5 KỲ – KỲ cuối

Còn tôi là dân “Bắc Kỳ 54” lại bị đưa lên rừng, lên núi để “học tập cải tạo” một thời gian lâu tới 13 năm, nên không theo kịp cái văn minh đương thời của nước Cộng-Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam.

Tới bến phà, khách không phải chờ lâu, bây giờ thời buổi hòa bình không tiếng súng, miễn có người trả tiền thì đò lúc nào cũng sẵn sàng rẽ sóng, bất kể ban ngày, hay ban đêm.

Qua đò, tôi leo lên xe khách chạy đường Hiếu-Liêm, Thành Phố Biên-Hòa. Tới bến xe Biên-Hòa, tôi phải sang xe Biên-Hòa, Tân-Cảng. Tới Tân-Cảng, tôi leo lên xe Lamb về bến Phạm Ngũ Lão.

Rồi từ Ga Phạm Ngũ Lão, tôi tiếp tục theo xe Lamb về chợ Nancy. Nhà tôi ở đằng sau chợ Nancy.

Tới chợ Nancy, trả tiền xong thì trong túi tôi còn đúng 2 nghìn đồng, vừa bằng tiền công mà chủ trả cho tôi mỗi khi cày hoàn tất một hecta.

Thấy đường từ chợ Nancy qua Nguyễn Trãi cũng không xa lắm, vả lại, trong bụng cũng tiếc tiền đi xích lô, nên tôi đành gắng sức đưa cái túi bạc đạn lên vai vừa đi vừa huýt gió cho quên mệt.

Chiều hôm đó trong khi ngồi ăn cơm, tôi nghe đài BBC loan tin khu mỏ vàng K3 ở Ðơn Dương vừa bị sập hầm vì mưa lũ. Tin sơ khởi cho biết rằng có vài chục người mất tích. Hai tháng trước tôi còn ngụp lặn ở K3! Nghĩ cho cùng thì số mình cũng còn hên!

Thấy số mình vẫn còn hên, nên tôi quên mất cái buồn do chuyện sau nửa tháng trời chịu vất vả ở trên ngàn mà chỉ đem về nhà được 2 nghìn đồng bạc.

May thay, trong thời gian chờ thợ tiện xoáy nòng cái bạc đạn, tôi nhận được lời nhắn phải đi tới một căn gác tọa lạc trên đường Trương Minh Giảng để gặp một người tên là bà Hà để nhận quà.

Giữa trưa nắng cháy, vợ chồng tôi hí hửng chở nhau trên chiếc xe đạp thồ đi tìm nhà bà Hà.

Nhà này nằm trong một con hẻm lớn. Nhà có một từng lầu lợp tôn với cái lan can nhìn xuống phố.

Bà Hà là Việt Kiều mới về từ Mỹ. Bà bắt tôi xuất trình Chứng Minh Nhân Dân để nhìn mặt xem tôi có phải là người mà bà có trách nhiệm giao quà hay không?

Xem mặt tôi xong, bà Hà ra lan can quan sát một lúc, chắc chắn không bị ai theo dõi, bà trở vào mở tủ trao tay cho tôi một cái bì thư,

Trong này có 200 đô la của anh Thọ gửi cho anh, anh đếm lại đi, rồi ký vào tờ giấy biên nhận cho tôi.

Tôi mở cái bì thư ra, thấy một tờ giấy 100 USD và ba tờ giấy 20 USD màu xanh lá cây cùng một tờ biên nhận, bên dưới có tên tôi, nhưng còn chờ chữ ký. Thấy tờ giấy biên nhận ghi rõ ràng con số 200 USD. Tôi thắc mắc,

– Chị ơi! Chị nói trong bì thư này có 200 đô, mà sao tôi chỉ thấy 160 đô vậy?

– Thì tiền công “chuyển ngân” là hai mươi phần trăm (20%) Hai trăm đô trừ bốn chục đô lệ phí, không còn một trăm sáu chục đô thì còn bao nhiêu? Anh là dân Võ-Bị mà có bài tính giản dị như thế cũng không thông ư? Tôi thấy anh Thọ nhanh nhẹn, tháo vát lắm, còn anh, sao mà có vẻ chậm tiêu quá!

Nhìn cái miệng dẻo quẹo của bà Hà, tôi nhủ thầm trong bụng:

“Ðưa cho người ta 160 đô la mà bắt người ta ký nhận 200 đô la còn mắng người ta là dốt tính toán. Quả là thứ vừa ăn cướp vừa la làng!”

Thấy tôi đứng thừ người, bà Hà hăm,

– Sao? Có nhận không? Nếu chê thì tôi chuyển tiền cho người khác, theo danh sách ưu tiên của anh Thọ. Ngoài anh ra, anh Thọ có cho tôi tên của ba anh Khóa 20 Võ Bị, người ưu tiên kế tiếp sẽ nhận hai trăm này nếu tôi không liên lạc được với anh.

Tới nước này tôi đành quơ bút, ký cái hóa đơn đã nhận 200 USD do bạn của tôi tên là Thọ từ Hoa-Kỳ gửi về.

Vợ chồng tôi từ biệt bà Hà mà quên chưa hỏi bà ta người gửi tiền cho tôi có tên “Anh Thọ” đang ở đâu? Vì lý do gì mà “Anh Thọ” lại gửi tiền cho tôi.

Ít lâu sau tôi nhận được một cái thư gửi từ California, Hoa-Kỳ, tôi mới biết người bạn tên Thọ là ai.

Thì ra anh Thọ, tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thọ, lúc đó đang là đại diện của Khóa 20 Võ-Bị Hải-Ngoại.

Thọ là dân Biệt Ðộng Quân với tôi, nhưng từ ngày ra trường, tôi chưa từng gặp lại bạn ấy. Tôi có nhiều bạn Biệt Ðộng Quân thân thiết hơn Thọ nhiều, nhưng kể cả những người chịu ơn tôi trong quá khứ hiện đang ở Mỹ, thì chỉ có Thọ là người Biệt Ðộng Quân đầu tiên còn nhớ tới tôi.

Trong thư, bạn Thọ ghi rõ ràng:

“Anh em bên này nghe tin mày được tha, ai cũng mừng. Như thông lệ, tao trích quỹ của khóa ra cho mày 100 USD.

Nghe được tin này, anh Hồ Khắc Ðàm, khóa 16, cũng nhờ tao gửi cho mày 60 đồng.

Tao định rút thêm 40 đồng từ quỹ khóa để cho mày chẵn 200 USD nhưng thằng Nguyễn Thanh Ðức không đồng ý, nó nói đứa nào cũng nhận được 100 USD sau khi được tha, không lý do gì mà phải cho mày nhiều hơn người khác.

May mà có thằng Lại Thế Thiết cũng là dân Biệt Ðộng Quân đã móc hầu bao bù vào 40 đô. Như vậy tổng cộng số tiền mày nhận sẽ là 200 đô.

Tiện đây tao cũng cho mày hay, người mà mày thân thiết nhứt, kỳ vọng nhứt là thằng Nguyễn Lạn trước khi mày được ra trại, lúc nào gặp tao, nó cũng hỏi thăm mày. Nay tao nói mày đã về rồi thì nó làm lơ, không ý kiến. Mày cần gì ở nó, thì viết thư riêng cho nó, gửi tới địa chỉ của tao, tao trao lại.”

Lá thư của bạn tôi không đầy một trang giấy đánh máy.

Tôi đã giữ lá thư này từ ngày nhận nó, cho tới 25 năm sau thì nó bị thất lạc.

Tôi mãi mãi ghi trong lòng một món nợ mà tôi đã nhận từ những người bạn cùng binh chủng và cùng khóa Võ-Bị đã ra tay giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh khốn cùng.

Trong thư hồi âm cho bạn Nguyễn Hữu Thọ tôi đã nhờ bạn Thọ liên lạc tới từng người mà tôi nêu tên để cho tôi gửi lời cám ơn.

Trên đời này, có những món nợ mà suốt đời mình không thể có dịp để trả; mình không thể làm gì hơn bằng cách nói hai tiếng “Cám ơn!”

Tôi đã không gửi thư cho người bạn thân nhứt của tôi là anh Biệt Ðộng Quân Nguyễn Lạn.

Tôi cũng quên không hỏi bạn Nguyễn Hữu Thọ rằng khi bà Hà nhận tiền bạn tôi trao, thì bà ta đã nhận lệ phí chuyển tiền chưa? Chuyện bà Hà giao cho tôi 160 đô la mà bắt tôi phải ký nhận 200 đô la trên biên lai thì có đúng giao kèo không?

Ðến ngày hẹn, tôi tới nhà máy tiện lấy cái bạc đạn rồi lên xe Lamb tới nhà anh Lê.

Sau khi anh Lê bồi hoàn số tiền mà tôi đã ứng trước trả công cho nhà máy tiện, tôi xin anh cho tôi mượn chiếc xe Honda hai bánh của anh để đem cái bạc đạn cho con rể của anh. Lợi dụng dịp này, tôi có thể ghé vào những thôn xóm dọc đường để mời chào khách cần cày ruộng.

Dùng Honda chỉ tốn ít lít xăng, không mất công đi xe khách, xe Lamb, qua đò, qua phà, mà mỗi bước, mỗi tốn kém.

Ði Honda tôi có dịp ngắm cảnh đẹp thiên nhiên bên đường, và được tận mắt chứng kiến cái hùng vĩ của con đập khổng lồ ngăn dòng chảy cuối nguồn của sông Da Dung.

Hôm ấy, sau khi qua đập Trị-An, trên đường tiến về Chiến Khu D, tôi chỉ thấy hai bên lộ, bạt ngàn rừng bạch đàn.

Những năm gần đây, người ta trồng bạch đàn làm gì mà đâu đâu cũng thấy loại cây này, nhìn thấy ngợp.

Tới Ngã Ba Lý Lịch, tôi rẽ vào khu xóm nhà bên tay phải rồi đi theo con đường đất đỏ rộng chừng bốn thước.

Leo hết dốc thì hai bên đường hiện ra những khu vườn chia từng ô. Hình như nơi đây là một vùng Kinh Tế Mới, nên nhà nào cũng có diện tích sàn sàn bằng nhau. Sau vườn là những bãi mì xanh mướt um tùm.

Chắc mẩm thế nào xứ này cũng có người cần cày máy, tôi chạy một lèo vừa đi vừa quan sát từ đầu xóm, tới cuối xóm.

Tới cuối xóm tôi trở đầu, rồi tắt máy, dẫn xe quay ngược trở lại.

Gặp người nào nghi là chủ nhà, chủ đất tôi đều hỏi,

-Thưa bác, thưa ông, thưa bà có cần cày máy giúp hay không?

Ðôi ba nhà vui vẻ trả lời, hỏi giá cả, hẹn ngày, đôi nhà không vồn vã.

Gặp một ông lão tươi cười chặn đường tôi lại,

– Anh bạn ơi! Ghé văn phòng xã, hỏi ông Bí Thư hay ông Chủ Tịch  chắc có ruộng thuê cày. Ruộng của các ông ấy thì cò bay thẳng cánh, mùa nào cũng cần tới các anh đấy!

– Xin bác chỉ đường nào thì tới văn phòng xã?

– Thì cứ theo hương lộ này mà ra. Cuối đường là Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân Xã nằm bên tay phải.

– Cám ơn bác! Vậy là lúc đi vào, tôi đã đi qua đó!

Sau khi lễ phép chào từ giã bác nông dân, tôi cho nổ máy xe.

Văn phòng xã tìm không khó, nó nằm ngay nơi đầu dốc vào thôn.

Tôi hỏi một ông già đang ngồi bơm bánh xe đạp trước sân,

-Bác ơi! Bác làm ơn chỉ giùm tôi ai là ông chủ tịch xã hay bí thư xã! Tôi có việc cần gặp.

– Anh chờ chút!

Người già dừng tay, chạy vào căn nhà tôn.

Sau đó ông quay ra, dẫn cái xe đạp bước đi,

– Có chuyện gì thì trình với ông ấy! Tôi phải về.

Một người đàn ông cao lớn, mặc quân phục kaki xanh, đầu đội cái nón cối cán bộ nhưng không mang phù hiệu, từ văn phòng xã bước ra,

– Anh cần gặp tôi có công chuyện gì?

– Tôi là người đi cày thuê. Nghe nói nhà ông có nhiều ruộng lắm! Nếu ông cần cày máy vỡ đất hay xới đất thì cho tôi làm. Công vỡ đất mới khai quang là 12 nghìn một hecta, công xới đất ruộng cũ là 10 nghìn.

– Anh ở gần đây à?

– Dạ tôi ở cách đây không xa lắm, chừng hai cây số.

– Sao tôi chưa gặp mặt anh lần nào? Quanh đây chỉ có hai anh lái cày thuê tôi đều nhẵn mặt. Mặt anh lạ hoắc!

– Tôi mới tới thôn này, tôi làm thuê cho chủ.

– Chủ anh có máy cày hiệu “Hôn Dê” (John Deere) hay hiệu “Cu bò” (Kubota)

– Dạ máy John Deere của Mỹ.

Nghe tôi trả lời, ông chủ tịch xã (hay bí thư xã) chợt ngẩn người, trố mắt,

– Thì ra anh là Bắc Năm Tư! (1954)

Anh ta ngạc nhiên cũng phải, vì cách phát âm Anh Ngữ của tôi khác với những người Việt-Nam thời đại mới.

Với tôi thì chuyện người ta lấy làm kỳ khi nghe tôi nói câu gì đó có chen tiếng Pháp, tiếng Anh cũng là việc thường xảy ra.

Tỷ như, trong những lần vào rừng Núi Voi, Ðức-Trọng để làm cây, làm gỗ, bạn rừng của tôi gọi cái máy cưa tay hiệu Brother là cái cưa “Bờ Rồ Te” trong khi đó tôi lại gọi nó với tên “Brơ dờ”

Những dị biệt nho nhỏ như thế đã khiến tôi thành mục tiêu cho các bạn tôi chê cười. Họ cứ kêu tôi là “anh chàng nhà quê” nói tiếng Anh, tiếng Tây dở ẹc!

Bất thình lình, người cán bộ Cộng-Sản vội vàng gỡ cái nón cối kẹp vào nách rồi nghiêng đầu nhìn chăm chú vào mặt tôi như đang quan sát một vật gì kỳ quái lắm.

Cũng vì chuyện anh ta gỡ cái nón ra mà tôi nhìn rõ mặt người đối diện.

Tôi thấy trên má y có một cái sẹo đen to bằng ngón tay cái nằm ngay dưới con mắt trái! Tôi giật mình, “Thằng Ðông!”

Thằng Ðông bây giờ to béo quá! Nếu không thấy cái sẹo trên má và nghe giọng nói quen quen của nó thì tôi đã không nhận ra!

Ngay khi ấy, người cán bộ Cộng-Sản cất tiếng la,

– Ðúng rồi! Ðúng rồi! Anh là Sơn! Trung úy Sơn!

Khi y há miệng, tôi thấy rõ hàm trên của y có ba bốn cái răng cửa bịt vàng.

Ngày xưa thằng Ðông có cái răng vàng nào đâu? Chắc bây giờ làm ăn khấm khá, nó mới trồng thêm mấy cái răng vàng để trang trí và khoe của.

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì tên Việt-Cộng (Phan Ðông) đã hằn học tiếp,

– Anh không nhận ra tôi là người quen của anh ư? Tôi là người bị các anh đá gãy ba cái răng cửa đây! Phan Ðông đây! Từ ngày chia tay nhau trên Ðồng Nai Thượng, tới bây giờ mới gặp lại. Hai mươi năm qua, tôi thấy anh thay đổi quá rồi đó! Anh không còn oai như hồi xưa! À này! Anh có biết thằng trung tá mắt lồi ác ôn đang ở đâu không? Còn anh, anh là trung úy Ngụy! Chắc anh trốn học tập cải tạo, giả dạng thường dân rồi lên đây lái máy cày thuê phải không?

Thời 1968-1971 ở Biển Hồ Pleiku, những người cấp dưới không có cảm tình với Trung tá Bùi Văn Sâm thường gọi lén tên ông với hỗn danh “Ông trung tá mắt lồi” Những lúc ông trung tá này nóng giận, hai mắt ông ấy lồi ra, nhìn thấy sợ lắm.

Nghe thằng Ðông nhắc tên Trung tá Sâm, tôi nhớ ra ngay cảnh nó ngồi ôm cái miệng đầy máu trong suốt thời gian chờ trực thăng ngày ấy. Tôi vỡ lẽ, vì duyên cớ gì mà ngày nay miệng thằng Ðông lại đầy răng vàng.

– Tôi có …

Tôi chưa nói ra trọn câu: “Tôi có … đi học tập cải tạo mà!” thì cụt tiếng ngay, vì tôi vừa thấy ánh mắt Phan Ðông thoáng lộ vài tia sáng lấp lóe, gian trá, dị kỳ.

Ánh mắt này tôi đã thấy hiện trên mặt y vào lúc y cùng Binh 2 Lê Văn Hậu vừa leo lên sàn chiếc trực thăng UH1 D năm nào.  

Phan Ðông bỗng đổi giọng, liến thoắng, vồn vã.

– Gặp lại anh tôi mừng hết biết! Nào! Anh Sơn! Vào văn phòng của tôi đánh chén một chầu cái đã! Xe của anh chắc cũng đáng năm cây vàng! Nhưng anh Sơn đừng lo! Anh cứ dẫn xe vào sân, đậu sát vách văn phòng của tôi! Không cần phải khóa cổ xe! Ở đây an toàn lắm.

Sau khi phát ngôn một tràng dài, chẳng ăn khớp gì với những lời y mới nói ra mấy giây đồng hồ trước đó, tên cán bộ xã xoay người đứng lui sang một bên giơ tay kéo rộng cánh cổng chờ tôi đẩy xe vào sân.

Thấy cử chỉ và giọng điệu bất thường của tên cán bộ Cộng-Sản này đáng sợ quá, tôi chưa biết phải làm gì thì vừa may, Phan Ðông bước dang ra xa.

Ngay lập tức, tôi vội vàng phóng lên yên xe, mũi chân trái nhún mạnh xuống mặt lộ, chiếc Honda lao xuống dốc.

Phan Ðông nhảy xổ ra đường, y giơ cao tay, chỉ một ngón về phía tôi, miệng hét,

– Trung úy Sơn! Ðứng lại ngay!

Tôi ngoái cổ hét trả,

– Tao là thiếu tá! Tao là thiếu tá!

Bàn chân tôi chỉ cần nhấn nhẹ một cái trên cần sang số là động cơ nổ liền, “Bình! Bình! Bình!”

Xuống tới chân dốc, tôi vặn hết tay ga, chiếc Honda phóng như bay trên con lộ đất đỏ. Mười phút sau tôi đã về tới nhà thằng con rể của anh Lê.

Sau khi để cái bạc đạn máy cày đã xoáy nòng lên bàn, tôi kéo tay thằng cháu ra góc vườn nói nhỏ với nó,

– Cậu phải rời đây ngay! Có người sẽ tìm giết cậu. Nếu có ai hỏi thăm cháu có người nào tên là Sơn tới giúp cháu lái máy cày không thì cháu cứ nói cách đây một tháng có một ông tên là Nguyễn Văn Hai, vừa mãn hạn tù cải tạo từ Sài-Gòn lên xin việc làm, nhưng cháu chưa chấp thuận. Ông ta đã về Sài-Gòn mấy tuần nay chưa trở lại. Cháu cũng không biết địa chỉ cư trú của ông ta ở đâu cả.

Ông chủ trẻ tuổi của tôi nghe chuyện xong thì mặt mày tái mét,

– Vậy cậu tránh xa nơi này càng nhanh càng tốt. Cháu sẽ làm theo lời cậu dặn, cậu đừng lo!

Không kịp quơ mấy bộ quần áo thợ cày còn phơi trong nhà bếp, tôi vội vàng thót lên yên xe.

Xế trưa hôm đó, con đường tôi về dài hơn con đường tôi ra đi buổi sáng.

Vì muốn tránh mặt oan gia, tôi đã phải đi vòng thêm bốn hay năm cây số về hướng Nam của Ngã Ba Lý Lịch.

Trời vẫn trong, mây vẫn bay, gió vẫn hiu hiu, bạch đàn vẫn rì rào. Nhưng tôi không còn tâm trí nào mà thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên nơi cuối sông được nữa.

Xe phóng qua mặt đập, rẽ vào con đường nhựa mà quân đội Ðại-Hàn xây dựng cách đây nhiều năm tôi mới bình tâm trở lại.

Nhớ chuyện vừa qua, hình dung ra bộ mặt hung dữ với những chiếc răng vàng sáng chói của thằng Ðông, tôi vừa tức cười, vừa giận trong bụng:

“Mẹ nó! Nếu ngày ấy mà tao không can ngăn, chắc ông Sâm đã đá bỏ mẹ mày rồi! Mày không những chỉ gãy ba cái răng cửa, có khi còn bể hết cả hàm trên lẫn hàm dưới, có khi còn vỡ mặt! Mày đã không biết ơn tao mà còn giận cá chém thớt! Mày đúng là cái đồ vô ơn!”

Tôi về tới Sài-Gòn thì trời đã xế chiều.

Sau khi trả xe cho anh Lê, tôi đã ngồi kể hết cho anh ấy biết nguyên nhân vì sao tôi không theo nghề lái máy cày nữa. Tôi cứ dặn đi, dặn lại anh Lê rằng, nhớ bảo thằng con rể của anh đừng cho ai biết tên thực của tôi, cứ nói tên tôi là Nguyễn Văn Hai, không biết địa chỉ cư trú ở chỗ nào!

Ít lâu sau ngày này, vợ chồng anh Lê ghé nhà mời tôi lên nhà anh để dự đám cưới đứa con gái thứ ba. Dịp này anh Lê cho tôi biết tin tức mà anh nghe được ở Trị-An:

“Vài ngày sau khi cậu Long rời Trị-An thì một ông cán bộ xã đã tới thuê John Deere cày hai hecta ruộng cũ. Ông cán bộ cứ hỏi dò anh chủ John Deere rằng nghe nói có một ông tên là Sơn người Bắc, đang làm thợ cày phụ với anh, ông Sơn bây giờ ở đâu? Thằng cháu đã cho ông ta biết tin ông Sơn mới được người nhà bảo lãnh đi Mỹ đoàn tụ rồi ! Thằng cháu còn nói thêm rằng hình như hôm đó ông cán bộ có lận súng ngắn trong lưng.”

Nghe xong, tôi hiểu chuyện liền. Người cán bộ Cộng-Sản kia đã không thuê Kubota với giá rẻ hơn, mà dám bỏ ra 4 nghìn đồng phụ trội để thuê John Deere, cũng chỉ vì anh ta muốn biết tin tức một người quen cũ có tên là “Trung úy Sơn”

Anh ta cẩn thận quá! Ban ngày ban mặt, đi trong địa phận mình cai trị để tìm người quen mà phải đem theo súng đạn.

Tôi chẳng ngạc nhiên chút nào, vì tôi biết, thời buổi ấy, nơi đồng rừng hiu quạnh, chuyện thủ tiêu một người không để lại dấu vết đâu có gì là khó khăn?

Thêm vào đó, nếu kẻ chủ mưu làm chuyện này mà là một chức sắc của chính quyền Cộng-Sản địa phương thì cho dù Bao Thanh Thiên có tái sinh cũng đành thúc thủ, không tài nào tìm ra thủ phạm!

Có điều số mệnh của mỗi sinh vật hiện diện trên cõi đời này đều do Trời định.

Dù tên cán bộ Cộng-Sản xã đã hăm hở lận súng sau lưng đi lùng sục khắp hang cùng, ngõ hẻm vùng xung quanh Ðập Thủy Ðiện Trị-An để tìm cho ra một người mang tên là “Trung úy Sơn” y cũng chỉ hoài công thôi.

Ngay cả trường hợp y cất công về Sài-Gòn, bỏ tiền ra mua chuộc nhân viên quản thủ hồ sơ cũ còn lưu trữ trong thư khố của Bộ Tổng Tham Mưu Việt-Nam Cộng-Hòa ngày xưa, rồi tìm tòi, truy cứu danh sách các quân nhân Biệt Ðộng Quân Việt-Nam Cộng-Hòa của Vùng 2 Chiến Thuật, thì y cũng không thể tìm thấy cái tên này.

Vì trên thực tế thì làm gì có ông Trung úy nào tên là Sơn ở Ðại Ðội 1/11 Biệt Ðộng Quân đâu?

Ngày xưa, trong thời gian tôi còn ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, thuộc cấp của tôi hiếm khi gọi tôi với tên “Long”

Trong đơn vị, người dưới quyền tôi thường gọi tôi với các tên “Trung úy” “Thái Sơn” và “Ông thầy” tùy theo mức độ thân tình.

Có lẽ trong thời gian không đầy hai tháng trời ngắn ngủi hiện diện ở Ðại Ðội 1/11 anh chàng Phan Ðông chỉ nghe người khác gọi tôi là “Thái Sơn” nên anh ta tưởng tôi mang tên “Sơn” và mang họ “Thái” cũng nên?

Ngày ấy, sau khi bị một trận đòn đau, lại bị tống giam vào trại tù Phiến-Cộng, anh ta căm thù chúng tôi cũng đúng thôi!

Nhưng chẳng lẽ Trung úy Thái Sơn và những người Biệt Ðộng Quân khác của Ðại Ðội 1/11 phải dang tay “ôm hôn thắm thiết” hai tên “đồng chí” vừa từ mật khu trở về?

Chẳng lẽ những người trai Việt Miền Nam phải bỏ dở nghiệp bút nghiên, theo chân nhau tòng quân, đáp lời sông núi, ngày đêm lặn lội rừng sâu núi thẳm, bảo vệ quê hương phải vỗ tay hoan nghênh, đón chào những tên “ăn cơm Quốc-Gia, thờ ma Cộng-Sản” như anh học trò Phan Ðông của Trường Trung Học Biên-Hòa?

Sao anh ta không nghĩ lại, tự hỏi lòng anh ta rằng, anh ta mong muốn gì khi viết ba chữ S.O.S nơi đầu nguồn Ðồng Nai?

Chẳng lẽ anh ta viết ba chữ S.O.S rồi ngồi chờ máy bay trực thăng của Liên Xô sẽ đáp xuống đón anh ta?

Người Quốc-Gia luôn khoan dung độ lượng mở rộng vòng tay, nhưng với những kẻ phản bội nguy hiểm như Phan Ðông thì không thể có chỗ đứng trong một đất nước Tự Do.

Vì lòng nhân đạo, chúng tôi đã cứu vớt hai tên phản quốc, nhưng chúng tôi không thể tin dùng chúng được nữa.

Từ khi Phan Ðông đào ngũ, đi theo giặc, Phan Ðông và Thái Sơn, đã thành hai người ở hai chiến tuyến; trong đầu hai người là hai ý thức hệ đối nghịch nhau.

Thời gian như bóng câu…

Tôi ở Mỹ đã lâu lắm rồi, nhưng hàng ngày tôi vẫn theo dõi tình hình xảy ra trên quê hương cũ Việt-Nam.

Ðầu năm 2020, tôi đọc được những tin tức truyền rao tiếng kêu oan của những người thời xưa có công bao che, giấu giếm và nuôi dưỡng các chiến sĩ Cách-Mạng chống Mỹ, Ngụỵ.

Nay họ than khóc vì bị chính quyền Cộng-Sản tịch thu hết đất đai, ruộng vườn.

Từ ấy, tôi chợt nhớ lại chuyện đã xảy ra ở chốn đầu nguồn và ở cuối nguồn của một giòng sông.

Không biết giờ này anh cán bộ Phan Ðông có còn sinh sống trong vùng Kinh Tế Mới cuối nguồn Ðồng Nai không?

Ðịa danh Ðồng Nai và địa danh Ðồng Tâm có chung một chữ Ðồng.

Chắc anh cán bộ Phan Ðông đã nghe những lời kêu cứu thảm thiết của những đồng chí của anh ta đang bị nhà cầm quyền Cộng-Sản tịch thu ruộng đất ở Ðồng Tâm.

Chắc Phan Ðông đã biết rằng, những người Cộng-Sản ở xứ Ðồng Tâm có số tuổi đảng nhiều lần cao hơn, so với tuổi đảng của anh ta.

Tôi không rõ, khi những giòng chữ này được đưa lên net thì những hecta đất mà Phan Ðông đã được phép làm chủ sau năm 1975 đã bị nhà nước Cộng-Sản sung công chưa?

Tôi mong rằng Phan Ðông chưa vội nhắm mắt trước khi chứng kiến cảnh đổi đời tái diễn trên đất nước mình!

VML

Seattle, WA tháng 2 năm 2020