Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.
Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.
Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.
(tiếp theo – kỳ 13)
Trong Câu Lạc Bộ tiểu đoàn, tôi đang ngồi nghe ông Trung úy Ðăng, sĩ quan tiếp liệu trình báo hồ sơ chứng minh ẩm thực thì thấy Thiếu úy Thủy thò đầu vào,
– Trình Thiếu tá! Lính của Tiểu Ðoàn 63 đang gom súng giữa đường, ngồi biểu tình, đòi Thiếu tá ra giải quyết vấn đề nuôi ăn.
Tôi đứng dậy, vừa bước khỏi cửa, đã chạm mặt ông Ðại úy Ðại đội trưởng của Tiểu Ðoàn 63 tăng phái.
Ông đại úy mặt đỏ tía tai, không thèm chào kính, giơ ngón tay trỏ chỉ vào mặt tôi rồi giận dữ, quát lớn,
– Thiếu tá có tham nhũng thì cũng vừa vừa thôi! Nếu có ăn bớt, ăn xén thì cũng phải che đậy, đừng lộ liễu quá! Ông mà làm quá, chúng tôi không còn nể nang ông nữa đâu!
Bất ngờ đối mặt với một sĩ quan cấp dưới dám vô cớ lớn tiếng sỉ nhục mình, tôi định ra lệnh cho mấy anh cận vệ xông vào trói ông đại úy lại để hỏi chuyện, nhưng mắt tôi bất chợt nhìn thấy trên mặt Quốc Lộ 14 có một đống súng cá nhân và cộng đồng chất xung quanh những phần thực phẩm tươi mới chia.
Cách đó không xa, là những Biệt Ðộng Quân vừa quan, vừa lính, ngồi bệt thành từng hàng trên mặt đất.
Tôi nghiêm giọng hỏi ông đại úy,
– Các anh muốn gì?
Ông đại đội trưởng 63 bước ra giữa đường, vừa nhảy tưng tưng, vừa giơ tay chỉ vào một đống thực phẩm tươi đang nằm trên tấm poncho, miệng la toáng lên,
– Chúng tôi muốn Thiếu tá giải thích rõ ràng, nguyên nhân vì sao một phần thực phẩm tươi của 63 lại không bằng một nửa của các bạn 82?
Sau đó anh ta đưa tay vẫy tôi với thái độ vô cùng hỗn xược,
– Ra đây! Thiếu tá ra đây để thấy hai phần tiếp tế của 82 và 63 cách biệt như thế nào?
Những quân nhân trong đoàn người ngồi tụ họp nơi ngã ba cũng phụ họa theo,
– Bất công! Bất công!
Thì ra, quân nhân đơn vị này đang biểu tình ngồi.
Họ chờ tôi xuất hiện để họ xử tội “Chặn bớt tiền ăn của lính!”
Tôi nén cơn giận, vừa bước tới quan sát những vật nằm trên mặt cái poncho, vừa lớn tiếng gọi,
– Trung úy Ðăng! Ra đây cho tôi hỏi!
Ông sĩ quan tiếp liệu của Tiểu Ðoàn 82 vội vàng chạy tới.
Tôi chỉ vào hai phần thực phẩm tươi vừa tiếp tế, một lớn, một nhỏ, quả là có sự chênh lệch rất xa,
– Chú có nhận tiếp tế cho hai đại đội của 63 tăng phái không? Sao có sự chênh lệch lạ kỳ thế này?
Trung úy Ðăng chưa kịp mở miệng, ông đại úy đã phang ngang,
– Thày trò ông còn bày trò giải thích, giải nghĩa dài dòng. Ðối xử bên trọng, bên khinh chình ình như thế này mà còn giả mù sa mưa gì nữa!
Thấy ông đại úy này hỗn hào quá, tôi tức mình quát lớn,
– Châu! Khóa mõm thằng này lại!
– Dạ!
Ông Thiếu úy Lý Ngọc Châu từ nãy tới giờ cứ hằm hằm chờ, nay được lệnh của tôi, lập tức khoát tay, bốn anh cận vệ lập tức xông vào khóa tay ghịt đầu ông đại úy bắt chúi mũi xuống đất.
Trung úy Ðăng bực bội hét lên,
– Ðù mạ tụi mi! Sĩ quan tiếp liệu 63 tiếp tế cho tụi mi chứ 82 có dính dáng gì tới chuyện này đâu mà tụi mi đòi biểu tình, đòi khởi nghĩa, đòi chống đối?
Nghe thế, tôi hất hàm hỏi ông đại úy,
– Nghe hiểu chưa? Hai đại đội của 63 chỉ tăng phái hành quân cho 82 thôi! Tiểu Ðoàn 82 không nuôi ăn các anh! Các anh muốn kiện tụng thì về gặp ông Thiếu tá Ðàng.
Lúc này ông đại úy mới vỡ lẽ ra, mặt ông ta hiện rõ vẻ ngượng ngập, sượng sùng. Ông ta ấp úng,
– Trình thiếu tá! Em xin lỗi Thiếu tá!
Tới khi đó tôi mới để ý nhìn kỹ, trên mặt Quốc Lộ 14 có hai phần tiếp tế mười ngày thực phẩm tươi nằm cạnh nhau.
Phần ăn của một người lính 82 gồm có một cái bắp cải, một chai xì dầu, mười con cá khô, một gói mắm ruốc, một con gà còn sống, cùng một phần sẽ được chia từ hai con heo to đang bị trói nằm kêu “Eng! Éc!” ở đầu hồi của Câu Lạc Bộ.
Bên cạnh đó là phần tiếp tế cũng mười ngày ăn cho một Biệt Ðộng Quân 63 gồm có mười con cá khô, một chai xì dầu, một gói mắm ruốc, một cái bắp cải, một gói muối mè, không có miếng thịt nào cả.
Sự chênh lệch quá đáng này đã là nguyên nhân làm mờ mắt ông đại úy nóng tính. Tôi nói nhỏ,
– Chú Châu thả ông đại úy ra!
Lúc này mặt mày ông đại úy đại đội trưởng tăng phái trông thật là thảm hại, ông ta cứ cúi đầu, liên tục nói một câu hối lỗi,
– Em xin lỗi Thiếu tá! Em xin lỗi Thiếu tá!
Tôi cũng thấy tội nghiệp cho cái ông sĩ quan ruột ngựa này, nên ôn tồn,
– Thôi! Bỏ qua đi! Chú cho anh em lấy súng ống rồi trở về vị trí! Anh sẽ nói chuyện với Thiếu tá Ðàng về chuyện này.
Không cần vòi rồng, không cần hơi cay, đoàn người biểu tình ngồi tự động giải tán.
Ngay trưa hôm đó anh sĩ quan tiếp liệu của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân đã có mặt ở Ngã Ba Kiến-Ðức, trên tay anh ta là tờ cam kết chỉ tính tiền tiếp tế kỳ này cho các Biệt Ðộng Quân 63 tăng phái với cái giá là ba ngày.
Hôm sau, Thiếu tá Trần Ðình Ðàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân chạy lên Kiến-Ðức năn nỉ tôi cho phép các quân nhân tăng phái của ông được tiếp tế chung với Tiểu Ðoàn 82 suốt thời gian họ ở với tôi.
Hai sĩ quan tiếp liệu tiểu đoàn sẽ thanh toán tiền bạc với nhau.
Trước lễ Giáng-Sinh năm 1974 tôi nhận được cái đơn xin thuyên chuyển tập thể của hơn một trăm quân nhân của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân tăng phái xin về phục vụ dưới quyền Thái Sơn.
Ðọc cái đơn đó tôi chỉ mỉm cười, vì tôi biết, dù tôi có dang đôi tay chào đón họ, thì cấp trên cũng chẳng bao giờ đồng ý cả.
Tôi đã được Thiếu tá Trần Ðình Ðàng tâm sự về nỗi khổ tâm mà anh ấy đang gánh chịu.
Nguyên nhân của sự tiếp tế thiếu hụt này xảy ra chỉ vì ông sĩ quan tiếp liệu 63 đã lỡ đốt cháy hết tiền ăn tháng đó trên chiếu bạc!
Anh Ðàng mới từ Vùng 3 thuyên chuyển ra đây, lạ nước, lạ cái, nên bị bọn tham nhũng thâm căn, cố đế của vùng này qua mặt.
Chúng nó ăn tới cái khố của người lính mà anh Ðàng không hay!
Mỗi khi tiếp tế, chúng nó mua đủ thứ ngon ngọt, thơm tho cho ông tiểu đoàn trưởng, trong khi đó thì lính tráng bị bóp hầu, bóp họng, ăn chặn, ăn bớt mà không dám kêu ca.
Anh Ðàng hỏi tôi làm sao chấm dứt tình trạng này? Tôi chỉ cố vấn cho anh một câu thật ngắn,
– Hãy trừ tiền ăn tất cả mọi người trong tiểu đoàn, từ ông thiếu tá cho tới anh binh nhì, không ngoại trừ ai.
Hãy chia đều khẩu phần cho tất cả mọi người giống nhau, kể cả tiểu đoàn trưởng.
Có như thế, khi nhìn vào phần ăn của chính mình, ông chỉ huy mới biết kỳ tiếp tế đó, người lính được nuôi ăn ra làm sao.
Nghe rồi, anh Trần Ðình Ðàng mới hiểu nguyên nhân vì sao cũng đồng thời là người chỉ huy, mà có người được lính hết lòng thương yêu, quý mến, lại có người bị lính ghét cay, ghét đắng.
Anh gật gù,
– Chuyện này thực là giản dị, vậy mà bao lâu nay anh đã ơ hờ, không chịu để ý.
Tôi còn chỉ cho ông đàn anh cách thức khước từ lời mời chào của các nhà thầu, bất kỳ người đó là ai.
Ngày đó, năm 1973-1974, ở Pleiku, người đứng thầu cung cấp thực phẩm tươi cho các đơn vị Biệt Ðộng Quân là cựu Ðại tá Nguyễn Văn Huy, Nguyên chỉ huy phó Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2 đã giải ngũ.
Không qua tay nhà thầu, thực phẩm sẽ tươi ngon hơn, và dễ thay đổi tùy theo ý thích của anh em.
Ðiều chắc chắn giá hàng sẽ rẻ hơn là nhận của nhà thầu. Vì lý do đó mà lúc nào phần ăn của quân nhân 82 cũng nhỉnh hơn phần ăn của các bạn ở đơn vị khác.
Cựu Chuẩn Úy Nguyễn Hữu Phước – USA 2019
oOo
Ngọc bất trác bất thành khí…
Từ khi về Kiến-Ðức, tôi giao chú bé chết nhát, đứng khóc lúc xuất quân bên đồi Ðạo-Trung ngày nào cho hai anh lính đã trưởng thành trong khói lửa Pleime 1974 kềm kẹp. Hai anh này là Binh 1 Liêu Chí Cường và Binh 1 Ðức Ðiếc. Ba chàng này có vẻ hợp nhau lắm.
Trung đội trưởng của ba chú này là Chuẩn úy Nguyễn Hữu Phước người đã kéo lá quốc kỳ lên ngọn cột cờ trên đỉnh núi Chư Hô, ở Pleime vào lúc nửa đêm mùng 2 tháng 9 năm 1974 sau khi tái chiếm ngọn đồi này.
Ngày tiếp tế định kỳ tháng 11 cũng là ngày hoán đổi vị trí trú quân của các đại đội.
Ðại đội thượng phiên sẽ lãnh thực phẩm trước, đại đội hạ phiên sẽ nhận hàng trễ hơn.
Nhận tiếp tế xong, Ðại Ðội 4/82 rời Kiến-Ðức lên thay quân cho Ðại Ðội 3/82 ở làng Bù M’Bré.
Riêng Trung đội 3/4/82 của Chuẩn úy Phước sẽ tách ra khỏi đại đội để lên thay thế cho một trung đội của Ðại Ðội 3 trấn giữ tiền đồn Bù Row.
Ðại úy Ngũ Văn Hoàn là người theo dõi vụ đổi quân, chờ mãi mà vẫn chưa thấy trung đội của Chuẩn úy Phước tới mục tiêu. Ông Hoàn cứ đi ra, đi vào không yên, rồi chạy tới lều của tôi,
– Trình Thiếu tá, Ðại Ðội 3 về tới Ðồi Tây rồi mà thằng Phước còn chưa tới Bù Row, khiến cho tôi lo quá!
Tôi lấy làm lạ, từ Bù M’Bré tới Bù Row chỉ cần hai mươi phút di chuyển bình thường thôi, vậy mà cả giờ đồng hồ rồi mà Phước chưa tới không biết vì sao?
Cũng lúc đó trung đội của Ðại Ðội 3/82 trên đỉnh Bù Row báo cáo có tiếng súng bắn nhau vùng hướng Bắc Bù Row.
Tôi cho lệnh Thiếu úy Thủy đem thành phần còn lại của Ðại Ðội 4/82 cấp tốc di chuyển tới Bù Row để tiếp cứu cho Chuẩn úy Phước.
Từ đồi Kiến-Ðức tới Bù Row xa gần bốn cây số, không nghe được tiếng súng giao tranh, nên tôi đem theo toán Viễn Thám 821 chạy xuống vị trí của Ðại Ðội 2/63 bên suối Dak Blao để theo dõi tình hình.
Nếu Ðại Ðội 4/82 đụng lớn tôi sẽ mang Ðại Ðội 2/63 lên tăng cường.
Tôi tới chân cầu Dak Blao thì có tin Chuẩn úy Phước đã về tới chân đồi Bù Row, tất cả anh em đều có mặt, chỉ một người bị thương đó là ông Chuẩn úy Trung đội trưởng.
Biết tin này, tôi cho pháo binh bắn hai chục tràng đạn nổ trên vùng một cây số Bắc Bù Row, nếu địch còn lẩn quất trong khu vực này thì cũng phải sợ.
Sau đó, tôi cho Ðại Ðội 4/82 cắt cử một trung đội khác làm nhiệm vụ giữ Bù Row; Trung đội của Chuẩn úy Phước cùng thành phần còn lại của Ðại Ðội 4 thì rút về tuyến phòng thủ Bắc Kiến- Ðức.
Gần một giờ sau, Chuẩn úy Nguyễn Hữu Phước về tới chân cầu Dak Blao.
Vừa thấy cái mặt sưng vù của chú Phước, tôi vội vàng hỏi,
– Có đau lắm không? Chuyện đầu đuôi ra sao? Kể cho anh nghe đi!
Miệng bị nhét một cục bông gòn tổ chảng, nhưng ông Chuẩn úy Trung đội trưởng cũng cố gắng kể cho tôi hay toàn bộ sự kiện.
Ðây không phải là lần đầu Phước dẫn quân lên điểm Bù Row. Vậy mà kỳ này chú ấy đi lạc!
Cách Bù Row gần nửa cây số thì Quốc Lộ 14 tẻ ra hai nhánh, một nhánh đi chếch về Tây tới chân Bù Row, nhánh thứ nhì đâm thẳng về hướng Bắc.
Quân ta nhắm mắt đi về Bắc! Tới khi nghe có tiếng hô “Ðứng lại!” mới biết mình đã lạc vào vùng địch.
Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Phước chưa kịp gỡ khẩu M 16 ra khỏi vai thì ba tay khinh binh đi đầu đã nhanh như máy, bóp cò.
“Ðùng! Ðùng! Ðùng! ” đạn nổ.
Tên Việt-Cộng gác trên chòi canh bị bắn chết ngay. Quân ta quay đầu chạy.
Vài phút sau, địch từ trong rừng túa ra, bắn như mưa. Cùng với tiếng AK réo là tiếng la: “Hàng sống! Chống chết!”
Phước nói,
– Kỳ này đi tiền đồn, sợ bị địch tấn công bất ngờ nên em cho đem theo nhiều lựu đạn lắm! Khi biết mình bị lạc, lại thấy địch ào ra đông quá, em bèn cho hai tiểu đội chạy trước, em và tiểu đội còn lại, luân phiên đánh lựu đạn cản địch, rồi nhanh chóng rút lui theo chiến thuật sâu đo. Mấy thằng Việt-Cộng này cũng nhát lắm, không dám xung phong, chỉ mạnh miệng la hét thôi!
Kỳ lạ là, chú Phước không bị bắn trúng mặt, trúng đầu, trúng má, nhưng lại bị gãy một cái răng! (?) Chẳng biết cái răng đã bị gãy vì trúng đạn hay trúng mảnh lựu đạn?
Phước ôm cái má sưng vều,
– Trong khi súng đạn nổ ầm ầm, bụi khói mù mịt, em bỗng cảm như có cái búa đập vào hàm, rồi máu tuôn ra miệng. Em cũng chẳng biết vì sao mà em bị bể mất một cái răng?
Phước đưa tay chỉ cho tôi ba anh lính đi sát sau lưng,
– Em có ba thằng đồ đệ giỏi lắm! Ðánh giặc như ciné! Kỳ này Thái Sơn nhớ khen thưởng tụi nó nhe!
(Ciné: phim ảnh)
Thì ra ba thằng đồ đệ của chú Phước chính là Binh 1 Liêu Chí Cường, Binh 1 Ðức Ðiếc và anh chàng lính chết nhát.
Trong lúc súng nổ ran, nhìn thấy miệng ông trung đội trưởng đầy máu thì ba anh này la lên,
– Chuẩn úy chạy đi! Tụi em đoạn hậu!
Hôm đó ba anh lính trẻ được dịp trổ tài thao lược, bằng cách luân phiên nhau, vừa bắn vừa lui, hộ tống ông trung đội trưởng, an toàn về tới chân đồi Bù Row.
Nghe chú Phước kể lại chuyện này, tôi thích quá, bèn kêu “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” lên Câu Lạc Bộ cùng tôi cụng ly, mỗi người một chai cổ cao.
Anh chàng Biệt Ðộng Quân chết nhát uống chưa hết nửa chai bia Con Cọp, mặt mày đã đỏ gay, giơ hai tay lên trời, “Em xin chịu thua!”
Người xưa nói rằng “Ngọc bất trác bất thành khí: Ngọc mà không mài giũa thì cũng chẳng có giá trị gì!”
Nhìn thằng em, tôi thấy ấm áp trong lòng.
Thế là, chỉ sau hai tháng mài giũa, cục đá thô kia đã thành một viên ngọc quý.
(còn tiếp)