Đọc xong bài này, có lẽ bạn sẽ thấy may mắn một việc, phụ nữ ở Việt Nam không cần vào hội phụ nữ VN mới được công nhận là phụ nữ.
![](https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2024/05/thich-giay-to1.jpg)
Câu chuyện “giấy chứng nhận” – Nguồn: nld.com.vn
- Giấy chứng nhận tàn tật
Câu chuyện dưới đây có lẽ quá cũ, nhiều người đã đọc, nhưng vì liên quan trực tiếp tới câu chuyện sắp kể, tôi xin nhắc lại:
Trên đoàn tàu, cô nhân viên soát vé nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi, hỏi: Vé tàu!
Người đàn ông chìa vé ra. Cô nhân viên soát vé gằn giọng: Ðây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp: Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?
Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi: Anh là người tàn tật?
– Vâng, tôi là người tàn tật.
![](https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2024/05/thich-giay-to3.jpg)
Sư này được Giáo hội Phật Giáo VN công nhận – Nguồn: Facebook Chùa Ba Vàng
Cô gái vẫn làm khó: Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng: Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé, cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em.
Cô soát vé: Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên: Tôi chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo: Tôi cần xem chứng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng con dấu của Hội người tàn tật!
Người đàn ông đứng tuổi giải thích: Tôi không có tờ khai gia đình của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra tai nạn ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…
![](https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2024/05/thich-giay-to4.jpg)
Đội quân Thích Camera đi theo sư Minh Tuệ – Nguồn: Facebook
– Không có chứng nhận thì anh mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn VND, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói như khóc: Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về được. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin mở lòng thương, tha cho tôi.
Cô soát vé nói: Hay anh lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Một người lớn tuổi thấy chướng tai gai mắt với cách hành xử của cô gái, đứng phắt lên, nói: Cô hoàn toàn không phải con người!
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành: Ông ăn nói cẩn thận một chút. Tôi chỉ làm theo quy định.
Ông lão nói: Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào…
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên, chỉ có người đàn ông tàn tật không cười…
![](https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2024/05/thich-giay-to5.jpg)
Ông Thích Chân Quang cho ông Minh Tuệ là “thằng ba trợn” – Nguồn: Facebook
- Giấy chứng nhận làm sư
Ông Lê Anh Tú sanh năm 1981, tại Hà Tĩnh. Năm 1994, cả gia đình chuyển vào tỉnh Gia Lai sinh sống. Ông Tú từng là một cán bộ đo đạc địa chính ở một công ty tư nhân tại Đắk Lắk. Đến năm 2015, ông Tú bỏ việc, trở về nhà xin cha mẹ xuất gia để “giải thoát”. Sau một đêm suy nghĩ, cha mẹ ông Tú đồng ý cho con đi tu, song vẫn dặn dò Tú “đã quyết định đi tu thì đừng phá giới, còn không thì ở nhà làm ăn, lấy vợ”. Theo cụ Lê Xuân (84 tuổi, thân sinh của ông Tú): “Trước lúc đi Tú nói sẽ theo học một tu viện ở Sài Gòn, từ đó đến nay, gia đình không còn liên lạc với con nữa. Mấy hôm trước người trong làng cho xem các video gây chú ý trên mạng, ông Xuân mới nhận ra con mình. Vợ chồng thấy con ăn uống kham khổ, gầy, đen cũng thương, nhưng cái nghiệp cháu vậy thì gia đình luôn ủng hộ. Mong con chân cứng đá mềm, không ham mê tiền bạc, vật chất và tu thành chính quả” – ông Xuân nói với báo vnexpress.net trong nước. Gia đình cho biết lúc ban đầu đã ký giấy, sau đó chính quyền địa phương xác nhận cho ông Tú đi tu. Việc “xin đi tu” lúc đầu như vậy có lẽ “đúng quy trình”, cái “quy trình” lạ đời này chắc cũng hiếm có.
Từ đó, ông Tú bắt đầu xuống tóc và được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sư Thích Minh Tuệ nói “Con không phải là sư thầy hay tu sĩ tỳ kheo, con từng tu tập ở chùa, nhưng đã ra đi con không muốn nhắc đến nữa, vì có thể làm phiền mang tiếng cho họ… con chỉ là một công dân Việt Nam đang “tập học” theo lời Phật dạy, tập học tu hạnh đầu đà!” Và bắt đầu từ đây, Sư Minh Tuệ đi khác “quy trình” chung của những người ở trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam…
Để theo tu hạnh đầu đà, Sư Minh Tuệ bắt đầu đi bộ từ nhà tới nhiều tỉnh/thành từ năm 2017. Thời gian đầu, đôi lúc ông di chuyển bằng xe khách. Năm 2020 đến nay, Sư Minh Tuệ luôn bộ hành tuyệt đối, chỉ đôi lúc di chuyển bằng đường thủy thì phải dùng thuyền hoặc đò qua sông. Đến nay, ông đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước, chỉ còn ba tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre là chưa tới bởi những địa phương này không nằm trên trục đường chính. Vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ, Sư Minh Tuệ luôn tự lượm các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho ông sẽ không nhận. Mỗi ngày ông chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì ông dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối ông dừng lại tắm rửa. Buổi tối, ông thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng. Về việc những ngày gần đây, khi đi bộ qua các tỉnh thành được nhiều người dân vây quanh chụp ảnh, quay phim, Sư Minh Tuệ nói họ không phải đệ tử của mình, nhưng nếu ai muốn đi cùng thì cũng không cản. Thỉnh thoảng nghỉ ngơi trò chuyện, ông luôn khuyên họ nhớ xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà. “Còn nếu ai đó phát tờ rơi hay nhận tiền bạc rồi nói con chung với họ là không đúng. Đồ đạc con tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ hay nhận tiền thay. Họ nhận thì họ tự chịu, ai làm tự nhận lấy hậu quả và bị xử lý” – Sư Minh Tuệ nói.
![](https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2024/05/thich-giay-to6.jpg)
Cư dân mạng VN tạo phong trào mặc áo giống sư Minh Tuệ – Nguồn: Facebook
Không Thích Cúng Dường, không Thích Car Money, không thích Rolex, không thích ngồi chễm chệ tòa sen vàng, tọa gỗ lim rao giảng những lời hoa mỹ, không Thích Bè Cánh, không Thích… chúc Tết các cán bộ… nói chung, Sư Minh Tuệ quá khác biệt so với “quy trình” chung. Vì vậy, điều gì tới, đã tới, ngày 16-5-2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản thông báo sư Thích Minh Tuệ không phải sư, không thuộc chùa nào và cũng không thuộc giáo hội, vì vậy giáo hội này khẳng định luôn: Ông Tú không phải tu sĩ Phật Giáo.
Facebooker Cổ Minh Tâm hỏi: Tu sĩ Phật giáo ở VN phải chăng cần có “giấy chứng nhận” và phải được giáo hội công nhận mới được tu? Vậy có cần “sát hạch chứng chỉ hành nghề/năng lực” tu hành theo định kỳ để cấp phép? Và sẽ có dịch vụ tư vấn “chạy bằng” tu? Thanh tra liên ngành giáo hội có chặn đường kiểm tra giấy phép tu và bắt trả bài chú đại bi, thuộc lòng mới cho đi?”
Trong cái rủi có cái may, nhờ văn bản đó mà người ta mừng vì niềm tin của người ta hiếm khi đạt được mỹ mãn: Sư Minh Tuệ không cùng một giuộc với những sư Thích Cúng Dường, Thích Car Money, thích Rolex, thích bè cánh, thích hội nhóm, thích giải vong… người xưa đã có từ “thầy chùa lửa” nói mấy ông thầy chùa làm điều phạm giới, thầy đội lốt. Nhưng có lẽ, thầy chùa lửa ngày xưa không dám táo tợn như các thầy Thích Car Money thời nay.
Sau văn bản đó, Sư Minh Tuệ vẫn tiếp tục hành trình về phương Nam. Ông nói với báo trong nước: “Con không liên quan đến văn bản trên. Từ lâu nay con chưa từng nhận là tu sĩ và bản thân cũng cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó. Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của Đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình”.
Vẫn rất đông Phật tử, Camera tử đi bộ cùng ông. Những người ở xa như tôi thì chỉ thầm cầu nguyện ông chân cứng, đường nhựa mềm, bền chí bền sức bền tâm với điều mình chọn, quan trọng nhất là phải bền mắt để không bị đạp… đinh – do bọn “Thích Bánh Xe” rải đầy đường.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn