Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

Vương Mộng Long và đơn vị chuẩn bị vào trận. Ảnh do tác giả cung cấp 

Gặp mặt đồng đội mới …

Sau chiến thắng Pleime 1974, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi được thưởng ba ngày nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ. Hậu cứ của tiểu đoàn nằm ngay cổng vào Phi Trường Dân Sự Pleiku. Trong ba ngày 16, 17, 18 tháng 9 năm 1974 này, từ ông đại úy tiểu đoàn phó trở xuống đều được phép rong chơi trong phố, tới chiều thì về tập họp, rồi được phân phối từng toán năm, bảy người, lên xe, đi dự tiệc do các hội đoàn Dân Chính hay Doanh Gia tư nhân của Thành phố Pleiku khoản đãi.

Riêng cá nhân tôi, Thiếu tá Vương Mộng Long, Tiểu đoàn trưởng, lại bận rộn đầu tắt, mặt tối, liên miên, suốt ngày.

Ngoài công việc thăm thương binh, thăm gia đình tử sĩ, ký phúc trình tổn thất, ký đề nghị thăng thưởng, tôi còn một công việc cấp thiết phải làm là “thẩm vấn” những quân nhân vừa được bổ sung.

Theo thông lệ, mỗi khi có quân nhân mới đáo nhậm đơn vị, tôi phải đích thân tiếp chuyện quân nhân đó vài ba phút, để biết anh ta là người như thế nào, rồi sắp xếp cho anh ta vào vị trí thích hợp.

Kỳ này tiểu đoàn tôi được bổ sung 150 quân nhân, gồm có hai sĩ quan, hai hạ sĩ quan, số còn lại là tân binh quân dịch từ Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn chuyển tiếp cho Biệt Ðộng Quân.

Nếu chỉ bỏ ra năm phút để tiếp xúc với một người, thì tôi cũng phải tốn ba buổi sáng, mỗi buổi bốn tiếng đồng hồ mới gặp đủ 150 ông Biệt Ðộng Quân mới tới.

Ngày đầu tôi nói chuyện với những quân nhân này là 16 tháng 9 năm 1974. Ðây cũng là ngày đã ghi lại vài kỷ niệm mà suốt đời tôi còn nhớ.

Người thứ nhất bước vào văn phòng là một thiếu úy từ Vùng 3 ra, anh ta tên Ðặng Thành Học, quê quán Long-An. Anh thiếu úy này trông đẹp trai như tài tử Anthony Perkins thời còn trẻ.

– Vì lý do gì chú bị đưa ra Vùng 2. Nhìn Học, tôi từ tốn hỏi.

– Dạ! Thưa Thiếu tá tui trình diện trễ sau khi mãn khóa Rừng Núi Sình Lầy. Học vừa cười hì hì vừa trả lời tôi.

– Nếu không thích ở đây thì chú viết đơn khiếu nại, tôi sẽ chuyển tiếp và cho chú về liên đoàn, chờ quyết định của cấp trên. Ai không muốn làm việc với tôi, tôi sẵn sàng ký sự vụ lệnh hoàn trả, không lưu giữ. Ðặc biệt là sĩ quan, tôi tuyệt đối dễ dãi, cho đi ngay!

– Thiếu tá cho tui ở đây với Thiếu tá. Mắt nhìn ngay mặt tôi, miệng Học vẫn cười.

Tôi bắt tay Thiếu úy Học,

– Tôi biết chú đã từng làm đại đội trưởng, vậy thì ngay chiều nay chú thay Thiếu úy Ðình Khay chỉ huy Ðại Ðội 1. Ông Khay mới được gọi đi học khóa Rừng Núi Sình Lầy, Dục-Mỹ. 

Từ ấy, Thiếu úy Ðặng Thành Học trở thành một trong những đàn em thân thiết của tôi; Học đã cùng tôi chiến đấu quên mình trong suốt những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến Việt-Nam.

Người thứ nhì giáp mặt tôi sáng hôm đó là Trung úy Võ Hữu Danh. Trung úy Danh là đàn em khóa 25 Võ-Bị của tôi. Chú Danh đã nghe biết tên tôi từ trước ngày chú ấy nhận lệnh thuyên chuyển về đơn vị này. Do đó thời gian tiếp xúc với Danh không dài. Tôi cho chú Danh coi Ðại Ðội 2 thay thế Trung úy Nguyễn Hữu Anh. Ông Anh vừa nộp đơn xin về phục vụ đơn vị địa phương nơi nguyên quán của ông ta.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tiếp theo là hai hạ sĩ quan, một Trung sĩ người Quảng và một Trung sĩ người Thượng.

Anh Trung sĩ người Thượng vào trình diện trước. Anh này nước da đen đủi, nhỏ con nhưng dáng bộ rất lanh lẹ,

-Trung sĩ Y Thon Nier trình diện ông Thiếu tá.

-Ngồi xuống ghế đi! Trung sĩ từ đâu tới?

-Thưa ông Thiếu tá! Tui từ Tiểu Ðoàn 22 tới.

-Lý do thuyên chuyển?

-Tui xin ông Ðại tá! Ông Ðại tá cho tui về ở với ông Thiếu tá!

-Tại sao Trung sĩ lại muốn về ở với Thiếu tá?

-Tui là lính của ông Thiếu tá mà! Tui thương ông Thiếu tá tui mới xin về 82.

– Trung sĩ là lính của Thiếu tá hồi nào? Thiếu tá không biết Trung sĩ là ai cả!

– Thì năm 1971 tui là Binh nhất, lính của ông Thiếu tá ở Tiểu Ðoàn 4 Mike Force đó!

Tôi ngẩn người,

– Vậy chứ mi ở đại đội nào?

Anh trung sĩ người dân tộc Ra Ðê chợt đứng dậy, bước tới trước bàn giấy của tôi; anh giơ hai bàn tay cháy nắng, sần sùi, vừa nắm, vừa bóp nhè nhẹ bàn tay trái của tôi đang đặt trên bàn, rồi cúi mặt, sụt sịt khóc,

– Hồi đó ông thầy là Ðại úy Tiểu đoàn trưởng của tui! Tui là lính tải đạn đại liên cho khẩu M60 của Ðại Ðội Chỉ Huy và Công Vụ. Ông thầy quên tui rồi sao?

Cựu Th/tá Vương Mộng Long và Cựu Th/úy Lý Ngọc Châu – USA 2007.

Tôi bóp trán hồi tưởng lại chuyện bốn năm về trước. Lính của tôi thời đó, chín mươi phần trăm là dân thiểu số với đủ thứ dân khác nhau, nào là người Ra Ðê, người Ja Rai, người Stieng, người Ba Na, người Hời, người Nùng, người Thái, người Miên, anh nào trông cũng giống anh nào, khó mà phân biệt.

Mặt của hai ông sĩ quan người Thượng Ra Ðê và ông hạ sĩ quan thường vụ tiểu đoàn người Chàm mà tôi còn không nhớ, thì làm sao tôi nhận ra anh binh nhứt vác đạn đại liên?

Nhưng nhìn vào bộ dạng chân chất, mộc mạc, vô tư của người lính Ra Ðê này, tôi không đang tâm nói thật với anh ta rằng tôi không nhận ra anh ta là ai.

Tôi đành dối lòng, nghiêng đầu, gật gù, rồi dịu dàng nói với anh ta,

– Mi là thằng Thon tải đạn! Ðúng rồi! Thiếu tá nhớ ra rồi!Thôi! Nín đi Thon!

Nghe được những lời này, mặt Y Thon Nier rạng rỡ hẳn lên, nó toét miệng, nhe răng ra cười, hàm răng của nó bị cà, chỉ còn một nửa chiều cao.

Tôi đứng dậy, nhìn vào khuôn mặt đen đủi, nhạt nhòa nước mắt của người đàn em mà lòng chợt thấy lâng lâng một cảm giác êm đềm pha lẫn chút ngậm ngùi.

Chắc thằng Thon cảm động lắm khi tôi gọi nó là “Thon” mà không gọi nó là “Y” hay “Nier” chỉ vì trong thời gian chỉ huy Tiểu Ðoàn 4 Mike Force tôi đã học được chút ít về lịch sử các dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên.

Người Ra Ðê đa phần mang họ Nier, con trai thì có chữ lót là Y giống như dân người Kinh có chữ lót là Văn còn con gái có chữ lót là H’ hay Hờ, đồng nghĩa với chữ Thị của dân Kinh.

Ngày Tiểu Ðoàn 4 Mike Force giải tán, tôi trở về Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng 2.

Tôi ra đi rồi, thì quân số của ba Ðại Ðội 1,2,3 trực thuộc Tiểu Ðoàn 4 Mike Force được xé lẻ, bổ sung cho các Tiểu Ðoàn 11,22,23 Biệt Ðộng Quân. Riêng Ðại Ðội 4 của Trung úy Thuận được sát nhập vào Ðại Ðội Chỉ Huy và Công Vụ của Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân.

Thời gian sau, tôi được thông báo rằng một ông cựu đại đội trưởng là Thiếu úy Ngọc tức Y Ngok Nier đã đào ngũ ngay sau khi trình diện Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Ba ông khác là Trung úy Ðức tức Y Dok Nier, Trung úy Thuận và Trung úy Trình đã theo nhau đền nợ nước.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Ba năm đi qua, thuộc cấp cũ của tôi ở Tiểu Ðoàn 4 Mike Force đã chết nhiều lắm rồi; không ngờ anh lính tải đạn đại liên vẫn còn sống; nay anh ta lại tìm tới đơn vị này để được ở với tôi.

Thế là từ đây, với người lính Thượng này, không cần huấn luyện, không cần thử lòng, bên cạnh tôi đương nhiên có thêm một đồ đệ có thể tin tưởng được, có thể trông cậy được mỗi khi gặp cảnh hiểm nghèo.

Tôi dang tay vỗ nhè nhẹ lên vai Thon rồi ôn tồn,

– Xuống tìm gặp Thiếu úy Lý Ngọc Châu, bổ sung cho tiểu đội cận vệ!

Suốt thời gian mười năm chỉ huy đơn vị, tôi chưa từng đem một người lính nào về làm việc nhà. Nhưng đi hành quân thì vây quanh tôi có nhiều người lắm!

Hiện thời, tháng 9 năm 1974, những người này được đặt dưới quyền chỉ huy của một ông chuẩn úy, sau là thiếu úy, tên ông ấy là Lý Ngọc Châu. Ông Châu bằng tuổi tôi; ông là một thầy giáo ở Nam-Vang, Cao-Miên. Thời người Việt bị “cáp duồn” ông đem gia đình bỏ chạy về Sài-Gòn. Về nước ông Châu bị gọi nhập ngũ vào Trường Thủ-Ðức học một khóa quân sự để làm chuẩn úy. Mãn khóa ông bị “Cọp liếm” phải ra đơn vị Biệt Ðộng Quân. (Cọp liếm: Tiếng lóng, có ý nói gia nhập binh chủng Biệt Ðộng Quân)

Qua một trận đánh, tôi thấy ông chuẩn úy này quờ quạng quá, nếu để ông ta ở vị trí tác chiến thì không sớm thì chầy, ông ta cũng đền nợ nước, nên tôi cho ông ấy đảm nhận chức vụ Sĩ quan Phòng thủ của tiểu đoàn.

Dưới quyền ông Châu có 11 ông lính, lo công tác canh gác đêm, ngày, lo cả công tác lều võng và cơm nước cho tôi.

Nay tôi tăng cường thêm anh Trung sĩ Y Thon Nier, xạ thủ súng M 79, thế là ông Châu có 12 thuộc hạ.

Người trình diện kế tiếp là một trung sĩ người Kinh gốc Quảng-Nam. Anh trung sĩ này mặt mày sáng sủa và trắng trẻo như một thư sinh, tôi thấy mặt anh ta có vẻ quen quen.

-Trung sĩ Nguyễn Minh trình diện Thiếu tá!

– Ngồi xuống ghế đi Minh! Hình như tôi có gặp anh ở đâu đó rồi?

–  Năm 1972 Thiếu tá còn là Ðại úy Trưởng Phòng 2, em là hạ sĩ quan mật mã của Ðại Ðội Truyền Tin Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2. Ngày nào em cũng gặp Thiếu tá trong Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy.

– Lý do gì cậu bị xuất ngành Truyền Tin phải ra tác chiến?

– Dạ! Em cũng chẳng biết vì răng mà em bị cho xuất ngành. Em có mẹ già và ba đứa em nhỏ ở Nghi-Xuân. Em đã làm đơn xin về phục vụ Tiểu Khu Quảng-Ðức nhưng chưa biết kết quả.

– Vậy cậu về Ðại Ðội Công Vụ ở tạm với Thiếu úy Hoàng, anh sẽ sắp xếp lại sau.

Trung sĩ Minh vừa khuất bóng thì Trung sĩ Ðốc, Hạ sĩ quan quân số rời bàn làm việc bước tới, trình cho tôi một văn thư mật. Trên văn thư có ghi rõ ràng lý lịch của Trung sĩ Minh: Anh này vốn là một hạ sĩ quan mật mã của Ðại Ðội Truyền Tin Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2.  Anh ta có thân nhân đi tập kết năm 1954.

Lý do thuyên chuyển: Vì nghi ngờ có dính dáng tới những tiết lộ đặc lệnh truyền tin trong thời gian gần đây nên An-Ninh Quân-Ðội đề nghị đưa Trung sĩ Minh ra đơn vị tác chiến.

Trung sĩ Minh ở Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân được hai tháng thì tiếp tục bị chuyển tiếp tới Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi.

Tiếp đó, tôi phải tạm ngừng công tác tiếp xúc những quân nhân vừa đáo nhậm để tiếp chuyện hai người đàn bà, thân mẫu của hai Biệt Ðộng Quân trong đơn vị.

Bà thứ nhất là phu nhân của Thiếu tá Lê Văn Ky, nguyên là Tham mưu trưởng Tiểu Khu Quảng-Ðức. Bà cụ nghe tin tiểu đoàn của con bà vừa trải qua một trận chiến thập tử nhất sinh, nên vội vàng bay từ Sài-Gòn ra Pleiku để năn nỉ tôi cho phép con bà khỏi tác chiến vì anh ta là đứa con trai độc nhất của ông bà.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Con trai của vợ chồng Thiếu tá Lê Văn Ky là Chuẩn úy Lê Văn Phước, Trung đội trưởng Trung Ðội 2, Ðại Ðội 2, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Bà thứ nhì là một láng giềng của gia đình tôi ở Ban Mê Thuột. Bà cụ mới theo chuyến xe đò sớm nhất sáng nay từ Ban Mê Thuột tới đây.

Nước mắt ngắn dài, bà cụ vừa khóc vừa kể lể rằng chồng bà đã qua đời, bà chỉ có hai mẹ con, nếu con bà cứ tiếp tục ra trận mà có mệnh hệ nào, chắc bà sẽ không còn muốn sống nữa.

Con bà cụ này là Trung sĩ Lê Văn Bình đang giữ chức tiểu đội trưởng trực thuộc Ðại Ðội 3, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Nhìn những giọt nước mắt theo nhau lăn trên gò má nhăn nheo của hai bà cụ, tôi hồi tưởng lại, ngày xưa, năm 1966, khi tôi còn là một thiếu úy vừa ra trường, mẹ tôi cũng lo lắng mất ăn, mất ngủ nhiều ngày, sau khi tôi thoát chết trong trận Tháp Bằng-An, Vĩnh- Ðiện, Quảng-Nam.

Và tôi cũng biết rằng trong thời gian 33 ngày đêm giao tranh diễn ra ở Pleime hồi tháng 8 vừa qua, chắc mẹ tôi cũng lo lắng không thua gì hai bà mẹ đang ngồi trước mặt tôi đây.

Thời buổi chiến tranh, mẹ của chú Phước, mẹ của chú Bình, cũng như mẹ tôi, và những bà mẹ của các chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa khác, đã phải sống với nỗi phập phồng, lo âu, ngày này, qua ngày khác, suốt tháng, quanh năm. Nước mắt chảy xuôi. Trên cõi đời này, không ai thương con bằng mẹ!

Trước khi tiễn chân mẹ chú Phước và mẹ chú Bình ra khỏi phòng, tôi đã hứa,

Cháu không đủ quyền hạn để cho hai em làm công việc không tác chiến được. Nhưng cháu hứa rằng, cháu sẽ cho hai em làm việc ở bộ chỉ huy tiểu đoàn, dưới quyền trực tiếp của cháu. 

Từ ngày đó Chuẩn úy Lê Văn Phước được giữ chức Phụ tá Ban 3 Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, dưới quyền Trung úy Trần Dân Chủ; Trung sĩ Lê Văn Bình được giao nhiệm vụ phụ tá khẩu đội trưởng súng cối 81ly của Thượng sĩ Nguyễn Văn Năng.

Ăn cơm trưa xong, tôi trở lại công tác “thẩm vấn” lý lịch những đồng đội mới.

Theo thứ tự A, B, C thì anh tân binh có tên Nguyễn Văn Bính là người lính đầu tiên được ông Trung sĩ Nguyễn Phượng Hoàng đưa vào phòng.

– Em là Binh nhì Nguyễn Văn Bính, trình diện Thiếu tá ạ!

– Chào anh Bính! Ngồi xuống ghế đi! Tôi ra lệnh.

– Dạ! Vâng ạ! Em xin phép ạ! Bính lễ phép, khép nép ngồi xuống ghế.

Vừa nghe tiếng anh tân binh này đối đáp vài câu, tôi bỗng giật mình, lạnh gáy. Giọng nói Bắc Kỳ của anh Bính này khác hẳn giọng nói của dân Bắc Di Cư năm 1954. Tôi cũng là dân Bắc Di Cư, nên tôi nhận ra ngay, anh tân binh này không phải là người xuất xứ từ Hố-Nai, Gia-Kiệm, Cái Sắn hay Blao.

Tôi đã từng là một sĩ quan Tình Báo đảm trách rất nhiều cuộc thẩm vấn tù binh ngoài mặt trận; tôi chắc chắn rằng anh tân binh trước mặt tôi chính là một cán binh Cộng-Sản mới từ Miền Bắc xâm nhập vào. Không biết vì nguyên do nào mà anh ta lại trở thành một anh lính Việt-Nam Cộng-Hòa?

Thời đó dân Tình Báo Chiến Trường chúng tôi thường gọi giọng nói của các cán bộ Trường-Sơn là “Tiếng Bắc Xâm Nhập”

Sau năm 1975, thì dân chúng Miền Nam gọi thứ tiếng nói này là “Tiếng Bắc 75”

Tôi bước vội ra cửa hất hàm cho Hạ sĩ Nguyễn Ba; chú Ba nhanh nhẹn kẹp khẩu M 16 trấn giữ sát cửa văn phòng ngay.

Nhìn mặt anh tân binh vừa hiện ra nét lo lắng, trong trí tôi chợt nảy ra một diệu kế. Tôi liền chụp cái gạt tàn thuốc lá bằng sứ giơ lên cao khỏi đầu rồi đập mạnh xuống mặt bàn.

(còn tiếp)