Hồi nhỏ, tôi không được quyền nuôi thú cưng, vì vậy mỗi ngày tôi sẽ đi khắp xóm chọc chó, chọc mèo, chọc thú cưng của người ta, lâu lâu tôi còn “bắt cóc” một con “ưng ý” để đem về nhà nuôi mấy bữa, chủ nó đi tìm thì tôi giấu biệt vì sợ bị đòn. Từ từ, hàng xóm nhận ra việc làm “tày trời” của tôi, có người “tự nguyện” nhắm mắt cho qua, có người kiên quyết bảo vệ thú cưng của họ trước “móng vuốt” của tôi. Theo từ ngữ bây chừ, tôi được cả xóm coi là “báo thủ”.
Một chú chó “vệ sĩ” chuyên dắt chủ là một người mù đi dạo, một hôm, chú chó này dắt người chủ của mình đi vào vũng bùn, chú chó bị gọi là “báo thủ.”
Một con vẹt ở tiểu bang Florida (Mỹ) đã kêu cứu vì bị nhốt trong lồng, đáng buồn là nó kêu cứu bằng tiếng người. Hàng xóm tưởng người chủ đang gặp nguy hiểm hoặc đang làm điều nguy hiểm mà báo cảnh sát. Khi cảnh sát đến chủ nhà đưa chú vẹt ra giải thích, ai cũng phải cười. Và chú vẹt được các bạn trẻ ở Việt Nam gọi là “báo thủ”.
…
Ngôn ngữ là một quốc bảo sống vì nó luôn luôn biến đổi theo thời gian dưới tác động của xã hội. Ngoài hệ thống báo chí chính thống, ngôn ngữ còn được hoặc bị biến đổi bởi những người trẻ sáng tạo (lẫn tối tạo). Từ “báo thủ” là một trong những từ ngữ mới đang được dùng thường xuyên dạo gần đây. Từ “báo thủ” tuy không hay ho gì nhưng không tối nghĩa hoặc “đao to búa lớn” mà truyền thông chính thống tạo ra và dùng mỗi ngày.
“Báo thủ” được biết đến như một từ lóng do những người trẻ dùng mạng xã hội tạo ra chỉ những người chuyên báo hại người xung quanh (báo đời, báo cha báo mẹ, báo xã hội…). Từ “báo thủ” không chỉ dành riêng cho con người mà còn có thể được sử dụng cho những động vật, như các ví dụ ở trên.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có khả năng trở thành một “báo thủ”, tuy nhiên nó lại tùy thuộc vào mức độ “báo” và đối tượng bị “báo”. Nếu như các “báo thủ” vô tình tạo ra những tai nạn nhẹ nhàng trong cuộc sống như kéo cửa thì rớt tay cầm, nấu cơm quên bấm nút, nêm lộn muối với đường, đổ nhầm dầu với xăng… thì vẫn bị mẹ chửi, đời lên án nhưng không bị trả giá nặng nề. Nhưng luôn có những “báo thủ” quậy tàn canh gió lạnh, quậy tới nỗi không ai chấp nhận được, ví dụ như:
1.
“Báo thủ” thích tự tử
Chiều 13-8-2024, tại cầu Sông Bé (còn gọi là Cầu Gãy, tỉnh Bình Dương) một nam thanh niên tên Nguyễn Thanh T. (sanh năm 1996, quê Sóc Trăng) chạy xe máy đến giữa Cầu Gãy rồi dừng lại. Người này sau đó để lại xe, dép và ví tiền rồi trèo qua lan can gieo mình xuống sông. Trước khi nhảy, thanh niên này còn đập đầu vào trụ bê tông. Tại hiện trường, bên cạnh đôi dép, thanh niên này còn ghi dòng chữ: “Đẹp mãi ở tuổi 28, con nợ mẹ”.
Thứ nhất, hành động của T. được camera an ninh ở đối diện ghi lại. Thứ nhì, Cầu Gãy này là nơi mà nhiều người tin tưởng, chọn làm nơi… tự tử. Vì vậy, khi thấy các “di vật” và dòng chữ trên, đa số người dân lẫn công an đều tin là T. đã trôi theo dòng nước sau khi nhảy cầu. Cha mẹ của T. hay tin, đã lặn lội từ Sóc Trăng lên Bình Dương, khóc hết nước mắt dõi theo các thuyền cứu hộ, mong tìm thấy thi thể con. Cư dân mạng cũng nóng ruột lây, vì tin tức thời nay dễ dàng lan truyền nhanh nhẹn còn hơn virus Cúm Tàu.
Không biết hên hay xui, sáng hôm sau, công an tìm T. trên sông không thấy nhưng thấy T. ở nhà trọ. T. bị mời lên phường, tâm sự bởi áp lực công việc và một số vấn đề cá nhân, anh đã nảy sinh ý định tiêu cực. Tuy nhiên do biết bơi, nên T. không chìm mà bơi vào bờ. Khi đi bộ được một đoạn thì gặp người quen nên nhờ chở về nhà trọ. Ngủ một giấc dậy thì “báo thủ” T. hay tin mình… tự tử, nên anh đã liên lạc với người thân và ra công an trình báo.
Không biết sau khi lau nước mắt, cha mẹ của “báo thủ” T. có khiến chàng trai 28 tuổi phải rớt nước mắt hay không?
2.
“Báo thủ” thích “livestream”
Một bữa đẹp trời, con dâu bà Hoàng Thị Ngọc (nhà ở Hà Tĩnh) nổi hứng “livestream” khoe nhà má chồng. Thiệt ra, mỗi ngày đều có hàng triệu người trên thế giới khoe của, con dâu của bà Ngọc cũng không làm chuyện gì đặc biệt khó coi, trừ việc vô tình để lộ chuyện má chồng có rất nhiều hũ rượu ngâm xác động vật quý hiếm, và điều này lọt vào mắt người “hữu ý”.
Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh cử cán bộ đến kiểm tra nhà bà Ngọc. Tại đây, họ tịch thu 3 con rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah), 1 con cọp con (Panthera tigris) đều đã bị ngâm rượu và 2 khúc ngà voi Châu Phi (Loxodonta africana) có khối lượng 6.1kg đã chế tác và đang được gắn làm đồ trang trí tại phòng khách. Bà Ngọc khai mua rắn hổ chúa và hổ con về ngâm rượu để chữa xương khớp(?)
Vậy là, chỉ sau một lần khoe của, “báo thủ” con dâu tiễn má chồng Ngọc đi tù 24 tháng và hình phạt bổ sung là 50 triệu VND về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Nhiều người đã đặt câu hỏi về tình trạng hôn nhân của con trai bà Ngọc và “báo thủ” dâu sau khi bà đi tù, nhưng có vẻ cô đã bị tịch thu điện thoại mãi mãi, tới giờ vẫn chưa thấy tiếp tục “livestream”.
Thiệt ra, không gian mạng Việt Nam có rất nhiều “báo thủ” như trên, tuy báo người thân cận nhưng có ích cho xã hội vì vạch trần nhiều sự thật luôn bị che giấu. Như việc nhiều gia đình ở Việt Nam tin vào các hũ rượu ngâm động vật càng quý hiếm sẽ càng tốt cho sức khỏe. Hoặc chuyện nhiều “cậu ấm, cô chiêu” thản nhiên khoe về thân thế gia đình lên mạng xã hội để rồi cha mẹ của các “báo cô báo cậu” phải nhận kết đắng. Ví dụ như hồi 2022, một tài khoản tên Chi Sapy cho biết vì cô phải dọn dẹp nhà cửa “mệt bở hơi tai” nên bố cô đã điều động lính nghĩa vụ quân sự đến giúp đỡ. Theo clip, có hơn 10 “chú bộ đội” được cử tới căn biệt phủ rộng lớn của gia đình cô và thực hiện những công việc như: lau bàn ghế, dọn hồ cá, sắp xếp cây cảnh trong vườn. Những đôi tay thay vì cầm súng tập luyện bảo vệ đất nước đang cầm chổi, giẻ lau, cuốc xẻng ở khắp nơi trong nhà thông qua hình chụp từ camera an ninh trong căn biệt phủ lộng lẫy. Sau hơn 2 giờ đăng tải, đoạn clip đã thu hút hơn 500 ngàn lượt xem và hàng nghìn bình luận chỉ trích. Cô bạn “báo thủ” vẫn chưa nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề nên đã đăng bài “cãi”: “Chỉ là dọn nhà thôi, đừng làm quá lên như vậy”. Theo chủ nhân đoạn clip, việc này không có gì sai trái vì không ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Sau đó, có vẻ đã có người cho biết cô vừa “báo cha báo mẹ”, đoạn clip đã bị xóa, tài khoản trên đã bị chuyển sang chế độ riêng tư. Tuy dân tình đã nhanh chóng lưu và chia sẻ rộng rãi video trên khắp các trang mạng xã hội nhưng danh tính “báo thủ” và “bố yêu quý” của cô vẫn đang được giữ kín…
3.
Báo thủ yêu… nước
Từ Facebook Cô Ba: “Sau phong trào đổi avatar màu xám dịp quốc tang thì lại đến phong trào sơn màu đỏ vàng lên cổng nhà, mái nhà, hoặc bất kỳ những nơi nào có thể sơn. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền về hình ảnh thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định xuất hiện cờ đỏ dày đặc trên mái nhà – đỏ cả một góc trời. Dư luận viên chia sẻ ầm ầm, bày tỏ niềm tự hào, ngạo nghễ, máy bay của các nước khác bay ngang nhìn thấy chắc cũng phải rụt rè. Đang ngạo nghễ dở dang thì lãnh đạo huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết hình ảnh trên là không đúng sự thật, mà do một công dân trên địa bàn chuyên làm về ảnh đã photoshop hình ảnh lá cờ Tổ quốc trên các mái nhà rồi đăng lên mạng xã hội.
Yêu nước kiểu phô trương, giả dối này để làm gì? Trong khi “nước lạ” xâm phạm chủ quyền thì im thin thít, thấy bất công cũng không dám lên tiếng. Yêu nước đâu phải chỉ là vẽ vời, có bao người nghèo khổ đang cần một sự sẻ chia cơm áo hay một gáo nước lạnh để uống, hỡi những người yêu nước…”
Trong phim Tế Công (năm 1993) của Châu Tinh Trì có câu nổi tiếng “Đĩ cũng có đĩ yêu nước”. Năm 2024, ở Việt Nam cũng có nhiều “báo thủ” ra vẻ “yêu nước”. Những “báo thủ” này sẵn sàng nhào vô tấn công ai mà “chúng” cho là không “yêu nước”, nhưng cách yêu nước của chúng là yêu một cách phải nhìn thấy bằng mắt, chứ tim và não mà nghe đại sứ quán Hoa Kỳ hỏi đi Mỹ chơi/du học/định cư không? Thì nói: Đi.
Đúng là «báo thủ» – những con thú dễ bảo…
DU
Bà Tám ở Sài Gòn