Ở Việt Nam, xe bus là phương tiện được nhiều người ghét nhất, từ khách hàng cho tới những người lái xe khác trên đường. Dẫu biết các tài xế/lơ xe bus đã mần công việc nặng nhọc và căng thẳng khi phải lái xe trên đường sá tệ, bạn đường thiếu ý thức, đa số khách hàng có thu nhập trung bình đang mệt mỏi, bực bội sau ngày làm việc, nhưng nhìn thấy xe bus tôi (và đa số thị dân) vẫn… ớn lạnh và sợ hãi, không thể thích được.

Nhìn mấy cái mông của thú nhồi bông lúc lắc đỡ sợ hơn nhìn đường sá bon chen, ánh mắt ghét bỏ của thị dân Sài Gòn khi thấy xe bus – Nguồn: Du Uyên    

Tuy vẫn còn lại số ít tài xế/lơ xe bus rất dễ thương, yêu công việc của bản thân và tử tế với khách hàng, nhưng đa số tài xế/lơ xe bus ở Việt Nam được tiếng là lái xe ẩu, thô lỗ và khó chịu với khách lẫn người đi đường… Để lấy lại thiện cảm từ người dân, nhiều vị tài xế phương tiện công cộng này đã thay đổi theo hướng tử tế hơn, ngoài ý thức và cách cư xử, nhiều người tài xế còn gây thiện cảm bằng cách treo nhiều thú nhồi bông trên xe bus, nhìn xe bus thì người dân vẫn sợ thôi, nhưng nhờ những con thú nhồi bông lắc lư mà thấy chiếc xe cồng kềnh, hay vượt ẩu, lấn làn ngày thường cũng mềm mại, thân thiện, dịu dàng hơn hẳn. Quả tình, ở vị trí hành khách – ngồi trong xe bus nhìn mấy cái mông của thú nhồi bông lúc lắc đỡ sợ hơn nhìn đường sá bon chen, ánh mắt ghét bỏ của thị dân Sài Gòn khi thấy xe bus. Ngoài ra, khi người lái xe trên đường ngó lên xe bus thấy khoảng trống trước mặt tài xế xe bus có nguyên hàng thú nhồi bông nhỏ nhỏ phía trước thì tâm hồn cũng được xoa dịu phần nào …

Ai mà không thích những thứ dễ thương, mềm mềm, vô hại chứ? Tại Olympic Paris 2024, Kim Ye Ji giành được huy chương bạc ở nội dung súng ngắn hơi 10m nữ. Nữ xạ thủ 31 tuổi này ghi dấu ấn ở giải đấu nước Pháp phong thái “ngầu như trái bầu” của cô. Nhiều người hâm mộ đã gọi cô là “người ngầu nhất hành tinh”. Cô còn được một tờ tạp chí xem là “ngôi sao phong cách đột phá” tại Thế vận hội Paris. Trái với thần thái thi đấu sắc sảo, Kim Ye-ji lại đeo một con voi nhồi bông dễ thương ở thắt lưng – là một chiếc khăn lau tay làm sạch thuốc súng – do huấn luyện viên tặng cho Kim Ye Ji. Ngày 8-8-2024, tờ New York Times đã xếp chú voi nhồi bông này của Kim Ye Ji là một trong  số 9 phụ kiện của các tuyển thủ thu hút nhiều sự chú ý nhất tại Thế vận hội Paris.

Nữ xạ thủ có gương mặt lạnh lùng cùng chiếc khăn lau tay hình đầu voi nhồi bông – Nguồn: S.E/vtcnews.vn

Thú nhồi bông đâu chỉ dành cho con nít hoặc những tiểu thơ nũng nịu, từ đàn ông đến phụ nữ và ngay cả động vật trên thế giới đều mê món đồ chơi này. Tôi đọc báo mạng biết rằng có một lần, một nhiếp ảnh gia tự do tên là Foster Huntington đã đặt một câu hỏi rằng: “Nếu nhà bị cháy, bạn sẽ đem theo những gì?”. Kết quả, ông nhận được câu trả lời dưới dạng ảnh của hơn 5,000 người từ khắp nơi trên thế giới gửi về. Tất cả mọi thứ họ mang theo đều được xếp gọn gàng như những món tài sản quý báu nhất khi được chụp ảnh, bao gồm: hộ chiếu, chìa khóa xe, máy ảnh, máy tính xách tay và cả những món đồ mang giá trị tinh thần như: thú nhồi bông, ảnh và quà tặng của gia đình. Mấy món mang nặng giá trị vật chất như sổ đỏ, hộp trang sức, đống nhẫn kim cương… rất ít trong những bức ảnh trả lời Foster Huntington. Nhiều người đã phải thốt lên rằng “Tại sao lại lấy thú nhồi bông, ảnh, quà tặng trong khi nhà đang cháy nhỉ?” khi nhìn thấy kết quả.

Xem thêm:   Ngã giá rồi trả giá

Tiến sĩ Kiara Timpano – giáo sư tâm lý học công tác tại trường Đại học Miami (Mỹ) cho biết: “Mặc dù khi lớn lên, chúng ta không cần thú nhồi bông nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là sự gắn bó với chúng mất đi. Thú nhồi bông đối với trẻ em không đơn thuần là đồ chơi, nó còn là vật gợi nhớ về bố mẹ hay những người thân khác. Sự gắn bó với thú nhồi bông như chơi đùa hay ôm ấp mang lại cho trẻ sự ấm áp và cảm giác an toàn như người thân bên cạnh”. Chính vì thế, mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều đặt tên cho đồ chơi của mình và xem chúng như một con người có cảm xúc, suy nghĩ, cần được chăm sóc và quan tâm. Đây được gọi là hành động nhân hóa (Anthropomorphize).

“Kèn” của một xe bus được thay bằng con gà có tiếng kêu đặc biệt – Nguồn: Facebook

Theo khảo sát ở Anh thì có 35% người trưởng thành thích ôm thú nhồi bông lớn và họ đều cùng chung quan điểm là khi ôm thú nhồi bông đi ngủ họ sẽ có cảm giác yên tâm, thư giãn và dễ ngủ hơn. Qua các cuộc khảo sát nhỏ khác thì người ta cho biết 25% người trưởng thành là đàn ông thừa nhận rằng họ rất thường mang theo gấu teddy của gia đình khi đi công tác vì nó gợi cho họ nhớ về gia đình và những đứa con yêu quý. Ôm ấp gấu bông đẹp khi ngủ giúp họ thấy yên tâm và ngủ dễ dàng hơn rất nhiều. Tính trung bình tuổi thọ của các con thú nhồi bông ở nước Anh là khoảng 27 năm, chủ nhân của chúng đã lưu giữ chúng suốt từ thời nhỏ cho tới khi họ lớn lên. 50% người trưởng thành đã thừa nhận rằng họ vẫn giữ những con “gấu ghiền” trong nhà của mình, dầu dư sức sắm nhiều con thú nhồi bông khác. Tôi cũng có một con “gấu ghiền” tương tự, nó bị mục chỉ, có những vết bẩn giặt không ra, bung keo mất mắt, miệng hoặc mũi, nhưng tôi vẫn thích và nâng niu (dầu bản thân tôi có rất nhiều thú nhồi bông). Nó là ví dụ cho những thứ được coi là vô nghĩa, vô dụng trong sinh hoạt thường ngày, đói không ai nghĩ tới nó, khát không ai nghĩ tới nó, bệnh không ai nghĩ tới nó, đôi khi khỏe cũng không nghĩ tới luôn… nhưng trong góc nhỏ tâm hồn, nó là thứ quý báu rất nhiều đối với chủ nhân.

Xem thêm:   "Có giấy"

Và, không phải con thú nhồi bông nào cũng ý nghĩa và quý báu với chủ nhân. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó mỗi ngày ở trước cửa nhà người lạ, ở bên đường, ở bãi rác, hoặc ở trên những chiếc xe rác có bác tài xế đáng yêu. Có những xe chở rác được trang trí bằng thú nhồi bông sau xe hoặc quanh xe, cứ như bác tài xế và những người phụ việc đang đưa những con thú nhồi bông đi làm cùng với mình, nhân tiện bát phố để quên đi nỗi buồn bị vứt bỏ vậy! Nhìn cảnh này, nhiều người không quan tâm, nhiều người thấy thú vị, cũng có nhiều người tưởng tượng tới cuộc phiêu lưu của gấu Lotso (hay còn gọi là Lotso Huggin) trong phim Toy Story 3.

Gấu ghiền 20 năm – Nguồn: Du Uyên

Dầu có nhiều nỗ lực trong việc tặng lại thú nhồi bông cũ cho người cần để duy trì “tuổi thọ” của thú nhồi bông. Nhưng theo một nghiên cứu năm 2022 trên Sustainable Production and Consumption, điểm đến cuối cùng của khoảng 80% thú nhồi bông và đồ chơi các loại trên toàn thế giới chính là bãi rác. Chúng chiếm 6% lượng nhựa tại các bãi chôn lấp trên toàn cầu. Hầu hết đồ chơi nhồi bông đều được làm bằng vật liệu tổng hợp và một số chứa đầy các viên nhựa có thể mất hàng trăm năm hoặc hơn để phân hủy. Chưa kể, sản xuất hàng loạt những món đồ chơi này đòi hỏi một lượng lớn dầu, khí đốt tự nhiên và nước.

Xem thêm:   Cái hố không đáy

Công thức cũ: “những vật đáng yêu đều có khả năng gây nguy hiểm” đúng hoàn toàn trong câu chuyện này… Và, rõ ràng con người là sinh vật “đáng yêu” nhất theo công thức trên!

Nơi “an nghỉ” của đa số thú nhồi bông – Nguồn: Facebook

DU