Không biết tại sao, nhưng nhân loài coi thường cái đinh dữ lắm, bằng chứng là tôi thường nghe người ta hạ gục (hoặc hạ nhục) nhau bằng câu cửa miệng: “Nó/mày/tao… chẳng là cái đinh gì!”

“Buổi tối đi hút sạch đinh, sáng ra ‘đinh tặc’ đã rải ở cầu vượt Linh Xuân” – lời một tình nguyện viên hút đinh – Nguồn: Nhật Trung/plo.vn    

  1. “Đinh tặc”

Có lẽ ông sửa xe nào đó hay bị mắng “chẳng là cái đinh gì!”, nên ổng nghĩ ra một kế làm cái đinh trở nên quan trọng… từ đó, Việt Nam có cụm từ “đinh tặc”.

Nạn rải đinh trên đường mà người dân trong nước quen gọi là “đinh tặc” không phải mới, nó đã tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua. Đinh bị rải trên đường cũng được chỉnh sửa cho phù hợp với chủ ý gây “sát thương” cao nhất cho các loại vỏ, ruột xe, từ xe máy tới xe hơi. Hậu quả từ những cái đinh nhỏ bé không hề bé nhỏ, nhẹ thì bánh xe bị xì/bị lủng bánh xe, phải vá hoặc thay ruột mới với giá cắt cổ; nặng thì té xe (vì bánh xì bất ngờ), bị thương bị tật, thậm chí bỏ mạng…

Tại sao “đinh tặc” lại rải đinh ra đường? Họ chỉ đơn giản cho rằng rải đinh cho xe người ta hư, sau đó vá xe hoặc thay bánh xe cho người ta, đôi khi “chặt chém một chút”… tất cả cũng chỉ vì kiếm sống. Nhưng ít có “đinh tặc” nào nghĩ rằng chén cơm họ ăn có thể là đến từ mạng sống, tương lai, nửa cuộc đời của ai đó… Nói cho cùng thì đinh cũng “chẳng là cái đinh gì” nếu như đinh không do người dùng để hại người, cho nên nói chuyện “đinh tặc” là nói chuyện người với người. Mà chuyện của người thì người phải giải quyết và ít khi giải quyết xong…

Hàng chục năm qua, công an/báo chí/người dân cứ thay phiên nhau tìm cách chống đinh tặc từ việc hăm dọa, bắt bớ, quánh đập, năn nỉ… thỉnh thoảng chương trình thời sự trong nước còn cho thấy công an làm các đợt “ra quân” chống “đinh tặc” rất nghiêm chỉnh. Những “phát minh” mới chuyên để chống “đinh tặc” cũng được sáng tạo, hình ảnh những người tình nguyện tự nguyện dùng xe gắn nam châm để hút đinh giữa đường luôn nhận được sự ủng hộ của người dân trong nước. Tuy nhiên, “đạo cao một thước, ma cao một trượng” xe hút đinh nổi tiếng đôi khi cũng bị “vô hiệu hóa” khi nhiều “đinh tặc” đổi đinh bằng sắt bằng đinh bằng nhôm. Và các rào cản khác như mới đây công an phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã đưa hai người tình nguyện đi hút đinh về trụ sở để “làm việc”.

Trích nguyên văn từ báo Tiền Phong trong nước thì “Trong buổi làm việc giữa công an địa phương và hai người kể trên có hai nội dung. Thứ nhất là làm rõ động cơ mục đích quay video quá trình đi hút đinh và đăng phát trực tiếp lên mạng xã hội. Thứ hai là nhắc nhở bảo đảm an toàn trong việc dùng xe hút đinh lưu thông trên đường. Tại buổi làm việc, hai tình nguyện viên hứa tuân thủ việc bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình lưu thông trên đường, đồng thời phối hợp cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật.”

Tóm lại, chuyện đưa hai người đi hút đinh về trụ sở để “làm việc” chẳng là cái đinh gì với những… “đinh tặc”.

Cây đinh không còn là vật bị coi thường – Nguồn: tuoitre.vn

  1. Xạ thủ đi chợ
Xem thêm:   Cà phê xào

Xạ thủ Yusuf Dikec (51 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ) đang gây chú ý sau một tấm hình ghi lại cảnh ông thi bắn súng tại Olympics Paris 2024 bởi tác phong đi thi đấu Olympic như đi chơi. Ông bước vào cuộc thi thản nhiên với một cặp kính bình thường, khuôn mặt phớt tỉnh, không chút căng thẳng cùng bộ quần jean áo thun thoải mái (như mới ghé siêu thị mua lon bia), chẳng cần các “phụ kiện” chuyên nghiệp hay căn bản của một xạ thủ bắn súng như: kính chống mờ, kính đo độ chính xác, thiết bị bịt tai… Quan trọng nhất là Yusuf Dikec đạt điểm tuyệt đối sau 5 lượt bắn, điểm cao nhất trong các cá nhân tham dự, nhưng do ông thi môn bắn súng đồng đội nên ông bị đồng đội kéo xuống Huy chương bạc.

Trên mạng xã hội, nhiều người đùa rằng Yusuf Dikec “đi thi Olympic như đi mua rau cho vợ, lẹ lẹ còn về”. Một vài người còn “chế” thêm hình ảnh Yusuf Dikec hút thuốc và so sánh với nhân vật James Bond ở loạt phim Điệp viên 007. Sự điềm tĩnh và phong thái của ông đã khiến cho nhiều người mê mẩn, họ cho rằng do sát giờ quá nên Bộ thể thao của Thổ Nhĩ Kỳ tóm đại một ông sát thủ về hưu đi thi Olympic 2024. Trả lời phỏng vấn về việc không cần bảo hộ khi thi đấu, Yusuf Dikec không cố tỏ ra ngầu mà ông ngầu thiệt, điều này được chứng minh khi ông trả lời phỏng vấn: “Tôi không cần thiết bị đặc biệt nào. Tôi là xạ thủ bẩm sinh rồi. Tôi là Huấn luyện viên hiếm hoi trên thế giới có thể bắn khi mở hai mắt. Ngay cả trọng tài cũng kinh ngạc với điều này. Tuy nhiên, thành công không đến khi bạn chỉ biết đút tay vào túi quần. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều thứ để gặt hái được thành công. Tấm huy chương này thuộc về những người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

Còn với cư dân mạng thế giới, có vẻ thứ họ quan tâm thần thái vị xạ thủ hơn thành tích của ông, nên Yusuf Dikec tự nhiên nổi tiếng sau tấm hình ở Olympics 2024. Sự thật thì dừng lại ở Giải Huy chương bạc đồng đội ở Olympics 2024 có vẻ chẳng là cái đinh gì với ông so với những số danh hiệu từ Giải vô địch thế giới và Châu Âu cho các cuộc thi bắn súng ngắn khác nhau mà ông đã đạt được trước đó.

“Ông chú đầu bạc” nổi tiếng ở Olympic vì “thần thái” – Nguồn: thanhnien.vn

  1. Cãi nhau…
Xem thêm:   Alain Delon từ lêu lổng thành tài tử thế giới

Không biết ở ngoài đời, người ta mần gì để thể hiện bản thân là “cái đinh gì” với người đối diện. Nhưng trên mạng xã hội, người ta đánh giá nhau qua quan điểm sau những bài viết và lượt ủng hộ từ cư dân mạng dành cho người viết bài đó.

Từ lâu, mạng xã hội được các “thế lực” coi là “chiến trường” để tranh giành “phiếu” từ dư luận, các tranh cãi hay quan điểm cũng được đưa ra sôi nổi sau các sự kiện. Như mùa Olympics Paris 2024, dầu Việt Nam không mua bản quyền để chiếu chính thức nhưng ai ai cũng có thể coi được qua internet nếu họ mê thể thao hoặc họ… nhiều chuyện. Vì vậy mà vấn đề gây tranh cãi liên quan Olympics Paris 2024 trên thế giới thì ở Việt Nam đều có những tranh cãi tương tự, có khi là sôi nổi hơn. Ví dụ như chuyện võ sĩ người Algeria – Imane Khelif, đang gặp rắc rối tại Olympic Paris 2024 khi giành chiến thắng trước Angela Carini của Ý chỉ sau… 46 giây, lý do chính là trước đó cô đã không vượt qua bài kiểm tra xác định giới tính ở các cuộc thi khác. Ở trong nước có rất nhiều bài phân tích, bênh có, chê có, ví dụ như hai người cũng có chút “máu mặt” ở trang mạng xã hội trong nước dưới đây:

Tác giả Thuan Vuong Tran bênh Imane Khelif: “Tôi có thấy đang rần rần việc công kích Vận động viên boxing nữ, người có nhiều hình dạng của nam. Thật sự thì người đó không phải chuyển giới, anh/chị ấy là người liên tính. Bây giờ gọi là người liên tính, chứ trước đây gọi là “lưỡng giới giả nam”, “lưỡng giới giả nữ”. Mình nghe thuật ngữ này đầu tiên từ phim Dr House, tập mấy, mùa mấy không nhớ nữa (phim làm từ 2008 nên lúc đó thuật ngữ này vẫn được sử dụng). Đại khái phim có một cô gái 17 tuổi, học trung học. Cô rất đẹp, đẹp ngời ngời luôn. Và bằng sắc đẹp đó, cô dễ dàng qua môn, có kết quả tốt ở mọi chuyện cô làm… Rồi cô bị bệnh nặng, chức năng cơ thể trở nên kỳ quặc không ai biết vì sao, tới tay bác sĩ House, chả xét nghiệm từa lưa rồi ra thì thầm với thằng bạn trai của cô gái, “chúc mừng mày, mày đã ngủ với một thằng đàn ông”. Ông bác sĩ chúc mừng một gã đã bị nhan sắc cô gái chinh phục bằng câu chúc đấy. Cô bé ấy bị lưỡng giới giả nam, cô có tinh hoàn ẩn, cô có nhiễm sắc thể trùng với nhiễm sắc thể đàn ông. Những rắc rối sức khỏe của cô là do sự dậy thì của đàn ông bên trong cô. Cho đến cuối cùng, trong một cái kết mở, cô gái vẫn chọn là phụ nữ thì phải. Ở Việt Nam cũng có các trường hợp như vậy, cô gái xinh đẹp, lớn lên, nhưng mãi không có kỳ kinh. Cô lấy chồng, mãi không sinh con, đi khám thì ra mình là đàn ông. Theo một bài báo, thì cô ấy tan vỡ gia đình khi nhận ra ẩn tình, nhưng cô giữ lại giới tính của mình. Đọc trên Wiki có câu “Trước kia, liên giới tính được gọi là lưỡng tính hay là “thái giám bẩm sinh” (congenital eunuchs)”. Nhân vật lẫy lừng Lê Văn Duyệt chính là một người như thế. Minh Mạng đã miệt thị ông, sau khi diệt Lê Văn Khôi, là “quyền yêm”, là vậy.

Sinh ra không biết mình thuộc giới tính nào đã khổ, đem giới tính mình ra cho thiên hạ xếp loại còn khổ hơn. Người đã lựa chọn và dựng nên bao nhiêu công trạng, người nhìn xa trông rộng như Lê Văn Duyệt cũng còn bị kẻ trên cười nhạo. Không biết các cuộc tranh tài thể thao sắp tới sẽ phải làm gì với các tình trạng liên giới này nữa, chẳng lẽ lại thêm một giới tính thi đấu riêng, à không, phải 2 chứ, hay là 4, cho người lựa chọn giới tính hiển thị hay giới tính ẩn của mình… Ui, nhiều quá! Đó là chuyện của các ủy ban thể thao, mình chỉ biết vận động viên kia đâu có chuyển giới, và trong sự nghiệp thi đấu của mình, anh/chị đó cũng mười mấy lần bị các cô nữ thiệt đấm cho nằm sàn mà!” – Hết.

Tác giả Han Phan thì chê Imane Khelif: “Dù bị nhiều giải thể thao lớn trên thế giới từ chối không cho thi đấu giải nữ vì đặc tính gen nam còn quá trội, nhưng Imane Khelif vẫn cố lọt vào Olympic để đấm nhau với phụ nữ nguyên bản. Thử hỏi rằng có chút gì gọi là tinh thần thể thao của dân chơi thể thao không? Chỉ thấy háo danh, đê tiện. Và cái Ban tổ chức Olympic năm nay (dưới thời của vị tổng thống có xu hướng tình dục lạ đời) đã có những màn trình diễn khai mạc xàm xí hẳn nhiên sẽ chấp nhận chiến thắng của kẻ lưỡng tính háo danh kia dưới chiêu bài “bình đẳng”, “chống kỳ thị”… Wtf?

Bình đẳng kiểu gì quái đản vậy? Và loại người chơi không đẹp như võ sĩ Algeria kia hoàn toàn xứng đáng bị kỳ thị. Cộng đồng LGBT đâu phải ai cũng nhảm nhí, nên kêu gọi tẩy chay người đó để gìn giữ bản sắc cộng đồng đi!

Mà nói về lễ khai mạc Olympics 2024, vụ Drag Queen mọi người chửi nát rồi, tôi chỉ thấy kinh hoàng nhất là màn tái hiện hoàng hậu Marie Antoinette bị chặt đầu. Chả hiểu cái ý tưởng dã man như vậy sao lại được tổng thống duyệt cho trình diễn?” – Hết.

Cư dân mạng Thái Lan “diễu” lại khoảnh khắc ngầu của Yusuf Dikec – Nguồn: Facebook

Về phần Du Uyên… Tuy vẫn theo dõi mọi vấn đề xã hội, rình các bên cãi nhau, nhưng lâu lắm rồi Du Uyên không ghi cảm nhận riêng lên mạng xã hội. Thứ nhất là vì bận, thứ nhì là do nhiều người viết lắm rồi, thứ ba là Du Uyên không là cái đinh gì để ý kiến…

Xem thêm:   Cà phê xào (kỳ 2)

DU