Một ngày đẹp trời nhưng xấu… lòng, ông Lawrence John Ripple, 70 tuổi bỗng dưng có ý định đi… cướp ngân hàng. Và thế là, ông đi cướp… thật!

Cướp ngân hàng để ngồi tù vì… chán cãi nhau với vợ – Từ Tuổi Trẻ

Theo hồ sơ tại tòa, ông Ripple đã vào ngân hàng và đưa cho nhân viên tại quầy mẩu giấy có ghi dòng chữ: “Tôi có súng, hãy giao tiền cho tôi”. Và nhân viên này đã làm theo mệnh lệnh này. Khi nhận được tiền rồi, theo logic, đáng lý ra “tên cướp” này phải bỏ chạy thật nhanh trước khi nhân viên ngân hàng kia la lên có… “thích khách”.

Nhưng không, ông ta thong thả đi ra cửa với vẻ mặt rạng ngời như một vị anh hùng vừa thắng trận, thong thả ngồi xuống ghế ở sảnh ngân hàng. Khi một nhân viên an ninh đến gần, không đợi anh ta xách roi điện/súng/hay bất cứ thứ gì để uy hiếp/bắt lại, ông Ripple xòe số tiền vừa “cướp” được ra và nói một cách nhẹ nhàng và từ tốn: “Tôi chính là người mà anh đang tìm đây”. Cả hai nhìn nhau bằng ánh mắt trìu mến, cùng ngồi tâm sự, chờ cảnh sát đến.

Có nhiều lý do để người ta đi cướp. Có thể họ hết tiền, có thể họ mắc nợ, có thể họ muốn “thực hành” theo một bộ phim hành động nào đó? Cũng có thể, họ có cùng ý định với ông Ripple, đi cướp đơn giản là muốn đi… tù.

Có nhiều lý do để người ta muốn vô… tù ăn “cơm hẩm cháo thiu nhà… nước”, có thể vì mệnh lệnh của cấp trên (làm “nội gián”). Có thể vì muốn làm… củi. Có thể vì muốn “lánh nạn”, trốn khỏi “tai mắt” thế lực nào đó đang truy đuổi. Có thể vì chán sống ở ngoài, cũng có thể vì xả… xui (truyện có thật đấy!) Hoặc có thể, họ có cùng ý định với ông Ripple, muốn vô tù đơn giản là vì chán cãi nhau với… vợ.  Bản xác nhận chính thức tại tòa của một nhân viên FBI viết: “Ông Ripple đã viết ra yêu cầu của ông ngay trước mặt vợ mình… nói với bà ấy rằng ông thích ở tù hơn là ở nhà”.

Nhưng, như thường lệ, cuộc sống mà… Ðời luôn giết chết mộng mơ, mặc kệ là giấc mơ nho nhỏ như ngày mai thức dậy tôi giảm được chừng chục… ký mỡ hay giấc mơ cao cả như trèo lên đỉnh của thiên đường xã hội chủ nghĩa, thậm chí cả giấc mơ ngồi tù. Chính quyền liên bang đã “chà đạp” niềm tin và hy vọng của “tên cướp” (có thể vì ông ta dám chê vợ, mà mấy ông quan này cũng sợ vợ). Vì vậy mà, ông Lawrence John Ripple, 70 tuổi phải đóng một số tiền phạt, điều đó không quan trọng, quan trọng là sau khi đóng phạt thì ông này bị gắn máy theo dõi và bị quản thúc tại nhà (dĩ nhiên, là ngôi nhà có ‘chứa” luôn vợ ông ta)…

Xem thêm:   Tranh cãi...

“Vụ án” này đã xảy ra ít nhất hai năm, cho đến nay tôi vẫn không tìm thấy thêm tin tức gì về ông Ripple, kể cả tin giết vợ hay là tin ông ta tự sát. Ai đó nói, không có tin gì thì chính là tin tốt lành nhất, dzậy cũng mừng. Hy vọng cả nhà ông vẫn còn… sống và không ai trong hai người có ý định đi cướp hay đi tù nữa (biết đâu, sau thời gian ông bị quản thúc tại nhà, bà là người phát điên và “nghĩ quẩn!)

Buổi lễ long trọng – Từ Facebook

Thật tiếc khi ông Ripple và vợ ổng không ở… Saigon. Vì nếu ở Saigon, có lẽ sự việc sẽ tốt hơn. Nhưng ở Saigon không thôi chưa đủ, ở Saigon còn phải biết… tôi nữa. Khi hai vợ chồng gặp mâu thuẫn, tôi sẽ cho họ vài địa chỉ để họ đến trước khi quyết định thực hiện một việc làm sai lầm nào đó. Ðể họ biết rằng, cuộc sống của họ còn “như là mơ” dữ lắm! Ví dụ như mỗi lần hai vợ chồng cãi nhau, theo logic thì người đàn ông sẽ bỏ nhà ra ngoài (như ông Ripple). Nhưng thay vì chọn đi… cướp ngân hàng, tôi sẽ khuyên ổng đi ra Hà Nội ăn bún chửi.

Tại sao lại là Hà Nội trong khi Saigon không thiếu những quán bún chửi vừa “nhập cư” vài năm gần đây? Vì bún chửi Saigon không có chửi khách, chửi là bị dẹp từ lâu, hoặc đã rất ế rồi. Theo tôi thống kê, những quán bún chửi, mì chửi hay bánh đúc chửi ở Saigon đa phần là chủ quán chửi nhân viên ra rả =>  khách nghe khó chịu. Hoặc do nhân viên và chủ quán “chảnh”, không quan tâm khách hàng như những chỗ khác => khách cảm giác tủi thân, sợ hãi. Khó lắm nữa thì xin ly trà đá, dĩa rau cũng bị tính tiền, Saigon mà, đâu có chuyện đó.

Thị dân yếu đuối lắm. Những quán này chỉ “nổi” thời gian đầu do sự tò mò của thị dân và sự thu hút của đám đông. Vì người ta thường quan niệm, chỗ nào đông thì có lẽ là ngon, hoặc nếu có “gì gì” thì cũng có người bị “gì gì” chung! Rồi sau thời gian nổi là chuỗi dài bị “mắng vốn” ở khắp nơi, từ đó mà lượng khách mất dần mất dần nếu họ không thay đổi cách phục vụ.

Một câu chuyện buồn

Với người Saigon, khách chính là ân nhân, đem lợi nhuận cho các vị chủ quán này. Còn các quán ăn được thị dân xem như ngôi nhà thứ hai, ghé đến tìm chút ấm áp giữa cuộc đời bận rộn bon chen, có nhiều quán mới mở bán dở gần chết, nhưng niềm nở, dễ gần, muốn tiếp thu ý kiến khách hàng thì vẫn đông khách dần lên. Dần dần, biết rút kinh nghiệm thì quán sẽ “giàu” lên, bởi vậy mới có những câu chuyện một gánh hủ tiếu nuôi ba đứa con đi du học, một nồi cơm sườn lề đường mà tạo thành cái nhà mấy “tấm” (tầng).

Xem thêm:   Chó...

Trong khi Saigon đất chật người đông, mỗi mét vuông có chục quán ăn, chưa kể mấy hàng gánh đong đưa với tiếng rao lanh lảnh. Chủ quán không đon đả chào mời thì thôi, lại còn chửi thì không có chuyện ghé lại lần sau. Nếu có ghé chắc cũng chỉ ghé trong lén lút vì dại miệng la lên, sẽ bị bạn bè chửi:

– Ngu, bị chửi mà cũng đi ăn, mày trả tiền để nghe chửi à!

Còn Hà Nội, nơi “chôn nhau cắt rốn” của “thể loại” vừa bán vừa chửi này. Nên độ “chuyên nghiệp” đã vượt xa Saigon hàng ngàn… cây số. Có lẽ khách ở Hà Nội cũng “chuyên nghiệp” không kém trong việc nghe chửi, nên các quán này mới còn ‘sống” và đông khách đến tận ngày hôm nay. Có rất nhiều bài viết dặn nhau đi ăn phải khép nép, không nên “hó hé” kẻo bị chửi rồi lên mắng vốn, rồi “cạch mặt ăn vạ”… “Ðặc sắc” nhất trong các quán bán “đặc sản chửi” ở Hà Nội, có lẽ là quán bún chửi ở Ngô Sỹ Liên.

Lý do đầu tiên là quán này chửi có thâm niên, chửi từ khách đến nhà báo trong nhiều năm. Bắt đầu “nổi tiếng” trên mặt báo từ 2016, từ đó, quán bún này nằm chễm chệ trong lòng rất nhiều người Việt Nam với những bình luận không tốt và xấu xí. Cho dầu đã đi Hà Nội hay chưa thì cũng có rất nhiều người biết bún chửi Ngô Sỹ Liên.

Bún chửi “danh giá” lên CNN – Từ Facebook và youtube

Lý do thứ hai cũng là lý do khiến bà chủ quán này thêm phần tự hào khi chửi khách. Quán bún này đã được đầu bếp Anthony Bourdain ghé thăm, quay phim lại những lời “vàng ngọc” của bà chủ quán rồi nhắc đến trong một chương trình ẩm thực phát trên đài CNN (của Mỹ). Ông bình luận về những câu quát, chửi và cách ăn nói, khẩu khí của chủ quán: “Ðây là cách giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà”. Kèm theo lời mô tả là hình ảnh bà chủ quán phốp pháp, vẻ mặt rất “chảnh”, đang hùng hổ trả lời một thực khách gọi món bún mọc như muốn ăn tươi nuốt.. chửng hoặc hắt nước đuổi đi (Mặc dầu biết là đang bị ghi hình): “Quán chị không có mọc, em thích thì ra ngoài chợ. Mà tốt nhất là về nhà tự nấu lấy mà ăn nhé. Ở đây không làm. Ði luôn”.

Lý do thứ ba, mặc dầu bị chửi “thâm niên” và trường kỳ, thậm chí đuổi như đuổi tà nhưng quán “đặc sản chửi” này vẫn đông đúc, người ăn ra vào vẫn đông nườm nượp. Tôi không hiểu sao người ta vẫn cứ ầm ầm đến ăn? Chắc trước khi đi đã niệm chú, dặn lòng phải “ngoan như cún” để bà chủ không có cớ chửi mình? Cũng có thể mấy người này gia đình không hạnh phúc như ông… Ripple ở trên, nên ra ăn bún chửi của bà này để thấy vợ/chồng/cha/mẹ/sếp/bạn đều tốt đẹp hơn?

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Lý do thứ tư. Trong một “vụ án” gần đây nhất, 20/6/2019, một vị khách đã “méc” với cư dân mạng là bà chủ quán này đã đuổi họ “Về nhà nghỉ ăn rồi… ‘đéo” nhau”. Khi hai bạn này hỏi quán có tầng 2 hay không. Lúc phóng viên hỏi về sự việc, bà chủ quán dường như quá quen với vấn đề này, bà trả lời rằng chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra vì khách ra vào trong ngày quá đông. Ðồng thời bà khẳng định rằng, nếu khách bị chửi thì họ phải xem lại mình. Vì sao nhiều người đến mà chỉ mình bị chửi. Ðồng thời bà cũng chẳng lo chuyện quán bị tẩy chay. Bà chủ vô cùng tự hào khoe đã quen mồm mắng từ xưa. Bà còn tự nhận là giờ đã “bớt mồm” hơn trước.

Đôi khi, tiền bạn mất mà bạn không được chửi ai cũng không có quyền biết phải chửi ai mới đúng – TỪ zingnews

Vậy, bao nhiêu lý do trên đã đủ cho quý ông Lawrence John Ripple bớt… sợ cãi nhau với vợ sau khi đến đây ăn bún chưa? Tôi nghĩ nếu còn… sống, ông nên mang phu nhân qua VN để ăn món này sớm nhất có thể. Thứ nhất là để ông không còn “bóng ma tâm lý” với vợ nữa mà mọi bóng ma sẽ được chuyển qua cho… bà chủ quán bún trước khi ông nghĩ đến chuyện cướp… ngân hàng lần hai. Thứ nhì, tôi vô cùng lo rằng, với nhịp độ chửi khách ra rả và liên tục như vậy, thế nào cũng có một bữa nào đó, bà chủ quán bị… viêm họng hoặc tắt tiếng luôn. Quán của bà có nguy cơ nghỉ bán hoặc buộc phải đóng cửa vì “tội”: không chửi khách khi họ đến ăn nữa. Khi đó, nếu muốn duy trì quán, bà chủ chỉ còn nước đào tạo thêm nhân viên biết… chửi và đề bảng giảm giá cho đến khi nào nhân viên đó chửi “thành thục”, ít nhất là được cỡ 80% bà thì thôi.

Thiệt ra, nếu nhìn bằng đôi mắt bao dung, trái tim nhân hậu và đôi tay gõ phím nhẹ nhàng của tôi. Thì quán bún chửi kia vẫn còn rất…. nhân đạo. Chúng ta vẫn còn may mắn khi có thể chọn ăn bún chửi hay không, trước khi đến đó thì cũng đã được “cảnh báo” về “đặc sản” của những hàng quán thế này.  Khi chấp nhận bỏ tiền ra là chấp nhận rủi ro bị chửi. Mà chửi rồi thôi, sau đó không đến ăn nữa chẳng ai treo bạn lên đánh cả. Thậm chí bao nhiêu năm nay, bài viết mắng cái quán bún chửi này lên tới hàng trăm bài nhưng không ai bị bà bán bún chửi tìm tới nhà gây khó dễ cả.

Nghĩ xem, so với lấy nhầm chồng thích đi… tù, lấy nhầm vợ giỏi cãi nhau hoặc sanh ra ở một đất nước độc tài thì tốt biết bao nhiêu…

DU