Tuần qua, đa phần người lớn thì hướng mắt trông về tòa án Hà Nội, lo lắng cho “số phận” của 29 “bị cáo” trong phiên tòa xử một chiều về một vụ tranh chấp đất ở Đồng Tâm. Còn phần đông giới trẻ thì nhìn xuống những con sông, con rạch của Sài Gòn, mang theo một nỗi lo cũng không vừa…

Một chú cá sấu “dạt” giữa dòng kênh Nhiêu Lộc – Ảnh: Facebook      

Vụ đầu tiên, chắc cũng nhiều người biết và nói tới, nên tôi xin để sau. Ta bàn chuyện thứ hai trước, vì tính ra thì hai vụ cũng hơi liên quan.

Chuyện là, vài ngày trước, có một bạn cá sấu đang tung tăng bơi lội, ngắm trời mây thư giãn tại khu vực bến phà Phú Cường (quận 12). Quả không may, bạn bị một người dân làm nghề lái đò tại đây bắt gặp. Anh lái đò này tuy làm cái nghề hơi xưa nhưng cũng được chạm đến cuộc sống số hóa hiện đại, nên ảnh cũng có trang mạng xã hội riêng để cập nhật tình hình sông nước thế giới. Bởi vậy, ảnh liền móc ngay điện thoại ra, quay lại hình ảnh của người bạn đang “lạc loài” kia, đăng lên mạng. Ðoạn clip không cho thấy rõ được mặt mũi cũng như giới tánh của bạn cá sấu dại dột sa chân vào lãnh thổ nhân loài kia, tuy nhiên cũng khiến cho bản nổi tiếng rần rần trên mọi nẻo. Ði kèm sự nổi tiếng của bản là những sự lo lắng khác nhau của nhân loài. Phía chính quyền, cụ thể là chủ tịch ủy ban quận 12, phát đi thông cáo báo động người dân trên địa bàn cảnh giác với bạn cá sấu này. Còn phía nhân dân, cũng phát đi thông cáo báo động kêu gọi bạn cá sấu giấu tên kia hãy cảnh giác với nhân loài. Vì khi nhìn vào video của anh lái đò, đa phần các bình luận đều nói về những cái túi Hermès đắt đỏ còn nhúc nhích, đang bơi qua bơi lại. Hoặc những “đặc sản” quý hiếm chỉ có trong những nhà hàng phục vụ giới “quý tộc”: Cá sấu đắp đất sét nướng, cá sấu nướng sa tế, cá sấu 7 món, cá sấu…

Một cảnh sát lạy tạ dân làng Đồng Tâm hôm 22-4-2017 sau khi được “phóng thích” (sau khi “đối đầu” với dân Đồng Tâm và bị bắt giữ). – Ảnh: REUTERS/Kham

Lo lắng xong thì người ta bắt đầu đồn đoán về “xuất xứ” của bạn cá sấu này. Có người cho rằng bạn nhân dịp mùa dịch, bị thất nghiệp mà đi du hí, rồi lạc vào Việt Nam. Cũng có người cho rằng bạn cha/mẹ/vợ/chồng hà khắc nên bỏ nhà ra đi tìm cuộc sống riêng. Phần nhiều thì cho rằng bạn vừa vượt ngục từ một nhà hàng “đặc sản” nào đó hoặc từ một trang trại nuôi cá sấu làm đồ da nào đó hổng chừng. – Phường Thạnh Lộc, quận 12, có trang trại cá sấu rộng 8,000 m2 lớn nhất Sài Gòn, chuyên nuôi cá sấu lấy da làm túi xách, phụ kiện, đồ dùng… lấy thịt để bán cho các nhà hàng. Vài người lại cho rằng bạn vừa được ai đó phóng… sanh nhân rằm tháng 7 vừa rồi. Nói chung từ «đường» nào cũng thấy tương lai của bạn và quá khứ của bạn khá là đau thương và mù mịt. Không khác gì những tấm gương của các «thế hệ» cá sấu đi trước ở Việt Nam.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Có người so số phận bạn cá sấu bơi lạc giữa “địa phận” của nhân loài này với số phần của những người dân VN hiện đang sống trên “địa phận” của chính mình – nhưng dưới sự “quản lý” toàn quyền của một đám người độc tài khác. Họ vui thì họ cho bơi lội tung tăng, “đỡ” vui hơn thì cho vào “quản chế”, đem vào sở thú. Họ không hài lòng thì “gô cổ” cho vào trại xẻ da lấy thịt, đóng cho một cái tội rồi cho đi “mút chỉ cà tha”, hoặc gắn cho bạn một tờ giấy tâm thần, một căn bệnh tự kỷ, buồn nữa thì treo bạn lên báo với cái tít “tự tử bằng dây cột tóc”, bất mãn xã hội nên “tự ngã” từ tầng mười mấy của chung cư nào đó…

Đại diện lãnh đạo trung đoàn cảnh sát cơ động Hà Nội ôm chào tạm biệt người dân xã Đồng Tâm trước khi ra về (2017) – Ảnh: tuoitre.vn

Ðiển hình như vụ Ðồng Tâm ồn ào từ mấy năm nay, được dân tình tóm tắt rất chi là súc tích: “A và B tranh chấp miếng đất. Nửa đêm B đang ngủ, A đem mấy ngàn quân vô tấn công. B (vốn là đồng chí của A gần 60 năm) chống cự không lại, bị bắn chết. A đem cả làng cả họ của B ra tòa xử tiếp tội giết người.” B là những con cá sấu tội nghiệp vùng vẫy giữa lãnh thổ của mình, nhưng lãnh thổ đó được phía A “xí phần” trước rồi, từ khi họ cho mình cái quyền cầm cán cân công lý.

Mấy nay tôi hay đọc lại truyện đời xưa của các tác giả hồi xưa, ví dụ như tác giả miền Nam Hồ Biểu Chánh và tác giả miền Bắc Ngô Tất Tố. Họ đều kể về đời sống của dân tình miền Nam và Bắc dưới ách “thống trị” của “thực dân” thời Pháp thuộc. Không biết cá sấu thời đó được đối xử sao chứ càng đọc, tôi giật mình khó hiểu về thân phận và tánh tình của nhân dân thời đó. Không biết sao mà sống dưới sự cai trị ác ôn mà dân tình không ác với nhau bằng bây giờ? Người miền Nam xưa thiệt thà dễ sợ. Cũng không biết mấy ông cụ nhà văn có viết thiếu không? Sao bọn “thực dân Pháp” ác ôn vậy mà không nghe truyện nào kể về việc nhà dân bị “nhà nước” xông vô “cưỡng chế” nhà/làng lúc nửa đêm? “Dân An Nam” nếu có tiền, có sức, có chí thì vẫn có thể đi học lên,  rồi vô “nhà nước” làm “tay sai cho thực dân” chứ không cần xét dòng họ tổ tiên ba đời như thời bây chừ. Dân tự tử thì tự tử ở ngoài đường, trong nhà, trên núi, dưới biển chứ không ai vô đồn tự tử hết. Quan hồi xưa bị phạm tội, nếu đã bị xử là xử tới cùng, không thì mặc kệ, chẳng ai xử. Còn “quan” thời nay, ăn nằm với vợ thuộc cấp thì từ cấp quận được chuyển lên làm “quan” cấp thành phố. Có án trong người nhưng ngày ngày vẫn tung tăng đến chỗ làm, đi chữa bệnh ở nước ngoài… Hay hồi xưa, sách viết đúng sự thật cũng bị cấm xuất bản, bị đốt, bị tịch thu, bị cho là “tang chứng”? Người viết đúng sự thật xã hội đương thời chắc cũng bị bắt, bị hăm he, bị cho “ra rìa” như bây chừ? Nên dù là thời phong kiến, thời “thực dân” nhưng vẫn có thể nhìn ra chút gì đó là pháp chế, chút gì đó gọi là cuộc sống bình an, thiệt bụng? Chứ không phải chỉ toàn quan tham, toàn cổng chào hàng tỷ, toàn tượng đài ngàn tỷ, toàn cặp táp bạc triệu, toàn “trên bảo dưới không nghe”, toàn “người miền Bắc có ný nuận”…

Giai cấp vô sản đeo dây nịt Hermès, ở biệt phủ – Từ thoibao.de

Ðược cái cũng có vài điểm chung khiến tôi «đỡ» xa lạ. Ðầu tiên là sự cảm nhận về con người hai miền. Dân tình miền Nam thời xưa cũng tựa như chân thật hơn, “bao đồng” hơn, chị Dậu mà ở miền Nam thời đó chắc đỡ phải bán con, bán chó (hoặc chỉ bán một trong hai mà thôi) vì có chòm xóm láng giềng “bu” vô giúp đỡ, bất bình phụ.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Quan miền Nam hay Bắc xưa tuy đều là “tay sai” của đế quốc, nhưng quan miền Nam thời xưa vẫn có nhiều ông được lòng dân hơn (hoặc do mấy ông nhà văn miền Bắc xưa ít viết về quan “của ta” thanh liêm, tốt tánh, thích giúp dân mình. Chỉ ưa kể về cường hào ác bá, mặt trái xã hội? Cũng có thể là do tôi chưa được đọc nhiều, xin lỗi các tác giả.)

Thứ ba, kiểu cách cai trị của mấy ông quan miền Bắc với người… sống cũng khá giống nhau, từ thời ấy tới giờ. Trong truyện “Tắt đèn”, chị Dậu bị bọn cai trong làng ép nộp cả tiền sưu (thuế) cho em trai đã chết của chồng (sau khi nộp hết tiền thuế cho chồng) với lý do: Cậu em chồng kia chết ở “năm ta” (Âm lịch) – Nhưng lúc đó lịch năm Tây đã sang năm mới. Vậy là anh Dậu vẫn bị bắt không được về nhà. Thời nay, danh sách người nhận hỗ trợ cúm Vũ Hán ở nhiều tỉnh đa phần là người chết, người đi tù… còn người còn sống, người lương thiện (mà nghèo như chị Dậu) thì vẫn không được nhận tiền. Nhưng nếu muốn bán đất, bán đai, làm một số giấy tờ quan trọng thì đôi khi người sống phải tìm cho ra chữ ký/xác nhận/sự đồng ý của người… chết, người mất tích (có thể đã chết) trong gia đình (tại liên quan với nhau cái “sổ hộ khẩu”).

Nhà của những “cường hào địa chủ” mới – Từ Facebook

Ngoài ra, sự giống nhau nằm ở hai chữ “Tây tiến”, hầu như quan chức thời Pháp thuộc hay thời Cộng… thuộc cũng đều ưa Tây học, đều thích đi Tây. Chỉ khác chút xíu xiu là hồi xưa đi Tây chỉ để học rồi về. Trí thấp thì mơ mộng làm quan, trí cao thì để cho dân quê mình đỡ khổ/để mở mang tầm mắt/để “ra đi tìm đường cứu nước”, chí hèn thì để được có quyền có thế cao hơn… Còn đời nay, bất kể ai, nhắm đi Tây được thì “xui lắm” mới về Việt Nam. Trong đó đa phần bị đuổi về, có rất ít người tình nguyện về. Trong số những người tình nguyện về, có rất ít người không đổi ý (đi tiếp).

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Ngoài ra, câu “cả nhà làm quan cả họ được nhờ”. Xưa hay nay đều “chí lý” cả. Chỉ khác là xưa thì ai cũng dám nhận, thậm chí còn mừng rỡ khoe khoang “chiến tích” này. Còn nay, ai cũng biết nhưng không ông nào chịu nhận. Vì nhận là bị cư dân mạng “mò” ra hết chuyện “thâm cung bí sử”, rứa là chết, là chết.

Cách thăng tiến trong sự nghiệp – Từ Facebook

Một điểm chung đáng suy ngẫm nữa là thời xưa hay nay là quan nào cũng “trọng dụng” bọn côn đồ thất học hoặc côn đồ có chữ. Nhưng được cái hồi xưa người ta dùng côn đồ công khai. Mấy đứa ”tay chân” của các quan xưa cũng có “danh phận”, nở mày nở mặt với thiên hạ đồ. Còn nay, côn đồ “giúp” đánh tài xế “dùm” công an giao thông ngoài xa lộ, côn đồ vào tận cửa tòa giúp (giúp ai thì tôi chưa rõ) hăm dọa/cưỡng chế các luật sư chính danh (của vụ án Ðồng Tâm), côn đồ tạt nước sơn/mắm tôm vào nhà của nhà báo viết bài về quan tham nhũng, côn đồ chặn đánh/hăm dọa các tài xế lái xe cấp cứu miễn phí ở các bệnh viện… đều có tên chung là “nhóm thanh niên lạ mặt”. Không danh phận, không tên tuổi, không “nở mày nở mặt” được với ai. Còn các côn đồ biết chữ thời xưa quyền cao chức trọng, ít ra cũng thét ra lửa với một nhóm dân đen. Còn côn đồ biết chữ thời nay đôi khi tháng chỉ được trả vài triệu, phải đi gõ phím tối ngày. Viết báo bênh ông A, ông B cũng không dám lộ mặt, sợ thiên hạ chửi thúi đầu. Côn đồ xưa khi “đụng chuyện” thì có thể “dựa hơi” ông này ông nọ. Côn đồ thời nay, đôi khi «kẹt», chắc cũng không dám mượn danh «ông/bà» nào để qua «cửa». Vì có thể “chết chùm” cả đám. Cũng không biết “quan ta” sống ngày càng bạc bẽo hay do “giới” côn đồ ngày càng hào hiệp. Ra tay bất kể lưu danh nữa (còn danh thơm hay danh thúi thì tùy cách nhìn của từng… phe). Nhân lúc hết… giấy, xin kết bài bằng câu chuyện của hai tên côn đồ:

Tên côn đồ 1 chìa dao ra, quát: Ðưa hết tài sản của mày ra đây!

Tên côn đồ 2: Tôi vô sản!

Tên côn đồ 1: Ok, vậy đưa hết tài sản của tao ra đây!

DU