Lòi Giới Thiệu:

“Một lần qua sông Đáy” là bức tranh sống động, mô tả thật chi tiết và rõ ràng một quãng đời đầy khổ ải, buồn đau, và tủi nhục sau ngày Miền Nam sụp đổ của những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa bị lưu đày nơi đất Bắc.

Diễn tiến sự việc theo từng thời gian và không gian đã được những người trong cuộc tường trình lại một cách thật chính xác. Vì thế, đây có thể coi như một tài liệu lịch sử đáng tin cậy để lưu truyền lại cho lớp hậu sinh. 

Thế rồi một hôm, xui xẻo làm sao, anh đã bị cán bộ bắt được khi vừa ôm mấy củ sắn chui trở vào trong vòng rào.

Tên Việt-Cộng hỏi,

– Anh làm cách nào mà có mớ sắn này? Khai ra mau!

Hòa thật thà thú tội,

– Trình cán bộ tôi chui ra vườn ngoài rào đào trộm.

Thằng bộ đội tỏ vẻ nghi ngờ,

– Tôi không tin! Rào tre kín thế thì anh làm cách gì mà chui qua? Ðâu? Anh chui như thế nào thì làm lại cho tôi xem!

Nghe thế, anh pilot Việt-Nam Cộng-Hòa ngây thơ vội nhanh nhẹn dẫn tên cán bộ Việt-Cộng ra vị trí mà anh đã vạch một lỗ xuyên qua hàng rào nứa.

Tiếp đó anh từ từ biểu diễn lại màn “Anh chui qua rào…” cho tên cán bộ xem.

Vào đúng lúc anh ở vị thế đầu ngoài rào, chân trong vườn, thì “Ðoàng! Ðoàng! Ðoàng!”  ba viên đạn liên tiếp nổ giòn.

Tiếng súng chưa kịp dội trong vách núi đã có tiếng la thất thanh,

“Ối! Anh em ơi! Cứu tôi với!”

Cũng ngay sau đó là tiếng hô hoán đặc sệt giọng Nghệ -Tĩnh của thằng quản giáo,

“Trốn trại! Báo động! Có tù trốn trại!”

Lập tức, kẻng báo động “Keng! Keng! Keng!” khua vang, vệ binh chạy xuống ào ào. Trại 9 nhốn nháo, om sòm.

Ðêm hôm đó tất cả cải tạo viên trong Trại 9 đều biết tin anh cựu phi công Trần Văn Hoà vượt ngục, nhưng không may, vừa chui chưa khỏi rào đã bị cán bộ tuần tra bắt gặp rồi bắn cho gãy giò.

Trại 9 có cái bệnh xá của Liên Trại 4 nằm sát bên, nên anh Hòa đã được cứu chữa cấp kỳ, vết thương không kịp làm độc.

Y tá Việt Cộng đã cứu anh bằng cách nhanh tay cưa đứt ngoém một chân anh. Cưa sát tới đầu gối, cưa không thuốc tê, cưa không thuốc mê, và cưa bằng cưa thợ mộc!

Sau khi vết thương kéo da non, Hòa được ưu ái cho về đội đan lát làm công việc nhẹ. Tới khi chuyển trại về Nam-Hà A anh Hòa cũng được làm việc nhẹ.

Nghe Hòa kể lại chuyện chui rào, mà tôi thấy sởn da gà và dựng tóc gáy.

Tôi sởn da gà vì không thể tin rằng trên thế gian này lại có thứ người gian manh, quỷ quyệt, và khát máu như tên cán bộ Việt-Cộng kia.

Hình như cái ác, cái gian đã tiềm tàng trong huyết quản của thằng cán bộ này từ ngày nó mới sinh ra?

Thay vì chỉ phạt cùm, phạt nhốt bỏ đói anh Hòa vài ngày, nó đã nghĩ ngay ra phương cách hợp lý để lạnh lùng bắn nát một chân anh.

Tôi dựng tóc gáy vì thấy cung cách cứu thương của Việt-Cộng sao mà dã man và tàn độc quá.

Ngày còn bị giam ở Trại 3 tôi đã nghe anh cựu Ðại úy Trần Mộng Long kể lại rằng, anh ta bị đau ruột dư, được mang lên bệnh xá Liên Trại 4 chữa trị.

Anh được mổ bụng bằng con dao cạo của thợ hớt tóc, mổ không thuốc mê, mổ không thuốc tê.

Thấy thế đã sợ rồi.

Nay so với chuyện cưa xương ống chân của anh Trần Văn Hòa, cũng không thuốc tê, không thuốc mê, mà còn bị cưa bằng cưa của thợ mộc thì chuyện mổ ruột dư của anh Trần Mộng Long chỉ là chuyện tầm thường, không đáng kể.

Cuối năm 1980 Trại Nam-Hà A có một đợt phóng thích. Trong số những người được thả có thân phụ của chú Tạ Văn Quang là cựu Ðại tá Tạ Văn Kiệt.

Buồng 16 cũng có hai người được về nhân dịp này; người thứ nhất là cựu Ðại úy Trần Bá Huệ của Phủ Tổng Thống, anh Huệ được ông Dương Văn Minh bảo lãnh, người thứ nhì là cải tạo viên Lê Văn Tịnh, không biết ai đã bảo lãnh anh ta.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Cũng nhân dịp này, Buồng 16 có nhân viên đánh xe cải tiến đổ thùng mới là anh cựu Ðại úy Ðịa Phương Quân Nguyễn Văn Thương.

Anh Thương đã tình nguyện thay chân anh Chánh, vì anh Chánh bị bệnh sốt rét, xơ gan phải đi nằm bệnh xá.

Ngày Lê Văn Chánh được đưa xuống bệnh xá, tôi những tưởng rằng sớm muộn gì bạn tôi sẽ qua đời. May thay anh em gom góp được gần chục vỉ thuốc trị sốt rét hiệu Fansidar cho Chánh uống, nên Chánh thoát chết. Vì thế mà từ đó, Lê Văn Chánh có biệt danh là “Chánh Phăng Si Ða”

Bệnh xá nằm ở góc cuối sân, cách Buồng 16 một bức tường cao.

Người cai quản bệnh xá là Bác sĩ Trần Văn Chơn, em ruột Bác sĩ Trần Lữ Y Tổng Trưởng Y Tế Việt-Nam Cộng-Hòa.

Phụ tá cho Bác sĩ Chơn là Bác sĩ Trương Như Quyến, em ruột của Luật sư Trương Như Tảng, Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp của Chính Phủ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Trong thời gian Lê Văn Chánh đi nằm bệnh xá thì có một phái đoàn quan khách ngoại quốc tới thăm trại. Những người không có phận sự như tôi bị tập trung rồi bị dẫn vào trong trại chăn nuôi của hình sự ngồi chờ, khi nào phái đoàn đi khỏi, chúng tôi mới được về. Trại chăn nuôi nằm cách Trại A chừng một cây số về hướng núi. Xế chiều chúng tôi được dẫn về.

Tôi về tới trại thì Lê Văn Chánh đã đứng chờ trước sân.

Chánh đưa cho tôi một lon sữa bò còn hơn nửa,

– Long uống đi! Uống cho khoẻ.

Tôi hỏi,

– Của hiếm này ở đâu ra thế?

Chánh hối thúc,

– Uống đi! Uống hết đi rồi tui kể cho nghe.

Tôi há miệng hút hết nửa lon sữa đặc không pha. Chất ngọt của sữa làm cho tôi muốn cứng họng.

Thì ra hôm đó phái đoàn đã xuống quan sát tại chỗ tình trạng sức khoẻ và đời sống của các cải tạo viên đang nằm bệnh xá.

Họ trầm trồ khen ban chỉ huy trại đã đối xử với tù rất là nhân đạo khi thấy đầu giường mỗi bệnh nhân đều có một hộp bánh ngọt và một hộp sữa đặc có đường.

Trong khi phái đoàn đang nói chuyện với Bác sĩ Trương Như Quyến thì Bác sĩ Trần Văn Chơn ra dấu cho anh em bệnh nhân mở bánh ra ăn, mở sữa ra uống.

Phái đoàn thấy cảnh này thì có vẻ thích thú lắm, vài vị quan khách còn đem máy ảnh ra bấm lia lịa…

Anh Lê Văn Chánh sau khi xơi hết hộp bánh ngọt bèn làm một hơi nửa hộp sữa đặc có đường. Uống được nửa chừng thì Chánh nhớ tới tôi. Chánh để dành cho tôi nửa hộp.

Phái đoàn đi rồi, Bác sĩ Quyến mới giãy nảy lên,

– Anh Chơn! Anh cho tụi nó ăn hết đồ biểu diễn thì anh chịu trách nhiệm đó. Tui coi như không dính dáng gì tới vụ vi phạm này!

Bác sĩ Chơn đóng vai ngây thơ,

– Ủa! Không phải là mấy thứ đó trại đem xuống để bồi dưỡng cho người bịnh ư?

Bác sĩ Quyến trợn mắt,

– Bồi dưỡng cái con khỉ! Chỉ để biểu diễn thôi! Hết thăm viếng mình phải thu lại trả cho trại!

Hôm sau có lệnh của ban chỉ huy trại cho Bác sĩ Trương Như Quyến làm “Bác sĩ Trưởng” còn Bác sĩ Trần Văn Chơn tụt xuống làm nhân viên.

Cũng tự đó về sau, mỗi khi có phái đoàn tới thăm, tất cả bệnh nhân già, trẻ, què quặt, hay liệt chiếu, liệt giường đều bị điệu sang trại chăn nuôi từ sáng sớm.

Thay vào đó là những tù hình sự được nằm vào giường bệnh và được dặn dò cẩn thận rằng không được mở mấy gói bánh ngọt và sữa hộp ra ăn.

Những đồ ăn này chỉ để trang trí lòe mắt phái đoàn.

Phái đoàn đi rồi thì những thứ này phải đem trả lại cho căng tin của trại.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Ðầu năm 1981 có đợt chuyển trại quy mô đầu tiên. Một số tù được di chuyển từ Nam Hà để về Nam, tới các Trại Gia-Trung, Pleiku và Z30C, Z30D, Hàm-Tân, Thuận-Hải.

Những nhân vật ở Buồng 16 có liên quan trực tiếp tới cái radio và cái quan tài của Trần Hàn là Hồ Văn Hòa, Tạ Văn Quang, Trần Tiến Bích, Vương Mộng Long, Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Ninh, đều được di chuyển vào Nam.

Riêng cải tạo viên Lê Văn Chánh vì mang bệnh sốt rét nặng nên còn nằm bệnh xá.

Tới đầu năm 1982 Chánh Phăng Si Ða cũng được chuyển trại.

Sau đợt giảm tù lần này Trại Nam-Hà A bắt đầu bị đưa vào chế độ cai quản khắc nghiệt hơn xưa.

o O o

Lò sát sinh Trại Mễ…

Tôi đã bị đưa vào Nam từ đầu năm 1981, những sự việc xảy ra từ 1982 tới 1988 mà tôi ghi lại tiếp theo đây là lời tường thuật của các anh cựu Ðại tá Biệt Ðộng Quân Cao Văn Ủy, cựu Ðại úy Thủy Quân Lục Chiến Mai Văn Tấn và cựu Ðại úy Ðại Ðức Lê Thái Bình.

Một hôm, ông cựu Trung tá Nguyễn Huề lang thang sang buồng khác thăm bạn bị tên Chèo Lực bắt gặp. Lời qua tiếng lại vài ba câu chưa xong thì tên Chèo Lực đã ra tay đánh ông Huề.

Sáng hôm sau, giờ tập họp đi lao động anh em Ðội 20 đã reo hò “đả đảo!” để phản đối Chèo Lực.

Ða số cải tạo viên Ðội 20 là những người còn rất trẻ, là thành phần phản động và Phục Quốc.

Ðội trưởng Ðội 20 là cựu Trung úy Pháo Binh tên là Nguyễn Văn Hồng.

Hồng nhỏ con, trắng trẻo, mắt lồi, nhưng rất dễ mến.

Hồng là một nhạc sĩ tài tử, anh đã viết được vài bản nhạc mà bạn bè rất ưa thích. Trong đó nổi bật là hai bài “Như Mưa Cam Lồ” và “Ðôi Giày Dũng Sĩ.”

Nguyễn Văn Hồng là một con chiên Công Giáo, nhưng khi thai nghén tác phẩm “Như Mưa Cam Lồ” thì anh đã tham khảo ý kiến của cựu Ðại úy Ðại Ðức Tuyên úy Phật Giáo Lê Thái Bình, do đó lời của bài hát này đã giống như lời tiên tri của sự mất mát, của sự chia ly, và của sự siêu thoát.

Trong khi đó thì lời ca của bài “Ðôi Giày Dũng Sĩ” lại mang tính chất bùng nổ, tàn phá như tiếng súng thần công, tiếng đạn đại bác.

Bài hát mở đầu với câu, “Ðôi giày dũng sĩ đạp nát quân thù!”

Lời ca này đã thể hiện con người thật của Nguyễn Văn Hồng là một sĩ quan Pháo Binh.

Vì trình độ ký âm của Nguyễn Văn Hồng không khá cho lắm, nên mỗi khi viết xong một bài ca, Hồng đều nhờ nhạc sĩ cựu Ðại tá Lê Thọ Trung chỉnh sửa.

Hôm đó Ðội 20 đã châm ngòi một cuộc nổi dậy.

Trong sân trại, tiếng la ó dậy trời lan từ đội này tới đội khác.

“Ðả đảo Chèo Lực! Ðả đảo Cộng Sản!”

Thế là không khí bỗng chốc sục sôi như sắp có bạo loạn.

Ngay lập tức, vệ binh ào xuống đuổi tất cả trại viên về buồng.

Hôm sau Ðội 20 bị áp tải sang phân trại B.

Ðại đức Lê Thái Bình thuộc quân số của Ðội 20 nên bị đem đi đã đành, nhưng “Con nhạn là đà” Mũ Xanh Mai Văn Tấn ở Ðội 27 mà cũng bị còng tay thì thật là oan.

Ngày xảy ra chuyện lộn xộn, Mai Văn Tấn không những đã tích cực to tiếng “Ðả đảo Chèo Lực!” mà còn nhởn nhơ quơ chân, múa tay trước mắt cán bộ, nên cán bộ đã túm cổ, còng tay, tống vào trong hàng ngũ Ðội 20.

Vào Trại B các anh hùng trẻ tuổi của Ðội 20 vẫn tiếp tục các hành động chống đối và phá rối.

Ở đây cũng đã có những nhân vật cứng đầu, bất khuất sẵn sàng chung vai sát cánh với Ðội 20 như cựu Trung tá hoa tiêu Trực thăng Nguyễn Văn Trọng, cựu Ðại úy Ðơn vị 101 Nguyễn Tấn Mới.

Buổi sáng ngày mà Ðội 20 chuẩn bị rời Trại B thì tên trưởng trại cho lệnh tập họp tất cả tù đứng trước sân rồi lớn tiếng hỏi,

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

– Các anh thấy Ðội 20 phá phách, quầy rối như thế thì đúng hay sai?

Trong hàng ngũ tù có ai đó trả lời thật lớn,

– Ðúng! Ðội 20 phá phách là đúng!

Ngay lập tức, người vừa phát ngôn câu phát biểu trên đã bị tống vào hàng ngũ Ðội 20. Người trẻ tuổi này là một cải tạo viên diện Phục Quốc và phản động. Cậu ấy mới 15 tuổi, có tên là Tài. Anh em gọi cậu bé này là Tài Con.

Rồi Ðội 20 cùng các cảm tình viên của đội này là Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Tấn Mới, Tài Con bị trói tay đưa lên xe chở ra Trại Mễ.

Trại Mễ là tên của một trại tù xây dựng trong ngôi làng có tên là làng Mễ ở Phủ Lý. Nhân chuyến chuyển trại từ Thái Nguyên về Nam Hà đầu năm 1979 tôi đã có dịp ngủ qua một đêm ở trại này. Trại có hai hệ thống nhà giam, một ở dưới hầm và một ở trên mặt đất. Mỗi hầm có sức chứa khoảng bốn chục tù nhân nằm sát nhau. Ngày qua trại này, tôi bị nhốt trong hầm nên không rõ trên mặt đất có hình dáng thế nào.

Từ năm 1982 thì Trại Mễ trở thành một chi nhánh đặc biệt của Trại Nam Hà.

Trại này là nơi tập trung hai dạng tù.

Tù cứng đầu, và tù nhân bị bệnh nặng.

Người ta đặt tên cho Trại Mễ là “Ðoạn Ðầu Ðài” hay “Lò Sát Sinh” vì ai bị đưa tới đây chắc chắn sẽ không sống sót.

Tù cứng đầu bị tra tấn và bỏ đói cho tới chết. Tù bệnh nặng thì không cần chữa trị, cứ để nằm đó chờ bao giờ tắt thở thì đem chôn.

Khẩu phần lương thực của tù nhân ở đây bị cắt giảm 50 phần trăm, nghĩa là chỉ có nửa chén bo bo mỗi bữa, nước thì nửa lon Guizgo để uống, nửa lon Guizgo để làm vệ sinh một ngày.

Tù bình thường sẽ được tắm rửa mỗi tháng một lần, còn tù loại nguy hiểm thì sáu tháng mới được tắm gội một lần.

Ðội 20 tới Mễ không lâu thì một vụ giết người đã sớm xảy ra, kết thúc một mạng sống.

Khi biết tin anh cải tạo viên cựu Thiếu úy Cảnh Sát Vương Khai Quân, trong kỳ thăm nuôi vừa qua đã được người nhà dúi cho một cái nhẫn hai chỉ, thì cán bộ Ðản cai tù đã sai tên Trí, một tù hình sự siết cổ Quân để cướp vàng cho Ðản. Chuyện giết người cướp của vỡ lở, tên Trí bị còng tay đem đi, không rõ đi đâu. Xác của Vương Khai Quân thì ra nghĩa địa.

Ở Trại Mễ bỗng có bệnh kiết lỵ.

Bệnh này lây lan rất nhanh và giết người cũng rất nhanh.

Sau cái chết của Thiếu úy Vương Khai Quân là cái chết của cựu Trung sĩ Không Quân Nguyễn Văn Ðịnh.

Trung sĩ Ðịnh chết vì mắc bệnh kiết lỵ biến chứng, nghĩa là vừa bị đi cầu ra máu, vừa bị sốt cao.

Nguyễn Văn Ðịnh là người tù cùng buồng với Ðại Ðức Lê Thái Bình. Thấy Ðịnh nằm im không thở, Bình bèn bắc loa tay la lên,

– Báo cáo cán bộ! Buồng tôi có người chết!

Cán bộ bước vào vạch mắt Ðịnh ra kiểm tra, thấy con mắt của Ðịnh đã đứng tròng. Mắt đứng tròng là mắt người đã chết, vì thế, cán bộ phán,

– Chết rồi! Ðem đi!

Lập tức hai tù hình sự bước vào khiêng Ðịnh xuống nhà tẫn liệm.

Tuần sau, cựu Trung tá Nguyễn Văn Trọng được đưa tới giam chung buồng với Lê Thái Bình. Anh Trọng cũng đang bị bệnh.

Trọng than thở rằng anh đói bụng lắm, Bình đã bóp bụng nhường cho bạn một nửa phần ăn, nhưng Trọng vẫn đói.

Sau đó, Nguyễn Văn Trọng được chuyển sang chung phòng với Nguyễn Tấn Mới.

Rồi một buổi tối Trọng được đưa qua bệnh xá chữa bệnh.

Nhưng y tá vừa chích cho Trọng một mũi thuốc thì chỉ vài phút sau Trọng đã tắt thở.

(còn tiếp)