Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

(tiếp theo – kỳ 12)

Qua những chiến dịch dẹp loạn Bình Xuyên, dẹp loạn Ba Cụt, người chiến sĩ xuất sắc có tên Ngô Thái Bình được thượng cấp cứu xét cho phục hồi cấp bậc trung sĩ.

Năm 1960 Trung sĩ Ngô Thái Bình tình nguyện sang đơn vị mới thành lập có tên Biệt Ðộng Ðội, tức là Biệt Ðộng Quân sau này. Không lâu sau ông Bình được thăng cấp trung sĩ nhất.

Chỉ vì cái tật ngày nào cũng say mèm, say khướt, ông trung sĩ 1 đã bị đá đít lăn từ tiểu đoàn này tới tiểu đoàn khác, đi từ binh chủng này sang binh chủng khác, rồi dừng chân ở một tiểu đoàn Ðịa Phương Quân vùng Bắc Bình-Ðịnh.

Sau một thời gian mưa thuận gió hòa ở Qui-Nhơn, con ma men lại cầm tay ông Bình nã súng vào chân ông tiểu đoàn trưởng của ông. Ngay lập tức, ông đáo nhậm đơn vị sau cùng là Quân Lao Nha-Trang.

Tôi đã ngồi im, chú tâm theo dõi câu chuyện kể lại cuộc đời ly kỳ của một cựu Sinh viên Sĩ quan Khóa 1 Nam-Ðịnh. Tôi thấy thành tích quậy phá mấy chục năm nay của ông già này quả là có một không hai.

Kết thúc bản tóm lược tiểu sử, Trung sĩ 1 Ngô Thái Bình vừa cười, vừa nói với tôi,

– Tôi hy vọng sẽ được ông chỉ huy mới để yên cho tới ngày đáo hạn giải ngũ. 

Ðể trả lời câu hăm dọa của ông ma men, tôi từ tốn nói,

– Tôi để Trung sĩ ở tạm với Thiếu úy Hoàng, Ðại đội trưởng Ðại Ðội Chỉ Huy trong thời gian một tuần cho quen với không khí của đơn vị. Sau đó ông muốn ra đại đội nào, tôi sẽ cho ông đi.

Ba ngày sau ông Bình tới cửa lều của tôi gõ cửa xin vào.

– Tôi muốn xin Thiếu tá cho ra đại đội. Ở đây tù túng quá!

Nghe vậy, tôi cũng cười,

– Ở đây còn thấy dân chúng đi qua, đi lại, xuống đại đội thì chỉ thấy núi, thấy rừng, còn buồn hơn. Ông đã đi rồi thì đừng có xin xỏ quay trở lại đó nhé!

– Một đi! Không trở lại! Tôi muốn ra đại đội của Thiếu úy Nhơn.

– Ðược! Ði đi!

Mấy bữa nay tôi thấy ông già này cứ thậm thụt lên xuống con dốc từ đồi chính xuống cây cầu sập trên suối Blao, tôi tưởng ông ta đi tắm rửa hay đi múc nước, hóa ra ông ta xuống thăm Thiếu úy Nhơn.

Giữa trưa ngày hôm sau, đứng trên ụ pháo binh, tôi nghe tiếng súng M16 bắn “Lóc chóc! Lóc chóc!”  dưới chân đồi, rồi thấy mấy anh lính nhào vào nhau mà vật lộn.

Tiếp đó, Chuẩn úy Lê Văn Phước, sĩ quan Ban 3, từ hầm truyền tin chạy tới báo cáo,

– Trình Thái Sơn, ông Nhơn vừa cho hay Trung sĩ Bình say rượu bắn lung tung dưới Ðại Ðội 4. Ông Nhơn đã cho người bắt trói ông Bình đem lên cho Thiếu tá xử phạt.

Mười phút sau, có hai Biệt Ðộng Quân ì ạch leo dốc, trên vai khiêng một cái đòn treo tòn ten một ông Biệt Ðộng Quân hai tay, hai chân đều bị trói.

Thoạt nhìn, tôi cứ tưởng hai ông lính kia đang khiêng trên vai một con heo tổ nái!

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tới trước lều của tôi, sau khi đếm, “Hai! Ba!”

Hai anh lính thả cái đòn ra, “con heo người” rơi xuống đất, miệng la oai oái, “Ối! Ðau! Ối! Ðau!”

Tôi ra dấu cho hai chú lính vác đòn trở về đơn vị, rồi ra lệnh cho Thiếu úy Huỳnh Kim Hoàng,

– Cho nó gáo nước để tỉnh rượu!

Sau khi hứng ba mũ sắt nước tạt vào mặt, con sâu rượu Ngô Thái Bình mới tỉnh hẳn. Tôi hất hàm ra lệnh cho chú Hoàng,

-Tống nó vào chuồng cọp!

Ở đâu, nếu đóng quân lâu, tôi đều có một cái hầm lộ thiên rào kẽm gai xung quanh, gọi là chuồng cọp. Chuồng cọp của tôi mục đích là nhốt những tay nghiện ma túy, xì ke. Mấy con ma xì ke bị nhốt ở đây, ngày ngày chỉ có ly nước đường thay cơm, lâu nhất là mười ngày hay hai tuần thì khỏi bệnh.

Từ khi chúng tôi tới Kiến-Ðức, cái chuồng cọp này được dựng lên nhưng chưa có ai đặt chân vào.

Con ma men Ngô Thái Bình là khách hàng đầu tiên của căn hầm này.

Ba ngày sau, tôi cho ông già Bình xuống suối tắm rửa rồi vào trình diện.

Cái ngang tàng, hỗn xược vô kỷ luật của ông cựu Sinh viên Sĩ quan Khóa 1 Nam-Ðịnh đã không còn.

Trước mắt tôi, là hiện thân của một ông già thảm hại, râu tóc đã ngả màu hoa râm.

Ông Bình đưa tay chùi nước mắt rồi sụt sịt,

– Tôi xin lỗi Thiếu tá! Tôi sai!

– Tốt! Biết sai thì tốt! Nhưng biết sửa sai mới tốt hơn! Qua đồi Tây ở với Trung úy Danh, Ðại Ðội 2!

Sóng lặng, gió yên được ít lâu, một hôm tôi đang ngồi trong hầm truyền tin thì nghe tiếng súng M 16 nổ “Lốp!Bốp!Lốp!Bốp!” dưới đường. Tôi đưa mắt tìm Trung úy Trần Văn Phước thì được biết Phước có chuyện vắng nhà.

Tôi ra lệnh cho Thiếu úy Huỳnh Kim Hoàng chạy xuống xem có chuyện gì, chỉ hai phút sau chú Hoàng đã chạy vào, mặt tái mét,

– Trình Thái Sơn! Ông Bình lại say! Ông ta đang tìm ông Trung úy Danh để bắn cho chết!

Tôi chỉ thị cho đại úy tiểu đoàn phó,

– Ông Hoàng ra giải quyết vụ này cho tôi!

Cũng hai phút sau, cùng với tiếng M16 “Chíu! Chíu!’ là tiếng kêu cứu của ông tiểu đoàn phó,

– Không xong rồi Thái Sơn ơi! Thằng này điên rồi! Nó bắn cả tui!

Tôi với cái dây ba chạc khoác vào vai rồi bước ra khỏi hầm, đứng trên bờ đất nhìn xuống đường. Tay tôi để trên báng súng sẵn sàng. Khẩu Colt của tôi lúc nào cũng có đạn lên nòng.

Ðang giơ súng lên trời, bất thình lình nhìn thấy tôi, Trung sĩ 1 Bình vội vàng bóp cò cho những viên đạn sau cùng bay lên không.

Ông ta vừa bấm chốt cho băng đạn rỗng rơi ra để thay băng đạn mới.

Kẹp đạn mới của ông ta chưa kịp nằm vào ổ súng thì tôi đã quát lên:

“Bình!… ìng!… ìng!… ìng!…”

Tiếng hét của tôi lớn lắm. Tiếng hét đã khiến con ma men tỉnh táo hẳn, ông ta đứng đờ người như phỗng đá.

Tôi quát tiếp,

– Bỏ súng xuống! Quay lưng lại!

Như cái máy, ông Bình lảo đảo quay người 180 độ. Khẩu súng rời tay ông ta, rơi trên mặt lộ.

Nhân lúc ông ta vứt vũ khí, ông Tàu Hỷ, đầu bếp của Câu Lạc Bộ chạy ra nhặt vội khẩu M 16 rồi chui vào căn gia binh.

Tôi lại hét,

– Nằm xuống! Dang hai tay ra!

Ông Bình riu ríu thi hành lệnh. Thiếu úy Huỳnh Kim Hoàng liền chạy xuống lục soát hết người ông Bình để xem có vũ khí gì nữa hay không. Tôi ra lệnh tiếp,

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

– Lên đây!

Trung sĩ Bình ngồi dậy, rồi loạng choạng leo lên tam cấp. Cái đầu ông trung sĩ vừa nhô lên bực thang cao nhất đã bị tôi đá một phát như búa bổ trúng cằm. Ông Bình ngã lăn xuống chân đồi.

– Lên đây!

Mặt trận Tây Quảng Đức tháng 1 năm 1975

Miệng đầy máu, nhưng ông trung sĩ vẫn phải tiếp tục khật khưỡng leo.

Hai mắt ông Bình trợn lên nhìn tôi, đôi mắt có vẻ như đã đờ đẫn, mất hồn.

Cái đầu ông Bình vừa nhô lên bực thang cuối cùng, tôi lại đá thêm một phát nữa, con ma men lại lăn xuống đường, nhưng đã nằm im, không cục cựa.

Ngay sau đó, chiếc xe GMC của tiểu đoàn được trưng dụng để giải giao tên lính côn đồ cho Ty An-Ninh Quân-Ðội Quảng-Ðức.

Nhìn chiếc xe lao đi, tôi buông một tiếng thở dài.

Thực tình, tôi không nhẫn tâm tuyệt tình, tận nghĩa, ra tay giết Trung sĩ 1 Ngô Thái Bình.

Dù gì thì ông ta cũng không phải là một tên Việt-Cộng.

Nếu tôi muốn giết người lính vô kỷ luật này thì tôi chỉ cần nhẫn nại, chờ một giây đồng hồ, sau khi nó nạp xong băng đạn, với một phát Colt 45 tôi đã lấy mạng nó rồi.

Giết nó trong tư thế nó giương súng tấn công mình, mình sẽ được coi là tự vệ chính đáng.

Còn bắn nó chết sau khi nó chịu đầu hàng, thì mình sẽ can tội sát nhân.

Ðây là lần đầu tiên tôi nặng tay như thế đối với một thuộc cấp vô kỷ luật.

Và tôi biết rằng, từ đây tôi đã có một kẻ thù phải đề phòng.

Vì cứ cái đà tuyển quân vô trách nhiệm như hiện nay của quân đội, thì có khi, chỉ năm bữa, nửa tháng sau, ông Bình sẽ quay lại đây.

Nhưng chuyện đời đã không diễn ra như những điều mà ta dự đoán.

Chỉ vài tháng sau ngày ấy, Nha-Trang thất thủ, Quân Lao Nha-Trang mở rộng cửa cho tù tự do thoát ly.

Tôi vừa rút quân từ Xuân-Lộc về tới Long-Bình thì đã thấy ông trung sĩ ma men xuất hiện trong toán quân nhân di tản của Vùng 2, cùng vài anh quân phạm vừa thoát khỏi quân lao, rồi tình nguyện về bổ sung cho tiểu đoàn tôi.

Có điều, ông Trung sĩ 1 Bình đã thay da, đổi thịt. Ông ta mặc bộ quần áo hoa mới tinh, ủi hồ thẳng nếp.

Mái tóc hoa râm của ông ấy đã được húi cao như mái tóc của Cố Ðại tướng Ðỗ Cao Trí.

Gương mặt nhẵn nhụi mày râu của ông Trung sĩ 1 Bình giờ đó, nếu đem so sánh, có lẽ còn sáng sủa hơn mặt của những người đồng lứa tuổi của ông, đã từng một thời là thanh niên Hà-Nội, như Hoàng Thọ Nhu và Hoàng Kim Thanh.

Ông trung sĩ 1 mạnh dạn bước tới trước mặt tôi rồi nói,

Trình Thiếu tá, tôi biết, gia đình Thiếu tá còn kẹt ở Ban Mê Thuột. Vợ con tôi cũng còn kẹt ở Qui-Nhơn.

Bao nhiêu năm qua tôi đã mang tội với tổ quốc, với gia đình. Tôi biết Thiếu tá sẽ chiến đấu cho tới chết, tôi cầu xin Thiếu tá cho phép tôi được chết cùng ông! Tôi van xin ông!

Nói tới đây, ông Bình khóc lên thành tiếng,

– Tôi chỉ biết đem cái chết để chuộc những lầm lỗi mà tôi đã gây nên trong suốt cuộc đời này! Hu! Hu! Hu!

Thế là trước mắt tôi, không còn bóng dáng một con ma men đầu trâu, mặt ngựa nữa.

Thay vào đó, là một người, từ thời Pháp Thuộc, đã là một công tử con nhà giàu nứt đố, đổ vách, của tỉnh Thái-Bình, một thanh niên Việt-Nam nói tiếng Tây như gió, có bằng “Bắc Ðơ” tức là bằng Tú Tài 2 của Pháp, và đã là bạn đồng môn, đồng khoá, của những ông tướng, những ông lãnh đạo quốc gia thời Ðệ Nhị Cộng-Hòa.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Ngày 24 tháng 4 năm 1975, những ông lãnh đạo quốc gia, những ông tướng cùng lớp, cùng thời với ông Ngô Thái Bình, cựu Sinh viên Sĩ quan Khóa 1 Nam-Ðịnh, đang chen lấn nhau, dắt díu vợ con tìm đường đào thoát khỏi Việt-Nam, thì ông Bình lại đi tìm cái chết ở chiến trường.

Ðêm 28 tháng 4 năm 1975 Trung sĩ 1 Ngô Thái Bình của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã bị chiến xa Cộng-Sản nghiền nát thây trên đỉnh một ngọn đồi trọc nằm về hướng Nam của cây cầu gãy bắc ngang sông Lá Buông sau lưng Trường Bộ Binh Long-Thành.

Trước khi chết, ông Bình đã tự tay bắn cháy một chiếc tank T54 bằng khẩu súng M 72 mà ông ấy cứ mang kè kè bên hông từ chiều 24 tháng 4 năm 1975.

Từ chuyện say sưa của ông Trung sĩ 1 Ngô Thái Bình mà tôi phát giác ra cái tài kinh doanh, buôn bán của hai ông đại đội trưởng Nguyễn Nhơn và Võ Hữu Danh.

Tôi được báo cáo rằng, ngày nào chuyến xe đò Gia-Nghĩa đi Bù Binh cũng đậu lại ít phút dưới chân Ðồi Nam.

Anh phụ tài xế lanh tay bỏ những cái can bằng nhựa xuống lề đường để cho ông Thượng sĩ Nguyễn Ðả, Hạ sĩ quan Thường vụ của Ðại Ðội 2/ 82 tiếp nhận. Những cái can 20 lít bằng nhựa này chứa toàn rượu đế.

Từ ngày nhận chức chỉ huy Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, tôi đã ra lệnh cấm bán rượu đế trong Câu Lạc Bộ của tiểu đoàn.

Biết thế, nên hai ông Danh và Nhơn đã có sáng kiến kinh doanh món hàng hiếm này để kiếm lời.

Rượu đế mà hai ông Danh và Nhơn có được là do một nhà nấu rượu ở dưới Gia-Nghĩa sản xuất.

Ông Nhơn và ông Danh chỉ cần bỏ ra một vốn thì có thể thu vào tới bốn lời, đôi khi còn lời hơn thế nữa.

Tôi đã gọi hai ông đại đội trưởng vào lều, bắt hai vị này hứa sẽ không được tái phạm nữa. Tuy hai ông sĩ quan này đã lớn lời hứa hẹn nhưng tôi vẫn không thấy yên lòng chút nào.

Giữa tháng 11 năm 1974, tôi hoàn trả Thiếu úy Nhơn cho liên đoàn. Thiếu úy Phạm Văn Thủy quay trở lại chỉ huy Ðại Ðội 4/82.

Còn Trung úy Võ Hữu Danh bỗng nhiên khai có bệnh sốt rét kinh niên, ở Kiến-Ðức vài ngày, lại xin về nằm bệnh xá liên đoàn vài ngày, tôi đành miễn cưỡng để cho Chuẩn úy Gấm chỉ huy Ðại Ðội 2/82.

Tiếp đó Thiếu úy Nguyễn Văn Hổ phải lên đường theo học khóa Tổng Quản Trị, tôi liền cho Trung úy Trần Văn Phước thay thế chức vụ Ðại đội trưởng Ðại Ðội 3/82.

Vì đã có thời gian gần hai năm đảm nhận chức vụ Trung đội trưởng Trung Ðội Viễn Thám của Phòng 2 Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2, nên chú Phước không ngỡ ngàng gì với nhiệm vụ mới.

Ngày lãnh lương cuối tháng 11 năm 1974 cũng là ngày có tiếp tế định kỳ.

Hai đại đội tăng phái của Tiểu Ðoàn 63 cũng được tiếp tế cùng lúc.

Thực phẩm của Tiểu Ðoàn 82 được vận chuyển bằng xe GMC, thực phẩm của Tiểu Ðoàn 63 được vận chuyển bằng một xe Dodge 4×4.

Hai bãi nhận hàng cách nhau không xa.

Tôi cho lệnh Ðại Ðội 4/82 được ưu tiên nhận tiếp tế trước, rồi lên Bù Row thay quân cho Ðại Ðội 3/82.

(còn tiếp)

VML