Nhiều kỳ – Kỳ 3

Gần trưa hôm sau chúng tôi lại lên đường, sau khi cho người đem “quà tặng” cho Hoàng Mai và Thẩm Quyền 12, tức là anh sĩ quan Ban 3 tiểu đoàn.

Nhận được con gà trống và cái đùi heo, ông tiểu đoàn trưởng và anh sĩ quan Ban 3 cám ơn rối rít.

Năm mươi năm sau, người nhận được con gà đang cư ngụ ở

Massachusetts, USA còn nhớ chuyện này, còn người nhận được cái đùi heo, đang ở California, USA thì quên mất rồi!

Thiếu úy Duyên và Trung đội 1 làm công tác đoạn hậu, có nhiệm vụ đốt trụi ba cái nhà tranh của toán dân quân tăng gia sản xuất Việt-Cộng trước khi rời vị trí.

Chúng tôi vẫn đi theo đường xe thồ cặp bờ sông. Bên phải đường là dòng nước đục ngầu, bên trái đường là rừng tre rậm rạp.

Thêm hai cây số về hướng Tây Nam, tới chỗ ghềnh đá, nước chảy xiết, sùi bọt trắng xóa, khoảng cách giữa đôi bờ bị hẹp lại thì xuất hiện một cái cầu treo.

Cầu có bốn dây bện bằng mây. Cầu được cột chặt vào thân bốn cây cổ thụ loại gỗ mộc nơi hai bờ. Sàn cầu được đan bằng nẹp tre đực, nên rất vững chắc, xe đạp thồ có thể qua cầu không khó khăn.

Tôi tính ra lệnh chặt dây cầu, xong kịp nghĩ lại:

“Mình cứ phục ở đây. Biết đâu lại gặp món hời!”

Ngay lập tức tôi cho chốt chặn hai đầu trục tiến quân. Sau đó tôi đặt một khẩu đại liên M 60 đạn lên nòng sẵn sàng, nhắm ngay giữa lòng cầu; bất cứ ai bước lên sàn cầu chắc chắn sẽ chết.

Gần ba giờ chiều, tôi nghe bờ đối diện có tiếng tù và, “Ù! U! Ù! U! …” cùng bóng người ẩn hiện.

Không biết trả lời cách nào, tôi đành ra dấu cho anh em ngồi im.

Năm phút sau, có lẽ không nghe bờ bên này đáp trả, bờ bên kia lại phát ra ba tiếng súng, “Tóc! Tóc! Tóc!”

Chúng tôi vẫn ngồi im.

Hình như bên kia suối có người bắt đầu đi lên cầu. Có bóng một người, rồi hai, rồi ba… Phút sau chúng tôi nhìn thấy rõ, ba người đi đầu mặc đồ xanh bộ đội, thủ súng ngang hông. Theo sau ba tên bộ đội một quãng là một chiếc xe đạp thồ chất hàng cao nghệu, với một người dắt đằng trước và một người đẩy đằng sau. Sau lưng chiếc xe thồ còn hai người súng vác vai.

Khi đoàn người tới đoạn giữa của cây cầu, sức nặng và gió lộng khiến cho cây cầu chao qua chao lại giống như con đò gặp sóng trên sông.

Tôi vỗ tay vào nón sắt của Hạ sĩ Lưu Sanh ra hiệu khai hỏa, “Cành! Cành!Cành!”

Những khẩu M16 của tiểu đội cận vệ đại đội trưởng cũng “Ðùng! Ðùng! Ðùng!” bắn tiếp tay.

Tất cả cán binh đang di chuyển trên sàn cầu đều trúng đạn gục xuống, chắc chắn có vài tên đã bị bắn xuyên táo.

Không lâu sau từ bờ bên kia có nhiều tràng AK bắn trả lại.

Một hỏa tập pháo binh đã sẵn sàng bắn phủ trùm khu rừng sát đầu cầu, bên kia sông.

Tôi gọi ông Thượng sĩ thường vụ đại đội lên, giao việc cho ông ấy nhanh chóng chặt đứt bốn sợi dây cầu.

Chỉ một phút sau, một đầu cầu rớt xuống lòng thác cuồn cuộn. Những vật nặng trên mặt cầu lập tức bị nước cuốn đi. Cây cầu cứ tưng tưng nhảy trên mặt sóng rồi đập vào ghềnh đá. Mặt trời lặn xuống từ từ…

Sáng ngày thứ mười của cuộc hành quân, tôi nhận lệnh tìm bãi để trực thăng Hoa-Kỳ sẽ tới bốc đại đội tôi về Di-Linh.

Chúng tôi ngồi chờ dài người tới trưa mới nghe tiếng máy bay “Bạch! Bạch! Bạch!”

Trên máy truyền tin là giọng một người lạ,

-Thái Sơn đây Phong Vũ.

-Thái Sơn nghe! Phong Vũ là ai vậy?

– Vũ Bình Chính đây! Có lệnh của Bạch Mai cho cả gia đình bạn nhổ neo về sân vận động Di-Linh nhận tái tiếp tế rồi ứng chiến tại đó!

Thì ra người vừa gọi tôi là Trung úy Vũ Bình Chính. Anh Chính là bạn cùng Khóa 20 Võ-Bị của tôi, anh ta mới đáo nhậm liên đoàn, giữ chức sĩ quan không trợ.

Chừng mười phút sau, một hợp đoàn trực thăng Mỹ tới bốc chúng tôi rời vùng. Tôi đi trên chiếc trực thăng chót, với toán lính sau cùng.

Vừa đạp chân xuống đất Di-Linh, tôi lại nghe,

-Thái Sơn chờ trên bãi, tôi sẽ đón bạn đi gặp Bạch Mai ngay.

Tôi chưa kịp dặn dò Thiếu úy Duyên những công việc cần phải làm thì chiếc C&C đã đáp; tôi leo lên; con tàu bay ngược vào rừng.

Thì ra bộ chỉ huy liên đoàn cũng đang ở trong rừng, nhưng đóng quân với một pháo đội Hoa-Kỳ trên ngọn đồi nhỏ nằm sát Tỉnh Lộ 8 B.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Nơi đây cách xa bến phà Kinh-Ðà chừng bốn cây số.

Vì tiếng động cơ máy bay rất ồn nên Chính phải ghé sát tai tôi,

– Không Kỵ Hoa-Kỳ vừa bốc được hai thằng lính đi lạc của bạn rồi thả ở căn cứ hỏa lực. Bạch Mai muốn bạn về xác nhận xem có phải tụi nó là người của Ðại Ðội 1/11 không?

Tôi thắc mắc,

– Không Kỵ vớt được tụi nó lúc nào vậy?

–  Mờ sáng ngày hôm nay Không Kỵ Mỹ bay qua vị trí mà đại đội của Long đáp xuống mấy hôm trước thì phát hiện dấu hiệu S.O.S vẽ trên cát, đồng thời có hai người quơ tay cầu cứu. Họ đã liên lạc với ban Cố Vấn của liên đoàn. Cố Vấn liên đoàn xác nhận rằng mình có hai người lính bị thất lạc mấy ngày nay, nên họ xuống bốc hai tên đó về căn cứ pháo binh, giao cho Ban An Ninh.

Xuống máy bay tôi thấy giữa sân cỏ, có hai người cởi trần, trên thân chỉ có cái quần đùi, ngồi chồm hổm trên nền đất.

Hai người này bị bịt mắt bằng vuông vải đen, hai tay bị trói quặt đàng sau.

Chính đưa tay ra dấu cho tôi đừng lên tiếng, rồi ghé tai tôi,

– Có phải hai thằng này là lính của Long không?

Vừa nhìn thoáng qua, tôi đã nhận ra, hai người trước mắt tôi chính là Binh 2 Phan Ðông và Binh 2 Lê Văn Hậu. Thằng Hậu thì lùn nhưng tròn quay, còn thằng Ðông lại vừa cao vừa gầy.

Thằng Ðông cao nhứt Trung đội 3, mỗi khi tập họp nó đều đứng ở đầu hàng, ngày nào mà tôi không thấy nó!

Vì thế, không cần phải tháo cái khăn đen bịt mặt thằng Ðông ra, tôi vẫn hình dung được một cái sẹo màu đen to bằng ngón tay cái nhìn giống như một miếng vá nằm ngay dưới con mắt trái của nó. Vết sẹo này nếu ai đã thấy một lần rồi thì sẽ khó quên.

Tôi gật đầu, rồi hỏi,

– Vậy mình phải làm thủ tục gì để nhận chúng nó về lại đơn vị?

– Long vào gặp Trung tá thì biết! An Ninh đã thẩm vấn hai thằng này rồi! Có một thằng là Việt-Cộng!

Dứt lời, Chính kéo tôi vào lều hành quân.

Trung tá Bùi Văn Sâm liên đoàn trưởng đang ngồi chờ tôi,

– Ông Long xem bản cung từ của An Ninh đi! Mấy cái Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ làm ăn tắc trách quá! Bổ sung cả cán bộ Việt-Cộng cho mình. Nếu đơn vị nào cũng làm việc ỡm ờ vô trách nhiệm như thế, thì theo cái đà này sớm muộn gì mình cũng mất nước thôi!

Trung tá Sâm vừa dứt lời, Thượng sĩ Mân, hạ sĩ quan An Ninh liên đoàn liền trao cho tôi một xấp giấy viết tay; đây là cung từ sơ khởi ghi lời khai của hai anh lính đào ngũ.

Trong hồ sơ của Binh 2 Phan Ðông, tôi đọc được:

Họ và tên: Phan Ðông

Năm sinh: 1950

Họ và tên cha: Vô danh

Họ và tên mẹ: Phan Thị Quý

Quê quán: Tân-Uyên, Biên-Hòa

Ðảng phái: Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam

Tham gia: 1965 (mười lăm tuổi)

Vai trò phụ trách: Ủy viên thanh niên học sinh Biên-Hòa

Trong một cuộc hành quân cảnh sát sau Tết Mậu Thân, tên Phan Ðông bị Tuần Cảnh Hỗn Hợp Quân Trấn Biên- Hòa bắt đưa vào Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ rồi chuyển sang Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Ðộng Quân Dục-Mỹ.

Ðầu tháng 6 năm 1968 đương sự được bổ sung cho Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Hai lần mưu toan đào ngũ, bất thành.

Tháng Sáu năm 1968, chỉ hai ngày sau khi đáo nhậm đơn vị, Ðông đã đeo theo sau chiếc xe đò Blao, Ðịnh-Quán định trốn thì bị Quân Cảnh Lâm-Ðồng bắt nhốt một tuần rồi trao trả cho Biệt Ðộng Quân.

Sau ngày lãnh lương cuối tháng Bảy, Phan Ðông đã dụ dỗ được Binh 2 Lê Văn Hậu cùng bỏ đơn vị ra đi từ Ðức-Trọng, Ðà-Lạt nhưng bị bạn bè phát giác phải bỏ cuộc.

Lần này, là lần thứ ba, Phan Ðông đã cùng Lê Văn Hậu đem theo vũ khí cá nhân và mười ngày lương khô, đào ngũ tại mặt trận.

Cả hai tên này dự trù sẽ men theo bờ sông Ðồng Nai Thượng (Da Dung) xuôi Nam, về Chiến Khu D.

Ngay buổi chiều, sau khi rời bãi trực thăng, hai tên đào ngũ đã rơi vào tay một đơn vị tăng gia sản xuất của Việt-Cộng. Ðơn vị Việt-Cộng này không có phương tiện vô tuyến truyền tin, nên lưu giữ chúng dưới hình thức giam lỏng.

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Nương theo tin tức của Ðông và Hậu cung cấp, Việt-Cộng đã dùng quân phục rằn ri của hai đào binh này để giả trang, rồi tập kích các đơn vị Biệt Ðộng Quân đang có mặt trong vùng.

Sau khi hai cán binh Việt-Cộng giả dạng Biệt Ðộng Quân bị giết thì Ðông và Hậu bị cùm, kiên giam trong hầm, chờ huyện đội Di-Linh của Cộng-Sản xử trí.

Rồi huyện đội ra chỉ thị cho phép hai tên lính đào ngũ này sung vào đội tăng gia sản xuất của địa phương.

Tên Phan Ðông nại cớ mình là cán bộ trí vận của tỉnh Ðồng-Nai, không chịu ở lại xứ này, y cứ nài nỉ xin huyện đội Di-Linh cho người hộ tống y xuôi Nam.

Cũng trong thời gian này, Binh 2 Lê Văn Hậu khóc lóc suốt ngày, luôn mồm chửi bới tên Ðông đã rủ rê y vào con đường chết.

Tám ngày sau, Ðông và Hậu bị Việt-Cộng bắt cởi bỏ hết y phục, trên thân chỉ còn cái quần đùi, rồi bị bịt mắt dẫn ra bờ sông bỏ lại với lời dặn:

Cứ theo dấu giày mà tìm về với đơn vị của chúng mày!”

Sáng ngày thứ mười của cuộc hành quân thì Ðông và Hậu được Không Kỵ Hoa-Kỳ cứu sống.

Khi bị nhân viên An-Ninh liên đoàn hỏi rằng:

Có phải anh nhận lệnh của Việt-Cộng trở về đơn vị tiếp tục làm nội tuyến hay không?”

thì Phan Ðông đã chối đây đẩy:

“Dạ không! Em còn mẹ già ở dưới quê. Quê em là vùng mất an ninh nên em mới tham gia Mặt Trận Giải Phóng. Từ khi đi lính em căm thù Việt-Cộng lắm. Em không thèm nghe lời dụ dỗ của chúng nó nữa đâu.”

Cung từ của Binh 2 Lê Văn Hậu không có gì đáng nghi.

Ðương sự thuần túy là một học sinh ngây thơ bị bắt đi quân dịch xa nhà.

Cũng vì quá ngây thơ, quá nhớ nhà, Hậu đã nghe theo lời rủ rê của Ðông mà đào ngũ.

Hậu cũng tiết lộ rằng trong thời gian bị Việt-Cộng giam giữ, nó thường nghe thằng Ðông và bọn cán binh gọi nhau là “Ðồng chí”

Nó khai thêm, trước lúc bị bịt mắt dẫn đi, nó còn thấy thằng Ðông ngồi bàn chuyện riêng với tên chỉ huy Việt-Cộng một thời gian khá lâu.

Ban An Ninh liên đoàn đề nghị giải giao Phan Ðông và Lê Văn Hậu cho Ty An Ninh Quân Ðội Tuyên-Ðức hay Lâm-Ðồng để có biện pháp thích nghi.

Với tư cách là cấp chỉ huy trực tiếp của hai phạm nhân, tôi phải ký giấy xác nhận tình trạng vi phạm của hai tên này.

Ðồng thời tôi phải cho ý kiến đề nghị giải giao chúng cho cơ quan hữu trách.

Chờ tôi xem xong xấp giấy ghi khẩu cung của hai tên đào ngũ và ký tên xác nhận, Trung tá Sâm kéo tay tôi ra sân, hướng về phía hai tên đào binh đang bị trói.

Nghe tiếng chân người đi tới gần, hai tên bị bịt mắt vội ngửa mặt lên nghe ngóng, đợi chờ.

Tôi nói,

-Trung tá để tôi cởi trói và mở khăn che mắt cho chúng nó nhe!

Trung tá Sâm xua tay,

– Khỏi! Ông chỉ cho tôi, thằng nào là thằng Ðông?

Tôi đưa tay chỉ tên đào binh cao và gầy,

– Thằng ngồi bên phải, cao và gầy là Phan Ðông.

Trung tá Sâm chống hai tay vào cạnh sườn, đôi mắt lừ lừ, từ từ đi một vòng xung quanh, nghiêng người dòm vào mặt hai kẻ phạm tội.

Rồi bất thình lình ông dừng lại, co chân đá tới tấp vào mặt Phan Ðông,

– “Ðủ mẻ” đồ ăn cơm Quốc-Gia, thờ ma Cộng-Sản!

Tôi thấy máu miệng, máu mũi của Phan Ðông phun ra ào ào, y ú ớ,

– Trung tá tha cho em! Em trót dại! Lần sau em không dám làm thế nữa!

“Bịch! Bịch! Bịch!” vừa tiếp tục đá vào đầu, vào mặt, vào ngực Phan Ðông, ông Sâm vừa nghiến răng,

– Lần sau à? Mi còn muốn có lần sau nữa à?

Thấy ông liên đoàn trưởng xuống tay quá nặng, tôi vội can ngăn,

– Thôi! Kệ cha nó Trung tá! Nó ngu xuẩn đi theo giặc thì cứ để cho nó chết. Theo đúng quân luật thì tội đào ngũ trước địch quân của nó phải bị xử tử hình. Mình cứ giải giao nó cho An-Ninh Quân-Ðội là xong.

Ngồi bên Phan Ðông, Binh 2 Lê Văn Hậu run lên như cầy sấy,

-Trung tá đừng đánh em! Tại thằng Ðông nó rủ rê em, em mới đi trốn! Trung tá đừng đánh em! Em biết lỗi của em rồi!

Tôi nghĩ bụng:

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

“Cái thằng Hậu này đúng là quá khù khờ! Ông Trung tá đang xả cơn giận lên đầu thằng Ðông, tự nhiên nó lên tiếng, không khác gì mời ông ta quất cho một trận!”

Quả nhiên, mũi giầy của ông liên đoàn trưởng liền quay qua, nện một cú móc ngay hàm anh lính ngố!

– Mày là thứ đồ ngu! Mày là thứ đồ đần!

Bị hai cú đá như trời giáng, “thằng ngu” câm họng luôn!

Nó sợ rồi! Không dám khóc! Nó biết, nếu khóc sẽ làm cho ông liên đoàn trưởng thêm giận, nó sẽ lãnh đòn nữa.

Hình như sau khi vận lực tung mấy cú đá vào mặt hai tên “ăn cơm Quốc-Gia, thờ ma Cộng-Sản” ông liên đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân đã nguôi ngoai cơn giận. Ông kéo tay tôi đi về cuối bãi,

– Phải công nhận! Ông thật là cao số! Nếu hai đứa nó mà lựa lúc ban đêm mọi người ơ hờ, hè vô trói ông lại, bắt ông ra lệnh cho cả đại đội nộp súng đầu hàng thì đại họa! Một là mình ông chết, hai là cả trăm người thành tù binh! Hên lắm rồi! Hết kỳ hành quân này ông nhớ ăn chay ít lâu để tạ ơn Trời Phật!

Nghe ông Sâm nói, tôi cũng rùng mình, tán đồng,

– Ðúng rồi! Tôi phải cám ơn Trời Phật!

Ông Trung sĩ thông dịch viên chui ra khỏi lều truyền tin, dáo dác một lúc, rồi chạy tới,

-Trình Trung tá! Mười phút nữa có trực thăng đưa Trung úy Long về Di Linh và đưa hai đào binh về Ðà-Lạt.

Chúng tôi trở lại lều. Trung tá Sâm nhắc nhở Thượng sĩ Mân,

– Từ đây về tới ty An Ninh Quân Ðội, dọc đường, ông nhớ cẩn thận, coi chừng tụi nó giựt súng rồi bỏ chạy đó!

Sau khi chào từ biệt Trung tá liên đoàn trưởng, tôi ghé Ban 4 liên đoàn, xin được hai bộ quần áo cũ để cho Ðông và Hậu.

Dưới họng súng canh gác của một người lính, hai đào binh nhanh chóng khoác vào người bộ quần áo hoa đã cũ.

Sau đó Thượng sĩ Mân mở ba lô lấy ra một cái còng số 8 móc một đầu vào cổ tay phải của Phan Ðông, đầu kia móc vào cổ tay trái của Lê Văn Hậu.

Trong thời gian gần hai chục phút chờ máy bay, B2 Lê Văn Hậu cứ nhìn tôi rồi khóc rấm rứt.

-Thái Sơn tha lỗi cho em! Trung úy tha lỗi cho em!

Bên cạnh đó, Binh 2 Phan Ðông ngồi cúi đầu, một tay bụm miệng, không nói tiếng nào, miệng nó còn ra máu.

Leo lên tàu, tôi chợt thấy mắt của Phan Ðông long lên sòng sọc. Ánh mắt của nó như chứa đựng điều gì đó dị kỳ, bí hiểm. Thay vì ngồi xẹp xuống sàn tàu, Ðông lại ngồi một chân co, một chân duỗi như thủ thế.

Tôi nghĩ tới trường hợp nó nổi cơn điên vào lúc máy bay đã lên cao thì nó có thể kéo theo một hai người cùng lao ra khỏi cửa máy bay để chết chung!

Tôi vội ra lệnh cho Thượng sĩ Mân lấy thêm một cái còng số 8 thứ hai, móc tay trái của Phan Ðông vào cái khoen tròn kim loại trên sàn máy bay, khiến cho tên đào binh này hết cơ hội manh động.

Sau ngày ấy, chuyện hai tên đào binh của Ðại Ðội 1/11 cũng đi vào lãng quên.

Cho tới một ngày cuối năm 1973, tôi ghé Quận Thanh-An để thu hồi một toán Viễn Thám trở về từ núi Chi Kara.

Thanh-An là nơi Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân đặt Bộ Chỉ Huy Nhẹ.

Giữa sân Quận Thanh-An, tôi đang đứng nói chuyện với Trung tá Hoàng Thọ Nhu, liên đoàn trưởng, thì ông liên đoàn phó xuất hiện,

– Long có thằng đàn em nào mới từ quân lao mãn án, ra Biệt Ðộng Quân không?

Nghe Trung tá Lê Quý Dậu, liên đoàn phó hỏi, tôi ngạc nhiên,

-Tôi chẳng quen ai đang bị tù cả. Chắc có người lầm tôi với ông Long nào đó chăng?

Ông Dậu gọi một hạ sĩ quan đứng gần đấy,

-Mày đi tìm thằng Hậu lên đây!

Anh Trung sĩ Ban 3 liên đoàn chạy đi, lúc anh ta quay lại thì sau lưng anh ta là một người lính.

Bất ngờ bị áp tải lên trình diện hai ông tá chánh và phó của liên đoàn cùng một người lạ, anh lính vừa tới có vẻ lo lắng lắm. Anh ta đứng trong thế nghiêm, hai chân run run.

(còn tiếp)