Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Thấy cơ hành của khẩu súng đã bình thường, tôi mới yên tâm kéo đạn lên nòng.

Chợt Phước ra dấu cho tôi im lặng cùng lúc hướng phòng thủ của Thiết Giáp có tiếng chân người và tiếng nói chuyện:

“Mình vào kiểm tra khu chỉ huy sở của tụi nó xem có gì lạ không? Chắc anh em K7 đang ở đó.”

(Ghi chú: K7 là Tiểu Ðoàn 7 của Trung Ðoàn 64 Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản)

Tôi ra dấu cho Thiếu úy Phước sẵn sàng.

Hai cán binh vừa ló dạng sau bụi tre gai; tên đi trước có vẻ là cấp chỉ huy với khẩu súng ngắn K54 bên hông; tên đi sau có lẽ là người hộ vệ mang súng AK 47. Tôi và Phước bóp cò.

“Ðoàng! Ðoàng!”

Thầy trò hai tên địch ngã gục bên nhau, không la lên được tiếng nào.

Tôi không ngờ là trong trận này chú Phước cũng chứng tỏ là một xạ thủ súng lục có bản lãnh. Viên đạn của Phước đã trúng ngay giữa ngực tên cán binh hộ vệ đeo AK47.

Bất chợt Phước nắm áo tôi lo ngại,

– Thái Sơn ơi! Em hết đạn rồi!

Tôi giật mình nhớ ra, băng đạn trong súng của tôi cũng còn chừng hai hay ba viên thôi.

Tôi lần dây lưng lấy băng đạn mới lắp vào súng.Thấy Phước vẫn ngồi im, tôi hỏi,

– Sao không thay băng đạn mới?

Phước lắc đầu,

– Em có 6 băng đạn, bắn hết 5, băng đạn cuối cùng đang nằm trong súng!

Thấy tôi ngẩn người ngạc nhiên, Phước giải thích,

– Trong thời gian đánh nhau, em núp dưới giao thông hào, thấy tụi nó xung phong chạy ngời ngời, em đã bắn hết băng đạn này tới băng đạn khác mà chẳng trúng thằng nào. Không phải lỗi em bắn dở đâu, mà là lỗi của tụi nó! Tụi nó chạy nhanh quá làm cho em bắn trật!

Thấy thằng em mặt mày nhăn nhó, miệng thì càu nhàu, trách cứ tụi Việt-Cộng chạy nhanh quá, làm cho chú ấy tốn hết 30 viên đạn Colt 45 mà chẳng hạ được tên nào, tôi an ủi,

– Thôi! Ðừng buồn! Nhờ có băng đạn cuối cùng của chú mà anh còn sống đây! Thử hỏi trên đời này có xạ thủ nào giỏi như Thiếu úy Trần Văn Phước 82 Biệt Ðộng Quân không? Có ai làm nên kỳ tích, chỉ với 5 phát Colt 45 mà hạ gục 4 thằng giặc? Trong đó có thằng lãnh tới 2 viên?

Tôi đưa cho Phước một băng đạn mới rồi ngồi thủ thế.

Bỗng tôi nhìn thấy trước mặt tôi là ba cái thây ma Việt-Cộng đang nằm đè trên những khẩu AK47 đẫm máu, tôi bèn chỉ tay cho Phước,

– Súng đây!

Mắt Phước sáng lên,

– Cám ơn Trời Ðất!

AK47 mà vào tay viễn thám thì không còn gì lợi hại hơn; Phước vơ vội cái dây đạn AK quàng qua vai rồi ghìm súng chăm chú nhắm về hướng Nam.

Không còn tiếng nổ của thủ pháo, đợt tấn kích thứ nhì đã đi qua, đợt thứ ba chưa bắt đầu.

Cứ theo lời nói chuyện của hai tên Việt-Cộng vừa rồi thì Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 64 Cộng Sản đã tràn ngập nửa phần hướng Bắc Plei Ngol Ho trong lúc tôi đang lo chống đỡ khu vực Tây Nam của căn cứ này. Chắc chắn mấy tên Việt-Cộng tranh nhau đuổi bắt con heo xổng chuồng và ba thằng cán binh ôm vật tôi phải là người của K7. Nhưng hiện thời không biết đơn vị này rút đi đâu mà trên sân chẳng còn tên địch nào cả?

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Tôi nghĩ thầm, nếu K7 đánh vào khu Bắc Plei Ngol Ho thì chắc chắn K8 hoặc K9 của E64 là lực lượng đã tấn công Nam Plei Ngol Ho.

Lợi dụng lúc súng địch tạm ngưng, tôi ra sức kéo cẳng cái thây ma trước mặt sang một bên để lấy khẩu AK47 và dây đạn thứ hai.

Ngồi đâu lưng với Thiếu úy Phước, tôi ghìm súng hướng về Tây Bắc, khu lều vải của Thiết Giáp dỏng tai nghe ngóng động tĩnh.

Bỗng tôi thấy một người từ hầm truyền tin vừa ló đầu ra, đó là Trung úy Nguyễn Công Minh, Sĩ quan Truyền Tin của tiểu đoàn. Tôi gọi,

– Minh! Minh!

Nhận ra người vừa kêu tên mình là ai, Minh cuống quýt,

– Thái Sơn ơi! Ðịch tràn ngập rồi! Thái Sơn tính sao!

Tôi hét,

– Còn ai trong hầm không?

– Dạ còn một hiệu thính viên!

– Kêu nó ra!

Từ cửa, một người đầu trần, không nón mũ, trên lưng anh ta là một cái PRC 25 ăng ten lá lúa, người này là Hạ sĩ Thạnh. Thạnh phóng khỏi miệng hầm,

– Em đây!

Vừa lúc đó súng đồng loạt nổ giòn hướng chân đồi, rồi thì “Xung phong! Xung phong!’ – “Ðùng! Ðùng! Ðoàng! Ðoàng! Ùm! Ùm! Oành! Oành!” đâu đâu cũng có tiếng nổ, đâu đâu cũng có khói đen bốc lên, đợt tấn kích thứ ba bắt đầu.

Ðạn B40 không ngừng “Xè! Xè!” theo nhau bay, rồi nổ “Oành!Oành!” trên nóc cái lô cốt chứa đạn cối 4.2. Hai khẩu AK 47 trên tay tôi và Thiếu úy Phước cứ liên tục “Cành! Cành!” nhả đạn.

Trời còn đang mưa, chúng tôi thấy địch, nhưng địch thì không thấy chúng tôi. Tất cả những tên địch bén mảng tới gần vị trí khẩu súng cối 4.2 đều bị bắn bể gáo…

Tôi chụp cái máy truyền tin của chú Thạnh, vào tần số Không Lục, nói một hơi,

– Bắc Ðẩu đây Thái Sơn! Tôi bị overrun rồi! Yêu cầu đánh ngay trên đầu!

Gọi Bắc Ðẩu xong, để tiết kiệm đạn, khẩu AK47 của tôi tạm ngừng. Khẩu AK47 trên tay Thiếu úy Phước cũng bắn chậm lại thành từng đợt ba viên. Áo quần của Phước giờ này đầy máu đỏ, không biết Phước đã bị thương hay máu từ cái dây đeo những băng đạn AK ướt đẫm máu địch mà chú ấy mang trên vai?

Tôi thấy cứ tình trạng này mà kéo dài, không chóng thì chầy chúng tôi sẽ bị chúng phát giác, sẽ hết đạn, sẽ bị bao vây và tiêu diệt.

Chờ một lúc không nghe tiếng Bắc Ðẩu trả lời, tôi đứng lên đảo mắt một vòng để quan sát trận địa thì thấy hướng đỉnh đồi chính Ðông không có bóng dáng tên Việt-Cộng nào. Tôi liền la lớn,

– Chạy!

Rồi tôi phất tay,

– Minh mở đường, Phước đoạn hậu! Chạy lên đỉnh đồi!

Nhưng vừa nhổm người bước lên, Trung úy Minh bỗng trở gót chui vào hầm truyền tin. Tôi ngạc nhiên quát lớn,

– Minh! Làm gì vậy?

Không nghe Minh trả lời, tôi nóng ruột nhảy tới cửa hầm hét lên,

– Ra mau!

Tôi la vừa dứt câu thì Minh đã ló đầu ra,

– Xong rồi! Em vào mở lựu đạn lân tinh để phá máy truyền tin.

Bốn người cắm đầu chạy lên đỉnh đồi.

Trung úy Minh và cái máy PRC25 đi trước, khẩu AK47 của tôi chĩa về phải, khẩu AK47 của Thiếu úy Phước chĩa về trái; tôi và Phước bóp cò liên tục, “Cành! Cành! Cành!”

Chạy ngang qua hầm thuyết trình tôi nghe tiếng ai đó gọi,

– Thái Sơn ơi! Thái Sơn ơi!

Tôi ngoái cổ nhìn, thì thấy một thương binh đang ôm cây M16 thất thểu phóng về hướng tôi, tôi nhận ngay ra đó là thằng em người Nùng tên là Nông Văn Út. Từ trưa hôm qua tới hôm nay hai anh thương binh là Trung sĩ Nông Văn Út và Chuẩn úy Trần Quảng lo nhiệm vụ canh gác hai cái cửa phòng thuyết trình chứa đầy thương binh.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Tôi hỏi,

– Út đó hả? thằng Quảng đâu?

Út lắc đầu,

– Dạ em không biết!

Tôi la lên,

– Chạy lên đỉnh đồi!

Sau đó, tôi vượt lên trước dẫn đầu, phóng về phía rừng lau, rừng lau này cao quá đầu người. Tôi gióng địa bàn, lấy hướng 2100 ly giác. Theo hướng này, dự trù hai cây số sau thì tới con đường xe be dẫn về Nam. Từ đây tôi có thể chạy một mạch về Plei Le Tam Pôte rồi vào Pleime, trong Pleime tôi còn Ðại Ðội 4 của Thiếu úy Phạm Văn Thủy.

Tôi sắp chui vào rừng thì anh hiệu thính viên níu áo tôi,

– Bắc Ðẩu muốn gặp Thái Sơn!

Tôi ngừng lại cầm máy,

– Bắc Ðẩu đây Thái Sơn!

– Yêu cầu Thái Sơn xác nhận lại lần cuối cùng là chính ông xin đánh bom ngay trên mục tiêu có phải không?

Nhìn thấy chú thương binh Nông Văn Út đang đi sát bên, tôi chợt nhớ ra, hiện thời còn cả chục thương binh nằm trong hầm thuyết trình, nên tôi hét lên,

– Check air! Check air! Tôi hủy bỏ yêu cầu trên. Mục tiêu giờ này là con suối nằm về hướng Tây của hai khẩu pháo.

– Okay! Tôi sẽ thỏa mãn yêu cầu này của Thái Sơn.

Sau đó có tiếng rocket chỉ điểm, tiếng oanh tạc cơ gầm rú, rồi tiếng bom nổ…

Tới đỉnh đồi, anh lính mang máy truyền tin lại níu tay tôi,

– Có Trường An gọi Thái Sơn!

Tôi áp tai vào ống nghe. Cùng tiếng rè rè của máy là tiếng người gọi tôi,

– Thái Sơn đây Trường An!

Nhận ra trong máy đúng là giọng nói của Ðại Tá Phạm Duy Tất, tôi mới dám trả lời,

– Trường An đây Thái Sơn nghe!

Tôi thấy ông Tất mừng rỡ la,

– Thái Sơn đó hả? Tình trạng ra sao? Giờ này cậu đang ở đâu vậy?

– Banh hết rồi! Tụi nó đánh bằng hơi độc hóa học. Tôi bị tụi nó túm! Mới vừa thoát ra xa chỗ đó được chừng hai trăm thước. Tôi đang trên đường chạy về Pleime!

– Tui mới gọi được thằng Xá cua sắt và thằng Chủ, tụi nó chạy được nửa đường đi Mỹ Thạch. Tui ra lệnh cho tụi nó ngừng ở đó chờ tin tức của Thái Sơn. Ủa! vì sao tụi nó chạy một đường, Thái Sơn đi một ngả vậy?

– Tôi bận chỉ huy khu pháo binh hướng Nam, mặt Bắc giao cho thằng Chủ và thằng Xá. Tới khi bị tấn công bằng hơi độc, tôi rút về bộ chỉ huy thì mới hay thằng Chủ và thằng Xá đã dẫn lính chạy từ lâu rồi!

– Ðể tui gọi thằng Xá đem xe vào cứu Thái Sơn. Nó mà không quay lại, tui lột lon nó!

Kế đó tôi và Ðại tá Tất đều vào tần số nội bộ của Tiểu Ðoàn 82 để gọi Trung úy Chủ và Ðại úy Xá. Không có tiếng trả lời.

Tiếp đó tôi thấy Trường An tắt máy.

Có lẽ ông đại tá sang tần số nội bộ của Chi Ðoàn 3/19; tôi không có tần số này.

Kỳ hành quân này, Tiểu Ðoàn 205 Ðịa Phương Quân và Chi Ðoàn 3/19 nằm dưới quyền chỉ huy của tôi, do đó hai đơn vị này phải liên lạc với tôi trên tần số nội bộ của Tiểu Ðoàn 82.

Nhưng từ sáng tới giờ, tôi bận quá nên không liên lạc với họ lần nào. Tôi không biết tình trạng hiện thời của họ ra làm sao.

Hai phút sau Ðại tá Tất gọi lại, cho tôi biết rằng 18 chiếc chiến xa của Chi Ðoàn 3/19 đã bị mất 12 chiếc, chỉ còn lại 6 chiếc.

Xem thêm:   Bluebonnet Festival 2024

Tọa độ của 6 chiếc M113 hiện giờ cách tôi chừng 2 cây số.

Ông Tất đã ra lệnh cho Ðại úy Xá bằng mọi giá phải trở lại trận địa để cứu tôi. Ðể tìm về với quân bạn, thày trò tôi phải theo chân nhau đổ xuống cái dốc hướng Tây Bắc.

Mấy phút sau thì chiếc chiến xa chỉ huy của Ðại úy Nguyễn Xá ào tới, rồi trở đầu thật nhanh. Ông Chi đoàn trưởng nhảy xuống đất, ôm tôi, rồi ra sức đẩy tôi vào cửa hậu. Trong xe đã có mấy ông Biệt Ðộng Quân ngồi sẵn, trong số này có ông Chuẩn úy Nguyễn Tiến Dũng, Sĩ Quan Trợ Y của tiểu đoàn.

Thấy Chuẩn úy Dũng, tôi vội hỏi thăm,

– Ông thầy thuốc còn sống đó hả? Quân y có còn đủ không?

Dũng cười,

– Dạ! Quân y còn đủ và đang ở với Trung úy Chủ. Trường An ra lệnh cho em quay lại cứu Thái Sơn, Thái Sơn có bị thương không?

– Ồ! Không sao! Anh chỉ bị tụi nó ôm vật, suýt bị bắt sống, chứ không bị thương tích gì!

Chợt tôi nghe tiếng trực thăng trên trời; ông Tất mới bay lên vùng.

Thì ra từ nãy tới giờ ông đại tá liên lạc với tôi từ đỉnh núi Hàm Rồng, nơi đặt một đài tiếp vận của Biệt Ðộng Quân.

Xen lẫn tiếng động cơ là tiếng cười hì hì của Ðại tá Tất.

Ông Tất báo cho tôi một tin vui,

– Ông già vợ của cậu vừa nhờ ta báo cho cậu biết rằng vợ cậu vừa đẻ cho cậu một đứa con gái thứ ba. Vậy là từ nay Vương Gia có ba cô công chúa!

Giờ này chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ tới vợ con, nên tôi chỉ đáp lời ông Tất bằng một câu gọn lỏn,

– Cám ơn Trường An!

Tới vị trí tập trung của đơn vị, tôi nhảy ra khỏi xe M113 thì thấy Chuẩn úy Nguyễn Văn Trâm và Trung úy Trần Dân Chủ đang đứng chờ. Hai ông sĩ quan này quần áo xốc xếch bẩn thỉu, mặt mày nhợt nhạt thất thần.

Ông Chuẩn úy Trâm còn đủ mũ sắt, áo giáp, súng ống.

Nhưng ông Trung úy Chủ thì đầu  trần, súng đạn, mũ mãng, bản đồ, địa bàn, dây ba chạc đều mất hết.

Tuy thế, tôi thấy trên ngực ông Chủ vẫn còn cái máy ảnh trong bao da màu đen treo tòn ten!

Thấy anh em nằm, ngồi, ngổn ngang trên mặt đất, tôi bèn quơ tay ra dấu cho mọi người quây thành một vòng tròn. Sáu chiếc M113 được dàn thành hình cánh cung hướng về Nam.

Tiếp đó, tôi gom góp tất cả thương binh trên triền dốc ngọn đồi mà tôi đang đóng quân.

Triền dốc này nằm về hướng Ðông của tỉnh lộ, hơi thấp so với mặt đường nên được che khuất nhưng cũng đủ rộng và  an toàn cho trực thăng lên, xuống.

Công tác tản thương được tiến hành cùng thời gian tôi điều chỉnh không quân đánh trên các trục tiến quân của địch.

Tổng kết lại, hiện thời đã có 44 Kỵ Binh và 48 Biệt Ðộng Quân chết hoặc mất tích.

Trong tổng số 11 sĩ quan thực tập, chỉ còn lại 6 người, tất cả đều bị thương,

5 sĩ quan mất tích gồm có 4 thiếu úy Ðà Lạt và 1 chuẩn úy Ðồng Ðế.

Trong số ba ông đại đội trưởng tác chiến, chỉ còn Ðại đội trưởng Ðại Ðội 1 là Thiếu úy Phạm Văn Tô đang ở đây.

Ðại đội trưởng Ðại Ðội 2 là Trung úy Nguyễn Trọng Thọ bị thương còn nằm trong Plei Ngol Ho.

Ðại đội trưởng Ðại Ðội 3 là Thiếu úy Tăng Ngọc Phiến đã thoát chạy trước khi tôi rời Plei Ngol Ho nhưng không rõ đang ở đâu.

Trên tần số, Thiếu úy Phiến nói rằng chú ấy đang trên đường tới với tôi. Nhưng lạ một điều là càng lúc tiếng nói của chú ấy càng nhỏ dần.

(còn tiếp)