Có lẽ vì tôi nhiều chuyện, nên tôi thấy người không nhiều chuyện có cuộc sống rất là không… nhiều chuyện.

Rình người ta uống cà phê với nhau, nhưng không nhìn mặt nhau mà nhìn mặt… sách (Facebook)     

Thế giới hàng tỷ người, có biết bao câu chuyện mình không trải qua được, nên không nhiều chuyện chắc sẽ chán lắm vì bỏ lỡ nhiều thứ mới. Ai đó từng nói con người nên có nhiều sai lầm để học hỏi mà trưởng thành, mà cuộc đời quá ngắn, chúng ta sống đâu đủ lâu để phạm tất cả những sai lầm? Nên một là… xúi người khác mắc sai lầm để học hỏi thêm (tôi từng học được rất nhiều kinh nghiệm từ những sai lầm – của những người đã nghe lời khuyên của tôi). Hoặc… nhiều chuyện.

Cách để không nhiều chuyện thì khó, chứ cách để nhiều chuyện rất dễ, chỉ cần quan sát cuộc sống của người xung quanh, đọc tin tức xa gần, coi người ta bàn luận về tin đó, hoặc chính bản thân cũng bàn (người không hiểu sẽ nói là bạn nhiều chuyện). Nhiều chuyện riết sẽ biết chuyện nào nên hóng hớt, chuyện nào nên bỏ qua. Biết ai cũng nhiều chuyện như mình mà không chịu nhận…

Cả thế giới biết tôi nhiều chuyện, nhưng chắc không ai biết rõ độ nhiều chuyện của tôi bằng những cái ban công trước những căn phòng tôi đã ở. Dầu mưa hay nắng, nghe có động tĩnh trước nhà là tôi đội nón lá ra ôm cái ban công hóng hớt liền. Có lẽ ban công mà biết nói năng, mỗi ngày nó sẽ đăng hàng chục bài viết về độ nhiều chuyện của tôi.

“Khổ rồi sẽ qua”

Ðứng ở ban công, ngó mọi người từ trên cao khi họ không đề phòng rất thú vị. Nhớ nhất là nhà cũ – gần công ty lớn, nên ở ban công ngó xuống sẽ thấy nhiều… đồ ăn. Sáng thì mấy xe hủ tiếu gõ, canh bún, bún xào, bún thịt nướng… tấp nập người. Kẻ ngồi húp xì xụp cho kịp giờ làm, kẻ thì khoan thai vừa ăn vừa tám tin tức/bàn số đề/phổ biến thông tin của xóm… người hối chủ quán bỏ đồ ăn vào bịch rồi phóng xe đi hối hả. Có người lao xe đi rồi vòng lại vì quên đưa tiền. Lâu lâu thấy có anh công nhân canh chủ quán không để ý, trộm thêm cục thịt. Có những người bà lớn tuổi, người mẹ bận đồ lam lũ – ngày nào cũng sớt hơn nửa tô bún cho cháu mặc đồ học trò. Có cô bị tật ở chân, ngồi xe lăn đi bán vé số – cổ đi tới đâu ồn ào tới đó, như muốn kêu tất cả những ai còn ngủ nướng trong xóm dậy. Tưởng tánh tình cổ vui vẻ cởi mở nên chắc cũng không nghĩ nhiều, có lần tôi âm thầm tặng cổ bữa sáng, vậy mà cổ dùng dây thanh quản “cao cấp” của mình thét lên thảng thốt, một hai trả tiền lại cho “kẻ giấu mặt” đã trả tiền tô hủ tiếu, không thì mốt “từ mặt” chị chủ tiệm hủ tiếu…

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Buổi trưa Sài Gòn nắng bể đầu, nhưng bên dưới nhà cũ vẫn không ít người hơn buổi sáng.  Ngoài những hàng quán bán cơm trưa dọn ra trên nền đất chứa mấy xe hủ tiếu gõ, canh bún, bún xào… buổi sáng, còn có những đầu bếp trứ danh khắp… hẻm mang bếp gas, bếp than, vòi nước ra chế biến đồ ăn chơi để bán cữ chiều tối – ngay hai bên vỉa hè, mặc kệ xe qua lại, có khi trời mưa ngập lại có thêm nước sình văng. Có vẻ họ không sợ ai học được bí kíp? Thật ra thì nếu ai rảnh mà rình được cách chế biến, nêm nếm của các vị đầu bếp này (như tôi) thì chắc người sợ chính là kẻ rình. Ở nhà đó, mỗi năm tôi đã giảm hàng trăm gram mỡ vì không dám ăn hàng. Nói chứ lâu lâu cũng ăn, chắc không sao, chỉ hơi mau quên, hơi nhiều chuyện hơn người ta một chút xíu mà thôi. Khoảnh khắc vui nhất là khi nhìn mấy cái nồi vơi dần, nụ cười của những người bán cứ rộng dần ra hai bên tai, tay đếm tiền xoành xoạch, nhanh hơn nhân viên ngân hàng. Bữa nào bán ế, mặt họ buồn buồn, thở dài thở ngắn, tay đếm tiền cũng chậm, chắc vì sợ mau hết tiền để đếm.

Buổi chiều, ngoài cảnh kẹt xe, kẹt người giờ tan sở, nhìn xuống dưới, toàn đầu người. Trong đám đông lộn xộn đó, lâu lâu lại nghe tiếng la thất thanh, ai đó bị móc túi, bị sàm sỡ. Camera chạy bằng cơm như tôi đôi khi cũng bất lực để tìm kẻ xấu trong đám đông đó. Giờ cũng là lúc những người buôn bán “bội thu”, vì các công nhân mua đồ về, hoặc ghé tiệm ăn chiều. Buổi tối là yên bình nhất, ngoài tiếng chổi quét dọn, tiếng nồi xoong chén chạm nhau khi người ta rửa, tiếng xe chạy ra… thì chỉ còn tiếng bà chủ quán cà phê chửi con, chửi chồng. Khách uống cà phê tám chuyện thời sự thế giới, hoặc cùng nhìn vào điện thoại chứ không nhìn nhau. Vài ba tiếng dzô dzô ở quán nhậu nào đó khuất tầm mắt vọng lại…

Nhưng ngập thì không “tha” Sài Gòn – Người chụp: Anton Dat

Mấy cảnh như vậy không có hiếm tại Sài Gòn, vì không hiếm nên sẽ không có gì đặc biệt với nhiều người, thậm chí là ngứa mắt vì sự nhếch nhác bền vững của cái thành phố lớn nhất nước. Nhưng sau đại dịch, sau thời gian dài ngó xuống con đường đìu hiu, chỉ thấy con đường có cái ổ voi già cỗi, cái công ty có ông bảo vệ già cỗi, cái quán cà phê, các quán ăn bị buộc đóng cửa… các chủ quán, các đầu bếp trứ danh của hẻm cũng ngồi sau cửa, thở dài thườn thượt… Thì sẽ tự nhiên thấy thương người xưa cảnh cũ (dầu vẫn không thương nổi cảnh kẹt xe, nước ngập, nóng nực…)

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Ngày tôi dọn nhà đi khỏi chỗ cũ là ngày Sài Gòn mới được “mở cửa” không lâu, các ông bà chủ tiệm trong xóm coi bộ đứt vốn do dịch, nên cảnh buôn bán không còn tấp nập. Mắt ai cũng mệt mỏi, buồn buồn sau lớp khẩu trang, lưng ai cũng còng xuống mệt mỏi. Có vài người đã đi luôn không về… Ngó qua ngó lại, chỉ có ông chủ quán cà phê mặt quạu đeo và cô con gái (mặt cũng quạu) của ổng. Trong ký ức thì mặt cha con họ lúc nào cũng quạu, dầu tôi uống cà phê và ăn bánh mì ở quán ổng hàng trăm lần, cả tỷ ly cà phê/ổ bánh mì đã vô bụng… Nhưng chưa bao giờ nghe ổng nói quá 3 câu một lần gặp mặt. Bởi vậy, trước khi lên xe, tôi chỉ gật đầu chào hai người, họ cũng nhìn tôi đăm đăm, rồi… thôi. Không có dấu hiệu lưu luyến.

Cuộc sống dần trôi, tôi bị cơm áo gạo tiền, tin tức, các mối quan tâm ngu ngốc của mình cuốn đi… Tự nhiên, hồi trưa này, tôi đứng ở ban công ngó qua phía bên kia đường, thấy anh chàng kia khi không ngừng xe giữa chừng, ngập ngừng cầm áo mưa từ cốp xe ra, ngó trời xong lại ngó cái áo mưa khoảng mấy chục giây, rồi nhét cái áo mưa vào lại cốp xe, chạy đi tiếp. Chắc ảnh đang áng chừng nên mặc áo mưa hay không vì nghe trời gầm? Khi không tôi cười nhẹ một mình. Từ chỗ tránh nhau như tránh hủi đến coi việc khoe ảnh xét nghiệm cúm Tàu như một trào lưu trên mạng xã hội. Nay thị dân đã bình tĩnh ngồi với nhau ăn tô bún, uống ly nước, chen chúc ra về giờ tan sở. Tuy vẫn còn nhiều người đeo khẩu trang, nhưng đi đường, vẫn bắt gặp những “đồng hương” Sài Gòn mặc áo mưa lái xe dưới trời nắng và vô tư cười chào nhau vì không còn cái khẩu trang cách trở. (Sài Gòn vào mùa… lụt rồi, mưa đó rồi nắng đó, nên mới hay có cảnh người mặc áo mưa, người không mặc trên đường). Giờ người ta đâu còn sợ dịch nữa, chỉ sợ giá xăng tăng, chỉ sợ “trùm cuối” vụ án “Việt Á” lọt lưới, chỉ sợ hàng triệu con sâu khác còn thảnh thơi ngoài vòng luật pháp… và chỉ sợ đọc các bài báo mang tính định hướng sáo rỗng.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Vật liệu xây dựng đắt sao không ở nhà tranh vách đất? Quần áo đắt sao không ở truồng? Cưới xin tốn kém sao không ở giá? Học phí cao sao không nghỉ học? Thực phẩm tăng sao không nhịn đói? – Hoàng Nguyên Vũ

“Anh chàng áo mưa” ở trên, làm tôi nhớ cái ban công xóm cũ, tại ở bển nhiều chuyện hơn, bên này ngó xuống chủ yếu chỉ thấy xe và tai nạn giao thông là chính. Nên nhân bữa trời đẹp, tôi đón xe qua thăm chốn cũ người xưa, sẵn tiện ngó lên ban công nhà cũ coi chủ nhà mới có nhiều chuyện, hay rình thiên hạ như tôi không?

Vừa bước xuống xe, thật bất ngờ khi thấy ông chủ quán cà phê kiêm hàng xóm cũ nheo nheo mắt nhìn tôi hai giây xong cười tươi rói, khoe hàng “tiền đạo” trống trải, chào tôi: “Gặp lại cô tôi dzui quá!”

Ổng đon đả thất thường làm tôi cũng mừng mừng tủi tủi, có lẽ khi mất đi người hàng xóm dễ thương như tôi, ổng mới thấy tiếc. Quá muộn rồi!

Tôi cười đắc ý, giả lả nịnh nọt: “Bác khỏe không? Chị đâu rồi, cho con ổ bánh mì…”

Thì thấy ông hàng xóm cũ tay vẫn pha cà phê điêu luyện, nhưng mắt đỏ rưng rưng, môi run run mấp máy: “Xóm mình chết quá nhiều luôn cô à!”

Thật may khi người tốt vẫn còn sống

Tôi hơi bùi ngùi, vừa định khóc theo, thì ổng tiếp lời: “May quá nhà tôi không ai bị gì hết. Cô có bị gì không?”

…Cũng đúng, thật may khi chúng ta còn sống. Vậy, giờ tôi có nên khóc nữa hay không đây? Tôi lắc đầu nói mình không sao. Ông chủ quán kể lể một hồi rồi đi đâu mất tiêu, bỏ tôi một mình ngồi nhai bánh mì, uống cà phê. Vừa canh quán, tôi vừa len lén ngó lên cái ban công chốn cũ vài lần, không thấy ai nhìn xuống. Hơi buồn.

Hàng quán xung quanh xóm đã đầy trở lại, nhưng có những khuôn mặt mới, có lẽ người cũ đã về quê, nhưng không muốn lên lại Sài Gòn nữa, hoặc những lý do xấu khác. Bỗng nhiên, có người vỗ vai tôi từ phía sau, thì ra là chị gái bán vé số đi xe lăn đã một hai chối từ cái tô bún mà tôi mời hồi năm nào. Chị hỏi thăm tôi, rồi kể là chị đã bị cúm Tàu hai lần mà không chết, chỉ xém chết đói lúc Sài Gòn bị lockdown vì không biết sao mua được đồ ăn. Nhà chị ở trong “kẹt” của hẻm sâu, nên mua gì cũng khó khăn. Như cũ, tôi mời chị bánh mì, chị một hai chối từ bằng cái giọng lanh lảnh. Buồn quá, chị không hề giả bộ mời lại!

Nhìn chị khó khăn đẩy bánh xe lăn ra khỏi ngạch cửa, tôi định đứng dậy giúp, không ngờ, khi tôi vừa đứng dậy thì chị cũng… đứng dậy, nhấc chiếc xe qua rồi ngồi lên lại rất nhanh?! Chẳng lẽ cúm Tàu trị được tật chân? Tôi quay đi, không dám hỏi.

DU