“Ở đâu cũng có anh hùng

Ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên!”

Cậu bé đạp xe 103km từ Tây Bắc xuống Hà Nội thăm em – Nguồn: tuoitre.vn    

Ở Việt Nam bây giờ, khoảng cách giữa “anh hùng” và “thằng khùng, thằng điên” được rút ngắn hơn bao giờ hết. Tất cả, đều chờ “phán xét” và định nghĩa của cư dân mạng! Cư dân mạng nói đó là “anh hùng” thì đó là “anh hùng”. Cư dân mạng cho đó là “thằng khùng, thằng điên”, thì đó sẽ là “thằng khùng, thằng điên”. Nhưng, không phải lúc nào cư dân mạng và số đông cũng đúng…

Chuyện là, vì hoàn cảnh gia đình nên cha mẹ bé Phan Văn Ngoan (12 tuổi) gửi em lại nhà ông bà ngoại nuôi để đi làm mướn ở Sài Gòn. Ðây là việc không lạ đối với dân Miền Tây (thậm chí là miền Ðông, miền Trung, miền Bắc – Việt Nam) nhiều năm gần đây. Hồi giữa tháng 12-2020, có một báo cáo chính thức cho hay: Ngoài số người dân miền Tây đi “xuất khẩu lao động”, đi lấy chồng Ðài Loan/Hàn Quốc, chỉ tính riêng số dân miền Tây di cư đến Sài Gòn trong 10 năm qua đã hơn 1.3 triệu người, lớn hơn dân số một tỉnh trong vùng.

Ngày 1-12-2020, cậu bé Ngoan vì nhớ ba mẹ đã nói dối bà ngoại đến trường, nhưng thật ra là rủ hai người bạn “chí cốt” cùng lên Sài Gòn với mình. Vì mỗi người đều có mục tiêu riêng của mình nên cả 3 nhanh chóng tìm được tiếng nói chung, rồi lên đường. Ðỗ Nhật Huy (11 tuổi) là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, được người chú, bà nội nuôi dạy. Chị của Huy học hết lớp 9 rồi nghỉ, lên Bình Dương làm mướn. Huy định lên Sài Gòn tìm chị và sẵn tìm luôn việc làm. Em Phan Văn Hậu (14 tuổi) có cha tật nguyền nhưng vẫn là trụ cột lo cho gia đình 5 người. Huy định bụng, lần này lên Sài Gòn sẽ kiếm việc làm thêm để gia đình bớt khổ.

Với những dự định, mong ước lớn lao và ngây thơ như trên, mang tính quyết định tương lai sau này. Ba em gom hết số tiền “dành dụm” được là 15,000 VND, trong đó mượn một bạn học 30,000 VND (tổng cộng số tiền mang đi là 55,000 VND – gần $3 USD), mỗi em mang theo vài bộ đồ, một chiếc xe đạp, một chiếc điện thoại dùng để định vị đường đi. Ðặc biệt, các em còn mua một cái lưới để…bắt cá ăn dọc đường.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Theo lời kể của các em, khi đói, các em vào quán ăn, nhà dân ven đường xin giúp đỡ. Khi nghe hoàn cảnh đáng thương của 3 em, người dân còn cho thêm đồ ăn, thức uống mang theo. (Nhưng lạ là trong những người dân tốt bụng đó, không ai báo tin cho nhà chức trách/công an về việc 3 đứa trẻ đang đi lang thang bằng xe đạp ). Ðêm đến, 3 em tìm ghế đá, vỉa hè ngủ, hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình. Trong khi đó, bản tin tìm kiếm 3 đứa nhỏ được loan truyền khắp cõi mạng xã hội. Cha mẹ em Ngoan cũng bỏ việc đi tìm con khắp nơi.

3 đứa trẻ “nổi tiếng” vì đạp xe gần 400 km từ Cà Mau lên Sài Gòn – Nguồn: thanhnien.vn

Sau 5 ngày 5 đêm, rất may mắn là cuối cùng 3 bạn trẻ cũng tới Quận Bình Tân (Sài Gòn), không gặp bắt cóc lấy nội tạng, không bị tai nạn, không… bỏ xác giữa đường. Các em chỉ bị lạc giữa rừng xe cộ và hẻm hóc của thành phố đông dân nhập cư này. Lúc này, Ngoan mới nhắn tin cho cha mẹ. Rồi cả gia đình mới “đoàn tụ” với nhau. Không biết ai báo tin cho các nhà báo mà câu chuyện về hành trình “vi diệu” của ba đứa bé được loan tin đi khắp chốn, hình ảnh của ba đứa trẻ được cư dân mạng VN tung hô như một bộ phim về “siêu anh hùng” giữa đời thực mà người ta bỏ qua tất cả các chi tiết không hợp lý, rất dễ xảy ra giữa xã hội này. Nhân tiện, người ta cũng nhắc về một cậu bé cũng đạp chiếc xe đạp không có thắng, đi hàng trăm cây số từ Sơn La tới Hà Nội thăm người em sanh non, bệnh tật của mình. Một cách đầy “tự hào”, như một tiền lệ tương tự về các siêu anh hùng nhí “made in Việt Nam”…

Nguyên do của hành trình là Vì Quyết Chiến (13 tuổi) nghe được cuộc hội thoại giữa ông nội và mẹ qua điện thoại, biết rằng em của mình – tên là Lực (vừa được Mẹ sanh non Lực hai tháng trước, nhưng Lực bệnh nặng đến nay) đang chuyển biến xấu. Mẹ Chiến dặn ông nội chuẩn bị bộ áo quan hậu sự nhỏ, đi mua một quả trứng luộc, chuẩn bị thắp hương cho Lực. Chiến chưa bao giờ được nhìn thấy mặt em trai, từ ngày Lực sinh ra đều nằm viện. Nên Chiến quyết định “lên đường”, ra Hà Nội.

Xem thêm:   Ham & hố

Trưa 25-3-2019, tại Sơn La, cậu bé Chiến cũng bắt đầu hành trình của mình bằng một lời nói dối với ông nội là phải đến trường (như cách cậu bé Phan Văn Ngoan ở Cà Mau bắt đầu hành trình một năm sau, ở trên).

Không có đồng bọn, không có tiền dành dụm, không có lưới để đánh cá, cũng không có tiền “phòng thân” và cũng không may mắn gặp được những người tốt dọc đường để “tiếp tế” đồ ăn. Ðầu trần, Chiến mặc chiếc áo mỏng, đạp chiếc xe đạp cà tàng không thắng, không chuông… em dùng chân thay thắng đến mòn dép, sưng chân suốt đoạn đường 103km. Tuy chỉ 1/4 chiều dài đoạn đường của 3 cậu bé ở miền Tây (400km) nhưng đoạn đường của Chiến là đồi, dốc, sông, suối, quốc lộ để từ miền cao đến được gần “thủ đô”.

Rất may mắn, sau 8 tiếng dài không nghỉ, khi Chiến đã kiệt sức thì được một tài xế xe khách nhìn thấy, chở đến bệnh viện, nơi mẹ và em trai đang ở. Ðược nhìn mặt em mình lần cuối trước khi em ra đi…

Trước đó, nhiều tờ rơi được phát đi để tìm 3 em học sinh được cho là mất tích Nguồn: thanhnien.vn

Hai hành trình ở trên, đáng học hỏi ở mặt tình cảm trong xã hội bị coi là vô cảm như hiện nay. Khi cháu giết bà vì không có tiền mua quà noel cho bạn gái. Khi con gạt mẹ già, ký tên sang hết tài sản rồi đuổi ra đường. Hay mới đây ở Gia Lai,  Ðinh Thuêm – một đứa trẻ 10 tuổi, cha mất, mẹ đi lấy chồng sớm, phải tự đi làm thuê làm mướn, trộm vặt, lục đồ ăn thừa của người đi làm nương còn thừa… để sống qua ngày. Lâu lâu Thuêm đến nhà chị ruột lấy chồng trong xã để xin ăn nhưng chỉ nhận được những lời chửi mắng… Uất chí, cậu bé 10 tuổi ấy trộm 1 khẩu súng tự chế bắn bi sắt, bắn chị, chồng chị và cả đứa cháu mới sanh… rồi bị bắt.

Xã hội muốn phát triển, cần có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm. Việc của trẻ em là ở nhà, học hành và được chăm sóc chứ không phải là đi ra đường, trở thành “anh hùng” để xã hội ngợi ca, để người lớn giơ cao ngọn cờ mà họ khao khát khi họ đang phải sống trong một xã hội thiếu tình thương thừa sự vô cảm.

Hãy ngưng lấp liếm với các câu hỏi mà người đời đặt ra như: Tại sao VN có hơn 17 đơn vị bảo vệ trẻ em khác nhau mà những đứa trẻ kia lang thang suốt mấy ngày trời, không ai biết đến? Những cậu bé kia hoàn toàn có thể chết dọc đường bởi vô số lý do… lúc đó, truyền thông và các tổ chức “bảo vệ trẻ em” đó sẽ nói thế nào về việc này? Hoặc, với những đứa trẻ khác đang coi những cậu bé trên là tấm gương, khi xã hội tung hô quá đà? Ðất nước Việt Nam nghèo đi bởi phải nuôi quá nhiều tổ chức ăn bám và giỏi mỗi việc rao giảng đạo đức.

Xem thêm:   Chó...

Người Việt không ngừng tung hô cách sống theo “kiểu Tây”, ăn theo “kiểu Tây”, ăn mặc theo “kiểu Tây”, yêu theo “kiểu Tây”… nhưng quên mất cách giáo dục con người – ngay cả người lớn hay con nít – theo “kiểu Tây”. Ở các nước “tư bản giãy chết” kia, liệu để trẻ em ngoài tầm kiểm soát, đi làm “anh hùng” như vậy thì cha mẹ/người bảo trợ và xã hội có được khen ngợi, tung hô không?

Bé trai 10 tuổi và cây súng tự chế mà bé dùng để bắn bị thương cả gia đình người chị ruột – Nguồn hình: Facebook

Bởi vì những trò chơi “anh hùng” luôn được tung hô như thế, nên khi ra đấu trường quốc tế thi về độ “dũng cảm” thì khó lòng Việt Nam đứng nhì được. Ví dụ như câu chuyện về cuộc thi «Người dũng cảm nhất hành tinh» giữa ba chàng trai đến từ Mỹ, Nhật và Việt Nam dưới đây:

Phần thi đầu tiên là của thí sinh Mỹ. Anh này lên sân khấu, móc ra một khẩu với ổ đạn đầy ắp 6 viên. Sau đó anh ta lấy ra bớt một viên, đóng lại, xoay ổ đạn một vòng, rồi chĩa súng vào đầu và … bóp cò. Cả khán phòng rộ lên những tràng pháo tay cùng những lời trầm trồ thán phục về sự gan dạ của người Mỹ.

Ðến lượt thí sinh Nhật Bản. Anh này không rườm rà, vừa lên sân khấu anh liền ngồi phệt xuống, rút đoản kiếm Samurai và mổ bụng, “soạn” nguyên bộ đồ lòng của mình ra trước mặt. Khán giả tái mặt và cho rằng màn trình diễn về lòng dũng cảm của người Nhật vượt xa màn trình diễn của người Mỹ khi nãy.

Tiếng vỗ tay cổ vũ cho thí sinh Nhật Bản chưa dứt, khán giả đã thấy thí sinh Việt Nam khệ nệ khiêng ra một cái thùng gỗ đặt giữa sân khấu. Liền đó, anh ta rút ra một chiếc cưa, rồi ngồi phệt xuống đất bắt đầu cưa.

5 phút, 10 phút trôi qua,… anh chàng Việt Nam vẫn hì hục cưa. Ban giám khảo sốt ruột, giục thí sinh Việt Nam nhanh chóng chứng tỏ lòng dũng cảm của mình.

Anh chàng Việt Nam nạy chiếc thùng gỗ ra. Một vật đen sì với cái cưa còn cắm trên đó. Là một trái bom được cưa gần đứt đôi.

Cô Tấm lựa đậu cho nhanh để đi coi… gỡ boom  – Nguồn hình: Facebook

DU