Năm cũ ra đi chưa bao lâu thì năm mới cũng… cũ dần. Nhân lúc nàng Xuân vẫn còn hơi ấm, chút mùi Tết còn lại đang lắt lẻo trên xe rác/xe chở hàng, những cánh hoa xuân tơi tả còn bay giữa dòng người vô lại Sài Gòn để bắt đầu năm mới… xin biên chút chuyện khó hiểu của những ngày Tết Nguyên Đán vừa qua, sợ để lâu quá, tôi lại quên.

Mùng 2 Tết Quý Mão, chân dung Tết – Ảnh: Facebook Trung Quan Do   

Cựu Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói: “Sợi dây dài nhất là cổ lỗ sĩ sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết. Ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm nhưng mà vẫn còn…” Có những điều ai cũng biết không nên xảy ra, không nên lặp lại, nhưng không năm nào nó không xảy ra và lặp lại, không chỉ lặp lại ở dịp Tết thôi, mà nó tràn lan ra nguyên năm. Như:

Karaoke

Có một điều nghịch lý là đường Sài Gòn càng vắng thì không khí Tết càng đậm đà, vì người xa quê được về nhà chơi Tết. Mọi năm Tết chỉ còn lại đa số là người Sài Gòn cũ. Năm nay Mùng 1 – Mùng 2 – Mùng 3 ra đường vẫn đông đúc, hàng quán và các tụ điểm ăn chơi vẫn “nô nức yến oanh”, không vắng lặng như mọi năm. Cái câu “Còn mùng còn Tết” có vẻ “cổ lỗ sĩ” với đa số thị dân, vì kinh tế buồn thì người sao vui nổi. Ngay cả quý tử của “đại gia” Cường-đô-la lừng danh trong nước còn buồn vì chỉ được 170 triệu VND – tiền lì xì sau 5 ngày Tết Quý Mão, “thất thu” đậm so với Tết năm rồi (250 triệu VND) – cha của cậu lên mạng xã hội than thở như rứa. Nhưng luôn có những “tấm gương vượt khó” giữa tập thể âu sầu – đó là những vị với tài năng “ca hét” khiến người sáng lập bộ môn karaoke phải cảm thấy tội lỗi với thiên hạ, dụng cụ tác nghiệp của họ là cái mic và cái loa Tàu công suất lớn – ho một cái vào mic thôi là cửa kiếng của hàng xóm có thể nứt.

Về mặt lợi, karaoke quả là thứ gắn kết tình làng nghĩa xóm, thứ tiêu diệt những món ăn dư ngày Tết. Với điều kiện, người trong xóm đó phải có thể nhường nhau hát và còn chơi với nhau sau khi nghe nhau hát. Tết mà, trên bàn tiệc làm gì còn của ngon vật lạ, đều là mấy món nhìn dzô đã ngán, nào là bánh tét của bà Bảy, củ kiệu của ông Tư, mứt của bà Chín, tôm khô củ kiệu của bác già… họ là những con người không thể về quê đón Xuân, bị níu lại xóm chợ hoặc một xóm lao động nào đó. Họ có ít sự lựa chọn hình thức giải trí hơn những người có điều kiện kinh tế khác. Karaoke giúp họ vui vẻ qua ba ngày Tết, thậm chí có người còn “Gánh mẹ” suốt từ rằm tháng Chạp qua rằm tháng Giêng chưa chịu bỏ xuống (“Gánh mẹ” là một bài hát quen thuộc trong nước).

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Nhưng đời không như là mơ, bằng chứng là rất nhiều vụ án mạng, cãi cọ, đánh đấm… giữa những người hàng xóm với nhau đã xảy ra bởi karaoke. Vì đa số người hát karaoke để hết tâm trí vào cuống họng mình và màn hình chạy chữ, quên để cái tâm của họ cho người xung quanh, làm ảnh hưởng tiếng ồn đến nhà người khác. Thay vì vặn âm thanh vừa phải, đóng cửa cho bớt ồn, thì mạnh ai nấy bật loa cho banh nóc (mong thiên hạ cùng thưởng thức giọng hát vàng của mình?). Sau đó, không có sau đó nữa…

Theo Phó giáo sư + tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế VN): Trong 2 ngày nghỉ đầu tiên của dịp Tết Quý Mão, tính từ 7h sáng 29 Tết đến 7h sáng mùng 1 Tết) đã có tới 1,056 ca cấp cứu vì đánh nhau tại các bệnh viện trên cả nước. Trong đó, chắc cũng có vài vụ xuất phát từ những dàn karaoke… Trong xóm của tôi một spa lớn phải đóng cửa vì cách âm bao nhiêu cũng không ngăn được tiếng hát karaoke mỗi cuối tuần của hàng xóm, năn nỉ họ ngừng thì họ không ngừng, mà báo công an riết không có kết quả, khách tới spa cần thư giãn sau một tuần làm việc vất vả mà gặp cảnh đó miết họ bỏ đi hết…

Mùng 3 Tết Quý Mão, 2 em gái đi xe lửa SE7 (từ ga Hà Nội đi ga Sài Gòn) gác chân lên đầu 2 cụ phía trước bằng tuổi ông tuổi bà của 2 em. Còn hai chân cụ phía trước cũng gác lên đầu người phía trước – Ảnh: Facebook Hà Seri

Không biết có “lan quyên” chi không, chứ tôi thấy một sự giống nhau hơi nhiều giữa những cái loa âm thanh karaoke và… loa phường. Cả hai từ lâu đã trở thành tệ nạn ở Việt Nam, vì nó không được quản lý đàng hoàng mà tùy vào ý thức của người phát thanh và sức chịu đựng của người nghe. Chỉ khác ở chỗ, người nghe không thể công khai chỉ trích kẻ làm ồn đồng bào bằng loa phường và loa phường được mua (lẫn duy trì) bằng tiền thuế của những người mà nó làm phiền. Bạn tôi kể về quê vợ có mấy bữa Tết mà tập được thói quen dậy sớm nhờ cái loa phường hát “mừng Ðảng mừng Xuân” vào 4-5 giờ sáng mỗi ngày…

Rác

Thứ luôn tồn tại ở Việt Nam là những rác để không đúng chỗ – rác có ở mọi nơi, rác trong thùng rác, rác cạnh bên thùng rác, rác được đặt trang trọng ở nơi đắt tiền rồi rác ở trên… tivi. Mỗi khi Xuân về, báo trong nước có lẽ chỉ cần copy lại bài năm cũ:

“Sau thời khắc Giao thừa, người dân rời phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) trở về nhà, để lại những “núi” rác ngay trên vỉa hè và dưới lòng đường.” – laodong.vn

“Chỉ 15 phút sau khi bắn pháo hoa, hàng ngàn người trở về nhà, để lại các “núi” rác trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Ðằng (quận 1, Sài Gòn).” – tuoitre.vn

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Ði chơi lễ, coi pháo bông đa phần là các bạn trẻ, ai nấy đều ăn mặc đẹp, nhưng ý thức thì quá tệ. Nhìn ra thế giới mà phát ngại, mới mùa giải túc cầu World Cup vừa rồi tại Qatar, hình ảnh cổ động viên Nhật Bản đi xem túc cầu mang theo túi đựng và thu gom rác trên khán đài sau tiếng còi mãn cuộc. Các cầu thủ và ban huấn luyện của «Samurai Xanh» cũng dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ của mình, họ còn để lại những con hạc giấy và lời cảm ơn cho những nhân viên tại sân vận động Khalifa. Hồi 2018, cổ động viên và các cầu thủ Nhật cũng làm điều tương tự khi qua Việt Nam thi đấu. Một tấm gương sáng trưng nhưng không nhiều bạn trẻ VN nhìn vào mà học hỏi, họ lại cho là «bọn Nhật ưa làm màu».

Thứ đáng nói hơn là những loại rác được tạo ra từ tiền thuế dân. Ðầu tiên là những tượng linh vật được tạo ra mỗi năm ở mọi miền đất nước mỗi khi Xuân về. Phẩm chất tượng thì luôn ổn định – đa số bị cộng đồng mạng chê nhiều hơn khen. Thiệt ra, bị chê xấu cũng không thành vấn đề, nhưng lâu lâu, các tác phẩm công đó còn bị chê là vừa xấu vừa là sản phẩm ăn cắp một cách tệ hại – như mô hình linh vật mèo được chính quyền Ðà Nẵng dựng lên ở đường hoa Xuân Quý Mão Ðà Nẵng vừa rồi đã bị nhà thiết kế Hàn Quốc, ông Lee Sang-soo – tố thẳng thừng trên truyền thông: «Tôi không rõ ai là người đã sao chép tác phẩm mình. Tuy nhiên, có thể thấy rõ so với phiên bản gốc, tác phẩm làm lại này có phẩm chất rất tệ về cả hình thức lẫn chất liệu. Tôi không hài lòng về chuyện này và cảm thấy bị xúc phạm. Ðề nghị người đạo nhái phải gỡ bỏ tác phẩm ngay lập tức.» – hết trích.

Sài Gòn ngập nước ngày mùng 3 Tết, báo hiệu một năm ướt át – Ảnh: Facebook

Kế tiếp là các rác trên các kênh chính thống, như các chương trình Tết được tạo ra từ tiền thuế của muôn dân (nhưng có hơn 70% người dân chưa hề coi, đa số còn lại thì lâu rồi không coi, coi không vô, hoặc coi rồi thấy nhạt nhẽo). Ví dụ như chương trình Táo Quân trên VTV – ra mắt cả 20 năm mà không có bao nhiêu người dân miền Nam từng coi qua trọn một tập. Bản thân tôi cũng chẳng quan tâm luôn vì trong chương trình toàn các «nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ đảng viên…». Tuy không coi nhưng chưa bao giờ tôi mở miệng đòi tiền thuế của mình, nếu không có «nghệ sĩ ưu tú» Xuân Bắc kiêm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam (bộ mặt văn hóa của nhà nước) mới mùng 2 Tết lên bài viết ngụ ngôn hàm ý mắng khán giả «ăn cháo đá bát», «mày không ăn thì mày cút»… khi thấy khán giả dám chê chương trình Táo quân phát trên sóng VTV (có ông Xuân Bắc đóng) là nhạt nhẽo. Chưa kể chuyện VTV duy trì bởi tiền thuế dân, lương  Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam của Xuân Bắc cũng được trả từ thuế dân, Xuân Bắc diễn hài thì anh ta cũng lấy cát-xê, nhà đài cũng phải thu tiền quảng cáo. Khán giả muốn coi thì phải trả tiền mạng internet, sóng truyền hình … Ðâu ai được “ăn cháo” của anh miễn phí đâu mà bị mắng “đá bát” hay bị xua đuổi bằng những lời lẽ trịch thượng.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Ngoài ra, Chương trình Táo Quân được phát trên kênh truyền hình quốc gia có nghĩa là nó đã qua kiểm duyệt. Còn thứ mà người dân cần nghe và cần biết nó lại nằm toàn bộ trong mục không được hiện lên ở các trang chính thống. Mà chính những thứ được che đậy đó mới là thứ cần được đem ra ánh sáng, để cả xã hội cùng nhìn nhận và điều trị. Chương trình Táo Quân cứ tự hào là phải luồn lách, né tránh kiểm duyệt để có thể châm biếm công khai những sự kiện xã hội trên đài VTV, như Xuân Bắc “giãi bày” trong bài viết “chửi đổng” toàn dân của mình: “Con phải biết cái khó của mẹ con.Vì nhiều cái ràng buộc mà phải mua thịt của bác A, lấy củi nhà bác B, gạo nếp nhà bác T. Rồi thì nhiều sức ép khác nữa, ấy vậy mà mẹ mày vẫn cố gắng làm để nhà mình có cái Tết vui vẻ hơn. Mẹ mày có đòi hỏi gì đâu!? Phải biết chấp nhận và chia sẻ chứ đừng  tự mình cho mình cái quyền phán xét như thế con ạ!!! Có thể bánh của mẹ nấu năm nay chưa thực sự ngon nhưng bố mày tin chắc mẹ mày đã rất cố gắng với lại mẹ mày nói đúng, mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn…Ðào lộn hột đi- ai cấm!?” – hết trích.

Một nửa sự thật không phải là sự thật, không thể dùng thuốc ghẻ ngứa để trị ung thư. Thay vì tự hào vì đã luồn lách, né tránh kiểm duyệt ra sao, sao Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Xuân Bắc không vì chính mình và đồng nghiệp mà đấu tranh cho quyền được nói sự thật mà không cần luồn lách và né tránh? Làm được như vậy thì dầu miếng hài của Chương trình Táo Quân miền Bắc có không hợp «khẩu vị hài» của người miền Nam đi chăng nữa cũng sẽ tăng lượt coi rần rần, được khen hết cỡ, vì người ta coi không phải chỉ để cười nữa… Nhưng, tôi hiểu, có những nơi, những người chỉ chấp nhận tồn tại rác, sự thật sẽ không được tiếp nhận.

́t

Xã hội thay đổi từng ngày, con người cũng thay đổi từng giây, Tết cũng thay đổi mỗi năm, bởi vậy mà không năm nào như năm nào, vậy mà luôn có những chuyện cũ khiến dân tình vướng mắc từ năm này qua tháng nọ như trên. Bởi vậy người Việt có câu “Tết mà” – để giúp nhau tạo ra tâm trạng hoan hỉ, dzui dzẻ khi gặp chuyện không ưng ý trong ba ngày Tết. Cũng có câu nói tương tự mà người ta thốt lên sau những điều ngang trái trong cuộc sống, nhưng không thể nào khiến người ta hoan hỉ, dzui dzẻ nổi, đó là câu: «Cộng sản mà!»

Một người đàn ông khoe được mẹ lì xì 25,000 USD, 600 triệu tiền Việt, 10 cây vàng với 1 bao lì xì và một bài báo trên thanhnien.vn – Ảnh: Facebook  

DU