Giới choai choai Sài Gòn như tụi tui vào giữa thập niên 60, ngoài chuyện học ở trường, còn học võ (lúc này các võ đường như Viện Nhu Đạo Quang Trung, Thiếu Lâm Đền Trần Hưng Đạo, Sa Long Cương, Chung do wan, Vovinam Hoa Lư…); học nhạc; sinh ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật; học vẽ. Giải trí thì hầu như xem phim, nghe nhạc…

Hong Kong 1970. Nguồn Flickr         

Những năm giữa thập niên 60, ngoài phim Mỹ, Pháp, là thời cực thịnh của phim Hồng Kông, gồm võ hiệp, tình cảm, phim ma.

Phim Võ Hiệp là món giải trí hàng đầu của tui và nhóm bạn chung lớp.

Me tui là người tài trợ tất cả những chi phí, xi nê, mua đĩa nhạc ngoại, sách, truyện, kể cả chi phí dắt con nhỏ bạn gái học ở Hội Việt Mỹ uống Coca, nước mía, coi phim Trần Tinh.

Phố chính Hong Kong 1970. Nguồn pinterest

– Ông đó võ biền quá hà, răng lòi chòi, chắc nói chuyện văng nước miếng tùm lum! Không soang chi hết!

Cô nhỏ người Huế, khó chịu, sau vụ coi phim Trần Tinh, cô nghỉ chơi!

Tôi quay qua cô bạn người Bắc, chỉ thích phim Ấn Ðộ, được mấy tháng, tôi nghỉ chơi.

Tài tử Wang Vu (Vương Vũ). Nguồn www.brns.com

Những năm đó, Sài Gòn ngày nóng, đêm mát, tối chạy xe dọc đường Công Lý lạnh nổi da gà, ngày đêm SG yên vô cùng…

Và tui chạy thẳng ra rạp xi nê, khi là Rex, khi Eden, đợi phim ra rạp thường trực, vé rẻ hơn là Kinh Thành, Modern, Văn Hoa Dakao, lâu lâu thì Văn Cầm Phú Nhuận nhưng hơi chán rạp này vì hay chơi phim Ấn Ðộ.

Cho nên, đám thanh niên tụi tui rành phim Hồng Kông, tên tài tử, tên phim thuộc hơn bài Kim Vân Kiều… như Vương Vũ, Trần Tinh, Sơn Ðiền Bảo Chiêu, Khương Ðại Vệ, Ðịch Long, La Liệt, Trịnh Phối Phối, sau này là Lý Tiểu Long…

Tài tử Chan Sing (Trần Tinh). Nguồn www.brns.com

Từ lâu, Hồng Kông đã là thủ phủ điện ảnh Châu Á.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Hồng kông sở hữu một nền chính trị và kinh tế lớn hơn Tàu Ðại Lục và Ðài Loan, trong đó có kỹ nghệ điện ảnh. Qua bao nhiêu năm, Hồng Kông vẫn là trung tâm kỹ nghệ Ðiện Ảnh hàng thứ 3 trên thế giới (Sau Ấn Ðộ, Mỹ), hạng 2 về xuất cảng phim.

Bị dính vào cuộc khủng hoảng điện ảnh giữa năm 1990, và thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ tháng 7-1997, Hồng Kông vẫn duy trì được bản sắc riêng biệt và tiếp tục đóng vai trò nổi bật trên lãnh vực điện ảnh thế giới. Tại phương Tây, những phim hành động của Hồng Kông vẫn có một số lượng khán giả lớn, và bây giờ được công nhận như là một dòng phim có cá tính riêng biệt.

Tài tử Bruce Lee (Lý Tiểu Long). Nguồn www.brns.com

Về mặt kinh tế, kỹ nghệ điện ảnh và giá trị của các hoạt động văn hóa khác đã đạt 5% của kinh tế Hồng Kông.

Hồng Kông không có hỗ trợ từ chính phủ, không có trợ cấp, hoàn toàn là một hệ thống phim ảnh thương mại tư nhân. Ðiện ảnh Hồng Kông không mang khuynh hướng Hollywood, như phản ứng nhanh, cách ráp nối phim bốp chát tạo những tác động cho người xem, họ vẫn giữ  những đặc sắc nghệ thuật của Trung Hoa. Ðiều này khiến cho khán giả phương Tây để ý phim Hồng Kông.

Năm 70, cựu sản xuất của hãng Shaw, Raymond Chow và Leonard Ho tự thành lập hãng phim của riêng họ, Golden Harvest. Cách làm việc, quản lý và sản xuất khác xa với Shaw. Chow và Ho đã có các hợp đồng với nhóm tài tử trẻ, có nhiều ý kiến mới cho công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, như Lý Tiểu Long, Thành Long và tạo cơ hội cho họ xây dựng những bộ phim mới, khác loại truyền thống xưa.

Tài tử Khương Đại Vệ, (giữa), Lý Tiểu Long (bìa phải). Nguồn www.brns.com

Sinh tại Cali, nhưng Lý Tiểu Long chỉ đóng những vai phụ cho TV và phim, thường bị chỉ trích và khán giả không thích thú gì lắm. Lý Tiểu Long từng bày tỏ rằng “Họ nghĩ người Tàu không có gì hay ho, họ vẫn nghĩ Tàu là mắt hí, tóc thắt bím như thời làm đường xe lửa”.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Ðến khi hãng phim Golden Harvest của Hong Kong ra mắt phim Ðường Sơn Ðại Huynh năm 1971, bộ phim này đã làm thăng tiến Lý Tiểu Long thành ngôi sao điện ảnh Á Châu và đưa võ thuật vào điện ảnh thế giới.

Cũng vào thời điểm này Golden Harvest trở thành một trong những hãng phim hàng đầu và ký hợp đồng với Thành Long, một đạo diễn kiêm diễn viên hài, người đã có nhiều phim đứng đầu số thu trong suốt 20 năm sau.

Tài tử David Chang (Khương Đại Vệ).Nguồn www.brns.com

Raymond Chow, nhà sản xuất phim, vươn lên từ phim Ðường Sơn Ðại Huynh của Lý Tiểu Long, các phim Nắm Ðấm, Mãnh Long Quá Giang, Tinh Võ Môn đều đã vượt kỷ lục số thu tại Hồng Kông.

Lý Tiểu Long trở thành tài tử sáng giá Hollywood trong bộ phim lớn hơn “Mãnh Long Quá Giang” (1973) một hợp tác sản xuất cùng với Warner Bros. Chính Lý Tiểu Long là người mở đường vào thị trường ngoại quốc cho điện ảnh Hồng Kông. Phim của ông được thưởng lãm khắp các nước thứ 3, thường tượng trưng cho lòng bất khuất của dân Châu Á.

Vụ bùng nổ của phim võ hiệp nói tiếng Quảng Ðông, như Hãng Phim Golden Harvest đã tạo nên nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất phim và hãng phim độc lập, thời kỳ tung hoành của các hãng phim cá mập đã qua đi.

Tài tử Lo Lieh (La Liệt). Nguồn www.brns.com

Hãng Shaws vẫn tiếp tục sản xuất phim cho đến 1985, trước khi chuyển toàn bộ sang hệ truyền hình.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Những năm 80 và đầu 1990, các hạt giống đã gieo từ thập niên 70 đã đầy hoa: Sự chiến thắng của phim tiếng Quảng Ðông điện ảnh phong cách mới, Hồng Kông trở thành thủ đô điện ảnh vùng Ðông Á.

Phong cách điện ảnh mới đã pha trộn, kết hợp nhiều thể loại, tạo khuynh hướng đẩy rộng biên giới sự khoái cảm của người xem như hài hước, tình dục, siêu nhiên, hành động, võ thuật, hình sự…  đều có mặt trong một bộ phim.

Khương Đại Vệ, Địch Long. wikipedia

Biểu tượng lớn trong thời kỳ này là phim “Sát thủ” của John Woo, tiêu biểu cho loại “Anh  hùng đổ máu”

Vào những năm 2000, đã có những điểm sáng chói như phim “Tinh Ảnh” của đạo điễn Johnie To và Wa Ka Fai; thể loại phim tội phạm, hình sự như “Nhiệm vụ” (1999), “Số kiếp” (2003), 3 bộ phim Hình Cảnh “Vô gian Ðạo” (2002-2003) của 2 đạo diễn Andrew Lau và Alan Mark. Tài tử hài Stephen Chow, ngôi sao nổi tiếng vào thời kỳ 1990, đã đạo diễn và đóng trong phim “Ðội banh Thiếu Lâm”  (2001), “Loạn công phu”(2004). Ðây là 2 bộ phim sử dụng kỹ xảo vi tính để tạo những hiệu quả thật và siêu thật, phim có mức doanh thu cao nhất cho đến nay, đã có nhiều giải, trong và ngoài nước.

Johnnie To với 2 phim “Lựa chọn” đã rất thành công trên các phòng vé Hồng Kông, phim “Lựa chọn 2” đã phát hành tại Mỹ với tên “Lựa chọn băng đảng”, đã nhận được nhiều đánh giá cao, hơn 90% của Rotten Tomatoes.

Hong Kong 1970. Nguồn Hong Kong Free Press

Một số nhà quan sát cho rằng sự bành trướng của Tàu Ðại Lục có thể làm cho phong cách Ðiện Ảnh Hồng Kông đã xuất hiện từ sau thế chiến 2 sẽ tổn thọ, đường ranh giới giữa 2 nền điện ảnh Tàu Ðại Lục và Hồng Kông sẽ mờ dần, không còn cá tính.

Hiện nay Tàu Ðại Lục tăng cường sản xuất nhiều phim hấp dẫn và có nhiều thay đổi trong lãnh vực này, xu hướng của họ là tạo một nền Ðiện Ảnh Trung Quốc tổng hợp như đã làm trong những năm đầu thế kỷ 20.

Ðiện Ảnh Hồng Kông sẽ ra sao?

HĐV

Melrose, MA.