“Tết này anh không thèm kẹo mứt
Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng.
Tết nay anh không thèm đi chơi,
Xi-nê hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu…
Vì đã có em đem lại mộng đời,
Tô thêm vào lòng người chan chứa mọi nguồn vui
Tết nay anh không thèm đốt pháo,
Vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi!
Tết này anh không thèm chơi đánh bài
Vì trong vòng tay anh đã có em ngọc ngà.
Tết này anh cũng chẳng chơi hoa
Vì môi em cười như chứa cả vườn xuân.”.
– Bài Ca Tết Cho Em/Tác giả: Quốc Dũng
Nghe đồn bài hát trên được sáng tác lúc ông nhạc sĩ Quốc Dũng đang yêu danh ca Bảo Yến – người vợ và cũng là “nàng thơ” trong nhiều sáng tác của ông. Có thể vì đang yêu nên ông mang hết các “đặc sản” ngày Tết mà mình thích ra nói… không thèm, bởi đã có giai nhân bên mình. Nhờ vậy mà những người sanh sau đẻ muộn như tôi mới biết một phần nhỏ khác và giống nhau giữa Tết xưa/Tết nay.
Ví dụ Tết xưa người ta ăn kẹo mứt, Tết nay cũng vậy. Tết xưa người ta khoái đi chơi/đánh bài, Tết nay cũng vậy. Tết xưa người ta chưng bông/chơi hoa, Tết nay cũng vậy. Nhưng Tết xưa có đốt pháo, mùi pháo Tết là một đặc trưng không thể thiếu của ngày Tết. Còn Tết nay thì dẫu thèm hay không, dẫu có giai nhân cạnh bên hay không, đều hông được chơi pháo, ngửi mùi pháo nổ. Vì pháo đã bị cấm ở Việt Nam, chỉ có nhà nước được độc quyền… chơi.
Và theo truyền thống thường thấy, cái gì càng cấm thì càng kích thích sự tò mò, nhung nhớ của nhân loài. Trong 10 bài “phát biểu cảm nghĩ” về Tết thì cũng có 8 bài nhắc đến pháo. Ví dụ như bài của blogger Hoàng Công Danh, xin được trích vài đoạn:
“Trong những hoài niệm về thuở ấu thời của mình, thế hệ 8X trở về trước ai cũng nhớ pháo Tết; nhớ những quả pháo nhỏ móc nhau trên một sợi dây tim, nhớ tiếng nổ đêm ba mươi, nhớ màu đỏ nhuộm thắm khoảnh sân nhà sáng Mùng Một. Cứ mỗi độ Tết đến, như có một âm vọng pháo ngày xưa trở về thắc thỏm bên tai.Tháng chạp đi chợ, rau cải của mạ (mẹ) màu xanh, mứt gừng màu vàng, khoai tía riềng màu tím… Nổi lên giữa nhốn nháo sắc màu ấy là cái đỏ của pháo treo trong các hàng tạp hoá. Tết đến sớm hơn từ những ô chợ nhỏ, người người đi sắm hàng Tết không quên mua vài phong pháo về đốt; nhà khá giả thì hai ba phong, nhà nghèo mấy cũng nhất thiết có một phong đốt vào Giao thừa. Tết không có pháo là ông bà khó biết đường để về cùng, ngày trước người ta quan niệm như thế.
…Nhà khá giả thì chiều Ba Mươi cúng tất niên đã đốt pháo. Trẻ con cứ nghe có tiếng nổ là kéo nhau chạy tới coi. Khói pháo cuối năm quyện với khói từ trong bếp, buổi chiều chợt trở nên bảng lảng ngan ngát bùi ngùi xao xuyến đến lạ; mùi pháo hăng hắc xộc thẳng vào mũi chẳng thể nào quên được.
….Ðã hơn chục năm rồi dân mình không được đốt pháo, trải qua chừng ấy năm mọi thứ rộn ràng hơn nhưng hồn Tết thì dường như bị nhạt mất. Có ai lục lại trong két sắt nhà mình, chỗ ngày xưa từng giấu mấy quả pháo nhặt được, xem có còn sót lại mảnh giấy xác pháo nào không? Có ai đi qua góc vườn cây mít, nơi từng móc những xâu pháo đợi Giao thừa châm lửa, ngửi xem có còn sợi khói thơm mùi nao nao nào không? Có ai nằm trong đêm trừ tịch lặng thinh rồi hóng đợi nghe tiếng pháo đì đùng không?
Chỉ có nỗi hoài niệm trả lời cùng tôi!”
Bởi vì những gì mà người ta hoài niệm trên hiện nay được xem là vi phạm pháp luật. Nên cứ năm hết Tết đến là chúng ta vẫn có những câu chuyện/vụ án bi/hài liên can đến pháo. Dịp Tết Nguyên Ðán 2019, công an cho hay đã bắt phạt hơn 1,000 vụ vi phạm về pháo với hơn 1,200 người liên quan, qua đó thu giữ hơn 20 tấn pháo. Tết Nguyên Ðán năm nay chưa qua nên không biết số người bị bắt do pháo là bao nhiêu, nhưng sương sương theo thống kê thì từ cuối năm 2019 đến nay công an đã bắt hàng trăm vụ buôn lậu pháo và hàng tấn pháo lậu rồi. Và dưới đây cũng là vài câu chuyện về pháo và Tết, những ngày đầu năm 2020:
- Tuổi trẻ tài cao
Với đam mê khởi nghiệp, một em học sinh cấp 2 đã dành nhiều ngày đêm không ngừng nghỉ tìm hiểu, ngâm cứu khoa học kỹ thuật cùng cách kinh doanh phù hợp với sức mình..
Em đã lên mạng tự học cách chế tạo thuốc nổ trên youtube rất lâu.. Sau đó lên mạng đặt mua 1 kg chất KCLO3, 0.5kg bột lưu huỳnh, ống nhựa 27,PVC về cắt thành đoạn nhỏ khoảng 5cm, trộn hỗn hợp trên với bột than của gia đình để làm pháo nổ… Bán cho bà con dịp Tết Nguyên Ðán. Em Ph đã làm được 23 quả pháo, đốt 1 quả mẫu nổ banh tai. Sau thành công đó một người ở Buôn Hồ đã mua hết lô 22 quả còn lại của em với giá 7,000 đồng/quả. (Không biết có lời hay không?)
Ðây là tấm gương khởi nghiệp của em U.H Ph, sinh năm 2006, học sinh lớp 7c, trường trung học cơ sở L H P, trú tại thôn Ea Tút, Pơng Drang, tỉnh Ðắk Lắk.
Và sự việc vỡ lở cũng vì lòng tốt của em này. Vì sau khi làm xong 23 quả pháo, còn dư hỗn hợp, Ph. đã cho em P.N.H. (học cùng lớp) để học làm pháo. Tuy nhiên, khi H. đang chế pháo thì bị nổ khiến mặt cháy sém và phỏng, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Ða khoa Hòa Bình (thị xã Buôn Hồ). Toàn bộ số pháo do Ph. chế tạo, bán ra thị trường đã bị tịch thu.
- Chuyện tình buồn
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài chia sẻ câu chuyện tình buồn của một chàng trai được cư dân mạng theo dõi nhiệt tình. Trong truyện, đương sự kể, chàng trai và người yêu quen nhau cũng được vài tháng, bản thân anh tỏ ra vô cùng nghiêm túc với mối tình này. Anh chàng thường xuyên sang nhà cô gái chơi, phụ giúp những công việc ở nhà của bạn gái. Do nhà người yêu bán tạp hóa nên mỗi lúc tới chơi, chàng trai cũng chẳng ngại ngần mà xắn tay áo phụ giúp việc bốc hàng, chở đồ hay thậm chí là đi lấy hàng hộ.
Ðời không như là mơ, vào một bữa đẹp trời, chuyện tình yêu ấy gặp biến cố. Chia sẻ về “biến cố” xảy đến với tình yêu của mình, chàng trai cho hay: “Một ngày tôi phát hiện ra trong điện thoại em kia có tin nhắn lạ, tôi hỏi thì nó chối bảo bạn thân. Nhưng tôi không tin rồi rình lúc em ấy không để ý. Tôi có chụp lại được số điện thoại. Tìm trên mạng xã hội thì phát hiện ra ông này đăng ảnh với người yêu tôi, gọi vợ yêu, em yêu các thể loại.
Sau khi tôi lôi chuyện này ra nói thì nó không cãi được nữa bắt đầu cùn, bảo anh không quan tâm em nên em nhận lời nói chuyện cho vui abcxyz. Xong nó bảo anh không chấp nhận được thì chia tay đi. Trong khi đó tôi hỏi thì được biết thằng kia cũng thỉnh thoảng đến nhà và gọi ba mẹ em ấy là “ba má vợ”, cũng làm mấy việc giống tôi…”
Ðối với cánh mày râu, việc bị “cắm sừng” là điều khó mà chấp nhận. Mỗi người sẽ có những cách hành xử khác nhau khi phát hiện ra bạn gái không còn chung thủy và đa số đều là khó kìm chế được cảm xúc và tỏ ra vô cùng tức giận. Chàng trai trong câu chuyện cũng “khoe” với cư dân mạng cách xử lý vấn đề có một không hai của mình.
Chàng trai tỏ ra vô cùng tức giận và quyết định nói lời chia tay với cô gái. Tuy nhiên, điều làm anh ta không cam tâm đó là việc trong thời gian yêu nhau, anh chàng có mua cho cô gái một chiếc xe máy trị giá 12 triệu đồng. Chàng trai kể rằng khi gọi điện thoại để hỏi về chiếc xe, cha cô gái thậm chí còn nói vọng vào điện thoại, mỉa mai anh chàng “2019 vẫn có thanh niên chia tay đòi quà”.
Cuối cùng, sau nhiều ngày “ủ mưu”, chàng ta đã nghĩ ra cách đối phó với người yêu cũ khiến không ít người phải ngỡ ngàng. Sẵn có người bạn làm công an, anh chàng “rỉ tai” kể cho bạn nghe rằng nhà người yêu cũ nhập cả pháo về để bán trong dịp Tết Nguyên Ðán. Kết quả cuối cùng, cha cô gái bị lực lượng chức năng mời lên làm việc vì hành vi buôn bán hàng cấm. Nhà cô gái bị “mất Tết” do anh người yêu cũ thù dai. (Vì rõ ràng, nếu còn yêu, chàng ta sẽ không bao giờ báo án!)
- Cũng là pháo
Nguyễn Ðức Khánh, 31 tuổi, quê ở Nghệ An, làm việc tại một công ty kính cường lực ở Saigon hơn 10 năm nay. Vài năm nay, kinh tế vợ chồng anh ổn định hơn, nhất là khi mua được căn chung cư trả góp 15 năm. Ðể gia đình tự hào, anh hay… “chém gió” vui vui mình lương cao, vài ba lần lỡ lời mình là giám đốc kinh doanh của công ty.
Tiền vé đắt đỏ, năm rồi gia đình đi tàu lửa về quê, anh phải chống chế với mẹ “Con lu bu không đặt kịp nên vé máy bay hết sạch”. Anh nhờ mẹ đặt xe ra ga đón mình. Anh nghĩ là xe khách như trước đây, không ngờ mẹ lo con cháu mệt, có tiền phải sướng tấm thân, nhất là “oai” với hàng xóm nên đặt hẳn taxi đón con cho đoạn đường về quê hơn 120 cây số. Vợ chồng anh méo mặt!
Chưa hết, bố mẹ còn sắm sanh đủ thứ từ tivi mới, bàn ghế mới, mua hẳn cây mai gần 2 triệu đồng về chưng… Mẹ anh đồng bóng, phô trương, thích khoe con kiếm được nhiều tiền còn đi mua hai chỉ vàng đeo khoe hàng xóm. Bà hớn hở nói, năm nay con về Tết, bỏ lì xì cho con cháu nhiều chút cho mát mày mát mặt. Bao lì xì con cháu, bà toàn bỏ 200,000 – 500,000 đồng, mấy đứa hàng xóm cũng phải bỏ tờ 100,000 mới được. Mẹ anh mượn tạm của bác Tám hàng xóm 30 triệu đồng sắm sanh, chuẩn bị trước cho kịp, giờ nói con sang trả. Ðúng toàn bộ số tiền mặt anh mang theo.
Chưa hết, mấy ngày Tết, tốp bạn này đến nhóm bạn khác, đi nhậu, hát hò là… ưu tiên anh Khánh thanh toán với tâm lý, nó làm “to” ở thành phố. Vài ba người biết ý mới góp tiền trả cùng anh. Rồi ở thôn còn đến nhà vận động những gia đình có con đi làm xa ủng hộ tiền làm đường, làm sân bóng hay là ủng hộ mừng thọ cho các vị cao tuổi…
Anh Khánh phải gọi vào cho bạn thân là chủ công ty, ứng tạm vài chục triệu để “xử lý khủng hoảng”. Sau đó, trở lại thành phố với sự căng thẳng của vợ con và vào cày “bục mặt” để trả nợ. Năm nay, anh không dám về quê…
Cả hai loại pháo, xưa và nay đều có và đều có thể làm banh ta lông!
DU
Sài gòn
Bà Tám ở Sài Gòn