Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Vương Mộng Long-K20

Trung tâm hành quân báo cho tôi hay Không Quân cũng không liên lạc được Lệ Minh nên họ cứ nhắm vào những vị trí có khói depart của pháo địch ở bên ngoài rào trại mà thả bom.

Lúc này đồi Lệ Minh chìm trong màn khói của pháo địch, sân bay Plei Djereng và làng Plei Doch cũng chìm trong bụi đỏ và khói bom của ta.

Khoảng gần 3 giờ chiều ngày 22 tháng 9 có một đoàn trực thăng chuyển viện binh nhắm hướng Lệ Minh. Người chỉ huy hợp đoàn này Trung tá Lương Văn Hơi.

Ông Hơi thông báo cho tôi hay ông sẽ thả một đại đội xuống làm đầu cầu để tiếp nhận quân tiếp viện cho Lệ Minh.

Ông Hơi nói, nếu tôi liên lạc được với Ðại úy Quang hay Ðại úy Hội thì thông báo cho hai vị này biết để tránh ngộ nhận.

Ðể tránh những lằn đạn phòng không của địch, tôi phải bay trong vùng cách xa phi trường Plei Djereng khoảng hai cây số.

Quân tiếp viện được thả xuống một cánh đồng cỏ tranh cách đuôi phi đạo chừng hơn một cây số về hướng Ðông Nam.

Chiếc trực thăng đổ quân cuối cùng vừa rời vùng thì khói bụi đã ngùn ngụt bốc lên từ bãi thả. Hàng trăm trái pháo của Việt-Cộng theo đuôi nhau dồn dập trải đều trên bề mặt ngọn đồi cỏ tranh.

Tôi nghĩ bụng, chắc chắn địch đã dự trù các yếu tố tác xạ nhắm vào bãi đáp này từ trước, nên quân ta vừa có mặt đã bị địch tưới đạn lên đầu ngay.

Tôi chưa biết phải làm gì thì nghe ai đó hớt hải la làng trong máy,

– Ð.M! Bộ các cha muốn giết tụi tui hay sao mà thả tụi tui ngay trên trận địa pháo? Bây giờ tui phải làm gì đây hả các cha?

Chờ một phút, không thấy tiếng Trung tá Hơi, tôi vội cầm máy,

-Ai đó? Ðây là Thái Sơn! Nghe được thì trả lời!

Ðầu máy bên kia là một giọng nói Quảng-Nam ồm ồm,

– Thái Sơn ơi! Ðây là Cẩm Hà! Thái Sơn ơi! Ðây là Cẩm Hà!

Cẩm Hà là danh hiệu truyền tin của Ðại úy Trương Ðình Hà.

Trương Ðình Hà là bạn cùng khóa 20 Võ Bị của tôi, tôi đã đem anh Hà từ Liên Ðoàn 2 về Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 đảm nhận chức vụ Ðại đội trưởng Ðại Ðội 2 Trinh Sát để trám chỗ cho Trung úy Thuận vừa tử trận.

Trung Úy Vương Mộng Long 1969 

Trương Ðình Hà là dân Quảng-Nam nên anh đã lấy địa danh một xã ngoại ô Hội An là Cẩm-Hà để làm danh hiệu truyền tin.

– Cẩm Hà! Thái Sơn nghe!

– Ð.M! Ông già Hơi thả tau xong thì bay đi mất. Chẳng có lệnh lạc con mẹ gì cả. Tau vừa đạp đất đã bị pháo phủ đầu, không ngóc cổ lên được. Mày mau mau tìm cách cứu tau với! Long ơi!

Cùng lúc này tôi thấy năm hay sáu chiếc xe tank địch xuất hiện, dàn hàng ngang trên sân bay, rồi liên tục đua nhau nã pháo vào sân trại.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Tôi lại nhìn thấy từ hướng Nam phi trường Plei Djereng đột nhiên xuất hiện sáu, bảy chiếc tank T54 vừa bắn, vừa lao về hướng bãi thả quân tiếp viện. Tôi liền ra lệnh cho Ðại úy Hà,

– Hướng 1600 ly giác! Chạy! Chạy tới khi nào qua hết một con suối sâu thì ngừng lại gọi tao!

Có thể nói, Ðại Ðội 2 Trinh Sát Biệt Ðộng Quân là một đơn vị rất tinh nhuệ và thiện chiến của Biệt Ðộng Quân Vùng 2. Ðơn vị này có nguồn gốc từ Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân, nhưng nằm ngoài bảng cấp số.

Cuối năm 1969, thi hành lệnh của Trung tá Bùi Văn Sâm Liên đoàn trưởng, tôi đã đứng ra thành lập Ðại Ðội Trinh Sát Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân.  Quân số của Ðại Ðội Trinh Sát Liên Ðoàn 2 đều được tăng phái từ các Tiểu Ðoàn 11, 22 và 23 trực thuộc liên đoàn.

Ít năm sau, đơn vị này được cải danh thành Ðại Ðội Trinh Sát Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 do Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 trực tiếp điều động.

Dù là một đơn vị thiện chiến và tinh nhuệ, nhưng chắc chắn đại đội này không thể đánh nhau tay đôi với một đoàn chiến xa T54 trên đồng cỏ mênh mông, nên nghe được lệnh “Chém vè” của tôi, ông đại đội trưởng đã mừng rỡ la lên,

– Cám ơn mày! Hướng 1600 ly giác! Tau thi hành lệnh ngay!

Năm phút sau, tôi đánh một vòng tròn về hướng Nam, thì thấy những chiếc tank T54 đang trườn qua con thông thủy phía Ðông của phi trường, nhưng trên bãi thả quân không còn ai cả.

Tôi thở ra, may quá! Lệnh rút quân của tôi đã kịp thời tránh cho cánh quân của Ðại úy Hà một tổn hại nặng nề trước mắt.

Tình hình lúc này coi như tuyệt vọng. Ngọn đồi Lệ Minh chỉ là một cột khói đen ngùn ngụt.

Khoảng mười phút sau tôi phải rời vùng, về Pleiku đổ xăng. Lúc tôi quay trở lại cách Lệ Minh chừng hai cây số thì nghe trong tần số có tiếng Hoàng Nghĩa Hội,

– Thái Sơn đây Hoàng Hoa gọi!

– Thái Sơn nghe!

– Thái Sơn ơi! Chúng nó vào tới sân cờ rồi! Thằng Quang đã bị chúng nó trói dẫn đi. Hội bị thương nặng lắm! Hội đang nằm trong cái lô cốt gần cổng chính.

– Có cách nào chui ra đầu sân bay? Anh sẽ nhào xuống cứu chú!

– Ðừng! Ðừng liều mạng! Xe tank của tụi nó đang nằm sát hàng rào! Ðừng tới gần! Ðừng xuống!

Sau đó trong máy chỉ còn tiếng “È! È!” tôi không còn nghe Hội nói nữa.

Tới 4 giờ 30 chiều ngày 22 tháng 9 năm 1973 thì tiền đồn Lệ Minh hoàn toàn thất thủ.

Phi cơ của ta tiếp tục đánh bom trên vùng bán kính 5 cây số quanh Lệ Minh cho tới gần tối mới ngưng.

Ðêm 22 tháng 9 tôi và Trung úy Lập thay phiên nhau bay trên Hỏa Long để liên lạc với Ðại úy Quang và Ðại úy Hội, nhưng không nghe tiếng ai trả lời.

Cánh quân của Ðại úy Hà cũng im hơi, không biết đã phiêu bạt nơi nao?

Sáu giờ sáng ngày 23 tháng 9 đài tiếp vận của tôi đặt trên đỉnh Hàm Rồng nhận được tin của Ðại úy Trương Ðình Hà báo cáo rằng Ðại Ðội 2 Trinh Sát Biệt Ðộng Quân đã về tới tiền đồn Plei Blang 3. Ðơn vị này có hai quân nhân mất tích, không có ai bị thương, vũ khí bảo toàn.

Một tuần sau ngày đó có một anh binh nhì của Tiểu Ðoàn 80 trốn khỏi khu giam giữ tù binh của Việt-Cộng rồi về trình diện.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Anh lính này khai rằng sau hai giờ pháo kích, Việt-Cộng đã xung phong vào chiếm cứ bộ chỉ huy và cắm cờ trên đỉnh cái lô cốt giữa sân.

Những quân nhân bị kẹt trong vòng rào trại đều bị địch bắt sống, kể cả hai ông Ðại úy Tiểu đoàn trưởng và Tiểu đoàn phó của Tiểu Ðoàn 80 cùng với ông sĩ quan trưởng toán Lôi Hổ của Chiến Ðoàn 2 Xung Kích.

Trong số gần ba chục người bị thương thì tình trạng của Ðại úy Hội là nguy kịch nhất. Ðại úy Hoàng Nghĩa Hội đã chết khi đoàn tù bị áp giải qua sông Sa-Thầy.

Anh lính này không biết Chuẩn úy Dao là ai.

Nghe tin Lệ Minh thất thủ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho các cơ quan và công sở trên toàn quốc phải treo cờ lửng để tang cho Lệ Minh.

Tổng thống cũng lên đài truyền hình khắt khe lên án quân Cộng Sản trắng trợn vi phạm Hiệp Ðịnh Paris bằng hành động đánh chiếm Lệ Minh là một tiền đồn của Việt-Nam Cộng Hòa.

Phái đoàn của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến đã can thiệp, nhưng phía Việt-Cộng nại cớ rằng không có địa danh nào tên là Lệ Minh trên bản đồ Pleiku.

Khi phe ta đưa hình ảnh và tọa độ trại Lệ Minh ra khiếu nại, thì phái đoàn Cộng-Sản nói đó là Chư Nghé của họ. Vùng này nằm sâu trong lãnh thổ Cộng-Sản kiểm soát vì nó ở xa Pleiku tới hơn 40 cây số.

Tiền đồn xa nhất của ta thời bấy giờ là làng Plei Blang 3 cũng chỉ nằm cách Pleiku 7 cây số là cùng.

Cãi nhau nhùng nhằng qua lại chỉ phí lời, vì phe ta tuy tình ngay mà lý thì không vững, nên không thuyết phục được Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến.

Có lẽ vì sự cãi chày, cãi cối của Việt-Cộng mà ít lâu sau những tên trại bằng danh từ Việt do Tướng Ngô Du đặt cho từ năm 1970 liền bị bỏ đi.

Từ tháng 10 năm 1973, các trại biên phòng của Vùng 2 quay trở về với những địa danh cũ: Trại Ðức Phong lại là Dak Pek, trại Lệ Mỹ lại là Pleime, trại An Tân lại là Tiêu Atar, trại Trang Phục lại là Ban Don và trại Bạch Phong lại là Bu Prang.

Lực lượng Bạn và Địch trận Bu Prang (New) tháng 11 năm 1973

o O o

Trận Bu Prang 1973…

Năm 1967 Trại Bu Prang cũ được Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa-Kỳ xây dựng và trấn giữ. Trại này nằm trên ngọn đồi thấp và bằng phẳng cách làng Bu Prang một con suối.

Nơi đây thuộc lãnh thổ tỉnh Quảng-Ðức và chỉ cách biên giới Việt Miên vài cây số.

Cuối năm 1969 Bu Prang cũ bị một sư đoàn Cộng Quân từ biên giới Cao-Miên tràn qua bao vây và tấn công.

Tôi đã có mặt trong đoàn quân của Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân nhảy vào tiếp viện cho căn cứ này.

Ngày Giáng-Sinh năm 1969 sau khi hoàn tất nhiệm vụ giải vây cho Bu Prang, tôi đã có dịp đứng trước Camp Bu Prang để chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Ảnh này còn được lưu giữ tới hôm nay.

Cuối năm 1970, căn cứ Bu Prang được di chuyển về làng Bù Bông nằm trên Quốc lộ 14 giữa Tuy Ðức và Kiến Ðức. Căn cứ mới có tên là Trại Bạch Phong.

Sau đó lực lượng Dân Sự Chiến Ðấu của trại Bạch Phong được cải tuyển thành Tiểu Ðoàn 89 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng.

Mùa Hè năm 1972 Tiểu Ðoàn 89 trở thành đơn vị lưu động nên căn cứ Bạch Phong được giao cho Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu Quảng-Ðức đồn trú.

Tới đầu tháng 10 năm 1973 trại Bạch Phong đổi lại tên cũ là Bu Prang.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Ngày 4 tháng 11 năm 1973 Tướng Hoàng Cầm, Tư Lệnh Quân Khu 6 Cộng-Sản đã huy động Trung Ðoàn 205 Bộ Binh cùng Trung Ðoàn E 429 Ðặc Công và một đại đội xe tank T54 bất ngờ tấn công căn cứ này.

Lực lượng trú phòng ở Bu Prang thời gian đó gồm có Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật của Tiểu Khu Khánh-Hòa do Trung tá Võ Khâm chỉ huy cùng với một liên đoàn Ðịa Phương Quân.

Sáng 5 tháng 11 năm 1973 Bu Prang thất thủ, Trung tá Võ Khâm mất tích.

Trận Bu Prang 1973 diễn ra chưa đầy một ngày, kết quả là một tiền đồn của ta bị địch chiếm giữ, một chiến đoàn của ta bị đánh tan.

Tôi không thấy Tổng Thống lên đài kết tội Cộng-Sản, không có lệnh để tang Bu Prang. Tôi cũng không biết chuyện Việt-Cộng vi phạm đình chiến kỳ này có còn là đề tài để ta và địch tranh cãi phải nhờ Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến giải quyết hay không.

Mất Bu Prang, giao thông giữa Ðức-Lập và Kiến-Ðức phải đi vòng theo Liên Tỉnh Lộ 8B vì đoạn Quốc Lộ 14 từ ngã ba Tuy-Ðức tới đồi Bù Row hướng Bắc đồn Kiến-Ðức đã nằm trong tay Cộng Quân.

Tháng 12 năm 1973 địch mở thêm một trận đánh nữa nhắm vào Chi Khu Kiến-Ðức, tỉnh Quảng-Ðức nhưng không gây được tiếng vang.

o O o

Con đường

từ Ia Drang

tới Mang Yang…

Hai ngày sau Lễ Giáng-Sinh năm 1973 Ðại tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 gọi tôi vào văn phòng rồi nói:

“Ông Toàn ra lệnh cho tui, bắt cậu vào Pleime thay cho thằng Lân gấp! Tui có nói với ổng rằng, chờ tui xin Trung Ương cho người thay cậu, rồi sẽ cho cậu đi.”

(Ông Toàn: là Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn II. Thằng Lân: là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân. Trung Ương: là Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa)

Nghe Ðại tá Tất nói, tôi thấy ngạc nhiên quá. Ở Vùng 2 này, ông Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 bổ nhậm ai làm liên đoàn trưởng còn chưa cần xin ý kiến của tư lệnh quân đoàn, huống hồ gì chuyện bổ nhậm tiểu đoàn trưởng? Thay thế một tiểu đoàn trưởng mà phải có chỉ thị của tư lệnh quân khu thì quả là chuyện khó tin.

Tôi nghĩ, chuyện này chắc có nguyên ủy cắc cớ gì đây, nên ông tư lệnh quân đoàn mới ra mặt, nhúng tay.

Sau đó tôi bị gọi lên trình diện Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn II và Quân Khu 2.

Bước qua cửa văn phòng, tôi vừa vào thế đứng nghiêm, chưa kịp giơ tay chào, thì ông Toàn đã lớn tiếng,

– Tau cho mi một tuần lễ chuẩn bị rồi vào giữ Pleime! Nghe rõ chưa?

Tôi gật đầu,

– Tôi nghe rõ!

– Vậy thì mi xuống gặp ông Tiếu để biết nhiệm vụ!

Tiếp đó ông Toàn giơ tay phẩy một cái về hướng cửa,

– Thôi! Khỏi chào! Ði đi! Cố gắng lên!

Từ lâu, đã quen cái cung cách ban lệnh và cư xử với cấp dưới của ông Tướng Vùng này rồi, nên tôi lẳng lặng xuống lầu mà không có ý kiến gì.

Trước tấm bản đồ chi chít dấu ghi bằng bút chì màu, Trung tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 vừa nhìn tôi vừa đưa ngón tay trỏ di động trên một đoạn đường vẽ bằng bút đỏ, vùng Tây Nam Pleiku,

– Chắc chú rành vùng này hơn anh. Chú đã biết con lộ vừa được khai thông của Việt-Cộng? Ông Toàn muốn chú vào trong đó rồi tùy nghi hành động. Làm cách nào vô hiệu hóa được con đường này thì làm.

(còn tiếp)