Lời Giới Thiệu:  Lịch sử các cuộc cách mạng nhân dân luôn đẫm máu, vì người dân phải đối mặt với bạo lực khi đòi hỏi tự do, dân chủ. Dù vậy, dân chúng bị đàn áp vẫn tiếp tục vùng lên. Bài viết nhân  tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn xảy ra ngày 4/6/1989.

Tại Quảng trường Thiên An Môn, ngày 04/6/1989, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã lạnh lùng hạ sát dã man hàng ngàn người dân biểu tình đòi tự do dân chủ, gây chấn động dư luận.

Quảng Trường Thiên an Môn ngày nay. Nguồn.Shutterstock 

Sự thật cuộc thảm sát bắt đầu khi lịnh Thiết quân luật ban hành, và hành động tàn bạo này của quân đội TQ đã in đậm trong lịch sử con người cho tới hôm nay. Vì thế, tên Thiên An Môn đồng nghĩa với sự tàn sát.

Năm 1989, cái chết của Hồ Diệu Bang đã châm ngòi cho mọi việc. Ông là quan chức Ðảng Cộng sản, lãnh đạo cánh tự do, được giới trẻ ngưỡng mộ và vì chủ trương cải cách kinh tế xã hội, ông đã bị trừng phạt. Hồ Diệu Bang là người gay gắt chỉ trích thời kỳ Mao, cố phá bỏ những quyền lực độc tài, vì vậy sinh viên đã coi ông như một người ngay thẳng và ông càng được khen ngợi khi tìm công lý cho hàng triệu người bị giết dưới thời Mao xếnh xáng.

Cả triệu người biểu tình. Nguồn. Australian Broadcasting Corporation

Lúc Hồ Diệu Bang chết vì đau tim năm 73 tuổi. Cả ngàn sinh viên tràn ngập Thiên An Môn để suy tôn ông. Chỉ sau vài phút, đám đông khổng lồ này trở thành cuộc biểu tình lớn, chống nhà nước TQ vì đã phá bỏ các đổi mới của Hồ Diệu Bang. Sự bất mãn đã âm ỉ trong dân chúng từ lâu, đặc biệt với giới trẻ. Cái chết của Hồ Diệu Bang đã là giọt nước tràn ly.

Những sinh viên biểu tình đòi hỏi cải cách tự do báo chí, quyền lợi lương bổng, nhà ở công bằng và những yêu cầu hợp lý khác đã gây tác động lớn trong xã hội TQ, và công nhân đã đứng lên cùng sinh viên.

Hồ Diệu Bang tại Thiên An Môn. Nguồn. 14 y Medio

Ðến giữa tháng 5-1989, số lượng người tập trung ở Thiên An Môn đã lên tới 1. 2 triệu người. Hãng thông tấn Reuter cho biết, phong trào càng mạnh hơn khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ bùng lên khắp TQ. Tiếp theo là các bác sĩ, khoa học gia, công nhân, cảnh sát và một số thành viên Hải quân TQ cũng tham gia phong trào. Tỉ lệ dân Bắc Kinh tham gia là 1/10 người đã chứng minh rõ ràng sự chống đối của người dân với chính quyền TQ.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Trước đó, ngày 22-4-1989, sinh viên đòi gặp Thủ tướng Lý Bằng. Ông ta đã từ chối và thuyết phục Ðặng Tiểu Bình phải hành động dứt khoát vì sinh viên muốn lật đổ mình. Ðiều này khiến Lý Bằng đối đầu với Tổng Bí thư Triệu Tử Dương vì ông Dương muốn thương lượng với sinh viên để giải quyết cuộc biểu tình bằng biện pháp ôn hòa, không dùng bạo lực.

Họ đòi hỏi tự do. Nguồn. Catherine Henriette,Getty Image

Ðầu tháng 5, sinh viên trở lại trường nên áp lực cuộc biểu tình giảm, nhưng lại bùng lên vào ngày 13-5 với cuộc tuyệt thực của 160 sinh viên đúng vào chuyến thăm lịch sử của Gorbachev, Liên Xô.

Ðặng Tiểu Bình yêu cầu sinh viên rút khỏi Thiên An Môn trước khi Gorbachev đến. Họ từ chối và phát hành bản tuyên ngôn “Ðất nước đang bị khủng hoảng, lạm phát lan tràn, các quan chức trục lợi, tham nhũng, sự xuống cấp của luật pháp và trật tự. Hỡi đồng bào còn trân trọng đạo lý hãy nghe tiếng nói của chúng tôi!”. Cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nên Gorbachev đã không được chào đón với lễ nghi truyền thống tại Quảng trường Thiên An Môn.

Tuyệt thực. Nguồn. Xinhua,Getty Images

Ngày 19-5, Triệu Tử Dương, người đại diện chính phủ, điều đình với sinh viên. Ông yêu cầu sinh viên giải tán khỏi Thiên An Môn một cách bình an. Vì vậy, thành phần sắt máu của chính phủ TQ lúc bấy giờ đã phản đối. Ngày 19-5 là lần cuối thấy mặt ông. Triệu Tử Dương bị tước bỏ chức vụ, coi như kẻ phản bội và tù tại gia mãn đời.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Ngày 20-5-1989, Thủ tướng Lý Bằng tuyên bố Thiết quân luật. 3 ngày sau, 100,000 người biểu tình, tuần hành ở Bắc Kinh, yêu cầu hạ bệ Lý Bằng. Ðám đông tại Thiên An Môn đã làm một bức tượng cao 33 feet, tưởng niệm Nữ thần Tự do, gọi là Nữ thần Dân chủ. Ngay sau đó những sinh viện bị chụp mũ là “bọn cướp phản bội”.

Tuyên truyền sai và giấu kín vụ biểu tình. Nguồn. Catherine Henriette, Getty Images

Tới tháng 6, mọi chuyện bùng nổ. Ngày 3-6, mấy ngàn lính TQ võ trang súng và hơi cay đã tấn công Quảng trường Thiên An Môn và bị sinh viên đẩy lùi. Sáng hôm sau, xe tăng lại xông tới và bắn xối xả vô hàng ngàn thường dân TQ không vũ khí. Khung cảnh hoảng loạn như lịch sử đã mô tả. Người biểu tình chống trả bằng cách đốt xe tăng. 10,000 người biểu tình bị bắt, cả chục ngàn người bị chính phủ TQ hạ sát bằng bạo lực.

“Biến cố 4 tháng 6” đã chấm dứt cuộc biểu tình bằng cuộc thảm sát đẫm máu ở Thiên An Môn. Ðồng minh và kẻ thù của TQ đều lên án hành động này. Thế giới kinh hoàng trước cuộc thảm sát của quân đội TQ đối với nhân dân họ, nhưng TQ lại tuyên bố, đây là hành động chống lại “bọn phản cách mạng”. Và, Ðặng Tiểu Bình khen ngợi quân đội, tố cáo những sinh viên bị sát hại. Lý Bằng được coi như tay đồ tể của Bắc Kinh. Ông giữ chức vụ cho đến năm 1998.

Quân đội TQ nhảy vô. Nguồn. Catherine Henriette,Getty Images

Những người từng chứng kiến, cho biết cả chục ngàn người đã bị giết. Cho đến năm 2017, Ðại sứ Anh tại TQ  mới báo rằng, khoảng 10,000 người đã bị giết tại Thiên An Môn. Bản báo cáo nêu rõ, những người biểu tình bị bắn, sinh viên bị đâm bằng lưỡi lê khi họ van xin, những người khác choàng tay ôm nhau và lính Trung Quốc nhào vô chém giết, sau đó cho xe tới đưa xác đi.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Cho dù chính phủ TQ làm mọi việc để mọi người quên đi sự kiện Thiên An Môn nhưng thế giới vẫn nhớ những gì đã xảy ra. Một hình ảnh tại cuộc thảm sát đã trở thành biểu tượng lâu dài của sự đấu tranh vì tự do. Hình tượng ấy là “Ông xe tăng”.

Những người chết vì xe tăng. Nguồn. Medium

Tờ New York Times giải thích, “Ông xe tăng” là tên được đặt cho một người đàn ông vô danh, được quay video khi đứng một mình, không vũ khí, cản đường một đoàn xe tăng. Cho tới hôm nay, không ai biết ông ta là ai, hoặc điều gì đã xảy ra cho ông. Vì hành động can đảm ấy khiến ông có thể bị bỏ tù, hoặc bị thủ tiêu, chính quyền cộng sản TQ biết rõ điều này nhưng họ vờ đi.

Nhiều năm sau, hình ảnh “Ông xe tăng” đã được truyền đi khắp thế giới như một biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản, đòi tự do đã khiến chính phủ TQ kiểm duyệt loại bỏ tất cả tin tức, hình ảnh dính tới vụ này.

Tự do hòa bình. Nguồn. Naohiro Kimura.Getty Images

Qua nhiều thập niên từ thảm sát Thiên An Môn, biến cố ngày 4-6 đã bị xóa sổ, không ai được nói tới, kể cả trong chương trình thông tin, và sách giáo khoa. Ngay cả bây giờ, ai khêu lại sự kiện đều bị hạ thủ, thân nhân của những người bị giết không được tang chế công khai. Gần tới ngày kỷ niệm cuộc thảm sát, các nhà văn, nhà tư tưởng và hoạt động xã hội đều bị cô lập tại gia, các phóng viên ngoại quốc bị cấm tới Quảng trường Thiên An Môn. TQ đã cố tình tẩy sạch vết nhơ thảm sát này ra khỏi lịch sử của họ, và phủ nhận chuyện chính quyền TQ đã tắm máu đồng bào của mình.

HĐV