Một số đông người Việt Nam thường dùng hai chữ “khổ quá” để giải thích cho những hành động của mình (Tôi khổ quá nên mới làm vậy), hoặc giải thích cho hành động người khác (Nó khổ quá nên mới làm vậy). Có thể, hành động đó ngu ngốc, vô ý gây hại cho bản thân họ, những người xung quanh. Cũng có thể hành động đó là độc ác, cố tình gây hại cho rất nhiều người. Tuy nhiên, cũng có một loại người, hai chữ khổ quá chỉ là cái cớ để họ vịn vào, đứng vững trên sợi dây tham lam, mưu tính…

Vì mất sức lao động, anh Tâm đi làm “thợ bắt rắn” – Ảnh: Vietnamnet.   

Tuần qua có quá nhiều chuyện “hot”. Tôi thấy chuyện nào cũng được người trong lẫn ngoài cuộc nhắc đến hai chữ “khổ quá” ở trên – để giải thích việc làm của các nhân vật chính. Ví dụ câu chuyện dưới đây:

Một ngày trời đẹp vừa vừa, cuộc gặp gỡ định mệnh của anh Phan Văn Tâm (sanh năm 1982, ở Tây Ninh) và nàng hổ mang chúa đang dậy thì bắt đầu. Bạn gái này dài 2.5 m, nặng 4.6 kg, có cái “cổ cao ba ngấn” chừng… một mét – tuy chưa trưởng thành hoàn toàn, nhưng đã ra dáng quý cô xinh đẹp.

Có thể vì nhận ra, nàng là một nhân vật “có số má”, nằm trong danh sách các loài đang sắp trên đà giãy chết, à không, trên đà tuyệt chủng ở mức nguy cấp, quý hiếm nhóm IB quy định tại Nghị định 32/2006 của Chính phủ VN và các nước trên thế giới. Anh Tâm, với nhiệt huyết trung niên, với cơm áo gạo tiền, với học phí của con… bất chấp lời ngăn cản của con trai, lao vào cô rắn “quý tộc” bằng tay không, từ trên đầu xuống mắt cá chân anh không chuẩn bị gì. Còn cô rắn, vì e lệ hoặc vì tự vệ, nên cũng đành “phập” vào đùi anh Tâm một cái để “say hi” làm… quen.

Chắc cô này quê Ấn Ðộ, qua Việt Nam du lịch rồi bị kẹt lại vì cúm Vũ Hán. Bởi vậy, cổ mới dám “chào” anh Tâm như vậy. Và cô đã lãnh hậu quả vì sự thiếu… hiểu biết này!

Sau khi bị người con gái chưa thân lắm cắn, anh Tâm trở mặt, giận dữ chụp luôn… đầu cô, bóp họng cô. Xách “hung thủ” đến bệnh viện để tố cáo thủ phạm “gây án” (nàng rắn chưa trải sự đời còn thầm thấy may mắn khi không bị đem vào đồn công an). Nhờ vậy mà bác sĩ có thể dựa vào tên tuổi, danh tánh của “nàng”, tìm loại thuốc thích hợp để điều trị cho anh. Cũng nhờ vậy, đến giờ anh vẫn còn sống. (Chắc anh Tâm cũng hay “trêu hoa ghẹo nguyệt”, có kinh nghiệm về việc này?) Tuy nhiên, trong cái may cũng có cái rủi, người con gái hoa niên, thân dài hai mét rưỡi đã chết trong tức tưởi ở bệnh viện xứ người, dưới tay của các vị “từ mẫu” nhân loài. Bên cạnh cô không người thân, bạn bè đưa tiễn. Ðã vậy, còn bị nhân loài đăng hình ảnh khỏa thân lên khắp các báo, với những “tít” về một “kẻ sát nhân” đến bệnh viện “trong tay” một nạn nhân dũng cảm.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Vợ anh Tâm – chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (sanh 1992). Khi nghe tin chồng gặp nạn, chị Tuổi khóc hết nước mắt, hiện cũng ở Bệnh viện Chợ Rẫy để chăm sóc cho chồng. Chị Tuổi nói: “Nếu cuộc sống không khốn khó, chồng tôi đã không phải nằm viện trong tình trạng thập tử nhất sinh như bây giờ.” Chị Tuổi cũng kể thêm, cách đây không lâu anh Tâm bị tai nạn giao thông phải nhập viện, sức khoẻ giảm sút nên không thể làm được việc nặng, người ta cũng không còn thuê làm nữa. Nên anh đã trở thành “thợ bắn rắn” bất đắc dĩ, dầu không có nhiều kinh nghiệm. Vì ở Việt Nam, các loại động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài rắn độc rất được giá.

Anh Hoàng (anh trai anh Tâm) cho biết: “Sáng 19-8, hai cha con nó (anh Tâm) đang làm ở vườn mãng cầu gần núi Bà Ðen (tỉnh Tây Ninh) thì chợt thấy con rắn hổ mang chúa. Lúc này, con trai nó kêu cha bỏ chạy. Tuy nhiên, do khổ quá, hoàn cảnh khó khăn nên nó tiếc, con này bán chắc cũng được bạc triệu và quay lại bắt con rắn và hậu quả là bị cắn vào đùi.”

Mặc dầu nhà nước Việt Nam (dưới sức ép của thế giới và tư bổn) đã chính thức ra luật phạt tiền, phạt tù những người săn bắt động vật quý hiếm. Trong đó, rắn hổ mang được coi là “top” của khung hình phạt vì độ quý hiếm. Tùy theo giá trị “tang vật” mà người phạm tội sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 triệu lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức, hội/nhóm. Hoặc có thể bị phạt tù lên tới 7 năm tù giam. Tuy nhiên, vì những lời “tâm sự” ngoài lề của người thân (ở trên) mà anh Tâm trở thành người hùng trên mặt báo trong nước và mạng xã hội. Những hình ảnh về nghề bắt rắn của anh cũng trở nên “cao đẹp” trong mắt các nhà báo và cư dân mạng vì lý do đằng sau đó – hoàn cảnh gia đình anh. Những bài viết về “đức hy sinh” của anh Tâm được chia sẻ rộng rãi. Như nhà văn Từ Kế Tường viết:

“Câu chuyện anh Tâm là câu chuyện hy sinh của một người cha chứ không phải câu chuyện anh bắt con rắn hổ chúa bình thường. Anh giữ con rắn và mang theo vào bệnh viện cấp cứu là sự ý thức về mức độ nguy hiểm tới tính mạng của riêng anh, ngoài sự dũng cảm, còn có sự cương quyết, tấm lòng hy sinh cao cả của một người cha quyết bắt con rắn bán lấy tiền lo cho con ăn học.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Trong đời sống có những việc mà một người làm báo, viết văn như tôi chưa nghĩ ra, như câu chuyện của anh Tâm ở Tây Ninh. ít nhất, trong đầu tôi cũng đã hình thành đường dây của một truyện ngắn về tấm gương hy sinh của người cha này. Nó quá xúc động.”

Nhờ tất cả sự quan tâm trên, mà gia đình anh Tâm được nhiều cư dân mạng gửi tiền, góp quà cứu giúp. Vợ anh có tiền để vừa trả viện phí cho anh, vừa chăm lo cho tương lai gia đình.

Tuy rất cảm kích tấm lòng cư dân mạng, rất thương xót gia đình anh Tâm. Nhưng tôi vẫn xin lỗi gia đình anh Tâm và các nhà (nhà văn, nhà báo, nhà đạo đức, nhà viết lẫn nhà… đọc), tôi có những suy nghĩ khác về vấn đề này.

Hàng loạt các bài báo ngợi khen anh Tâm – người “tay không bắt… rắn”, nhưng quên đây là bi kịch của xã hội này – Ảnh: baomoi.com, dantri.com.vn

Thứ nhất, riêng với bản thân tôi, quả tình tôi thấy anh Tâm là một người tuy rất đáng thương, nhưng cũng rất đáng trách. Vì anh biết bản thân mình không hiểu rõ về nghề bắt rắn, nhưng thấy con rắn rất độc, anh vẫn lao vào bắt luôn (dù biết có rất nhiều rủi ro trước mắt) –  Cái này so với việc cưa bom lấy thuốc nổ mưu sinh ở nhiều vùng quê VN trước đây, thì có khác gì nhau?

Tôi biết, khi lao vào “nàng” rắn, có thể anh chỉ nghĩ đến “cơm áo gạo tiền”. Cái đói với người đàn ông nghèo, không ruộng đất, thất nghiệp còn đáng sợ hơn rắn độc! Nhưng liệu anh có nghĩ, nếu anh ra đi, vợ con anh sẽ thế nào? Nếu câu chuyện của anh không được nhiều người thương, giúp đỡ thì có phải gia đình anh lại gánh thêm một “nắm” nợ từ viện phí? Hiện thời, anh vẫn còn trong cơn nguy kịch, tác hại của nọc độc rắn hổ mang sẽ rất “bền” trong cơ thể con người, phá hủy lâu dài.

Thứ hai, đối với đất nước nào khác thì tôi không rõ. Nhưng ở xã hội Việt Nam, anh Tâm không đáng để được tung hô là người hùng. Vì nếu anh là người hùng thì chắc Việt Nam thành “cường quốc người hùng” chứ không còn là “cường quốc thơ” nữa. Câu chuyện của anh Tâm nó xảy ra với hàng triệu gia đình khác, với một cốt truyện khác nhưng diễn biến và ý nghĩa cốt lõi y chang. Quả tình, với nhiều người nghèo, đây là một câu chuyện rất đỗi… bình thường. Ông Bu làm nghề đổ rác xóm tôi còn văng tục: “…, thằng đó hên!”

Thứ ba, đói nghèo ư? Khỏi phải bàn rồi, con nít Việt Nam vốn luôn được dạy là phải tự hào, vì “chúng ta” là dân tộc đi lên từ “bần cố nông” mà. Các đại gia tỷ đô, các trọc phú hiếm hoi không thể che lấp cảnh hàng chục triệu người gánh trên vai phận “ký sinh trùng” (trong mắt những người tưởng mình đã hơn đồng loại). Nhưng đói nghèo không phải là thứ mạnh nhất để kéo thụt lùi sự kém hiểu biết của những lớp người “anh hùng”, “cao đẹp” như anh Tâm, sự kém trưởng thành của cả đất nước VN. Mà tham nhũng mới là nguyên nhân chính.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Chính tham nhũng đã khiến những gói phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiên tai/dịch bệnh, bồi đắp dân trí, xây dựng hệ thống giáo dục, dành cho người điện đóm/đường sá…nghèo, người vùng sâu vùng xa, thậm chí là dân của các thành phố lớn trôi vào bụng các quan tham. Khiến người nghèo càng nghèo hơn, đẩy họ vào vòng xoáy “bần cùng sinh đạo tặc”, làm mọi việc để có ăn, để có thể sống. Ăn no rồi thì làm mọi thứ để giàu, để vươn lên, thử một lần “chà đạp” đồng loại như mình đã từng bị “chà đạp”, khinh khi… Thậm chí ngã vào con đường tội lỗi, tội phạm. Hoặc đôi khi, đó là con đường duy nhất, không còn con đường nào khác.

Rồi khi “sa cơ”, bị bắt, họ giải thích là vì “hoàn cảnh khốn khó”, vì “khổ quá”, “tại cái số”… Họ nào biết, đứng sau “hoàn cảnh khốn khó” của họ là cả một “tập đoàn” chuyên tạo ra những sự “khổ” giùm họ. Rồi “ăn” trên cái sự “khổ” đó. Khi ăn no nê, họ ngồi xỉa răng rồi phun ra mấy từ ngữ miệt thị, khinh rẻ các tầng lớp thấp hơn. Cho chúng ta là nguyên nhân khiến Việt Nam không tăng trưởng, khiến Việt Nam “kém sang” trong mắt “bạn bè quốc tế”.

62 ngàn tỷ rồi đến 90 ngàn tỷ, bao giờ đến tay người nghèo như anh Tâm và Du Uyên? – Ảnh: Báo Pháp Luật.

Tôi còn nhiều chuyện muốn nói nhưng hết… giấy rồi, tuần sau sẽ viết tiếp về câu chuyện “khổ quá” này. Về một nhóm người khác, không thuộc nhóm người còn chút gì gọi là lương thiện như anh Tâm. Xin kết thúc truyện này bằng một câu chuyện cười về thời Liên Xô cũ:

Một ngày nọ, sau bữa sáng, trước khi bắt tay vào giải quyết công việc trong ngày, Stalin nhìn ra ngoài cửa sổ.

Bỗng nhiên, Mặt trời chào: “Xin chào đồng chí Stalin! Chúc đồng chí mạnh khỏe và nhiều sức lực để làm việc trong buổi sáng nay!”

Stalin rất ngạc nhiên, nhưng ông cũng đáp lại: “Xin chào Mặt trời.”

Stalin làm việc đến trưa, ông nghỉ ăn trưa rồi lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Mặt trời lại cất tiếng chào: “Xin chào đồng chí Stalin! Chúc đồng chí mạnh khỏe và nhiều sức lực để làm việc trong buổi chiều nay!”

Stalin chào lại: “Xin chào Mặt trời.”

Buổi tối, trước khi đi ngủ, quen mùi, Stalin lại nhìn ra cửa sổ. Mặt trời đã gần lặn hết, tuy thấy nhưng nó không hề có ý muốn chào Stalin.

Không thể tha thứ được, Stalin vặn hỏi: “Này Mặt trời, sao ngươi không chào ta?”

Mặt trời điềm nhiên đáp: “Quên đi nhá, tao đã sang đến phương Tây rồi!”

DU