang la cà trong câu lạc bộ thì thình lình bị một người nhào vào ôm chặt,

-Thầy ơi! Thầy ơi!

Người ôm tôi là một tân binh, đầu trọc lóc! Mặt anh ta, thật dễ nhận, với đôi mắt xếch, và một vết sẹo dài trên má trái. Tôi giật mình,

– Phong! Phong đó ư?

Anh tân binh vừa khóc thút thít, vừa kể lể,

-Vâng! Em đây! Thầy ơi! Em nghe Bác (mẹ tôi) nói, sau khi ra khỏi Quân Lao Mang Cá, thầy đã bị đưa lên Pleiku, em liền mua một tờ khai sinh với cái tên mới rồi tình nguyện làm tân binh Biệt Ðộng Quân. Mãn khóa này em sẽ xin lên Pleiku gặp thầy! Tên em bây giờ là Lê Văn Ơn! Thầy cứ gọi em là Ơn! Ðừng gọi là Phong nữa!

Nghe vậy, tôi đoán chắc Phong đã ghé Hội An, và được nghe mẹ tôi kể cho biết chuyện tháng Mười năm 1966 tôi đã bị đưa lên Vùng 2 sau khi ra khỏi Quân Lao Mang Cá. Chắc chú ấy không hay những chuyện xảy ra sau này. Vì tôi giấu, nên chính mẹ tôi còn không hay chuyện tôi lận đận lao đao cả năm dài vì vụ Ðà- Nẵng 1966.

Chúng tôi không nói chuyện với nhau được lâu, vì thời gian ở câu lạc bộ của tân binh rất giới hạn, và hình như một tuần lễ, họ mới có dịp tới đó một lần.

Sau hôm ấy, cho tới khi lên đường về Pleiku, tôi không còn gặp lại Phong.

Ở Pleiku, mỗi khi có tân binh bổ sung, tôi đều nhờ ông Trung úy Trọng, sau là Trung úy Giáp, Sĩ quan Trưởng Ban 1 Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân tìm xem có ai là Lê Văn Ơn không, nhưng tuyệt nhiên chẳng có tân binh nào mang tên này.

Giữa năm 1968, tôi đọc được, trong thư mẹ tôi gửi vào, có câu:

“Thằng Phong đang làm trung sĩ ở ngoài Huế.”  

Bà mẹ tôi biết chuyện này cũng vì nhân dịp vào Hội An thăm nhà tôi, Phong đã kể:

“Năm 1967, sở dĩ có chuyện Phong đổi họ, đổi tên, tình nguyện làm binh nhì Biệt Ðộng Quân cũng chỉ vì chú ấy hy vọng sau khi ra trường, sẽ được đưa lên Pleiku, ở gần ông thầy của chú. Nhưng tới khi mãn khóa tân binh Dục Mỹ, thấy tên Lê Văn Ơn nằm trong danh sách bổ sung quân số cho Liên Ðoàn 1 Biệt Ðộng Quân ngoài Ðà Nẵng thì chú ấy lại đào ngũ lần nữa!”  

Phong tiếp tục cuộc sống bất hợp pháp nơi quê vợ Quảng Trị cho tới sau biến cố Tết Mậu Thân.

Sau Mậu Thân, chính phủ ban lệnh ân xá và miễn tố cho tất cả quân nhân đang tại đào. Cho phép họ phục hồi cấp bậc cũ và trở về phục vụ trong quân ngũ.

Thế là chỉ nửa năm sau khi trình diện và cầm súng trở lại, Hạ sĩ tiểu đội trưởng Nguyễn Hồng Phong đã lên tới trung sĩ, được giao cho chức vụ trung đội phó bộ binh.

Ðã mấy lần tôi về thăm Hội-An nhưng không có thì giờ ra Huế. Thầy trò tôi từ ngày nói chuyện được vài câu năm 1967, ở Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ, tới 1970 vẫn chưa nhìn lại mặt nhau.

Cư xá Trần Quý Cáp, Pleiku 1970. Từ trái: B2 Hoàng, Tài xế Thuộc, Tài xế Tiến, B2 Hà

Tôi thấy mắt mình nhòa đi, khi nghe đầu dây bên kia, người đàn em của tôi đang khóc,

– Thầy ơi! Thầy ráng giữ gìn sức khoẻ! Nếu trời không cho chúng mình gặp lại nhau kiếp này, kiếp sau em lại xin tình nguyện làm đồ đệ của thầy lần nữa!

Tôi vội hứa,

– Mai nếu không có gì thật quan trọng xảy ra, anh sẽ về gặp chú.

– Vâng! Em sẽ chờ ông thầy! Hai ngày nữa khóa truyền tin khai giảng. Nếu trình diện trễ, họ không nhận và đuổi về. Nói thế chứ, việc em cần là gặp mặt ông thầy, dù có trễ và bị đuổi về đơn vị em cũng chẳng ngán!

Sau khi trò truyện với Phong vài phút nữa, tôi gác máy rồi sang khu Cố Vấn Hoa Kỳ của Trung Ðoàn 42 gặp Goodell. Tôi nhờ anh ta ngày mai xin cho tôi một trực thăng để đi quan sát vùng hành quân, sau đó lấy cớ có việc cần phải về hậu cứ Pleiku, tôi có dịp nói đôi câu với Phong trước khi chú ấy đi Vũng Tàu.

Hình như số trời không cho thầy trò tôi được gặp nhau lần nữa, nên mới mờ sáng hôm sau, qua đài tiếp vận, toán Cam Ranh của Trung sĩ Lê Sanh Ma báo cáo chạm địch.

Một con chó săn (?) của du kích Thượng đã đánh hơi, phát giác ra trong ruộng ngô bên đường xe be có người. Toán này phải chạy bán sống bán chết. Hiện giờ chưa rõ vị trí chính xác của toán này đang ở đâu.

Vậy là thay vì xin trực thăng để về Pleiku, tôi lại dùng trực thăng để thả tôi và hai anh Mỹ cùng một toán viễn thám khác xuống đài tiếp vận.

Ðỉnh Ngok Long cao 1075 mét nên từ đây tầm quan sát của tôi thật là mút mắt. Cách Ngok Long chừng hai cây số về hướng Tây Bắc là con đường xe be nhìn giống như một con trăn lớn, nằm ngoằn ngoèo theo hướng Ðông Nam,Tây Bắc vắt ngang một ngọn đồi tranh.

Trưa hôm đó tôi bắt liên lạc được toán Cam Ranh. Toán đang cố gắng tìm cách đánh lạc hướng địch.

Xế chiều, toán Cam Ranh mới bơi qua con suối Dak Sing. Toán không thể thoát chạy nhanh như mọi lần trước đây, chỉ vì có một người bị thương vì…chó cắn!

Tôi dẫn theo anh y tá và bốn viễn thám viên xuống núi đón ông Ma. Sáu người của tôi tới cái yên ngựa cách Ngok Long chừng một cây số thì nghe tiếng súng AK nổ rộ từ bờ Bắc của suối Dak Sing.

Thung lũng Dak Sing toàn là đầm lầy và đồng cỏ tranh rất trống trải. Có lẽ địch đã nhìn thấy quân ta bên bờ Nam, nên nổ súng bắn theo.

Chẳng đặng đừng, tôi phải gọi Trung Ðoàn 42 xin pháo binh Hoa-Kỳ từ Dak Mot bắn phủ vùng một đoạn đường từ Dak Long 1 tới bờ suối, hy vọng chặn được đoàn quân địch đang truy kích quân ta.

Ở Dak Mot có một pháo đội 16 khẩu 105 ly của Mỹ. Muốn yêu cầu bao nhiêu tràng họ cũng thỏa mãn ngay.

Hai tiếng đồng hồ sau, toán Cam Ranh mới về tới cái yên ngựa. Quần áo người nào cũng đỏ lòm vì bùn lầy. Bùn vùng này thật là đặc biệt, màu bùn đỏ như máu tươi, đi tới đâu, bùn từ quần áo giày vớ lại bám trên ngọn tranh, không có cách gì xóa dấu vết được.

Anh y tá vội dùng rượu cồn để rửa vết chó cắn trên đùi anh thương binh. Tôi cũng ngồi bên, giúp anh một tay. Người bị chó cắn là Binh nhì Lê Hóa. Vết thương trên đùi chưa được băng bó, lại bị ngâm nước bùn nhiều giờ, nay đã sưng tấy lên.

Bất ngờ, “Xoẹt!…”

từ dưới dốc,một vật gì đó hình thù như một cái gối ôm đen thui phóng lên ngay bên hông tôi!

“Rẹt! Rẹt! Rẹt!…”

Hạ sĩ Chạy đã nhanh tay “đẩy” một băng M16. Cái gối ôm màu đen văng sang bên lối mòn, thì ra đó là một con chó săn! Ðầu con chó bị đạn bắn vỡ toác. Máu chó văng tung toé.

Tôi hét lên,

“Tụi thằng Chạy ở lại cản đường! Tụi thằng Ma kéo thằng Hóa lên đài tiếp vận! Nhanh lên!”

Chúng tôi vác anh viễn thám bị chó cắn leo lên chưa được nửa đường tới đỉnh Ngok Long thì dưới chân núi toán của Hạ sĩ Chạy bắt đầu đánh nhau.

Nghe tiếng súng địch, tôi thấy không phải là tiếng súng hỗn tạp của du kích Thượng Cộng, mà rõ ràng là tiếng AK và RPD của quân chính quy. Súng của du kích thường là loại bắn từng phát một, không có súng bắn liên thanh từng tràng.

Lực lượng địch đang truy sát chúng tôi chắc chắn là trực thuộc một đơn vị chính quy Cộng-Sản.

Tới đài tiếp vận, tôi cho anh em bố trí một vòng cung hướng về con đường mòn đầu dốc.

Mặt trời lặn từ từ…

Dưới chân núi vọng lên năm sáu tiếng “Ùm! Ùm! Ùm!…”  liên tiếp rồi im. Chắc quân ta đã cản địch bằng lựu đạn M26 trước khi rút.

Không lâu sau, toán bốn người của Hạ sĩ Chạy về tới chỗ quân bạn.

Toán của Hạ sĩ Chạy vừa lên tới đỉnh núi thì dưới chân dốc có tiếng mìn nổ và tiếng chó kêu “Ăng ẳng!”

Chắc chắn vài con chó săn và vài tên địch đã bị bẫy gài của chú Chạy đốn gãy cẳng  rồi.

Nhớ lại, hồi sáng, vừa nghe toán của chú Ma báo cáo là bị chó cắn, tôi đã hơi nghi. Vì xưa nay tôi đã hành quân qua nhiều buôn làng của người Thượng, hiếm khi thấy chó sủa người, chứ đừng nói tới chuyện chó tấn công người. Chó của dân Thượng chỉ sủa và cắn thú rừng, tuyệt nhiên chúng không cắn người!

Tối đó chú Ma kể lại tường tận diễn tiến sự việc, tôi mới rõ nguyên nhân vì sao mà toán của chú bị địch đuổi phải chạy vắt giò lên cổ.

Số là, sau khi đặt chân xuống bìa làng Dak Long 1 đã bỏ hoang, Trung sĩ Ma cho quân tụt xuống suối ém quân suốt bốn ngày. Tới khi nghe các toán khác phát giác dấu vết địch, Ma mới cho quân leo lên đỉnh ngọn đồi tranh hướng Bắc để dễ liên lạc và dễ bắt tay với hai toán kia.

Tới đỉnh đồi, họ đụng phải một bãi ngô đang có cờ, anh em tưởng đây là nương rẫy của dân Thượng từ ngoài Dak Tô vào canh tác.

Gần nửa tháng ở trong rừng, từ Mang Giang qua Dak Tô không có cọng rau nào trong bụng, ai cũng thấy xót ruột.  Sáu chàng viễn thám lủi vào ruộng ngô, mỗi người cạp vài bắp ngô non cho mát ruột.

Nào ngờ,

“Gâu! Gâu! Gâu!…”

bốn, năm con chó xông vào tấn công. Năm viễn thám viên vọt nhanh xuống suối. Riêng Binh nhì Lê Hóa vì luống cuống bởi chiếc ba lô chứa cái máy PRC 25 nên chậm chân.

Hai con chó săn bự xự nhào vào hai chân của Hóa. Hai hàm răng chó vừa nhọn, vừa sắc cắn tới tấp rồi nhay qua nhay lại.

Ðau quá, Hóa nhắm mắt quơ đại một băng hai chục viên M 16 rồi phóng xuống đồi.

Thì ra đỉnh ngọn đồi đó là vị trí một đơn vị tiền tiêu của địch.

Từ đỉnh đồi này chúng có thể kiểm soát hai trục lộ tiến sát từ Dak Tô và từ Tân Cảnh.

Chắc chắn đây là một đơn vị Trinh Sát hay Ðặc Công; các đơn vị cấp tiểu đoàn Ðặc Công hay Trinh Sát Việt-Cộng mới có chó săn để dò đường và dẫn đường.

Cũng may là mùa này gió theo hướng Ðông Tây, mấy ngày qua, toán Cam Ranh nằm cuối gió nên không bị chó đánh hơi, phát giác.

Tới khi nghe tiếng súng của viễn thám viên Lê Hóa nổ “Ðùng! Ðùng!” bọn Việt Cộng mới biết có địch xâm nhập. Tới khi chúng tập họp đủ quân số để truy kích thì kẻ địch của chúng đã chạy xa rồi.

Tôi thở ra nhẹ nhõm khi thấy quân ta không bị tổn thất gì đáng kể.

Hiện thời chúng tôi chỉ có hơn hai chục tay súng, kể cả anh Hóa thương binh và hai anh cố vấn Mỹ. Ðỉnh núi Ngok Long lại quá rộng và bằng phẳng, không có chỗ nào có thể cho chúng tôi dựa lưng để chống đỡ nếu địch mở ra những đợt tấn công liên tiếp.

Ðạn mang trên lưng chúng tôi cũng không nhiều, nếu phải đánh nhau suốt đêm thì chúng tôi sẽ nguy ngay.

Tôi nghĩ, nếu địch tiếp tục truy kích chúng tôi thì chắc chắn chúng sẽ theo con đường mà tôi đã dùng để đổ dốc sáng nay. Tôi bèn trải quân theo hình cánh cung đóng chốt đôi ngay đầu con đường mòn.

Ngoài hai quả Claymore sẵn sàng, chúng tôi còn chuẩn bị gần chục trái lựu đạn M26 để nghênh đón địch ngay đầu dốc.

Ðêm xuống, bóng tối dâng lên, tinh thần chúng tôi càng lúc càng thêm căng thẳng.

Sợ địch sẽ lợi dụng bóng tối để leo lên tập kích, tôi nhờ Goodell xin không quân yểm trợ gần. Chỉ nửa giờ sau, hai trực thăng võ trang Cobra đã đảo một vòng trên đầu tôi. Tôi điều chỉnh Cobra đánh sát chân Ngok Long, rồi từ đó kéo dài vùng oanh kích xa dần về hướng Tây Bắc.

Khi Cobra rời vùng, tôi đã có sẵn một máy bay Hỏa Long AC 47 lên thay thế.

Chúng tôi được Hỏa Long bao vùng cho tới gần sáng.

Ðêm đó Binh nhì Hóa bị vết chó cắn làm độc, lên cơn sốt mê man.

Mặt trời chưa lên, mọi người đã ba lô, súng đạn gọn gàng.

Tôi cho người thay nhau cõng chú Hóa và theo chân nhau tụt xuống núi lánh nạn.

Tôi quyết định không đổ thêm quân vào vùng. Trừ bị của tôi chỉ còn một trung đội nằm ở Tân Cảnh. Nếu sử dụng nốt trung đội này, sẽ không còn ai tiếp cứu nữa. Sau đó lại phải đánh nhau với một lực lượng địch bốn năm lần mạnh hơn mình trong rừng rậm thì chết là cái chắc!

Rút lui khỏi đây càng nhanh càng tốt mới là thượng sách.

Tới trưa, bên một vách núi chênh vênh, chúng tôi an toàn leo lên trực thăng về Tân Cảnh.

Ngày sau nữa tôi triệt xuất hai toán còn lại không trở ngại.

Về tới Tân Cảnh, tôi tập họp các toán lại, để đúc kết tình hình.

Dịp này toán Bắc Bình báo cáo rằng trong những ngày vừa di chuyển vừa theo dõi địch, họ phát giác ra năm sáu vị trí khói bốc lên rải rác trong thung lũng Dak Sing, cặp theo con đường xe be chạy dài từ Dak Men vào tới chân núi Ngok Sie.

Ngày nào cũng thế, các lùm khói chỉ xuất hiện vào lúc mờ sáng khi sương mù chưa tan; tới khi nắng lên thì cảnh vật trở lại yên tĩnh, không có gì đáng nghi.

Thiếu úy Nhờ cho rằng những cuộn khói ban mai đã bốc lên từ các bếp nấu cơm hàng ngày của Việt-Cộng.

Từ những dữ kiện trên, tôi suy ra, đơn vị Việt-Cộng nằm dài theo thung lũng Dak Sing dưới kia chính là Tiểu Ðoàn 37 Ðặc Công của Mặt Trận B3 Cộng-Sản.

Chúng tôi có một ngày nghỉ ngơi rồi lên trực thăng rời Tân Cảnh.

Trung tá Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn không tiếc lời khen ngợi chúng tôi đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.

Trung tướng Lữ Lan, Tư lệnh Quân Khu 2 cũng đã vui vẻ ra tận bãi đáp trực thăng của Thành Pleime để bắt tay và nói lời khích lệ tinh thần chúng tôi.

Tôi về tới Cư Xá Trần Quý Cáp, Pleiku thì chú Phong đã đi rồi.

Trung tá Bé kể lại,

– Thằng học trò của Long đúng là một tên “gàn” hết cỡ! Có mười con cua của bà má Long gửi vào, anh bảo nó luộc lên rồi cất đi chờ Long, nó không nghe. Mỗi ngày vài con cua chết; qua năm ngày thì chẳng còn con nào. Cả ngày nó cứ đi ra, đi vô, không yên. Ðêm nào anh cũng nghe tiếng nó khóc. Tội nghiệp quá!

Không lâu sau, mẹ tôi bất ngờ vào Pleiku báo cho tôi một tin thật là buồn,

– Vợ thằng Phong mới bế đứa con gái nhỏ vào Hội An báo cho mẹ biết rằng thằng Phong chết rồi! Vợ nó nói, thằng Phong được đi học truyền tin ở Vũng Tàu, nhưng cứ mải đi chơi, trình diện trễ, bị trả về nhiệm sở cũ. Ít lâu sau thì tử trận! Mẹ đã cho vợ nó một số tiền, và dặn, bất cứ lúc nào nó cần giúp đỡ thì cứ vào Hội An gặp mẹ.

Vừa kể chuyện này, mẹ tôi vừa lau nước mắt. Chú Phong mồ côi mẹ. Từ đầu năm 1966, khi nhà tôi còn cư ngụ tại Khu Hồ Sen chùa Âm Bổn, Hội-An, chú Phong tới thăm mẹ tôi lần đầu, chú ấy đã coi mẹ tôi như là mẹ chú ấy. Mỗi khi ghé nhà tôi, chú thường gọi mẹ tôi,

“Mẹ ơi! Mẹ ơi!…”

Chú Phong mất, mẹ tôi cũng đau lòng như vừa mất một người con mang nặng, đẻ đau.

Tin này đã khiến lòng tôi áy náy không yên một thời gian khá dài.

Nếu ngày đó mẹ tôi không gửi mười con cua Cửa Ðại vào Pleiku cho tôi, chắc chú Phong đã đi thẳng một lèo từ Hội-An vào Vũng Tàu rồi.

Nếu ngày đó chú Phong tới Pleiku, tôi vắng nhà, chú không chịu chờ, chắc chắn chú ấy đã không bị trình diện trễ.

Nghĩ xa hơn, nếu năm 1967 anh tân binh có tên Lê Văn Ơn được bổ sung cho Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân ở Pleiku, thì biết đâu anh ta vẫn còn sống!

Cuối cùng tôi đành tự an ủi:

“Con người sống chết có số. Cái số của chú ấy đã như vậy rồi, thì có cưỡng cũng chẳng được!”

Ðầu tháng Bảy năm 2013, một người đàn ông, giọng trọ trẹ, từ Phong Ðiền, Quảng Trị, Việt-Nam gọi điện thoại cho tôi ở Seattle,

– Trung úy ơi! Cái bật lửa Zippo có khắc giòng chữ “TA LÀ VUA” của Trung úy có còn đó không? Nếu còn, ông cho em mượn để mồi một điếu Lucky!

Vừa nghe câu này, tôi biết ngay rằng người ở đầu dây bên kia phải là người đã từng cùng tôi chia ngọt sẻ bùi trong suốt thời gian dài ở Ðại đội 1/11 Biệt Ðộng Quân từ 1967 tới 1969. Họ biết ngày đó tôi có cái Zippo khắc giòng chữ “TA LÀ VUA” vừa khinh mạn, vừa ngổ ngáo, cũng như họ biết trong túi tôi lúc nào cũng có một bao thuốc lá hiệu Lucky không đầu lọc.

Sau này, dù tôi đã đeo lon đại úy, thiếu tá lâu rồi, những thuộc cấp cũ của tôi và cả vợ con họ, mỗi khi gặp lại, đều kêu tôi là “Trung úy” .

Tôi không giấu nổi nỗi vui mừng nên la lớn,

– Ai đó?

– Lụa đây trung úy! Trung úy có nhớ tên em không?

– Okay! Nhớ rồi! Trung sĩ nhất Ðoàn Văn Lụa ở Ðại đội 1!  Lụa đang ở đâu vậy? Có khoẻ không? Gia đình bình yên chứ?

-Dạ, em đang ở quê Quảng Trị, em mới tìm được số điện thoại của Thái Sơn, em gọi Thái Sơn, trước là để thăm Thái Sơn và gia đình, sau là báo cho Thái Sơn biết rằng vợ thằng Nguyễn Hồng Phong đã mất cách nay mấy tháng rồi!

Trung sĩ nhất Ðoàn Văn Lụa là một tiểu đội trưởng ở Ðại đội 1/ 11 giải ngũ sau khi bị thương ở Ðà-Lạt trong trận Tết Mậu Thân.

Tình huynh đệ chi binh vẫn còn đó, bốn mươi lăm năm qua đi, mà ông trung sĩ nhất tiểu đội trưởng vẫn chưa quên ông trung úy đại đội truởng của mình.

Tôi thắc mắc,

– Ủa! Lụa quen nhà thằng Phong à? Ðứa con gái của thằng Phong bây giờ đâu?

– Trình Thái Sơn, vợ thằng Phong là em ruột của Lụa. Sau khi thằng Phong chết, cô ấy đem con về quê Quảng Trị ở nhà em. Cách nay vài tháng cô ấy qua đời vì bệnh. Còn đứa con cô ấy thì bỏ xứ, đi làm xa, lâu lắm rồi không có tin tức gì.

Vì từ năm 1974 mẹ tôi đã di chuyển vào Sài-Gòn định cư, nên gia đình tôi không còn biết thêm tin tức gì của vợ con chú Phong.

Mẹ tôi cứ áy náy rằng vợ chú Phong còn quá trẻ, năm chú Phong tử trận vợ chú mới trên hai mươi tuổi mà đã thành góa phụ, thật là tội nghiệp.

Tôi không hỏi thêm, nhưng qua cung cách nói chuyện của chú Lụa, tôi tin rằng người em gái của chú ấy một đời chỉ có một mối tình.

o O o

Lá đỏ trong rừng lạ

Ðầu tháng Năm năm 1970 có một anh lính của Tiểu Ðoàn 23 vừa chết trận. Quê quán anh ở xã Châu Sơn, Ban Mê Thuột, thân nhân của anh đã áo tang, khăn trắng túc trực ở Quân Y Viện Pleiku. Trung tá Sâm muốn nhờ tôi bay theo trực thăng, đưa quan tài của người lính đó về thẳng Châu Sơn, đáp giữa sân nhà thờ.

Tôi vừa xuất viện sau khi mổ lấy một mảnh cối 82 ly bên sườn, còn rảnh rang, nên cũng muốn nhân dịp này ghé nhà thăm Loan vài hôm nên nhận lời làm công tác này ngay.

Thói quen, cứ lên trực thăng thì thế nào tôi cũng đem theo một cái PRC 25 có tần số của đài tiếp vận Hàm Rồng. Nếu đi đâu bằng máy bay cánh thẳng thì tôi không mang máy.

Chiếc trực thăng có nhiệm vụ bay con thoi cho Quân Khu 2 ngày hôm đó đã trình diện rất đúng giờ. Họ tới từ Camp Holloway, Pleiku. Phi hành đoàn gồm bốn quân nhân Mỹ trắng. Ông đại úy trưởng phi cơ hơi lớn tuổi, ăn nói có vẻ cộc lốc, thô lỗ nhưng dứt khoát. Ba người còn lại, gồm một trung úy phi công phụ và hai cơ phi xạ thủ thì còn trẻ măng.

Chiếc HU1 D phải dựng ghế lên thành tàu mới đủ chỗ cho tôi và bốn thân nhân tử sĩ ngồi bệt hai bên chiếc quan tài.

Mặc dù quan tài đã được hàn thiếc xung quanh, nhưng mùi tử thi vẫn khiến hành khách không chịu nổi. Hai cánh cửa trực thăng đã được mở rộng tối đa mà tôi vẫn còn cảm thấy khó thở.

(còn tiếp)