Nếu đã không yêu thương thì tại sao còn cho nhau hy vọng? Có lẽ, đó là câu hỏi chung của nhiều người bán hàng ở Việt Nam sau mỗi lần bị khách “boom hàng”.

Bảo Huân  

Vậy “boom hàng” là gì? “Boom hàng” là từ mới do cư dân mạng đặt ra vài năm gần đây, tả việc khách hàng đặt đồ qua các tiệm bán hàng online – nhưng khi người bán giao hàng thì khách lại không nhận với những lý do không chính đáng (hoặc chính đáng với khách hàng nhưng người bán hàng thấy không chính đáng), như: đặt cho vui chứ tiền đâu mà nhận? Ðang thất tình, không có hứng nhận hàng! Mới nghe tin bị cúm Vũ Hán, không biết còn sống để xài không, nên không nhận! Trời nắng quá không muốn ra lấy hàng-sợ “hư” da! Shipper xấu trai quá, không muốn nhận! Cổ phiếu “đỏ” quá, hết tiền nhận hàng…

Người bị thiệt hại đầu tiên trong các vụ này dĩ nhiên là người bán hàng – vừa mất thời gian tư vấn, lên đơn hàng, đóng gói. Vừa trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như hớn hở tư vấn, hồi hộp chờ đợi khách trả lời, hy vọng đặt hàng, hí hửng đóng gói, mong chờ shipper đi-tiền về, thất vọng hàng về-tiền hông về, giận dữ vì lý do khách đưa ra, đau buồn vì phải mở gói hàng mình đã trót gói quá kỹ, mệt mỏi tìm cách “trả đũa”… Vừa phải thanh toán chi phí giao hàng hai chiều (chiều đi và hoàn trả lại) cho công ty giao hàng hoặc người giao hàng…

Việc “boom hàng” ở Việt Nam ngày càng nhiều, một phần do đa số các chỗ bán hàng bị “boom hàng” thường không nhận tiền trước. Việc này có hai lý do: một là các tiệm này không đủ uy tín để khách đồng ý trả tiền trước khi nhận hàng (không có bên thứ ba bảo đảm cho việc này), hai là việc buôn bán qua tài khoản ngân hàng ở Việt Nam chưa thật sự phổ biến với đa số người dân, từ đó, các trang bán hàng đều đồng ý đặt hàng trước-trả tiền sau, ba là chưa có những quy định pháp luật cụ thể cho việc này để bảo vệ người bán hàng (cũng như chưa có những quy định cụ thể nào để bảo vệ người mua hàng ở Việt Nam, dầu quy định chung xem ra rất hay nhưng khó áp dụng). Có nhiều kiểu “boom hàng” thì cũng có muôn kiểu “trả đũa” mà người bán hàng online dành cho các vị khách bị họ cho là đã “boom hàng”. Nhiều kiểu “trả đũa” là do chẳng có kiểu nào hợp pháp, hoặc do người dân tại Việt Nam không những không tin nhau mà còn không tin công an, nên đa số chủ tiệm sẽ giải quyết bằng việc “đấu tố”, bôi nhọ khách trên mạng, thậm chí tìm tới tận nhà khách “nói chuyện phải trái” thay vì báo công an, cũng có thể là do thiệt hại của những đơn hàng bị “boom” này không đủ lớn để phải mất thời gian đi kiện. Bởi vậy, lâu lâu, lướt mạng xã hội ở Việt Nam, rất dễ thấy các bài viết chủ cửa hàng “đấu tố” khách hàng, các hình ảnh chủ tiệm dựng bàn thờ thắp nhang tế sống khách hàng, chủ tiệm đăng hình khách rồi nhờ dân cư mạng chửi bới khách, thậm chí hình khách còn bị in ra, dán khắp nơi như là “truyền đơn”…

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Ðó cũng là lý do mà ở trên tôi nói người bán hàng là người bị thiệt hại đầu tiên trong các vụ «boom hàng» này, chứ chưa hẳn là người bị thiệt hại lớn nhất, việc này ăn thua vào «độ» trả đũa của người bán hàng dành cho khách hàng của mình. Nếu người bán hàng thông minh, có kinh nghiệm, sẽ vừa «trả đũa» được khách «boom hàng», vừa thu hút được khách hàng mới, nhưng nếu người bán hàng không cư xử khéo, có thể mất luôn khách hàng mới lẫn khách hàng «ruột». Ví dụ như tôi, rất sợ mua hàng ở những nơi mà chủ tiệm hay chửi khách hàng, vì tôi đâu biết người khách đó họ sai tới đâu, và cũng không biết mình có thể sẽ là người được «lên sóng» hay không.

Thuyền nhỏ “boom” nhỏ – Hình: Facebook

Thiệt ra, việc “boom hàng” sẽ chẳng chừa ra một ai, dù bạn bán sỉ, là doanh nghiệp lớn hay bán lẻ, và cả những người không buôn bán cũng có thể bị “boom hàng”… Gần đây có vài vụ “boom hàng” cấp quốc gia, thậm chí là cấp thế giới luôn:

Cuối tháng 9, Ðại sứ quán Việt Nam tại Benin (quốc gia ở Tây Phi) cho biết một người đàn ông tên Khalifa ở Dubai thuộc công ty “Hi-Profile International General Trading Co.” đã “boom” một đơn hàng lớn của công ty Việt Nam (đó là 2 container nước tăng lực Buffalo Jungle) dầu đã có đặt cọc. Chuyện là, khi hàng nhập cảng Benin nhiều ngày, bên giao hàng gọi cho Khalifa liên tục để người này xuống nhận hàng, nhưng ông ta bơ không nhấc máy. Thậm chí bên phía công ty Việt Nam đồng ý “Freeship” nửa vòng trái đất, không thu tiền 1 container hàng nhưng bên kia vẫn “bơ”. Vì giá trị đơn hàng quá lớn, công ty này đang cầu cứu khắp nơi, nhưng chưa biết kết quả sẽ ra sao.

Vụ thứ hai là chuyện Úc Ðại Lợi “boom” đơn hàng 12 chiếc tàu ngầm tấn công diesel-điện trị giá cỡ 66 tỷ USD của Phú Lang Sa, không những “boom hàng”, mà cùng lúc đó Úc Ðại Lợi còn bắt tay với Mỹ Ðế để mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, khiến có “chủ tiệm” tàu ngầm Phú Lang Sa tức giận. Dẫn đến những cuộc cãi vã cấp quốc tế, ảnh hưởng đến ngoại giao giữa ba nước (và các nước liên quan) khá nhiều. Tôi không rành chính trị nên chỉ “hóng” tới đó và đang “hóng hớt” thêm.

Vụ thứ ba là mùa dịch cúm Vũ Hán này, người dân Sài Gòn bị lãnh đạo TP.HCM “boom” lời hứa, nghị định liên tục, cái trước đá cái sau, cái sau lại trái ngược với cái sắp xảy ra. Nên từ khi nghe báo chí trong nước nói 1-10, thành phố bắt đầu được phép “mở cửa”, một phần lớn người dân “quê ở Sài Gòn” đã cảm thấy bất an/không chịu tin, một phần lớn người dân nhập cư tay xách nách mang/khăn gói tranh thủ về quê, để ngừa bị “đóng cửa” lần nữa. Với hy vọng không phải vạ vật ở nhà trọ, không tiền, không người thân, vừa đói vừa bơ vơ. Và kết quả là họ lại vạ vật ở ngoài đường, không tiền, không người thân, vừa đói vừa bơ vơ, trong đó có nhiều sản phụ sắp sanh. Trích báo Tuổi Trẻ – tờ báo chính thống bự nhất nhì trong nước:

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

“Anh Nguyễn Minh Lý (35 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) nói chỉ còn 250 ngàn đồng và vạch ví ra cho công an xem để chứng minh. Anh Lý cho biết anh cùng vợ mới cưới lên TP.HCM mưu sinh đầu năm 2021, sau đó vợ anh có thai đến nay được 7 tháng, anh và vợ thuê trọ ở và đều làm thợ sơn cho các công trình. “Ðủ thứ tiền phải lo, nào là tiền trọ, tiền điện nước, tiền ăn, vợ tôi thì đang mang thai, gần sinh rồi, giờ hết sạch tiền, mà sinh trên thành phố chi phí cao. Ðể vợ sinh dưới quê chi phí thấp còn lo được, ở lại đây hết tiền không biết sao”, anh Lý trầm ngâm.” – Hết trích.

Cuộc “boom” cấp quốc tế liên quan ba cường quốc – Hình: Daily Express

Anh Lý là một trong hàng ngàn người dân bị “kẹt” lại cửa ngõ các tỉnh suốt ngày đêm cuối tháng 9-2021, vì các tỉnh không chịu cho dân của mình về nhà của chính họ. Hàng triệu người dân khác tại Sài Gòn cũng không sung sướng gì, vừa phải xót xa cho đồng bào, vừa hoang mang tự hỏi: Liệu 1-10 có được đi ra đường tự do hay không? Hay lại bị phạt? Bởi sau những thông báo «ở cửa» tối 30-9, Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan bỗng nói trên một chương trình nhà nước là: «Từ 1-10, người dân TP.HCM ra đường không có lý do chính đáng vẫn bị xử lý.» Tìm đỏ con mắt khắp các báo hổng ra cái danh sách «lý do chính đáng» để ra đường, cũng như hôm rồi, dân tìm đỏ con mắt tìm các «hàng thiết yếu». để tuân theo rồi vẫn bị phạt vạ vô lý đủ đường.

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu các cụm từ chung chung như “hàng hóa thiết yếu”, “lý do chính đáng” có phải đều là những cái bẫy để bẫy túi tiền còm của người dân đen đã kiệt quệ sau những ngày tháng chính quyền tuyên bố “không để ai bị bỏ lại phía sau” hay chăng? Một cư dân mạng bình luận rất giản dị, nhưng đọc sao mà xót quá, xót hơn cả những bài viết hàng ngàn chữ của các “chuyên gia”:

“Trời ơi, còn tiền đâu mà phạt? Mệt thiệt, thẻ xanh thì không cập nhật được, cũng không cập nhật cho dân, trợ cấp thì không thấy, chứ phạt thì lẹ lắm. Dân khổ lắm rồi mấy ông ơi, thua!”

Dân “boom” dân, doanh nghiệp “boom” doanh nghiệp, quốc gia “boom” quốc gia… còn “trả đũa” hoặc nhờ pháp luật can thiệp được. Nhưng chính quyền “boom” dân, thì dân biết “trả đũa” hay nhờ pháp luật nào can thiệt đây? Khi đất nước này chỉ có một nhóm người nắm quyền. Qua những lần “boom” nghị định cũ rồi lại ra nghị định mới như trên. Người dân không chỉ mất tiền thuế để trả lương cho những người đưa ra nghị định. Tốn tiền trả công cho người đi in nghị định – trả tiền để mua giấy in nghị định, trả chi phí để mấy ông lãnh đạo họp báo để ban hành/phổ biến nghị định, trả luôn chi phí để mướn người “sao kê” các chi phí phải trả…  Mà còn mất hết lòng tin vốn không có bao nhiêu sau những cuộc “boom hàng” lời hứa của chính quyền thành phố qua các sự kiện nóng hổi như: Ðất đai ở Thủ Thiêm, chuyện chống ngập ở toàn thành phố, chuyện những khu đất “vàng” trở thành món mồi ngon của các phe cánh chính trị… Hay cuộc “boom” lời hứa lớn nhất lịch sử với những người VN còn sống hồi năm 1975, cho ba phe thắng cuộc, bỏ cuộc và thua cuộc.
Bên thua cuộc hay bỏ cuộc thì không cần nói rồi vì nỗi đau quá lớn cho họ và gia đình họ. Nhưng “bên thắng cuộc” có đau không? Theo tôi biết là có, sau đây là lời họa sĩ Nguyễn Thanh Bình-người từng cầm súng của “bên thắng cuộc”:

Thuyền bự “boom” bự Hình: tuoitre.vn

“… Mấy ngày cuối tháng 3 năm 1975, khi tiến vào thị xã Ban Mê Thuột, chợt thấy tấm bảng quảng cáo Coca Cola đỏ thắm, nổi bật trên nền cây xanh, nhìn những con đường sạch đẹp, và đặc biệt khi vào căn nhà của một gia đình công nhân đồn điền cao su ngoại vi thành phố, một căn nhà gỗ, mái tôn, nhưng có đủ TV, tủ lạnh và xe máy… mình đã nghĩ : “mình tới giải phóng ai đây, chắc gì họ đã cần mình.!” và ngờ ngợ một điều gì đó sai sai!

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Năm đó, mới 21 tuổi! Khi rút ra khỏi thị xã, đi qua một đống xác dân thường (chủ yếu là phụ nữ) nằm xung quanh một chiếc xe (có lẽ là xe của gia đình họ, đang trên đường “di tản”) tự nhiên dâng lên một cảm giác rất kỳ lạ, giống như sự thương xót đầy ân hận! Trên đường tiến xuống Phước An, đơn vị đi ngang một đoàn xe vận tải đang trên đường di tản, bị kẹt lại giữa đường vì chiến sự, rất đông người dân ngồi trên xe, dưới lòng đường, im lặng nhìn chúng tôi đi qua, mình nhìn họ và nghĩ : “.. họ chạy đi đâu vậy, phía trước còn đang đánh nhau …?” – Hết trích.

Họ chạy đi đâu vậy?

Không thể so sánh cuộc chạy hồi chiến tranh ngày xưa và cuộc chạy lúc dịch bệnh thời nay, nhưng câu trả lời cho câu hỏi trên của họ lại là một!

Sài Gòn không thể bình yên khi “cán bộ” còn dạo quanh các con đường kiểm tra “lý do chính đáng” của người dân khi ra đường. Sài Gòn cũng không thể bình yên khi ông tổ trưởng gõ cửa từng nhà bắt buộc dân ra “ngoáy mũi” (dân không ra thì phá cửa nhà dân xông vào cưỡng ép). Sài Gòn không thể bình yên sau những lời hứa mông lung… Sài Gòn chỉ thật sự bình yên khi nghe tiếng vang trong hẻm nhỏ:

“Ai dze chai, mủ bể đồ bán hônggggg…”

DU