Nhiều kỳ – Kỳ 4

Trung tá gọi em làm chi vậy! Em đang nấu cơm.

Trung tá Dậu chỉ vào anh ta rồi hỏi tôi:

– Thằng này mới được bổ sung tháng trước, nó nói nó là đồ đệ của Long, mình giữ nó lại làm “tà lọt” nấu cơm. Long có nhận ra nó không?

Trước mặt tôi là một anh lính trẻ, nhìn mặt anh, tôi thấy hình như tôi đã gặp anh ta ở đâu đó rồi.

Chắc anh lính đã nhận ra tôi là người mà anh ta biết, nên nhào tới nắm chặt hai cổ tay tôi.

– Trung úy ơi! Hậu đây! Hậu đây Trung úy! Ngày đó em có lỗi với Trung úy! Em xin lỗi Trung úy! Hu! Hu! Hu! …

Như một đứa bé, người trẻ tuổi khóc thật hồn nhiên.

Tôi cũng nhìn ra, trước mặt tôi là tân binh Lê Văn Hậu ở Trung đội 3 Ðại Ðội 1 của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân năm nào.

Ông Dậu nhắc nhở:

– Ế! Hậu! Ông Long là thiếu tá! Không phải là trung úy! Mày phải kêu ông ấy là thiếu tá!

Hậu vẫn không buông tay tôi ra, nó sụt sùi:

Trung úy ơi! Ông thầy ơi! Ông thầy tha lỗi cho em! Ông thầy ơi! Hu! Hu! Hu!…

Tôi gỡ tay Hậu ra, rồi ôn tồn:

– Ngày đó chuyện diễn tiến ra sao?Thằng Ðông đâu?

– Trình Trung úy, sau khi ra tòa, em bị kêu án ba năm tù về tội đào ngũ, còn thằng Ðông bị đưa ra Phú-Quốc nhốt chung với tù Phiến Cộng. Ông thầy hiện giờ ở tiểu đoàn nào? Ông thầy xin cho em về ở với ông thầy có được không?

Tôi hỏi tiếp:

– Thế ngày đó Hậu có biết thằng Ðông là Việt-Cộng không?

– Dạ không! Nó thấy em nhớ nhà, nó cứ rủ em đi trốn… 

Thấy anh lính khờ khạo, cả tin ngày xưa đang có chỗ dựa là ông trung tá liên đoàn phó, nên trước khi rời Thanh-An, tôi nói với Hậu,

– Hậu cứ ở yên đây với Trung tá Dậu! Khi nào có dịp, anh sẽ đem chú về với anh.

Miệng tôi tuy nói thế, nhưng trong lòng tôi thì nghĩ khác:

“Hậu ơi! Anh đã thấy rồi! Lòng trung thành của em giống như con vụ. Nó cứ xoay tròn liên miên. Nếu Trung úy đem em về ở với Trung úy thì chắc chắn một ngày nào đó em sẽ nghe theo lời rủ rê ngon ngọt của một thằng bạn mới quen, em sẽ cùng với nó trói Trung úy lại rồi đem anh giao cho Việt-Cộng mất thôi!”

Trung tá Dậu hất tay ra lệnh cho Binh 2 Hậu rút lui rồi hỏi nhỏ tôi:

Theo ý Long thì thằng này có dùng được không?

Tôi trả lời:

Nếu ông không sợ nó phản thì cứ thử!

Ít lâu sau tôi nhận lệnh vào Pleime chỉ huy Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng. Tôi nhận được một tờ đơn viết tay có chữ ký của Binh 2 Lê Văn Hậu tình nguyện xin về phục vụ tiểu đoàn này.

Dù đang cần người bổ sung, tôi vẫn phê hai chữ “Không nhận” trên cái đơn.

Ðầu tháng Ba năm 1975, Binh 2 Lê Văn Hậu còn ở với Trung tá Lê Quý Dậu, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân.

Sau khi Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân tan hàng ở Ban Mê Thuột, không biết số phận Binh 2 Lê Văn Hậu ra sao.

Thời gian này tôi đang trấn giữ vùng biên giới Quảng-Ðức và Cambodia.

Giữa tháng Ba năm 1975 Quân Ðoàn II tháo chạy khỏi Vùng 2.

Cuối tháng Ba năm 1975 tôi phải ngậm ngùi dẫn quân vượt sông Da Dung, bỏ lại sau lưng một trận địa mà tôi đã trải qua mười năm dài chinh chiến.

oOo

Chuyện nơi cuối sông Ðồng Nai…

Trong danh sách những tù cải tạo được tha năm 1988 có tên tôi.

Sau đợt tha này, toàn cõi Việt-Nam chỉ còn hơn một trăm người tù cuối cùng tập trung về Trại Z30 D là nơi tôi vừa giã từ.

Về tới nhà hôm trước, hôm sau vợ tôi ra điều kiện:

“Ba ngày đầu mình không được đi chơi nhậu nhẹt với bà con, cô bác, bạn bè. Mình chỉ được ăn đậu xanh nấu với tỏi để xổ độc. Sau đó phải ăn đồ nhẹ, không dầu mỡ. Hết một tuần mới được ăn uống bình thường.”

Có lẽ vì tôi nhất mực tuân lệnh vợ, giữ miệng, kiêng khem, nên sau này tôi không bị “bệnh hậu cải tạo” hành hạ xác thân như nhiều anh bạn khác.

Sau 13 năm dài làm việc quần quật để nuôi bốn đứa con nhỏ ăn học, lại thêm gánh nặng thăm nuôi chồng bị giam giữ tù đày, vợ tôi hầu như đã kiệt sức mất rồi.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi về được ít lâu thì vợ tôi ngã bệnh, không còn hành nghề thợ may được nữa, thu nhập của gia đình tôi chỉ trông vào mấy chỉ vàng do công dạy mấy đứa bé gái đang học nghề thợ may.

Từ ấy, tôi phải thay nàng, chen chân vào đời kiếm cơm, kiếm gạo, nuôi vợ, nuôi con. Bất cứ chỗ nào đánh tiếng thuê người giúp việc tôi đều tìm tới.

Tới đâu người ta cũng bắt tôi xuất trình giấy tờ chứng minh lý lịch.

Trong nước Cộng-Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam thì tôi chỉ có một tờ giấy tùy thân, đó là cái Giấy Ra Trại có con dấu đỏ của Trại Cải Tạo Z30 D Hàm-Tân Thuận-Hải.

Nhưng cái giấy ra trại này chẳng giúp ích gì cho tôi khi đi xin việc cả.

Xuất trình nó ra, có khi còn mang họa, vì ngay dưới cái tên tôi, là những hàng chữ ghi rành rành thế này:

Bị bắt ngày: 11 tháng 5 năm 1975.

Can tội: Thiếu tá Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Án phạt: Tập trung cải tạo.

Mãi tới ngày có cái Chứng Minh Nhân Dân tôi mới thấy dễ tìm việc làm hơn.

Tôi đã làm nhiều việc, nhưng việc gì cũng là tạm bợ, chẳng có công việc gì kéo dài được lâu.

Tới ngày có anh Lê là người quen từ thời gia đình tôi còn ở Hội-An tới thăm, biết tình trạng làm ăn thất thường của tôi, anh có ý kiến:

Thời buổi này muốn sống phải có vốn, cậu không có vốn thì chịu khó lên rừng làm gỗ, làm nương.

Tôi nói:

– Làm gỗ nguy hiểm lắm, vừa sợ bị cây đè, sợ muỗi vắt, rắn rết, còn sợ bị chủ quỵt tiền công. Tôi mới bỏ nghề giữ lô của một xưởng cưa trên Ðà-Lạt về đây.

– Cậu có biết trồng mì không?

-Úi da! Mười ba năm học tập cải tạo tôi chỉ học được có một cái nghề trồng mì, trồng bắp, tôi trồng mì giỏi lắm!

– Vậy thì cậu Long lên Trị-An làm rẫy đi! Dạo này tụi Tàu Chợ-Lớn đang đẩy mạnh phong trào sản xuất mì ăn liền Vị-Phong. Tụi nó rất cần khoai mì. Cậu gắng kiếm chút vốn rồi lên đó thuê vài công đất trồng mì, chỉ vài tháng sau là có tiền rồi.

Trước khi nhập nghề trồng sắn, tôi phải theo ông bạn già đi khảo giá sắn cho biết thị trường mua bán ra sao, từ đó, khi có của rồi, mới biết ước giá, định giá mà bán, thì mới có lời.

Trong những lần đi dò đường để chuẩn bị vào nghề, tôi cũng học được một vài điều hay; tỉ như chuyện trước khi rỡ mì hai ngày, chủ vườn lén tưới vỗ dưới gốc cây cho mì ngậm nước, khi nhổ củ, đem cân, trọng lượng sẽ tăng lên. Hoặc là đục một lỗ “thiến” đi một củ mì to nhứt trong chùm rễ cái, sau đó nén chặt gốc bằng đất, rồi trồng cỏ mới lên trên. Những vườn mì bị moi củ thường được bán “mão” nghĩa là định giá trước khi nhổ củ, người mua được “lùa”, thua chịu.

Sau khi đã điều đình với chủ đất để có sẵn sàng bốn mẫu đất canh tác, tôi về Sài-Gòn chạy vốn.

Thời buổi này, vay lời theo lãi suất hàng ngày là “xanh xít, đít đui” (Tiếng Pháp: Cinq:5, Six:6; Dix:10; Douze:12) tức là vay 5 thì trả 6, vay 10 phải trả 12.

Vay 1000 đồng ngày hôm nay, thì ngày mai phải trả 100 đồng, ngày mốt 100 đồng, cứ thế, trả trong 12 ngày thì hết cái nợ 1000 đồng.

Tôi đã từng mượn người hàng xóm 100 nghìn đồng để đi buôn quần áo SIDA.

Chủ nợ ưu ái cho tôi không phải trả 10 nghìn hàng ngày, nhưng phải trả gộp cả vốn lẫn lời 120 nghìn sau ngày thứ mười.

Ði trồng mì mà vay vốn kiểu này chắc là không kham nổi!

Kinh nghiệm 13 năm trồng mì từ Bắc vào Nam, cho tôi biết, khúc mì vùi xuống đất, một tuần lễ sau còn chưa bén rễ, nẩy nhánh. Sau ba tháng, củ mì mới to bằng ngón chân cái, còn lâu mới bán được, làm cách nào mà thanh toán cho xong mấy chục cái nợ “xanh xít, đít đui” đây?

Thôi đành bỏ ý tưởng kiếm cơm bằng nghề trồng khoai mì cho rồi!

Tôi lên rừng tiếp tục đi đào vàng…

Một hôm, tôi vừa trở về từ mỏ vàng Suối Nho, Gia-Kiệm thì anh Lê lại tới thăm.

– Cậu Long có biết lái máy cày không?

Nghe hỏi, tôi đáp liều:

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

– Thiếu tá thì ông nào mà không biết lái trực thăng, xe tank, tàu thủy? Sá gì cái máy cày!

– Vậy mai này tôi chở cậu lên lái máy cày giúp cho thằng rể của tôi. Thằng phụ máy của nó vừa tách ra làm ăn riêng. Cậu lên ở với vợ chồng nó, cậu cháu đùm bọc lẫn nhau mà sống cho qua ngày!

Thằng con rể ông bạn già của tôi đang sinh sống ở một vùng Kinh Tế Mới bên kia bến phà Hiếu-Liêm của đập Trị-An. Nó có cái máy cày hiệu John Deere. Hàng ngày nó cày thuê cho chủ đất quanh vùng, thu nhập rất là khấm khá.

Hai ngày sau tôi trang bị một cái xách tay, trong đó chứa ba bộ quần áo nhà binh cũ cùng một đôi giày bố đen, rồi giã từ vợ con, cất bước lên đường.

Trong giao kèo miệng giữa tôi và anh Lê thì tôi sẽ được vợ chồng chủ đài thọ ăn ở, do đó tôi không cần đem theo tiền để đi xe, đi tàu, hay tiền dằn túi để tiêu vặt.

Anh Lê phụ trách công tác chở tôi lên nhà thằng rể của anh.

Trước khi leo lên xe, anh Lê dúi cho tôi một tờ bản đồ chỉ dẫn giao thông vùng hai bên Hồ Trị -An. Anh Lê nói:

-Tôi biết cậu cần thứ này nên đã tìm mua nó cho cậu để khi cần tìm địa chỉ khách hàng cậu không sợ bị lạc.

Vì ngồi đàng sau, lại bận bịu chuyện trò liên miên, tôi chẳng để ý theo dõi bản đồ hay nhìn phong cảnh hai bên đường nên chẳng biết nhà thằng con rể của anh Lê nằm ở vùng nào.

Xe qua đập rồi chạy vòng vèo khá lâu mới tới khu dân cư. Dân ở đây sống cách nhau hơi xa.

Trước mỗi nhà đều có sân đất rộng cả sào, nhưng không có hàng rào. Sau căn nhà tôn hoặc mái tranh là một thửa ruộng vuông vức, mỗi bề cả trăm thước. Hầu như ruộng nhà nào cũng trồng khoai mì. Khoai mì là loại cây ít cần công chăm sóc nhứt.

Tới trưa hôm đó thì tôi đối diện với cái máy cày hiệu John Deere. Tuổi của cái John Deere này có khi còn già gấp đôi tuổi tôi.

Chờ lúc hai cha con ông bạn rủ nhau ra suối tắm, tôi mới len lén leo lên rờ rẫm cái tay lái.

Hôm qua trước mặt anh Lê, tôi lớn lối khoe khoang rằng: “Ông tá nào mà không biết lái máy cày!” đó là tôi “hù” ông bạn tôi thôi!

Tôi có biết lái máy cày đâu! Tôi tính máy gì, xe gì, của Mỹ cũng phải có bảng chỉ dẫn gắn ngay trước tay lái, ai ngờ chiếc máy cày này già quá, cái bảng chỉ dẫn đã rụng mất tiêu từ thuở nào rồi!

Tôi quên chưa đính chính lại là có nhiều ông cấp tá, đeo lon trắng đế vàng chói lóa mà chưa từng biết lái cái xe Jeep chứ đừng nói chi tới lái máy bay, tàu bò như tôi hù dọa anh Lê.

Thật mà! Các vị tá này từ khi tốt nghiệp thiếu úy, chuẩn úy đã được ô dù che đậy, cho làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu, cứ sáng đi quá giang xe ông này, chiều đi nhờ xe ông khác, thét rồi lên tới tá vẫn chưa một lần được cấp xe. Không có xe riêng thì làm sao mà biết lái?

Rờ rẫm một hồi, tôi cũng dụ được cái John Deere già khú đế rú lên, phun khói mịt mù.

Con trâu già John Deere quá cũ, uống dầu như giếng không đáy, lại chạy chậm rì rì, bò suốt buổi mới xong một mẫu đất.

Tôi mới làm quen với công việc cày xới chưa được một tuần lễ thì đột nhiên xảy ra chuyện không hay. Vào đúng ngày Rằm Âm-Lịch, vừa xong công việc cúng vái các vị Thần Tài, Ông Ðịa, Thổ Công, Thổ Thần thì ông chủ nhỏ của tôi nhận được tin là, tất cả khách hàng quen của John Deere đồng loạt thông báo rằng, từ nay họ không thuê John Deere nữa.

Nguyên do rất bình thường, chỉ vì có người chịu cày thuê cho họ với giá hạ hơn nhiều!

Cạnh tranh là phương châm cho tất cả mọi kinh doanh thu lợi. Anh phụ thợ cày của cái máy John Deere sau khi tậu được chiếc Kubota mới tinh thì trở thành đối thủ của anh chủ cũ.

Máy Kubota vừa nhẹ vừa ăn ít dầu, chạy lâu không nóng máy, không phì hơi, không bốc khói; đất cày xong cũng dễ đánh tơi, trong khi rãnh cày John Deere không có ưu điểm ấy.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Bạn ta còn một đòn chơi thật là xấu, bằng cách hạ giá mỗi mẫu cày tính là 8,000 đồng thôi, thay vì 10,000 theo giá cũ của John Deere.

Xưa nay John Deere thu về cho chủ 10,000 đồng mỗi hecta, trả công người lái như tôi 2,000 đồng, chủ còn lại 8,000 đồng, sau khi trang trải tiền dầu nhớt, tiền vỏ lốp, tiền “đấm mõm” cho cán bộ kinh tế, cán bộ thuế vụ của xã, chủ xe cũng chẳng còn được bao nhiêu.

Ở nơi đồng không, mông quạnh này vốn đã buồn rồi, thất nghiệp lại càng buồn hơn. Thế là từ ấy, thằng con rể của ông bạn tôi đâm ra ghiền vọng cổ.

Vì ngày ngày ngồi chờ người gõ cửa thuê cày, vắng khách, nó bèn mở máy Cassette ra nghe Hùng Cường, Thành Ðược, Út Trà Ôn, ngân nga sáu câu mùi mẫn. Nghe xong, nó cố gân cổ ca theo ba cha nội này quên cả ngủ, quên cả ăn.

Hai cậu cháu chờ dài cả người, ba bốn ngày mới có một anh thợ rừng thuê bao chúng tôi lên ngàn kéo mây, kéo vầu, kéo nứa. Dịp này con trâu John Deere mới có dịp phun khói, uống dầu.

Vì có dịp lên núi kéo nứa, tôi thấy ở đây mây, tre, vầu, nứa bạt ngàn mà chẳng có kiểm lâm, thuế vụ gì cả; tôi chợt nẩy ra ý nghĩ, thay vì đem xe đi kéo nứa cho người ta, tiền công chẳng được là bao, chi bằng mình tự chặt nứa rồi tự kéo nó về biến cái sân to rộng trước nhà thằng cháu thành một vựa nứa, vựa tre, mỗi tuần chỉ cần đi hai chuyến là no đủ rồi.

Trong thời gian bị giam giữ trên Hoàng Liên Sơn, anh tù cải tạo nào mà không rành nghề đốn tre, chặt nứa?

Thế là vững tin vào tay nghề của mình, tôi bỏ ra một ngày làm cỏ, quét dọn cái sân đất trước vườn thật sạch sẽ dành chỗ để mây, để tre.

Nào ngờ mình chưa ra quân, con trâu già John Deere đã trở quẻ!

Hôm tôi đem cái gùi đồ nghề gồm mấy con dao quắm, dao phát và cái cưa tay chất lên xe, đi qua chặng đường bằng phẳng thì không sao, nhưng vừa leo qua một con dốc nhỏ thì John Deere bỗng nằm ì ra không thèm chạy nữa!

Người lái tăng ga thì nó rú lên; toàn thân nó run bần bật liên hồi như một ông lão đang lên cơn sốt cao, ho khù khụ. Tôi tắt máy, nhảy xuống quan sát thì thấy dưới gầm xe có một vũng dầu máy đen ngòm! Ôi thôi! John Deere bị bể bạc đạn rồi!

Hai người loay hoay một lúc cũng tháo được cái bạc đạn đem ra ngoài ổ máy.

Thằng cháu hối hả chạy về nhà bắt vợ nó đập con heo đất, gom góp được hai chục ngàn đồng, giao cho tôi.

Cậu chịu khó vác cái bạc đạn này về Nguyễn Trãi thuê người ta xoáy nòng cho cháu. Nếu thiếu tiền thì cậu ghé nhà Ba Má cháu nhờ ứng trước, cháu sẽ hoàn lại sau.

Tôi chưa biết đi đường nào để về Sài -Gòn thì chợt nhớ ra cái bản đồ mà anh Lê đã trao cho tôi ngày khởi hành. Trên bản đồ ghi rõ từng chặng đường và từng loại phương tiện để đưa tôi về nhà. Nếu trong túi có tiền, cứ theo cái bản đồ mà đi, lo gì không tới.

Tôi khệ nệ ôm cái túi vải bọc khoanh bạc đạn máy cày lết bộ ra hương lộ chờ xe ôm.

Xe tới bến phà, móc bóp trả tiền tôi mới ngã ngửa: tôi phải trả 6 ngàn đồng cho chuyến thồ này. Bác tài không cho tôi biết trước, muốn trả 2 ngàn đồng thì tôi phải chờ cho đủ ba người mới trọn một chuyến đi. Ba khách thì tổng số tiền là 6 ngàn, đi một mình ên, cũng phải chi 6 ngàn.

Lúc tôi lên xe, ông tài chỉ phán gọn một câu:

– Ông đi suốt?

Thời buổi này chữ nghĩa mới, danh từ mới nhiều quá, tôi trở thành con người lạc hậu, không theo kịp, nên nghe ông ta hỏi “Ông đi suốt?” tôi cứ nghĩ rằng ông ta hỏi tôi muốn đi một lèo ra bến phà, mà không ngừng ở đâu, nên gật đầu.

Dĩ nhiên!

Ðâu ngờ hai tiếng “Dĩ nhiên!” đáng giá 6 ngàn đồng tiền Hồ!

Ông lái xe thồ là dân “Bắc Kỳ 75”, ông ta là đại diện cho nền văn hóa mới.

(còn tiếp)