Hôm nay, tôi nói đến một việc quen thuộc, nhàm chán xảy ra mỗi bữa ở Việt Nam, nhưng luôn luôn đổi mới theo thời cuộc. Nhất là trong mùa dịch này. Đó là câu chuyện “giải cứu”.

“Người Saigon thấy ghét…

Từ Facebook Huỳnh Hiếu

Hiến máu những ngày đầu mùa dịch (Từ Thanh Niên)

Người Saigon thấy ghét, đang trong mùa dịch cúm mà kéo nhau đi hiến máu rần rần, vì sợ bệnh nhân không có máu điều trị.

Người Saigon thấy ghét, không xếp hàng đi mua khẩu trang mà xếp hàng đi hiến máu, vì sợ ngân hàng thiếu máu dự trữ.

Người Saigon thấy ghét, đông nghịt người mà không một lời trách móc, vì ai cũng háo hức tham gia.

Người Saigon thấy ghét, nắng cháy da mà vẫn chờ hiến máu cho bằng được.

Người Saigon thấy ghét, đang hiến máu mà chạy đi ăn trưa rồi lại tiếp tục hiến máu chứ không chịu về, vì sợ trễ máu cho các bệnh nhi.

Người Saigon thấy ghét, đang chạy xe ngoài đường thấy hiến máu là chạy vào xin hiến ngay, vì mới thấy thiếu máu trên đài.

Người Saigon thấy ghét, bịt khẩu trang kín mít, mạnh ai nấy cho máu rồi vui vẻ ra về.

Người Saigon thấy ghét, khi gặp chuyện là họ rất đồng lòng”

Pizza Thanh Long. (Từ Tiền phong)

Sau những lời kêu gọi hiến máu của một số tổ chức y tế, tổ chức tình nguyện lo lắng số lượng bệnh nhân nhiễm dịch bệnh sẽ rất đông như bên Trung Quốc mà nguồn máu để trị bệnh đang không đủ, rất nhiều người Saigon đã rủ nhau đi hiến máu. Bài viết trên là kết quả của những lời kêu gọi đó. Nó được lan truyền từ ngày 6-2-2020, trong nửa tháng đầu dịch Corona Vũ Hán bắt đầu “râm ran” tràn vào Việt Nam.

Có thể “những người Saigon thấy ghét” kia đi theo “tiếng gọi của con tim” không suy nghĩ gì nhiều, vì sự tử tế vốn đã nẩy mầm từ lâu trong lòng con người thành thị – được dịp thì nở bông thôi. Hoặc có thể họ đi với nhiều mục đích khác như: đi cho… vui, đi vì để có “cớ” checkin lên mạng xã hội, viết chuyện nhân sanh/dạy tha nhân sống này kia, kia nọ… Nhưng vì bất cứ lý do gì, kết quả cuối cùng cho thấy, họ đã đi hiến máu. Mặc dầu có rất nhiều người trong đó không biết tại sao bệnh hô hấp mà phải đi hiến máu, tại sao giữa mùa dịch mà phải đi ra chỗ đông người “tụ tập”, tại sao…

Bởi vậy, nhờ những sự tử tế vô tư đó. Mà Việt Nam từ lâu ngoài cái tên gọi “cường quốc thơ” thì còn được đặt tên “cường quốc giải cứu”. Năm nào cũng như năm nào, món nào mà bà con nông dân, ngư dân bán hông được cho Trung Quốc là dân tình thi nhau giải cứu. Ðiệp khúc “giải cứu” này kéo dài hàng thập kỷ với nhiều mặt hàng, không chỉ thanh long, dưa hấu mà còn cà phê, chuối, hoa, cá tra, thịt heo (khi Trung Quốc chưa bị dịch tả lợn Châu Phi “oanh tạc”)… Việc này càng thấy rõ ràng hơn trong mùa dịch cúm Vũ Hán đang xảy ra.

“Giải cứu” sầu riêng (Từ VTC)

Thanh long, dưa hấu bán không được ? Bà con cô bác rồng rắn xếp hàng trật tự, mua hàng tấn mỗi ngày dẫu ăn không hết. Những công ty lớn thì mua dự trữ để sáng tạo ra bánh mì thanh long, bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, pizza thanh long, chả cá thanh long… Nói chung, hai tháng qua, nhìn đâu cũng thấy chữ “giải cứu”. Tuy nhiên, các siêu thị/công ty cho biết, khi doanh nghiệp cho người xuống mua gom thì nông dân không mặn mà với việc giải cứu này cho lắm. Có lúc nhà vườn còn nói không cần “giải cứu” nữa là do nghe phong phanh Trung Quốc sắp “mở cửa” trở lại và vì dịch bệnh Trung Quốc cũng đang rất “khát” hàng trái cây, ăn để tăng sức đề kháng nên các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ trả giá cao hơn trong nước.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Ngay sau khi cửa khẩu Trung Quốc cho thông, giá nông sản trong nước – những thứ vừa được hô hào “giải cứu” tăng lên rất nhiều lần. Dân mình, cứ theo truyền thống cố hữu: ai trả giá cao thì bán, bán không được thì… khóc. Có lẽ, người ta tin một điều, chỉ cần khóc là có “Bụt” hiện ra… Ðây không phải là câu chuyện “thời vụ”, nó cứ lặp đi lặp lại như một bản nhạc buồn trong “playlist” tự động. Hết năm này qua năm khác.

Nhất là những con dân Saigon, thành phố nổi tiếng với những câu chuyện giúp người cho vui. Bấy lâu nay, ngoài việc làm được 100 đồng vẫn sẽ nộp 82 đồng vào ngân sách trung ương thì mỗi năm, dân Saigon còn phải “giải cứu” nông sản/hạn hán miền Tây, lũ lụt miền Trung, chuyển máu ra miền Bắc… hàng ngày phải cứu những mảnh đời từ ba miền vất vưởng, neo đậu vào “miền đất hứa” để sống, để kiếm ăn, để tìm cơ hội… Rồi khi người ta sống khỏe. Họ không cần đến những ông Bụt “đồng hương” nữa, họ vứt bỏ như chiếc chiếu manh. Họ trách móc Saigon lươn lẹo, bon chen, lọc lừa, chà đạp… Thị dân buồn không? Buồn chứ! Nhưng rồi chạnh lòng, hờn mát cũng cho… vui, vì khi nghe tin dân miền nào đó khóc, có vụ gì đó cần “giải cứu” thì lại tiếp tục phận con tằm.

“Thương vụ” lãi 8,600 vnđ (Từ Dân Trí)

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng thay vì “giải cứu” – một cách – vô tư, thì chính thị dân nên “giải cứu” – sự – vô tư của mình. Không phải cứ thấy ai khóc là chạy đến lau nước mắt, xong mới biết là họ không thèm. Cái cần giải cứu ở đây là cái… nết của những người nông dân, những con buôn hàng nông sản VN.

Với thói quen chạy theo lợi nhuận, thấy con gì, cây gì được giá – thi nhau nuôi, trồng, coi mòi mất giá – “hồ hởi” dẹp, bỏ. Dù “gậy ông đập lưng ông” không biết bao lần, nhiều nông dân vẫn tiếp tục khai thác tận diệt hàng loạt nông sản để đáp ứng nhu cầu thu mua lạ lùng của thương lái Trung Quốc. Không biết có ai nhớ những lần dân miền Tây đổ xô ra đồng săn bắt… đỉa, ốc bươu vàng (những thứ gây hại mùa màng) về… nuôi để bán cho thương lái Trung Quốc ? Không chỉ đỉa, ốc bươu vàng mà còn có sâu độc, vảy cá, giun, tôm hùm đất… đủ thứ quái đản trên đời. Những thương lái này mua được vài lần, khi dân tin ùn ùn đi nuôi, đi bắt, đi tìm thì họ biến mất như chưa hề tồn tại. Ta nói, mỗi năm, hễ bên kia Trung Quốc hắt hơi thì bên này nông dân Việt Nam… hấp hối, kêu gọi “giải cứu”. Chính nông dân Việt đẩy bản thân rơi vào lời ông Thành Long nói, nguyên văn là, “Trung Quốc hắt hơi một cái thì trái đất sẽ rung chuyển”. Nhưng trái đất chỉ mới rung chuyển mấy tháng qua sau khi con virus quái ác từ Vũ Hán được “khai sanh” thôi. Chứ nền kinh tế Việt rung chuyển từ bao thập kỷ qua rồi ! Trong khi 70% dân số Việt Nam là ở nông thôn – nông nghiệp là thế mạnh xuất cảng từ bao đời qua. Gạo ngon nhất thế giới được bình chọn cũng từ VN.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Câu chuyện trên còn là bản nhạc buồn không dành riêng nông sản Việt mà còn cho kinh tế Việt, khi quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Lúc chuyện xảy ra chúng ta mới thấy được, có rất nhiều ngành nghề bị “đứng hình”, “thấm đòn” vì giao thương giữa VN và TQ không thông thuận do dịch bệnh như: vải, gỗ, nhựa, sắt, nguyên vật liệu sản xuất, du lịch, kinh doanh… Có người nói, Trung Quốc mà đóng cửa khẩu 1 năm thì đến cái quần lót, người có thu nhập thấp và trung bình ở VN, cũng chẳng có mà mặc ! May mà đom đóm chưa bị tiệt chủng ở Việt Nam, chứ không thôi mùa dịch kéo dài. Bà con lại phải đi “giải cứu” lãnh đạo.

Những người cần “giải cứu liêm sỉ” (Từ Facebook)

Không chỉ các ngành nghề sản xuất, không chỉ các loại nông sản xuất cảng, không chỉ những chuyên gia “nước ngoài”… Mùa dịch này, chúng ta còn phải giải cứu những thứ rất “nội địa” nữa….

Có ông thầy tên Thanh ở Cà Mau. Ông thầy này có mua hai hộp khẩu trang y tế với giá 130,000 đồng/hộp 50 cái (vị chi mỗi cái giá 2,600 đồng) và về “chia lại” 20 cái với giá 3,000 đồng/cái cho học trò (Vì không có tiền thối). Với 20 chiếc khẩu trang đã bán (chính xác là có 19 cái được bán với giá 3,000 đồng và có 1 cái bán với giá 4,000 đồng do con thầy bán, và không có tiền thối), thầy giáo lời tổng cộng 8,600 đồng.

Vì số “lợi nhuận” nói trên mà có người mần đơn tố cáo thầy Thanh lên Ban giám hiệu nhà trường, sau đó nhà trường phải “họp xử lý vi phạm”, thành viên cuộc họp có ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn trường, Ban thanh tra nhân dân, giáo viên kiêm nhiệm văn thư và thầy Thanh. Kết quả, thầy Thanh nhận lỗi và xin lỗi, bị đề nghị “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, không được tái phạm.

Xem thêm:   Chó...

Khi khẩu trang thành món hàng “hot” hơn cả sơn hào mỹ vị thì các câu chuyện về khẩu trang cũng trở thành đề tài “hút view” trên cõi mạng. Vì vậy việc bán 20 chiếc khẩu trang lời 8,600 đồng bị kỷ luật lại khiến thầy Thanh “nổi tiếng”. Nhiều luồng ý kiến được đưa ra. Ða số bênh vực thầy giáo nhưng cũng có rất nhiều người đặt lên vai một thầy giáo làng quá nhiều trách nhiệm, cả trách nhiệm đấu tranh. Họ cho rằng thầy nhận lỗi là thầy sai rồi. Thầy cúi đầu thì thầy sẽ đào tạo ra thêm một lớp trẻ cúi đầu. Họ nói thầy hèn, họ kêu gọi thầy đứng lên.

Những kêu gọi đó không sai, nhưng thầy đứng lên bằng cái gì đây? Khi không có ai “giải cứu” đôi chân thầy khỏi những xiềng xích tư duy, những giáo điều áp đặt và những kẻ luôn chực chờ đứng sau lưng thầy rình rập rồi làm đơn tố cáo? – Những thứ ít ỏi này được sản xuất hoàn toàn “nội địa”, made in Việt Nam.

Cùng thời điểm xảy ra câu chuyện này, ông Bùi Thanh Hiếu (tức blogger Người Buôn Gió) – hiện đang sống tại Ðức – đã phải thông báo trên Facebook cá nhân của ông rằng, ông mong mọi người hiểu khi ông phải chia tay mọi người một thời gian dài, tức ngừng viết blog vì chính quyền Việt Nam quấy rối những người thân của ông tại Việt Nam. Kể cả người mẹ 86 tuổi đang phải nằm viện. Ông Bùi Thanh Hiếu cho rằng chính quyền lợi dụng việc này để buộc ông phải tuân theo sự điều khiển của họ, chịu sự kiểm soát của họ.

Tôi không biết thầy Thanh có đọc những tờ báo, những bài viết từ các blogger bất đồng chính kiến hay không. Nhưng tôi chắc chắn rằng những người đang chỉ trích thầy có đọc, họ thấy được kết cục của những người đấu tranh, đứng lên ở đất nước này, ngay cả khi người ta đã không còn ở VN nữa.  Cư dân mạng chỉ tung hô “những người hùng” này một khoảnh khắc sự kiện nào đó thôi. Mọi đớn đau, khổ sở về sau chỉ có chính họ và gia đình họ nhận lãnh.

Bởi vậy, như câu chuyện “giải cứu” nông sản ở trên. Tôi muốn nhắc lại. Thay vì “giải cứu” – một cách – vô tư, thì chúng ta nên “giải cứu” – sự – vô tư của chính mình. Không phải cứ thấy ai khóc là chạy đến lau nước mắt, xong mới bẽ bàng vì biết họ không thèm. Như những người nông dân không thèm “giải cứu” nông sản vì cứ một lòng hướng về phía bên kia biên giới. Như ông thầy giáo làng không cần “giải cứu” những uất ức (nếu có) vì ổng có trả lời báo chí: “Cấp trên bảo mình sai rồi thì sai, sao cãi được”.”

Tại sao chúng ta phải “ép uổng” họ nhận sự “tử tế” của mình? Ðể thời gian, công sức, tìm người “giải cứu” đường… tình cho Du Uyên vẫn hơn!

DU

Saigon