Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972

Trương Duy Hy

TRỞ LẠI KHE SANH TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU

Mười bảy giờ ngày 15-3-1971, sau khi trình diện Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng, tôi tiếp tục nhận thêm 2 đại bác 155 ly với Thiếu Úy Trí, Chuẩn Úy Khánh làm Trung Đội Trưởng. Đồng thời 2 khẩu khác của Pháo Đội A do Thiếu Úy Ba chỉ huy được sát nhập vào Pháo Đội tôi, cuối cùng, Pháo Đội C chúng tôi được đầy đủ 6 khẩu.

Tại Lao Bảo, Ngân được lệnh thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 101 Pháo Binh Cơ Giới 175 ly, giao Trung Đội lại cho Thiếu Úy Châu.

…Kể từ đây, lộ trình di chuyển từ Khe Sanh đến Lao Bảo, tuy không quá 15 cây số, đường rộng, hai bên lộ tương đối ít rậm rạp, đa số các lùm cây được Công binh phát quang trống trãi. Tuy nhiên, Cộng quân lại tăng gia pháo kích ngày càng khủng khiếp. Những quả đạn pháo kích được trải dài giữa đường, do các Tiền Sát viên địch ẩn nấp trên các sườn núi điều chỉnh. Vì vậy, việc tiếp tế đạn dược thật là trở ngại. Thỉnh thoảng, chúng mang cả B40 ra sát lộ trực xạ vào các đoàn xe của ta. Dần dần, vị trí Pháo Binh ở Lao Bảo bị uy hiếp nặng nề cả ngày lẫn đêm.

Thiếu Úy Châu đích thân vào máy báo cáo chi tiết từng phút… những gì xảy ra cho Pháo Đội của tôi tại Lao Bảo giờ đây, cũng không khác những gì đã xảy ra cho chúng tôi như khi còn ở Căn cứ Hỏa Lực 30. Cộng quân xử dụng đủ loại súng: Hỏa tiễn, pháo binh, súng cối 82, và ngay cả loại súng bắn thẳng như B40, 57 ly, 75 ly SKZ không giật trực xạ vào vị trí! Hầm ngủ các khẩu lần lượt bị tung nắp. Hai khẩu đại bác 175 ly của Hoa Kỳ bị hủy diệt tại chỗ.

Tình trạng mỗi lúc một bi đát vì súng hư hỏng, chiến đấu khó khăn. Nhưng tinh thần pháo thủ không hề bị suy giảm. Có lẽ vì anh em đã trải qua một cuộc thử thách cam go đầy nguy hiểm tại Căn cứ Hỏa Lực 30 trước đó không quá 3 tuần!

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Đồng thời, hầu hết các tiền trạm của ta, kéo dài từ phi trường chính Khe Sanh đến Bộ Tư Lệnh Dù, Tổng Hành Dinh của Trung Tướng Hoàng-Xuân-Lãm… đều có đạn pháo kích rót đến. Những trận pháo kích này, thật sự không gây thiệt hại gì cho ta và cũng không hề làm cản trở công việc yểm trợ tiếp liệu của Tiền trạm.

Bấy giờ tôi được chỉ thị chiếm đóng vị trí ở bìa bãi đáp trực thăng cạnh Bộ Tư Lệnh Dù. 4 đại bác của tôi chỉ có nhiệm vụ tác xạ theo lệnh Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn Dù để bảo vệ các căn cứ quanh vùng. Song, việc tác xạ không còn sôi động như trước, giúp cho chúng tôi có thời gian để bảo trì quân dụng, tu bổ các công sự.

Mãi đến ngày 20 và 23-3-71, các Pháo Đội B từ A Lưới, Pháo Đội A và Pháo Đội tôi từ Lao Bảo lần lượt kéo súng về Khe Sanh. Cuộc triệt thoái của những Pháo Đội này cũng thật cam go, đầy trở ngại khó khăn. Suốt dọc theo lộ trình triệt thoái, Pháo Đội B đã phải nhờ chiến xa kéo súng và chiến đấu với số “Lính Pháo Đánh Bộ” cùng với Lữ Đoàn Dù. Chính các lực lượng này đã vượt “Suối Máu” một cách vất vả, gian khổ nhất. Sau khi đoàn quân triệt thoái từ A Lưới về đến Lao Bảo, Pháo Binh của ta trấn đóng tại đây cũng được lệnh di chuyển theo… Lợi dụng thời gian này, địch gia tăng pháo kích kịch liệt, cố tạo nên trở ngại lớn lao trong kế hoạch của ta, nhưng cuối cùng đoàn quân vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Được quy tụ cả 3 Trung Đội về một chỗ, tôi lại nhận lệnh mới di chuyển vị trí vào gần Bộ Tư Lệnh Dù hơn. Chính nơi đây trong những lúc rỗi rảnh, tôi dành thì giờ để ghi lại những chi tiết cần thiết, bổ túc cho quyển nhật ký dở dang.

Qua hôm sau, Pháo Đội C được xuất phái Bộ Tư Lệnh Dù để tăng phái cho Lữ Đoàn I Đặc Nhiệm của Đại Tá Nguyễn Trọng Luật. Dịp này, tôi hân hạnh được tiếp xúc với Trung Tá Sáu vài lần – nguyên trước kia Trung Tá là Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn I, và nay là Chỉ Huy Phó Lữ Đoàn I Đặc Nhiệm. Vẫn với giọng trầm tĩnh, nụ cười cởi mở, Trung Tá thuật lại nỗi gian truân của toàn Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn lúc chiếm đóng Căn cứ A Lưới, lúc triệt thoái… Trong câu chuyện, thỉnh thoảng Trung Tá cho tôi vài nhận xét về kinh nghiệm chiến trường thật xác thực, cùng vài cảnh tượng thương tâm xảy ra trước mắt Trung Tá…

Xem thêm:   Hang gấu

…Vào một buổi trưa, bỗng Thiếu Tá Liên, Tiểu Đoàn Phó của tôi từ bên ngoài, nhảy vội vào Đài Tác Xạ ôm lấy tôi mừng rỡ! Râu Thiếu Tá mọc dài! Điều mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy! Thôi thì thiếu Tá hàn huyên đủ chuyện – và chính tôi không ngờ, thật tình không ngờ, lúc Căn cứ Hỏa Lực 30 bị nổ tung kho đạn, là lúc Thiếu Tá đang dùng ống nhòm từ Căn cứ A Lưới quan sát, lo lắng cho số phận mong manh của tôi! Thế rồi trong suốt cuộc hành trình cùng các chiến hữu Dù rời bỏ căn cứ, Thiếu Tá đã theo dõi từng phút, để cuối cùng mừng cho Pháo Đội C trở lại Khe Sanh an toàn. Những cảm nghĩ trung thực của Thiếu Tá đối với chiến tích của Pháo Đội C, thể hiện lòng yêu thương đậm đà, mà có lẽ, chỉ có Thiếu Tá, là người ở trong cuộc giằng co từng phút với tử thần mới phát khởi như thế.

Nhờ trở lại Khe Sanh tiếp tục chiến đấu, tôi chứng kiến hàng trăm đồng bào Lào tháp tùng theo các đơn vị thiết giáp vượt biên giới về Việt Nam. Trông họ thật thảm thương! Qua hình thức bên ngoài về cách phục sức: đàn ông đóng khố, đàn bà lượt bượt gói mình trong chiếc “xà-rông” rộng thùng thình, con nít trần truồng… Mỗi người đều có mang sau lưng một cái gùi to tướng, chứa đựng bên trong nào ngô, khoai, nào những vật dụng “không đáng giá” nhưng tối thiết cho đời sống của họ… người sau theo chân kẻ trước, âm thầm bước cạnh các chiến binh của ta.

Bất giác tôi thở dài, liên nghĩ đến những lời tuyên truyền loan đi từ Đài Phát Thanh Hà Nội về sức đề kháng của Nhân Dân Nam Lào đối với cuộc Hành Quân Lam Sơn 719! Tôi không thể và không bao giờ tưởng tượng nổi, dù có cố gắng – cũng không làm sao tin được rằng: những con người Hạ Lào ấy có đủ khả năng xử dụng các chiến cụ, cơ giới tấn công vào chúng tôi, như chúng tôi đã chạm mặt qua các cuộc công đồn của chúng tại Căn cứ Hỏa Lực 30! Thật vậy, không cần phải chú ý mới nhận thấy, thoáng nhìn họ, ta có thể so sánh họ chẳng khác nào dân tộc thiểu số trong dãy Trường Sơn dưới thời kỳ Pháp thuộc!… Hơn thế nữa, tù hàng binh do lực lượng ta bắt được tại trận, toàn là người Việt, nói tiếng Việt thuộc miền Đồng Hới trở ra… Ấy thế mà ngày cũng như đêm, đài Hà Nội không ngượng mồm lải nhải cái gọi là “Tin Chiến Sự” thuật lại những trận đánh khốc liệt trên đất Hạ Lào với giọng điệu cổ võ nhân dân Nam Lào trước thành tích này, thành tích nọ!…

Xem thêm:   2 người thợ săn

Suy từ đấy, dù có khó tính bao nhiêu, tưởng cũng khó mà xuyên tạc. Nhưng với Cộng sản không có cái gì là chúng không làm được, miễn cái cứu cánh chúng đạt được! Vì lẽ này, luận điệu tuyên truyền bịp bợm của chúng, lại một lần nữa đem ra áp dụng, có gây hoang mang trong hàng ngũ chiến sĩ ta và xảo trá lường gạt dư luận quốc tế! Sự kiện đó là ngón sở trường của nhà nước Cộng sản miền Bắc vậy.

Qua ngày 24-3-1971, BCH/TĐ cùng các Pháo đội Tác Xạ A và B được triệt thoái về Đông Hà. Riêng Pháo Đội tôi vẫn trấn giữ Khe Sanh yểm trợ bao vùng. (Còn tiếp)

TDH, 1971

Kỳ sau: ĐÔNG HÀ NHỮNG NGÀY TẠM TRÚ 

 (*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 2-2019 từ bản in của Nxb Đại Nam 1980. 

(**) Lexique: Tiểu Đoàn (TĐ), Bộ Chỉ Huy (BCH), Pháo Binh (PB), Pháo đội C (PĐC), Trung Sĩ Nhất (TSI), Trung Sĩ (TS), Hạ Sĩ Nhất (HSI), Hạ Sĩ (HS), BI (Binh nhất), B2 (Binh nhì).

(***) Ảnh minh họa sưu tập từ Beaufort County Now, Dòng Sông Cũ, Hoàng Sa, Pinterest, Cherrieswriter, vuhmai.blogspot, Getty Images, Militaria, Nam magazine và vnaf.