Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Ông thiếu tướng ra lệnh thật là đại khái, ông trung tá cũng ra lệnh đại khái không kém, có điều chủ ý rõ ràng của các vị này là bắt tôi phải chặn đứng mọi mưu toan tiến về hướng Ðông của các đơn vị địch hiện có mặt trong vùng Ia Drang.

Ðịa thế Cao Nguyên Vùng 2 thì tôi rất rành, còn trận liệt địch vùng này tôi cũng thuộc nằm lòng. Do đó tôi cũng không bận tâm thắc mắc.

Tôi đã biết, trong một năm vừa qua, sau hưu chiến, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh từ Cam Bốt đã chuyển sang Ðông Trường Sơn vào địa phận Ðức-Cơ. Những ống dẫn dầu của Việt-Cộng từ chân núi Phượng-Hoàng, Ðức-Cơ đã kéo dài tới Tiêu Atar, và đang trên đường xuôi Nam.

Tin tức kỹ thuật cho biết Trung Ðoàn 470 Vận Tải của Mặt Trận B3 Cộng-Sản đang được bổ sung quân số và cơ giới để nâng cấp thành Sư Ðoàn 470 Vận Tải. Ðơn vị này đã hoàn tất công tác phát quang một con đường rẽ từ làng Gà (Plei Bon Ga) trong thung lũng Ia Drang, đi thẳng về hướng chính Ðông để tiếp tế cho mặt trận duyên hải.

Ðể xác nhận tin tức trên, vài tuần lễ trước đây, tôi đã tung toán viễn thám của Trung sĩ Thìn vào vùng để tận mắt kiểm chứng con đường này.

Quả thật con đường chiến thuật này rất là lợi hại, nó có thể cho phép địch quân dùng cơ giới để chuyển binh cắt đứt Quốc Lộ 14, băng qua Liên Tỉnh Lộ 7B rồi đánh thốc lên hướng Bắc chiếm giữ đèo Mang-Yang khiến cho Pleiku trở thành một ốc đảo. Trên đường chuyển quân này chỉ có một cái đồn Plei Do Lim bé tí teo do một trung đội Ðịa Phương Quân trấn giữ. Ðại quân của địch không cần đánh đồn, mà chỉ cần bao vây ba ngày là đơn vị đồn trú sẽ không còn nước uống, phải bỏ đồn mà chạy.

Ðúng ra thì, sau khi trình diện Tướng Tư Lệnh Vùng thì tôi phải vào Pleime ngay, nhưng hiện thời chưa có người thay tôi đảm đương chức vụ Trưởng Phòng 2 của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 nên tôi phải để ông Tiểu đoàn phó là Thiếu tá Nguyễn Tự Bé chỉ huy căn cứ, đợi khi có người thay thế thì tôi mới chính thức nhận việc.

Lý do tôi phải nấn ná ở Phòng 2 cũng vì tôi đang bận công tác thả toán viễn thám cung cấp tin tức địch vùng Plei Djereng cho Sư Ðoàn 22 Bộ Binh để đơn vị này tổ chức một cuộc hành quân tái chiếm căn cứ Lệ Minh theo lệnh của Tổng Thống.

Những ngày cuối năm 1973 tôi phải vào Lệ-Chí để chỉ huy một cuộc hành quân xâm nhập vùng 20 cây số Ðông Bắc Pleiku, quân số tham dự gồm có Ðại Ðội 2 Trinh Sát Biệt Ðộng Quân, Trung Ðội Viễn Thám của Phòng 2 Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 cùng với lực lượng trừ bị là một nửa Tiểu Ðoàn 81 do ông Ðại úy Phát, Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 81 chỉ huy.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Kết quả cuộc hành quân thám sát ngắn ngày này đã xác nhận rằng tin tức địch đang thiết lập một con đường chiến thuật nối liền Ngã Ba Dak Doa tới Bắc Ðèo Mang-Yang là có thật.

Trong tương lai, nếu chiến sự xảy ra thì con đường này và con đường mới phát quang vùng Bắc Pleime sẽ trở thành cái thòng lọng chiến thuật siết cổ Pleiku.

o O o

Giáng Sinh 1973 

và Tết Giáp Dần…

Thời kỳ 1966-1970 còn sự hiện diện của quân đội Ðồng Minh thì Ngã Ba Diệp Kính Pleiku đã trở thành một khu buôn bán lộ thiên rất sầm uất. Người ta quen gọi nơi đó với cái tên “Chợ Trời”.

Chợ Trời ngày xưa chỉ bày bán hàng tuồn ra từ PX của các doanh trại Mỹ.

Từ 1972 thì Chợ Trời bắt đầu xuất hiện đủ loại mặt hàng “hằm bà làng” như quần áo cũ, giầy Saut, áo trận, chăn chiếu, mùng mền, ba lô, nón sắt, lương khô, xẻng cuốc…vân vân.

Ðã có hôm tôi giật mình khi thấy trên mặt tấm poncho của chị đàn bà vợ lính có bày bán mấy bộ quần áo tác chiến và một dây đeo gồm một quả mìn Claymore với đủ bộ ngòi nổ, dây điện cùng con cóc điện để bóp cò!

Tôi ngồi xuống bỏ ra 500 đồng mua ngay bộ mìn Claymore này, rồi hỏi chị bán hàng,

– Từ đâu mà chị có thứ này?

Chị ta đã trả lời rằng chị có chồng là Nghĩa Quân trong Lệ Chí. Chồng chị vừa chết trận nên chị mới đem bán những đồ vật mà anh còn để lại.

Tôi chỉ biết lắc đầu mà nói với chị rằng từ nay đừng sờ tới những vật dụng nguy hiểm đó nữa. Nếu thấy nó còn trong nhà thì phải gọi Cảnh Sát hay Quân Ðội tới lấy nó đi.

Sau đó tôi tới Quân Trấn Pleiku giao quả mìn cho ông đồn trưởng, rồi lưu ý ông ta nhớ cho nhân viên tuần tra kiểm soát khu Chợ Trời một cách kỹ lưỡng hơn.

Vợ tôi và hai đứa con gái tôi rất thích bánh Pound Cake trong các hộp lương khô C Rations của Mỹ.

Cuối năm 1973 thì Mỹ rút đi đã lâu rồi, nhưng bánh Pound Cake trong hộp thiếc vẫn còn thấy bày bán trong Chợ Trời.

Thời gian này vợ tôi đang mang bầu em bé thứ ba, không tiện len lách trong chợ, đành phải ngồi trong xe cùng với hai đứa con để chờ tôi đi tìm mua Pound Cake.

Trong lúc đó thì chú tài xế Phạm Công Cường cứ loanh quanh bên chiếc xe Jeep, không dám dời xa nửa bước.

Một ngày trước Noel 1973 tôi đang lui cui nhặt mấy hộp bánh bỏ vào bao thì nghe bước chân ai đó tiến sát sau lưng, rồi có tiếng người hỏi nhau,

– Bộ mày quen thằng chuẩn úy Biệt Ðộng Quân này ư?

Lập tức có người trả lời,

– Ðây là chồng một đứa em gái của tao! Thiếu tá đó! Không phải chuẩn úy đâu!

Tiếng nói của người này tôi nghe rất quen. Ngay sau đó, là tiếng cười vang của người kia,

– Mày cứ đùa! Chuẩn úy lon đen chứ thiếu tá gì đâu!

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Có lẽ cái lon thiếu tá của tôi thêu bằng chỉ đen, lại bị bàn ủi đè xẹp lép, nên nhìn cứ như cái lon chuẩn úy, thêm vào đó, mặt tôi cũng trắng trẻo, có chút thư sinh, khiến cho người khác nhìn mà lầm.

Tới lúc này thì tôi đã quay lại. Tôi nhận ra ngay, trước mặt mình là ông anh trai thứ ba của vợ tôi.

Anh ấy mặc quân phục bộ binh, bên cạnh anh ấy cũng là một sĩ quan bộ binh.

Hai ông chuẩn úy trẻ mới ra trường với hai cặp lon vàng còn sáng chói trên cổ áo đã tự động đứng nghiêm trước mặt một thiếu tá.

Tôi la lên,

– Anh Thọ! Anh ra trường rồi hả? Sao không tình nguyện về Biệt Ðộng Quân mà lại đi Bộ Binh?

Anh Thọ lí nhí,

– Hồi đó chú có gửi gắm tôi cho ông Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng Sinh Viên Sĩ Quan để ưu tiên có tên đi Biệt Ðộng Quân, nhưng ngày mãn khóa nghe mấy thằng bạn rủ rê, tôi đã chọn Sư Ðoàn 22.

Nghe ông anh vợ nói, tôi mới nhớ cái thư của Trung tá Ðoàn Thi đã gửi cho tôi cách nay khá lâu.

Trung tá Ðoàn Thi là cựu Liên Ðoàn Trưởng Biệt Ðộng Quân, sau đó về Trường Bộ Binh đảm nhận chức vụ  Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị. Anh Ðinh Văn Thọ lúc đó là một khóa sinh dưới quyền Trung tá Ðoàn Thi. Tôi đã nhờ Trung tá Ðoàn Thi để ý giúp đỡ anh Thọ nếu cần.

Trước khi rời chức vụ Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Ðức để đi chỉ huy một Liên Ðoàn Ðịa Phương Quân, Trung tá Ðoàn Thi đã báo cho tôi hay rằng, vì nể lời gửi gắm của tôi, ông đã ghi tên anh Ðinh Văn Thọ ưu tiên đi Biệt Ðộng Quân sau khi tốt nghiệp.

Nhưng khóa Sĩ Quan Trừ Bị đó chấm dứt khá lâu mà tôi chờ hoài không thấy anh Thọ trình diện.

Thì ra anh Thọ không thích làm lính Biệt Ðộng Quân.

Ông chuẩn úy bạn của anh Thọ lúc này mới nhìn tôi với ánh mắt đầy thiện cảm,

– Mới nhìn thấy ông trẻ quá, tui không tin ông là thiếu tá. Thiếu tá tốt nghiệp Ðà-Lạt hay Thủ-Ðức vậy?

Tôi bắt tay anh bạn bộ binh,

– Khóa 20 Võ Bị.

Mắt ông chuẩn úy sáng lên,

– Vậy là sĩ quan đàn anh ông sếp của tụi tôi.

– Sếp của anh tên là gì?

– Dạ! Ðại úy Thành, Phan Ðình Thành.

– Thành sau tôi hai khóa.

– Vậy mà trông ông Thành già dặn hơn Thiếu tá nhiều lắm.

Sau đó, tôi đưa ông anh vợ tới gặp vợ tôi và hai cháu của anh ấy.

Rồi vợ chồng tôi đưa anh về Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2 thăm nhà tôi.

Nhân dịp này anh Thọ đã cùng vợ chồng tôi và hai cháu bé chụp chung vài cái ảnh để kỷ niệm.

Anh Thọ cho tôi hay anh đang giữ chức vụ trung đội phó một trung đội tác chiến của Tiểu Ðoàn 3 Trung Ðoàn 41 Bộ Binh. Trung đội này có 8 ông lính, 1 ông trung sĩ và 2 ông chuẩn úy.

Trung đội trưởng của anh là một chuẩn úy ra trường trước anh một khóa.

Từ ấy, anh Thọ vẫn đóng quân ở Hàm Rồng, nhưng không ghé thăm nhà tôi lần nào nữa.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Tôi không hề có ý định gửi gắm anh Thọ cho những người tôi quen ở Sư Ðoàn 22 Bộ Binh vì sợ nợ nần nhau thì rất khó làm việc.

Nhưng có đôi khi nghĩ lại, tôi cũng thấy tiếc rằng anh Thọ đã chọn Sư Ðoàn 22 thay vì Biệt Ðộng Quân.

Nếu anh ấy chọn Biệt Ðộng Quân thì chắc chắn tôi sẽ xin cho anh ấy về làm việc với tôi.

Người anh cả của vợ tôi và Chuẩn úy Ðinh Văn Thọ là Thiếu úy Ðinh Quang Biện đã từng là bạn cùng đơn vị với tôi từ đầu năm 1968, khi mới mãn khóa 25 Sĩ Quan Trừ Bị.

Tôi với anh Biện thương nhau như anh em ruột. Chúng tôi đã cùng nhau đồng cam, cộng khổ trong suốt những năm tháng còn ở Tiểu Ðoàn 11 và Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân.

Nhờ tình bạn thân thiết giữa tôi và Thiếu úy Ðinh Quang Biện mà cuối năm 1970 tôi đã trở thành em rể của anh Biện. Năm 1971 Thiếu úy Ðinh Quang Biện bị tử nạn.

Trước Tết Giáp Dần tôi vào Hàm Rồng để họp hành quân thì được biết anh Thọ đã được thăng chức trung đội trưởng. Từ đó tôi bận việc liên miên nên không có dịp gặp anh ấy nữa.

Cho tới tháng 8 năm sau thì Chuẩn úy Ðinh Văn Thọ có dịp dẫn trung đội dưới quyền mình vào Pleime để tiếp cứu thằng em rể là tôi, đang bị Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản bao vây.

Trong trận này, khi nghe tin Tiểu Ðoàn 3/41 chạm địch, tôi đã liên lạc được người chỉ huy đơn vị này để hỏi thăm tin tức của Chuẩn úy Ðinh Văn Thọ.

Lúc này chú Phan Ðình Thành, người Sĩ Quan Võ Bị Khóa 22 A, đàn em của tôi đã mang cấp bậc thiếu tá.

Thiếu tá Phan Ðình Thành, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 3/41 cho tôi hay trung đội của Chuẩn úy Thọ giữ vai trò tiên phong, đi đầu, chạm nặng, và đã bị thất lạc.

Tới lúc đó tôi mới thấy hối lỗi vì đã không gửi gắm anh Thọ cho hai người mà tôi quen là Chuẩn Tướng Phan Ðình Niệm, Tư Lệnh Sư Ðoàn 22 và Ðại tá Vũ Ðình Chung, Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn 22.

Hai ông anh lớn của vợ tôi đã chết rồi, nay ông anh thứ ba lại bị mất tích.

Nếu biết tin này chắc gia đình vợ tôi sẽ đau buồn lắm.

May thay, ba ngày sau, từ Căn Cứ Hỏa Lực 711, Trung úy Hạp, Sĩ Quan Ban 3 của Liên Ðoàn 24 gọi máy báo cho Tiểu Ðoàn 82 hay rằng Biệt Ðộng Quân vừa tiếp nhận một trung đội bộ binh bị thất lạc về trình diện.

Tôi vội nhờ Trung úy Hạp hỏi xem anh chuẩn úy trung đội trưởng bộ binh tên là gì thì ông Hạp nói người chuẩn úy trung đội trưởng đó có tên là Ðinh Văn Thọ.

Thì ra Trung Ðội 1 Ðại Ðội 4 Tiểu Ðoàn 3 Trung Ðoàn 41 Sư Ðoàn 22 Bộ Binh của Chuẩn úy Ðinh Văn Thọ đã đụng độ với một tiểu đoàn Việt-Cộng, nhưng vì yếu thế, nên đơn vị này phải rút lui trong đêm tối.

Cũng nhân dịp này, mà chú Phan Ðình Thành mới biết Chuẩn úy Ðinh Văn Thọ là anh vợ của tôi.

Tiếc thay, hai người vừa quen biết nhau thì Thiếu tá Phan Ðình Thành đã sớm tử trận ngay sau khi Trung Ðoàn 41 rút quân về Bình Ðịnh.

(còn tiếp)