Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Tôi đã nhờ chiếc thám thính cơ đang bay trên trời đảo quanh vùng để tìm kiếm cánh quân của chú Phiến. Phi cơ báo cáo rằng họ đã nhìn thấy một tiểu đội quân bạn đang trên đường đi ra Ngã Ba Mỹ-Thạch. Vậy mà mấy ngày sau tôi cũng không có tin tức gì của Thiếu úy Tăng Ngọc Phiến.

Tôi thấy, trong trường hợp này chỉ có ba lý do, một là Thiếu úy Phiến và mấy anh lính đi theo Phiến đã đào ngũ, hai là toán quân này đã bị Việt-Cộng bắt, ba là họ đã bị Việt-Cộng chặn đường giết chết.

Sau khi tản thương, quân số của tiểu đoàn chỉ còn gần 100 người, một phần ba trong số này là những người bị thương nhẹ nhưng tự nguyện ở lại, không lên trực thăng.

Trong khi bay ra, bay vào để tiếp tế đạn và di chuyển thương binh, Thiếu tá Ðồng Ðăng Khoa cũng thả cho tôi 90 tân binh nhưng là những Lao Công Ðào Binh Phục Hồi để bổ sung quân số.

Với số tân binh này, cùng những quân nhân cơ hữu, tôi tạm thời tổ chức được 2 đại đội tác chiến và một trung đội trừ bị.

Mỗi đại đội tác chiến có quân số 80 người. Ðại đội 1 do Thiếu úy Phạm Văn Tô chỉ huy.

Ðại Ðội 3 do Thiếu úy Phạm Ðại Việt chỉ huy.

Trung đội trừ bị do Chuẩn úy Nguyễn Văn Trâm chỉ huy.

Ðại Ðội 2 tạm thời bị giải tán.

Bốn giờ chiều, Sư Ðoàn 22 Hành Quân gửi vào một trực thăng để tôi ra Ngã Ba Mỹ-Thạch gặp mặt một phái đoàn báo chí quốc tế.

Tôi nhìn lại thân mình thì thấy mình thảm hại quá!

Trên người tôi tuy còn đủ, nón sắt, dây ba chạc, khẩu súng lục, cái địa bàn và cả tấm bản đồ.

Nhưng tất cả áo quần và vật dụng của tôi đều như bị nhúng bùn vừa phơi chưa khô.

Giờ này tìm đâu ra quần áo sạch mà thay để ra mắt phái đoàn báo chí?

Tất cả quân trang của tôi đều còn nằm trong hầm trú ở Plei Ngol Ho, chắc đã bị Việt-Cộng lấy hết rồi.

Thế là, cứ với hình thù lấm lem, đen thui, bẩn thỉu, tôi leo lên tàu.

Vừa rời trực thăng, tôi đã bị hơn chục phóng viên ngoại quốc xúm lại chụp hình rồi phỏng vấn rối rít.

Tôi nói với họ rằng tôi phải gặp cấp chỉ huy của tôi trước, rồi mới được phép tiếp chuyện với họ.

Phòng thuyết trình của Bộ Tư Lệnh Hành Quân 22 chỉ là một cái nhà bạt lớn dựng sát bên lề Quốc Lộ 14.

Chuẩn tướng Phan Ðình Niệm ra tận cửa đón tôi vào, rồi ân cần giới thiệu,

– Thiếu tá Vương Mộng Long Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân vừa về từ chiến trường sẽ tường trình cho quan khách những gì đã xảy ra trong trận ác chiến vừa qua. Cuộc họp báo này chỉ giới hạn trong thời gian 15 phút, vì sau đó chúng tôi phải trả Thiếu tá Long trở lại trận địa để chỉ huy đơn vị.

Quay qua tôi, ông Tướng Tư Lệnh nói,

– Long có thể tóm lược cho phái đoàn báo chí biết những gì mà em thấy cần.

Thời gian giữ chức Trưởng Phòng 2 của Biệt Ðộng Quân Quân Khu 2 tôi không lạ gì với những buổi thuyết trình trước những phái đoàn quân sự ngoại quốc hoặc báo chí quốc tế.

Xem thêm:   Mua nhà

Trong vòng 10 phút tôi đã tường trình hết diễn biến trận đánh đã diễn ra hai ngày vừa rồi. Tôi đặc biệt nhấn mạnh chuyện Việt-Cộng đã dùng hơi ngạt để tấn công đơn vị tôi vì đây là một hành động vi phạm quy ước chiến tranh của Liên Hiệp Quốc.

Tôi thuyết trình bằng tiếng Anh nên không tốn thời gian thông dịch.

Sau đó tôi xin phép trở lại đơn vị, vì đơn vị tôi hiện thời đang ở sát địch quân mà lại không có người chỉ huy.

Tôi cứ tưởng chỉ có mình tôi leo lên máy bay quay về, đâu ngờ sáu phóng viên với sáu cái máy quay phim cũng lên tàu theo tôi.

Về tới vị tri trú quân, tôi nhảy xuống, theo sau là sáu phóng viên chiến trường.

Sáu anh nhà báo ngoại quốc tranh nhau chụp hình toàn cảnh trước mắt họ. Phóng viên nào cũng săn đón hỏi han những người lính bị thương. Họ lấy làm lạ, không hiểu vì lý do gì mà cả chục thương binh còn hiện diện ở đây.

Tôi nghe tiếng đối đáp bằng tiếng Anh giữa một ký giả và một thương binh có cánh tay trái đã bị quấn băng trắng treo lên cổ là Thượng sĩ Y Khen Nier:

– Anh đã bị thương! Anh không được phép di tản hay sao mà còn ở đây?

– Ông chỉ huy của tôi còn ở lại chiến đấu, vì thế, những người bị thương nhẹ như tôi đã tình nguyện ở lại với ông ta.

Thượng sĩ Khen là người đã hiện diện ở Pleime từ khi căn cứ này mới thành lập. Trải qua 5 năm sống và làm việc với người Mỹ nên ông Khen nói tiếng Anh còn rành hơn là nói tiếng Kinh.

Nhân cơ hội này tôi bán cái cho ông Khen nhiệm vụ thông dịch cho các ông phóng viên.

Cũng nhờ những câu hỏi xoi mói của các ông nhà báo mà mấy hôm sau, thế giới đã biết rằng ở Việt-Nam đã có những người lính Biệt Ðộng Quân dù mang thương tích đầy mình nhưng vẫn tình nguyện ở lại chiến trường mà chiến đấu.

Bất ngờ, từ hướng Tây có tiếng pháo địch khai hỏa.

“Ùm! Ùm!” – “Ùm! Ùm!”- “Ùm! Ùm!”

Ðạn 105ly rít vèo vèo, rồi nổ “Oành! Oành! Oành!” trên đồi.

Thoáng chốc, trong khói bụi mịt mù, trên mặt đất chỉ còn một mình tôi là người đang đứng.

Anh phóng viên người Nhật nằm ngửa, chĩa ống kính ngay mặt tôi, anh ta vừa tránh đạn vừa làm công việc thu tin tức của mình.

Còn tôi, cũng đang làm công việc của một Thiếu tá Tiểu Ðoàn Trưởng Biệt Ðộng Quân là cứ đứng thẳng lưng, không nằm úp mặt xuống đất.

Có thế, tôi mới không làm mất thể diện một sĩ quan chỉ huy của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.

Tôi biết chắc rằng, hình ảnh ghi trong cuộn phim của anh nhà báo người Nhựt kia, mai đây sẽ được đem ra trình chiếu cho toàn thể thế giới xem.

Vì vậy, dù đạn đại bác cứ réo “Xè! Xè!” rồi nổ “Oành! Oành!” sát bên; dù trong lòng rất ngán bị mảnh đạn 105ly cắt đứt đầu, nhưng tôi vẫn phải làm như người tỉnh bơ trước nỗi hiểm nguy, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Anh lính mang máy truyền tin của tôi thì úp mặt dưới chân tôi; cái dây nối từ ống nói tới chiếc PRC 25 đã căng dãn hết cỡ.

Sau khi nhờ chiếc quan sát cơ đang bay trên trời tìm vị trí pháo địch, tôi gọi cho Tướng Niệm:

“Tôi đang bị pháo! Yêu cầu cho trực thăng trở lại đem mấy ông nhà báo ra khỏi đây ngay!”

Vài phút sau thì pháo cũng ngưng, trực thăng quay trở lại.

Trước lúc leo lên tàu các phóng viên còn chen nhau đứng bên tôi để chụp một tấm hình.

Gần tháng sau tôi nhận được một cái bì thư gửi từ Tòa Ðại Sứ Nhật-Bản ở Sài-Gòn, trong đó chứa tấm ảnh tôi đứng một mình trong khói bụi mịt mù, với cái tựa đề “Last man standing!”

Xem thêm:   Chợ trời Đà Nẵng ngày ấy và bây giờ

(Last man standing có nghĩa là: Người cuối cùng còn đứng vững)

Bảy giờ tối ngày 15 tháng 4 năm 1974 tôi nhận được bản tin A2 cho biết ngoài 6 tiểu đoàn bộ chiến của E48 và E64, địch còn tung vào trận Tiểu Ðoàn D20 Trinh Sát, Tiểu Ðoàn D25 Vận Tải và Tiểu Ðoàn H12 Ðịa Phương của Tỉnh Gia-Lai.

Chín tiểu đoàn bộ chiến này của địch còn được Trung Ðoàn 40 Pháo và Tiểu Ðoàn D16 chiến xa Việt-Cộng yểm trợ để đánh Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân và Chi Ðoàn 3/19.

Trong bản tin phát đi tối 15 tháng 4 năm 1974, đài BBC Luân-Ðôn đã mô tả trận Căn Cứ Hỏa Lực 711 như sau:

“Ðây là một trận đánh vô cùng ác liệt mà tổn thất của đôi bên tham chiến được coi là nặng nề nhất kể từ sau Hòa Ðàm Paris.”

Tôi được phi cơ AC 47 Hỏa Long soi sáng và yểm trợ tiếp cận suốt đêm.

Ngày16 tháng 4 năm 1974

Tới sáng 16 tháng 4 thì nhiều phi tuần A37 được gửi tới để liên tục đánh bom dọc Tỉnh Lộ 6C từ 711 tới đồi Tử Chiến. Không Quân cũng thông báo rằng có nhiều ổ pháo và phòng không của địch đã bị hủy diệt vùng hướng chính Nam quận lỵ Thanh An.

Khoảng 9 giờ sáng 16 tháng 4 một hợp đoàn trực thăng đã đổ một tiểu đoàn của Trung Ðoàn 42 Bộ Binh xuống vùng Nam Ngã Ba Mỹ Thạch. Giao tranh ở đó bắt đầu với nhiều tiếng nổ của pháo binh yểm trợ cho quân bạn.

Ðúng 10 giờ sáng 16 tháng 4 thì tiểu đoàn thứ nhì của Trung Ðoàn 42 Bộ Binh cũng được thả xuống cách tôi hai cây số về hướng Tây.

Tôi nhận được tần số để liên lạc với đơn vị này, vì thế, tôi biết người chỉ huy tiểu đoàn này là Ðại úy Nguyễn Văn Chấn. Ðại úy Chấn xuất thân khóa 21 Ðà-Lạt là đàn em của tôi.

Bộ Tư Lệnh 22 đặt tiểu đoàn của Ðại úy Chấn dưới quyền điều động của tôi.

Tôi giao cho chú Chấn nhiệm vụ án ngữ vùng hướng Tây Tỉnh Lộ 6C dọc theo triền Nam của sông Ia Meur để ngăn chặn bước tiến của hai tiểu đoàn địch là K1 của E48 và K7 của E 64.

Tôi sẽ tự mình tìm cách tái chiếm Căn Cứ 711.

Trưa 16 tháng 4 năm 1974 thì Biệt Ðộng Quân và Thiết Giáp đã được tiếp tế lương khô và đạn dược đầy đủ. Ðại úy Xá bò sang chỗ tôi đang ngồi rồi hỏi nhỏ,

– Thái Sơn tính lúc nào thì mình rút ra đường?

Tôi nhìn ông bạn kỵ binh,

– Ra đường để ông Toàn bóc lon tụi mình hả?

Xá tròn mắt,

– Cái gì mà bóc lon? Bộ ông ấy không thấy mình đã đánh nhau gần chết hai ngày nay ư?

Tôi từ tốn nói với Xá,

– Tin tôi đi! Mình mà không tái chiếm được cái căn cứ vừa mất thì chắc chắn tôi với ông sẽ thành binh nhì. Hoặc may mắn lắm mỗi đứa cũng ký 40 Trọng Cấm. Ông là dân Thiết Giáp mà cũng không biết tính nết cha Toàn sao?

Nghe tôi quả quyết như thế, Xá thừ người ra,

– Vậy Thái Sơn tính làm gì tiếp theo đây?

Tôi vỗ vai Xá,

– Ðể đó tôi lo. Xá cứ nằm đây với thằng Chủ, bất cứ tình huống nào xảy ra cũng không được bỏ vị trí này, nghe rõ chưa?

Xá gật đầu,

– Dạ!

Chờ Xá rời đi, tôi gọi Thiếu úy Trần Văn Phước theo tôi tới gặp từng người lính đang nằm trên tuyến.

Tôi chọn ra được 100 người sẽ theo tôi đi làm công tác tái chiếm 711.

Lực lượng này gồm có 40 anh lính Lao Công Ðào Binh Phục Hồi, 40 quân nhân của Ðại Ðội 3, cộng với hai toán cận vệ của Hạ sĩ Ba và Binh nhất Yang.

Xem thêm:   Café Cà Phê

Cùng đi với tôi để chỉ huy trận này sẽ có Thiếu úy Phạm Ðại Việt, Thiếu úy Trần Văn Phước và Chuẩn úy Lý Ngọc Châu.

Tôi dẫn toán quân này ra triền đồi hướng Ðông rồi chỉ dẫn cho từng người sẽ phải làm gì tối nay.

Chỉ một giờ sau, mọi người đều thuộc bài.

Thực ra thì bài học này cũng chẳng khó khăn gì, chỉ cần một chút bình tĩnh và gan dạ là đủ.

Ðêm 16 tháng 4 năm 1974 trời tối đen như mực.

Tôi và 100 quân lên đường quay lại Plei Ngol Ho.

Nếu kiểm soát được Plei Ngol Ho thì ta sẽ chiếm lại Ðồn 711 một cách dễ dàng.

Trong thời gian tôi chuyển quân thì pháo binh liên tục tác xạ 100 viên hỗn tạp trên mục tiêu.

Tới bìa làng, tôi dàn quân thành 3 hàng ngang, mỗi hàng có 33 tay súng.

Khi có lệnh thì 33 chiến binh sẽ sát cánh nhau, thẳng tay ném một trái lựu đạn M26 về phía trước rồi nằm xuống.

Ðợi một phút sau khi lựu đạn nổ thì sát vai nhau, quân ta khom lưng tiến lên, vừa chạy, vừa bắn.

Tới lúc ra tới bờ rào sau cùng cả toán ngừng lại, mỗi người đều ném ngược về hướng sau lưng mình một quả M26 nữa.

Những trái lựu đạn ném ngược này nhằm mục đích ngăn ngừa những tên địch sẽ truy kích ta.

Ðợt xung phong chấm dứt, tất cả phóng lên đỉnh đồi Ðông tập họp, rồi kéo nhau về vị trí tiểu đoàn.

Chương trình đề ra là:

– Ðợt xung phong thứ nhất bắt đầu đúng 8 giờ tối.

– Ðợt xung phong thứ nhì cách đợt thứ nhất 10 phút.

– Ðợt xung phong cuối cùng cũng cách đợt thứ nhì đúng 10 phút.

Tôi đi giữa đoàn quân xung phong cuối cùng.

Nằm sát bờ đất của Plei Ngol Ho, tôi hồi hộp theo dõi tình hình.

Chỉ 5 phút sau khi dàn quân thì lựu đạn nổ,

“Oành!Oành!Oành!”

Một phút kế đó, quân ta phóng tới. Tiếng M16 giòn giã giữa màn đêm.

Không lâu sau, nơi cuối làng, lựu đạn lại nổ,

“Oành! Oành! Oành!”

Vậy là quân của Thiếu úy Phạm Ðại Việt đã lướt qua tường đất sau cùng.

Suốt thời gian đợt tiến công thứ nhất diễn ra, tiếng súng M16 của ta hoàn toàn áp đảo tiếng AK của địch. Hình như địch chỉ bắn trả khi quân ta đã đi qua mục tiêu?

Mười phút kế đó, M26 lại nổ, “Oành! Oành!Oành!”

Rồi M16 cũng nổ, “Cành! Cành! Cành!” kèm với tiếng la,

“Biệt Ðộng ! Sát!”

Lần này quân xung phong ồn ào hơn, dũng mãnh hơn, vì ông chỉ huy toán quân này là một tay bán trời không văn tự là Trần Văn Phước.

Chỉ vài phút sau Thiếu úy Trần Văn Phước đã hoàn thành nhiệm vụ.

Vừa nghe tiếng lựu đạn “Oành! Oành! Oành!” của toán quân đi trước vọng lại từ cuối sân, tôi bèn đổi ý. Tôi không chờ 10 phút nữa mà la lên,

– Ðợt ba sẵn sàng!

Vậy là 33 trái M26 bay vào sân Plei Ngol Ho,

“Oành! Oành! Oành!”

Một phút sau Hạ sĩ Ba và Binh Nhất Yang hét vang,

“Sát! Sát! Sát!”

“Cành! Cành! Cành!”

Chúng tôi bắn liền tay, từng ba viên một, cứ nhắm những khu có ánh sáng hay có tiếng người rên la mà bóp cò.

Trong sân Plei Ngol Ho tôi chỉ thấy vài đống lửa chập chờn khu pháo binh, ngoài ra không thấy bóng dáng tên địch nào xuất hiện.

Tới bờ đất cuối cùng, nơi có hai ụ pháo binh, tôi hô to,

– Ðứng lại! M26!

Thế là, mỗi người quăng đại lại phía sau lưng mình một trái lựu đạn rồi chạy nhanh lên ngọn đồi hướng Ðông.

Có lẽ địch không ngờ lại có hai cú xung phong chớp nhoáng kế tiếp nhau khiến chúng không kịp trở tay, nên không có tiếng súng nào của địch bắn lại.

Lên tới đỉnh đồi Ðông, chúng tôi theo đuôi nhau rút về hướng Bắc.

(còn tiếp)