Lời giới thiệu: 

Tháng 5 năm 1975 chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt. Trên toàn cõi Việt-Nam không còn nghe bom nổ, không còn thấy đạn bay. Nhưng giữa tháng 5 năm 1975 cũng có những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa đã bị đem đi mất biệt, mãi mãi không về…

Bảo Huân

Vừa nhảy khỏi rào trại, tôi đã bị một vệ binh túm được. Lạ lùng một điều là thằng Việt-Cộng này đã không bắn tôi, không bắt tôi, mà chỉ xua tay ra dấu cho tôi chui vào sân trại trở lại.

Ghìm súng trước ngực tôi, y ra lệnh:

“Anh Long không được đi! Trong giờ tôi gác mà anh trốn thoát thì tôi sẽ vào tù thay anh! Vào đi! Vào đi! Anh không chịu chui vào thì tôi phải bắn!”

Nghe thế, tôi bèn nhanh nhẹn chui vào trong rào trở lại. Ai ngờ, một tuần lễ sau ngày đó thì tên Công An vệ binh Việt-Cộng này đã cùng một ông tù cải tạo rủ nhau vượt biên. Họ trốn trong khi tên Công An dẫn ông cải tạo viên đi kiếm củi! Có lẽ hai người này đã an vui sinh sống trên đất Hoa-Kỳ.

Cuối năm 1985 tù cải tạo trại Z30C được tha gần hết, gần chục người sau cùng, trong đó có tôi, bị chuyển sang trại Z30D cũng ở Hàm-Tân, Thuận-Hải; trại này còn có tên là Trại Thủ-Ðức. Tôi gặp lại ông Lương Ðình Chi và anh Huỳnh Cẩm Lường ở trại này.

Tại đây, chúng tôi tiếp tục bị cưỡng bức lao động cật lực cả ngày lẫn đêm.

Khoảng trung tuần tháng 12 năm 1987, sau một ngày làm công tác đào ao thông tầm, ông Lương Ðình Chi tìm gặp tôi trong sân. Ông Chi ôm ngực, nhăn nhó,

– Long ơi! Nhờ chú cạo gió cho anh. Ngực anh đau quá, thở không được.

Tôi dẫn ông về phòng, nhờ bác Mậu già trực buồng xoa dầu, cạo gió, nắn xương cho ông.

Hôm sau ông Chi được cho vào nằm trong bệnh xá, không phải đi lao động. Bệnh tình của ông Chi ngày một tăng, ông không ăn được, không thở được. Trước lễ Giáng Sinh năm 1987 thì Việt-Cộng cho ông Chi về điều trị tại gia; sang năm 1988 tôi cũng được thả.

Tôi được về, nhưng anh bạn Trung sĩ Thông Dịch Viên Huỳnh Cẩm Lường của tôi vẫn còn bị giữ trong trại.

Về tới nhà hôm trước, hôm sau tôi tới góc đường Nguyễn Biểu, Trần Hưng Ðạo để thăm ông bạn già Lương Ðình Chi, ông Chi đang nằm liệt giường, liệt chiếu. Tháng sau thì ông Chi qua đời.

Cũng trong thời gian này tôi tái ngộ cựu Thiếu tá Biệt Ðộng Quân Hồ Văn Hòa, anh Hòa đang làm chủ một xe bán nước sinh tố trên đường Lê Thánh Tôn.

Anh Hòa cho tôi hay rằng ngay tối 11 tháng 5 năm 1975 anh và vài chục người khác bị đưa xuống tàu thủy chở ra Côn Ðảo. Không biết vì lý do gì nửa đường, tàu có lệnh quay trở lại.

Về lại Sài-Gòn, anh Hòa bị đưa vào Lao Xá Chí-Hòa chờ ngày đưa đi cải tạo. Vì lý do đó mà sáng 21 tháng 5 năm 1975 tôi đã nhìn thấy anh ta đứng trong hiên Chí Hòa.

Tới năm 1988, bạn bè mà tôi gặp trong sân Biệt Khu Thủ Ðô ngày 11 tháng 5 năm 1975 chỉ còn rất ít.

Trong suốt 13 năm, từ 1975 tới 1988, trải qua bao nhiêu trại giam; ở đâu tôi cũng cố tìm tin tức những người bạn đã cùng tôi có mặt trong phòng “Zét” ngày xưa. Nhưng tới ngày tôi rời trại tù, 6 ông bạn của tôi vẫn bặt vô âm tín.

Ít lâu sau ngày về tôi đạp xe qua khu doanh trại cũ của Biệt Khu Thủ Ðô để xem quán cháo lòng của bà vợ ông Huỳnh Thanh Bền có còn ở đó hay không.

Thời 1988 khu vực này vẫn chưa có nhiều thay đổi, lều quán bên đường vẫn y nguyên, phố xá có vẻ còn tiêu điều hơn là trước ngày tôi bị dẫn lên xe đưa đi khỏi nơi đây.

Quán cháo lòng ngày xưa được che bằng hai cái poncho ghép lại, nay được thay bằng một tấm vải nhựa dày. Nồi cháo bốc hơi ngày xưa nay được đổi thành nồi xôi đậu xanh, cũng bốc hơi.

Tôi thấy người ngồi sau cái bàn vuông có hai cái ghế con là một bà già gầy guộc tóc bạc phơ. Nhưng tôi đoan chắc rằng người đó là vợ ông Trung sĩ Huỳnh Thanh Bền.

Thấy tôi dừng xe chị Bền ngước mắt hỏi,

– Ông khách cần mấy gói xôi? Muốn gói muối đậu chung với xôi hay là gói riêng?

Tôi ân cần,

– Chị Bền! Chị không nhận ra em sao? Long đây chị!

Nghe vậy, chị Bền giật mình trợn mắt,

Xem thêm:   mê tín dị đoan

– Cái gì? Ông khách là chú Long hả?

Tới lúc nhận ra tôi rồi, chị Bền bật khóc,

– Em về rồi hả? Em về lúc nào vậy? Em có gặp anh Bền không?

– Em mới về mấy ngày thôi! Mười ba năm nay, đi tới trại nào em cũng dò hỏi, nhưng không có tin tức gi của anh Bền cả. Còn chị, từ ấy tới giờ chị có đi tìm anh không? Có nghe ngóng được gì không?

Chị Bền kéo cái ghế con cho tôi ngồi, rồi lấy tấm vải nhựa phủ lên trên gánh xôi, làm như đã dẹp cửa hàng, không tiếp khách nữa,

– Chuyện dài lắm chú ơi! Ðể chị từ từ kể cho chú nghe.

Chị Bền bắt đầu kể chuyện bằng những âm thanh nghẹn ngào chan bằng những giọt nước mắt.

Trong gần một giờ đồng hồ tôi đã được nghe toàn bộ câu chuyện đi tìm chồng của Chị Bền.

Thì ra từ khi bị chuyển đi, tôi đã lấy lại cái thư mà tôi đã gửi chị Bền, nên chị không còn địa chỉ nhà tôi, do đó chị không biết tìm cách nào mà liên lạc được với vợ con tôi.

Năm cái thư của những bạn phòng “Zét” đã được con gái anh Bền gửi đi ngay sau ngày các anh ấy lên xe. Bốn gia đình nhận thư đã không hồi âm, riêng người vợ của Thiếu úy Bổn mãi ba tháng sau mới liên lạc với con gái anh Bền.

Trong thư, chị Hà, vợ anh Bổn đã hẹn ngày để vào thăm chị Bền. Hôm đó chị Bền không ra quán, ở nhà đón chị Hà.

Chị Hà không đội khăn tang, nhưng ghim trên ngực áo một miếng vải đen, đó là dấu hiệu chị có thân nhân vừa quá vãng.

Bước vào nhà, chưa kịp ngồi xuống ghế, chị Hà đã vừa mếu máo vừa nói,

– Các anh ấy chết hết rồi! Các anh ấy bị xử tử, trôi sông hết rồi!

Nghe được câu này thì vợ Trung sĩ Huỳnh Thanh Bền ngã ra ngất xỉu. Cạo dầu, đánh gió cả giờ sau mà chị Bền vẫn phải nằm trên giường không dậy nổi.

Chị Hà đành kể tiếp phần sau câu chuyện cho cháu Thoa nghe.

Thì ra cơ mưu thả thư rơi của ông Thiếu úy Thám Báo đã không thành công. Những cái pháo tép có vỏ ngoài quấn bằng những tờ giấy bạc 500 đồng của Ngân-Hàng Quốc-Gia Việt-Nam phát hành đã bị tịch thu ngay khi các ông bạn tôi vừa đứng vào hàng tập họp trong sân để kiểm tra an ninh trước khi lên xe.

Chiếc Molotova chở sáu ông phòng “Zét” đã chạy thâu đêm và suốt ngày hôm sau thì tới Qui-Nhơn. Họ được giao cho Ủy Ban Thanh Lọc của Quân Khu 5.

Ngày kế đó, họ bị đưa vào một khu vườn cây cối um tùm, nằm sát bờ sông Lại Giang gần chân cầu xe lửa Bồng Sơn. Nơi này có mấy dãy nhà tôn vách ván kín mít. Sáu người bị trói tay và bị nhốt trong một căn phòng tối như bưng. Phòng giam này do ba cán binh Việt-Cộng luân phiên canh giữ suốt đêm ngày.

Liên tiếp một tuần lễ, ngày nào họ cũng bị áp giải lên một phòng chứa đầy dụng cụ tra tấn để các chuyên viên khai thác thẩm vấn và chấp cung.

Qua ngày thứ tám thì sáu ông cựu quân nhân Việt-Nam Cộng-Hòa đã kiệt lực, không ai đứng dậy nổi. Ngày thứ chín họ được ở yên trong phòng.

Tới tối ngày thứ mười thì có bốn tên Việt-Cộng từ Ủy Ban Thanh Lọc Quân Khu 5 tay thủ AK 47 lầm lì xuất hiện trước phòng giam.

Bọn này gọi tên, ra lệnh cho người tù lớn tuổi nhứt là Trung sĩ Huỳnh Thanh Bền bước ra ngoài.

Tới cửa, trước khi bị dẫn đi, ông Bền bị trói chặt hai tay bằng một sợi dây dù, hai mắt ông bị bịt bằng một vuông vải đen, miệng ông bị nhét một cái giẻ to.

Rồi cứ thế, mỗi tối phòng giam lại hụt đi một người. Anh Thiếu úy Thám Báo Tỉnh là người bị trói tay, bịt miệng, bịt mắt dẫn đi sau cùng.

Chị Hà biết được chuyện này là do một trong ba tên cán bộ Cộng-Sản canh giữ phòng giam kể lại cho chị nghe. Y là người đã chứng kiến những gì đã xảy ra từ ngày đầu tới ngày cuối.

Xem thêm:   Oscar 2024

Số là, khi ra đi, anh Bổn đã chuẩn bị sẵn mười cái khoen vàng một chỉ. Anh luồn những cái khoen vàng đó trong lưng quần. Sau khi bị khảo đả ngày đầu, anh Bổn vội rút hết vàng ra mua chuộc một tên cán bộ bảo vệ. Tên này cùng quê Phú-Phong, Bình-Ðịnh với anh Bổn. Y đã cố gắng giúp anh khai bệnh tiêu chảy lúc nửa đêm. Anh được đưa ra bờ sông để đại tiện; thừa dịp này anh có thể nhảy xuống nước mà lặn đi. Nhưng mỗi lần anh ra ngoài, đều có hai vệ binh đi theo. Tên vệ binh thứ nhì đã ranh ma, cột chặt một tay anh vào cổ tay nó, do đó đã có hai dịp may ngồi bên bờ nước mà anh Bổn vẫn không trốn được.

Vài ngày sau, biết mình đã cùng đường, anh Bổn kể hết mọi chuyện đã xảy ra từ ngày anh bị tập trung ở Sài-Gòn cho tới ngày anh bị đưa về Bình-Ðịnh cho tên Việt-Cộng gốc Phú-Phong nghe. Anh cho y địa chỉ gia đình anh ở Qui-Nhơn và viết mấy chữ nhắn người nhà anh đền ơn cho y, nếu y tìm tới gặp vợ anh và kể cho chị ấy biết hết sự tình. Thời gian này chị Hà đang ở nhà cha mẹ đẻ trong thành phố Qui -Nhơn.

Một tuần lễ sau ngày anh Bổn bị trôi sông, tên cán bộ người Phú-Phong đã tới nhà gặp chị Bổn.

Tên Việt-Cộng kể rằng ngày cuối cùng chỉ còn một mình anh Bổn trong phòng, anh vẫn bình tĩnh như thường, anh nhờ y nhắn với chị Hà một câu:

“Kiếp này duyên tình của vợ chồng mình nửa đường đứt đoạn, đôi ta chỉ biết hẹn gặp nhau ở kiếp sau!”

Y cũng tiết lộ cho chị Hà biết lý do vì sao mỗi đêm Ủy Ban Thanh Lọc Quân Khu 5 chỉ đem một người đi bắn rồi đạp xác xuống sông Lại Giang.

Sở dĩ nhà cầm quyền Vịệt-Cộng chọn cách giết từng người như thế chỉ với mục đích tránh tai mắt của ngư dân quanh vùng. Lại Giang là con sông lớn, nước chảy không ngừng, nên chỉ vài giờ sau khi bị ném xuống nước, xác người bị thủ tiêu đã trôi tới biển Ðông.

Nghe xong chuyện sáu anh em phòng «Zét» bị thủ tiêu, gia đình chị Hà đã bỏ công thuê người đi dò dẫm hỏi thăm dân cư ngụ hai bên bờ Lại Giang từ cầu Bồng-Sơn ra tới cửa biển An Dũ xem có xác chết trôi nào nổi lên không?

Cả tháng sau không tìm thấy dấu tích gì, gia đình chị Hà đành bỏ cuộc. Tới tháng thứ ba, chị Hà mới vô tình lục ra cái thư của bà chị anh Bổn gửi ra từ Sài-Gòn, từ đó chị Hà có địa chỉ của vợ anh Bền.

Từ sau lần gặp mặt đó, bẵng đi một thời gian dài, tới cuối năm 1979 chị Hà lại tái xuất hiện. Lần này chị tới từ biệt chị Bền để ra đi theo chương trình xuất cảnh bán chính thức. Chị Hà bước thêm bước nữa. Chồng mới của chị là một ông lớn tuổi, người Việt gốc Hoa.

Chị Bền cho tôi hay cháu Thoa đã có gia đình, chồng cháu là con một ông đại úy chế độ cũ, ông ấy đã được tha về từ năm 1981. Chồng cháu Thoa đã nhiều lần bỏ công sức đi tìm người tù có tên Huỳnh Thanh Bền qua những trại giam của Quân Khu 5 như Tiên Lãnh, Bình Ðiền, Gia-Trung, Thuần-Hạnh,  Củng-Sơn… vân vân, nhưng vô vọng.

Có một lần, vào năm 1982, gia đình cháu Thoa được tin ông Bền bị giam ở Trại Z30 A nơi Ngã Ba Ông Ðồn và đang nằm chờ chết vì bịnh sốt xơ gan. Cả nhà ông Bền, gồm cả con trai, con gái, con rể, cùng với hai đứa cháu ngoại, kéo nhau lên Ngã Ba Ông Ðồn để xin gặp mặt ông lần cuối. Nhưng tiếc thay, khi gặp nhau mới vỡ lẽ ra, ông Huỳnh Thanh Bền này chỉ là một người trùng tên, trùng họ với ông Bền ở phòng «Zét» của trại Lê Văn Duyệt mà thôi.

Thời gian sau khi tôi được thả thì tất cả tù nhân cải tạo còn lại đều bị tập trung về trại Z 30 D, ở Hàm-Tân. Tôi nói với cháu Thoa hãy lên đây hỏi thăm xem có ai tên là Huỳnh Thanh Bền hay không.

Bạn cựu tù cải tạo tiễn Vương Mộng Long lên đường đi Mỹ – tháng 4 năm 1993

Chỉ một tuần sau tôi gặp lại chị Bền, chị gạt nước mắt rồi nói với tôi,

– Chú ơi! Chẳng có ai tên Huỳnh Thanh Bền ở trại này!

Bận rộn công việc làm ăn kiếm sống, nhưng tôi và một anh bạn gốc Thủy Quân Lục Chiến vẫn lâu lâu ghé thăm chị Bền.

Gặp hai đứa em, chị vui mừng ra mặt, nói đủ thứ chuyện.

Chị kể rằng ngày xửa, ngày xưa chị và anh Bền là con của hai ông địa chủ ở Cần Thơ. Hai ông địa chủ gả con, cưới vợ cho con mà chẳng thèm hỏi ý kiến con.

Hai cô chiêu, cậu ấm này đều là dân học trường Tây, trường Ðầm, nhưng vẫn nghe lời phụ mẫu: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó!”

Chị kể cho tôi nghe chuyện đám cưới nhà quê diễn ra như thế nào.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Chị nói, ngày đưa dâu chị lo sợ lắm. Chị không biết ông chồng  mình dáng dấp cao, thấp, béo, gầy, ra sao, tính tình hiền lành hay hung dữ, rồi chị che miệng cười,

– Vậy mà chỉ ít lâu sau khi thành vợ, thành chồng, tụi này đã thương nhau dứt ra không nổi.

Chị tâm sự,

– Ảnh là tri kỷ của tui, còn tui cũng là tri kỷ của ảnh! Ảnh Solo Guitar hay lắm! Nhưng ảnh chỉ đờn cho mình tui nghe thôi! Hai đứa tui cứ tự ví mình như Bá Nha, Tử Kỳ. Ngày đám cưới, mẹ ảnh có cho tui một cành thoa bằng vàng, ảnh nói sau này có con gái thì ảnh sẽ đặt tên nó là cây trâm vàng để nhớ mẹ anh ấy. Vì thế, đứa con gái đầu của tụi tui có tên là Kim Thoa…

Một hôm, tôi ghé thăm, chị cho tôi hay thằng con trai và đứa con gái út mới về làm ăn dưới Cần-Thơ, quê nội, còn chị thì dọn về ở với gia đình cháu Kim Thoa đâu đó vùng Thị Nghè.

Tôi thắc mắc,

– Giờ này mấy đứa nhỏ đã lớn khôn và có gia thất cả rồi, chị không còn phải lo lắng nuôi dạy chúng nó nữa. Sao chị không ở nhà nghỉ ngơi và trông cháu?  Chị còn tiếp tục buôn bán kiếm tiền làm chi

Nghe thế, chị Bền nhìn tôi rầu rầu,

–  Chị đâu có cần nuôi ai! Chị chỉ nuôi hy vọng thôi! Chị ôm gánh xôi mỗi ngày ở đây chỉ vì chị coi chỗ này như một cái hộp thư. Biết đâu hôm nào đó có một ông của phòng “Zét” còn sống sót đi qua, thì chị sẽ có tin tức của anh Bền.

Ngày 5 tháng 5 năm 1992 những người tù cải tạo sau cùng được trả tự do; một trong những người đó là Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai, người đã chỉ huy tôi.

Một tuần sau tôi tới tư gia của Thiếu Tướng Giai để thăm ông.

Dịp này Tướng Giai đã nói với tôi,

– Thế là từ nay tất cả anh em mình đều đã được đoàn tụ với gia đình.

Tôi buồn rầu, nắm tay ông Tướng,

– Không phải vậy đâu Thiếu tướng ơi! Còn nhiều anh em đã ra đi mà chưa thấy về!

Trên đường về nhà, tôi đạp xe qua con đường xưa ghé thăm chị Bền. Chị vẫn còn ngồi chỗ cũ. Chị vẫn bán xôi. Chị vẫn chờ tin chồng.

Chị hỏi tôi,

– Em đi thăm ai về?

Tôi trả lời,

– Em vừa từ nhà Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai về, tiện đường ghé thăm chị. Ông Giai mới được thả tuần trước. Ông ấy là người sau cùng ra khỏi nhà giam.

Nghe vậy, chị Bền thở dài,

– Như thế thì anh Bền không về thật rồi! Anh ấy không về thật rồi em ơi!

Chợt chị ngẩng mặt nhìn tôi,

– Bây giờ là tháng 5, năm xưa anh Bền cũng ra đi vào tháng 5. Anh ấy không về, thì coi ngày anh lên xe cũng là ngày giỗ của anh! Chú có nhớ ngày anh Bền lên xe không?

– Hôm đó là 20 tháng 5 năm 1975.

– Hôm nay là ngày mấy rồi hả chú?

– Dạ! Hôm nay là 12 tháng 5.

Chị Bền bỗng hạ thấp giọng như tự nói cho một mình chị nghe,

– Còn tám ngày nữa là tới ngày giỗ của anh. Anh Bền ơi! Em hẹn sẽ gặp anh đúng ngày hôm đó! Chờ em! Chờ em! Anh ơi! Anh ơi!…

Nghe chị Bền buông những lời than não lòng như thế, tôi bèn an ủi chị,

– Chị đừng quá bi thương, chị còn con, còn cháu. Chị hãy nhìn vào con, vào cháu mà quên đi những muộn phiền…

Chị Bền mở to đôi mắt nhìn tôi, rồi nói với một giọng thật là tỉnh táo,

– Chị ráng sống tới ngày hôm nay chỉ vì chị còn hy vọng. 

Sau đó chị đứng lên, xếp gọn quang gánh chuẩn bị đi về.

Những lần qua đây sau ngày ấy tôi không còn trông thấy chị nữa.

Một năm sau, tháng 4 năm 1993 gia đình tôi lên đường đi Hoa-Kỳ định cư theo diện H.O.

Trước ngày đi Mỹ, tôi ra thăm Ðà-Nẵng lần cuối cùng. Trong chuyến đi này, tôi có dịp ngồi trên xe đò qua cầu Bồng-Sơn, Bình-Ðịnh.

Chiếc xe già chở đầy khách, bò từ từ trên cây cầu dài, dưới sông nước cuồn cuộn đục ngầu.

Nhìn những cụm lục bình trôi băng băng xuôi dòng, tôi chợt rùng mình, nhớ lại chuyện xưa.

Tôi tin rằng ngày 20 tháng 5 năm 1975 Thượng Ðế đã ra tay cứu tôi thoát khỏi chuyến xe oan nghiệt chở tù binh đi Quân Khu 5, vì nếu Ngài không sắp đặt sẵn những điều đã xảy ra ngày hôm đó thì chắc chắn giờ này linh hồn tôi đã vật vờ đâu đây, dưới chân cầu Bồng-Sơn hay trên sóng sông Lại Giang…

VML 

Seattle tháng 5 năm 2021