Trên đời này có nhiều chuyện “ngó vậy mà không phải vậy” lắm. Ví dụ:

Suzie và “sợi dây chuyền” có một không hai của mình  – Ảnh: Caters.      

  1. Chuyện của Suzie

Suzie là một thanh nữ thuộc tộc hươu cao cổ, nàng sống ở công viên Haller, Mombasa, có quốc tịch Kenya (Châu Phi). Không biết bằng cách nào đó, Suzie “lượm” được một cái vỏ của bánh xe hơi. Có thể do một nhân loài nào đó đã xả rác bừa bãi vào nơi ở của nàng. Cô nàng đã tròng thử cái vỏ bánh xe vào cổ. Và như chiếc giày của hoàng tử dành cho Lọ Lem, chiếc vỏ bánh xe vừa y cái cổ dài ba… mươi ngấn của Suzie. Từ đó, nàng có một sợi “dây chuyền” rất mô-đen, làm từ cao su.

Người ta thường nói, giống cái là phái đẹp. Ðể không hổ thẹn với danh xưng đó, không ít phụ nữ đã làm đẹp bất chấp, từ phẫu thuật thẩm mỹ vô độ đến vận vào cơ thể những “gu” thời trang “phang” luôn thời… tiết. Như bản thân tôi, dù phần lớn thời gian sanh sống ở miền đất chỉ có hai mùa nóng và rất nóng – Sài Gòn, nhưng tôi rất mê những bộ đầm làm từ vải tweed – loại vải được đan từ len, từ bố, từ cotton… thành phẩm còn dày hơn cả da mặt tôi. Không chỉ riêng tôi, ở Sài Gòn, chúng ta sẽ không khó để nhìn thấy các cô gái khoác áo len ra đường giữa mùa Hè 40oC (khoảng 104oF). Hoặc ở mùa Ðông các xứ lạnh, cũng không khó để tìm ra vài cô gái với váy ngắn ngang đùi…

Suzie cũng là giống cái, vì vậy nàng cũng “mến” sợi “dây chuyền” có một không hai mới “sắm” quá trời, đeo đi khoe khắp nơi. Dù đôi khi cũng khó chịu. Bởi, như mọi con cái khác, ngoài đam mê thời trang thì Suzie còn đam mê ẩm thực. Vì vậy, khi số đo vòng cổ cao ba mươi ngấn của nàng ngày càng bự ra, đồng thời sợi «dây chuyền» bằng vỏ bánh xe ngày càng thít chặt vào da, gây ma sát, tạo ra những vết thương quanh cổ Suzie.

Rất may, Suzie không ở Việt Nam. Nên nàng không bị con người làm thịt để “cứu” lấy… chiếc vỏ bánh xe bị nàng “chiếm dụng”. Thay vào đó, nàng “bị”… cướp! – Các nhân viên cứu hộ hay tin, đã rình rập, rồi bắn lén một mũi tên đặc biệt chứa lượng thuốc gây mê (phù hợp với kích thước của Suzie). Sau đó, họ cưa chiếc vỏ bánh xe hơi, làm sạch kỹ càng vết thương quanh cổ Suzie, bôi thuốc sát trùng, phun thuốc kháng sinh và cuối cùng là đắp đất sét xanh (hợp chất tự nhiên giúp vết thương mau lành cho hươu cao cổ). Họ cũng tiêm thuốc kháng sinh và kháng viêm cho Suzie, mà không thèm hỏi ý “chính chủ”.

Sau khi tỉnh dậy, do bất thình lình nhìn thấy quá nhiều con người nên Suzie bỏ chạy thục mạng, quên luôn cái “dây chuyền”. Sau khi “hoàn hồn”, nàng mới phát hiện mình vừa bị “cướp”. Mấy ngày sau, cô nàng cứ quanh quẩn tại “hiện trường” vụ án, tìm hoài sợi dây chuyền của mình mà không thể ngờ rằng, những “tên cướp” kia cực kỳ “trơ trẽn”. Không những “cướp” nữ trang của Suzie mà còn quay phim lại toàn bộ quá trình, đăng lên mạng. Cho toàn thế giới biết đến “vụ án” trên. Nếu Suzie mà giỏi “ngoại ngữ”, chắc khóc hết nước mắt khi đọc được những tin và bình luận liên quan đến mình!

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Khi con người hân hoan khoe khoang mình đã “cứu” được cái cổ xinh đẹp của Suzie, họ có nghĩ: nếu không có con người xâm phạm nơi ở, sẽ không có cái vỏ bánh xe hơi lăn vào… cổ Suzie. Không có cái «dây chuyền» bất đắc dĩ đó, Suzie đâu cần «giải cứu», đâu cần lên báo, đâu cần nổi tiếng… Vì nàng đâu có biết «ngoại ngữ» của nhân loài (cũng không có nhu cầu biết)! Ngoài ra, một báo cáo của năm 2019 cho hay, «nhờ» bàn tay của con người mà 1/3 hệ thực vật của Châu Phi (quê của Suzie) bị tàn phá và trên đà tuyệt chủng.

Suzie bị “đánh” thuốc mê, bị “cướp” mất dây chuyền – Ảnh: Caters.

  1. Chuyện của Vân

Vân là một người em thân thiết của tôi. Em sanh năm 199x, là cháu ruột của một người bạn tôi. Quê Vân ở Vũng Tàu. Vân kể, từ nhỏ, nơi em ở hầu như là người Bắc, chỉ vài người nói tiếng miền Nam – nhưng em không chắc họ có phải là người miền Nam hay không? (Hay là người Bắc nói tiếng Nam). Vì sự “phân bố” dân cư, nên từ hàng xóm đến bạn học đến thầy cô đến người yêu cũ của Vân, toàn là người Bắc sau 75. Không biết có phải “nhờ” vậy mà Vân ghét người… Bắc luôn hay không? Nhưng Vân tâm sự, Vân không thích người Bắc, ít nhất là những người nói giọng Bắc sau 75. Ðây không phải là «phân biệt vùng miền», tôi chỉ tả lại sự việc, để mở đầu cho câu chuyện của Vân – một trong những nguyên nhân khiến Vân ghét người Bắc.

Chuyện là, hiện Vân sống ở nước ngoài, vì em đi học rồi lập gia đình ở đó luôn. Do dịch cúm Vũ Hán nên Vân không thể về Vũng Tàu chơi thường xuyên như trước. Biết Vân nhớ quê, nhớ hơn nữa là những món ăn quê hương. Tôi rất thương em, vì vậy tôi luôn chăm chỉ gửi cho Vân những tấm hình hải sản Việt Nam và các món ăn đặc sản Vũng Tàu mà tôi… ăn. Mong Vân ngon… mắt. Có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi rất hay… giận nhau, nhất là sau mỗi lần tôi gửi ảnh và tả hương vị từng món ăn trên.

Dù như vậy, tôi không hề buồn Vân. Vẫn luôn quan tâm em. Nhiều khi trước lúc nấu ăn hoặc đi ăn tiệm, tôi còn hỏi em thèm gì, để tôi đi ăn cái đó rồi về tả cho em nghe nữa. Không biết trên đời này có còn người bạn nào hy sinh một cách “âm thầm” như tôi không?

Xem thêm:   Mất mạng

Một hôm, tôi gửi cho em một tấm hình ghi lại cảnh những cái bánh khọt ú nu, vàng ươm, giòn rụm, có con tôm/miếng mực chính giữa bụng đang nằm “nghỉ ngơi” trên dĩa rau sống xanh ngắt, trước khi đắm mình vào chén nước mắm có nhiều “đồ chua” (làm từ cà rốt, củ cải, đu đủ bào). “Ta nói, lấy một lá xà lách, bỏ chút rau thơm lên, bỏ cái bánh khọt vô giữa, cuốn cuốn lại, chấm vô chén nước mắm rồi «vớt» chút đồ chua. Bỏ tất cả vô miệng, nhắm mắt lại cảm nhận sự ngon ơi là ngon, thơm ơi là thơm… Ta nói, chua chua, ngọt ngọt, đầy hương vị biển Vũng Tàu, đầy hương vị quê hương, còn gì ngon bằng hả Vân? Ở chỗ này còn có một loại bánh khọt nước cốt dừa nữa, ăn béo béo, thơm thơm mùi dừa, ngọt ngọt vị hải sản, kết hợp rau và nước mắm chua ngọt kèm đồ chua, ngon cực kỳ luôn đó Vân…» Những tưởng Vân sẽ «cảm động» trước sự «chịu khó» tả lại hương vị món ăn của tôi, nhưng không, Vân tỏ vẻ rất «kỳ thị». Tôi nghĩ như thường lệ, Vân giận, tôi đã chuẩn bị tinh thần để “bao dung” cho em rồi. Nhưng không, Vân nói rằng ngoài giận tôi thì Vân còn nhớ đến một kỷ niệm đau lòng khác.

Loại vải tôi rất thích, nhưng tôi ở Sài Gòn – Ảnh: kenh14.vn

Ðó là hồi Vân học lớp 5 (khoảng 10, 11 tuổi) ở Vũng Tàu, có lần cô giáo chủ nhiệm đưa ra câu hỏi cho cả lớp:

– Những món ăn đặc sản của quê em (Vũng Tàu).

Với kinh nghiệm hơn 10 năm sống ở quê mình, Vân đã tự tin trả lời: “Dạ thưa cô, Bánh khọt”. Vừa trả lời, em còn vừa nuốt nước miếng vì… thèm.

Những tưởng với câu trả lời “trúng tủ” này, đó sẽ là lần đầu tiên sau suốt 7 năm đi học (tính luôn hai năm lớp mầm non), Vân được điểm 10 đầu tiên «cho có với người ta». Nhưng không, cô giáo chủ nhiệm đã cho Vân 2 điểm kèm lý do «Em sai rồi!”. Vì đã quen được điểm thấp dưới mái trường này, lúc đó, Vân đã tưởng mình… sai thiệt. “Nhờ” cái điểm 2 đó, Vân thay đổi suy nghĩ – dầu trên con đường dài và hẹp giữa trường và nhà, cứ 3 mét vuông lại có 50 tiệm bánh khọt, Vân quyết định không tin món bánh khọt là đặc sản quê mình.

Bánh khọt Vũng Tàu ăn kiểu khác, không cuốn rau mà trộn rau 

Rồi, không biết là may hay rủi, vài bữa sau, Vân biết được một bí mật “động trời”: Cô giáo chủ nhiệm nói tiếng Bắc kia là người miền… Bắc. Không những là người miền Bắc, cô còn mới “vô Nam” mấy tháng thôi. Khi nói về đặc sản Vũng Tàu, có lẽ cô chưa có thời gian cảm nhận kỹ, nên cô cứ nghĩ đặc sản Vũng Tàu là cơm… tấm, bánh mì thịt, bún riêu v.v. Như cách người miền Nam cứ nghĩ người Bắc thích ăn bún đậu mắm tôm, bún thang, nhưng thật ra là người ta thích ăn thịt chó, tiết canh, bộ phận sinh dục của trâu cái xào khế v.v. hơn!

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Khi biết được nguyên nhân, Vân – một cô bé có giáo dục – đã định “tha thứ” cho cô chuyện “đặc sản”. Nhưng người cô trên không hề “cảm kích”, cô lại gây ra những “tội ác” khác, hằn những vết rách lên trái tim non nớt của cô bé lớp 5. Bắt đầu bằng việc giữ những học sinh “cá biệt” như Vân lại đọc “búp sen xanh” – truyện về Hồ Chí Minh trong suốt thời thơ ấu cho đến khi rời Việt Nam sang Pháp – mỗi ngày, lúc đã hết giờ học (cái này không thuộc giáo trình lớp 5). Rồi đánh Vân vì em quên mang tập, nói nặng lời v.v. Lúc đầu, thật ra Vân không (dám) giận, vì tưởng cô giáo có quyền làm như vậy.

Bà cô chủ nhiệm lớp 5 với Vân lúc đó, như món trang sức bằng vỏ bánh xe đầy đau đớn mà Suzie vô thức “sắm” được, không biết “đẹp” hay không, nhưng cũng không biết “tháo” ra làm sao.

Vì từ nhỏ, chưa ai hỏi ý đã đưa Vân đến trường. Theo năm tháng, cha mẹ đã dạy Vân đi học phải nghe lời thầy/cô. Nghe lời thầy cô mới biết cái chữ, biết cái chữ mới nên người. Vô trường, Vân được học vỡ lòng là «cô giáo như mẹ hiền», mà mẹ dạy thì con phải nghe…

Cái Vân học được sau những năm ở mái trường xã hội chủ nghĩa – Ảnh: Facebook

Nhưng rồi một bữa đẹp trời, phụ huynh của Vân biết những chuyện trên, đi vào trường “mắng vốn”. Vân mới hiểu, những cái mình đã chịu đựng là sai. “Mẹ” ở trường không có quyền mắng học trò bằng lời lẽ quá mức. “Mẹ” ở trường cũng không có quyền giữ học trò lại ở trường, “nhồi sọ” về lãnh tụ khi đã hết giờ học. “Mẹ” ở trường cũng không có quyền lấy những “kinh nghiệm” chưa được kiểm chứng của mình, đem chấm điểm cho học trò… Và nay đã thế kỷ 21 rồi, dù “mẹ” ở trường hay mẹ ở nhà, cũng không còn quyền “thương cho roi cho vọt” vì những lý do không đâu… Ðó là sự phát triển của văn minh và giáo dục!

Bà cô chủ nhiệm lớp 5 của Vân đã bị “kỷ luật” sau đó. Nhưng những vết sẹo nhỏ trong tâm hồn Vân vẫn còn miết, là một trong những nguyên nhân khiến Vân ghét người Bắc sau này.

Còn người Bắc hiện thời – những người sanh sau 75, đa số cho rằng người miền Nam “vô ơn” khi “dám” ghét họ. Vì theo họ thì “nhờ” quân Bắc Việt “giải phóng”, miền Nam mới có ngày hôm nay. Kể cả những kẻ giàu lên vì cha/ông họ đã “giải phóng” miền Nam, rồi đánh cướp những người sanh ra miền đất này…

Tính ra, họ nói cũng… đúng. Không nhờ họ, thì miền Nam làm gì được như ngày hôm nay: nơi nơi tan hoang, nơi nơi ngập úng, công trình nâng vốn, kéo dài thời gian, lãnh đạo lần lượt vô tù… Tin tức đa số là cướp, giết, hiếp, tham nhũng, dừng đèn đỏ đúng luật bị tông chết… Giống như những khu rừng ở Châu Phi, giống như những con vật hoang dã như Suzie, không có con người, chúng đâu có tuyệt chủng! Ðâu có cái gì gọi là “sách đỏ”, đâu cần “đội bảo tồn động vật hoang dã”! Ủa, ai thèm…

Một (trong hàng tỷ) ví dụ cho sự nên “biết ơn”? 

DU