photo dangmyhanh/tre 

Hong Kong quán như những ốc đảo ở Hà thành, đếm chỉ chừng năm đầu ngón tay! Tiệm Luk Chew lạc lõng giữa con phố đèn chói chang. Trên tường của quán, dấu ấn pha trộn, sự gặp gỡ Đông Tây, Lý Tiểu Long với cây côn nhị khúc, những chai Coke đầy chữ Hán,  những chiếc xe bus đỏ hai tầng của Anh quốc rần rần trên khu Wanchai Loan Tể, những chuyến phà nối Tiêm Sa Chủy đến Trung Hoàn trên vịnh Victoria… Và có lẽ những biến động chính trị ở xứ Cảng thơm gần đây đã kéo tôi lại gần hơn với cái tên “Hong Kong”.

photo dangmyhanh/tre

Luk Chew (绿洲) mang nghĩa “ốc đảo” đa sắc trội tái hiện phong cách đường phố Hong Kong. Quán chỉ có duy nhất cô nàng nói tiếng Cantonese Quảng Đông. Xưa dân Quảng tự gọi mình là “Tangren” hay “Đường nhân” để phân biệt họ với người vùng khác, và Hong Kong giờ đây chẳng muốn cái mác đại lục mà luôn tự nhận “I’m Hongkonger!”. “Way of life” – cách sống – giữa Hong Kong và Đại lục là điểm khác biệt quan trọng nhất, ngay với cả ngôn ngữ nói lẫn viết – đại lục thì viết giản thể, nói quan thoại, dân Hong Kong thì viết phồn thể và nói tiếng Canton.

Bữa trưa của tôi là đĩa mì chiên giòn bò sa tế, đĩa phở xào khô kiểu Hong Kong.

photo dangmyhanh/tre

Khu phố cổ Đào Duy Từ, phía nam Ô quan chưởng xuất hiện một cái hẻm bia cáu cạnh. “Lost in Hong Kong” từ cái balcony bán nguyệt – neon gradient của thập niên 80 từ xanh lá, xanh lục, tím, hồng, lam… Một cái biển “hữu thời dã hữu” – gặp thời thì phất – giăng lớn bên trên rất hợp tuýp cụng bia “dzô dzô”.  Những kiosk nhỏ tin hin mô phỏng sự lôi cuốn kiểu Hong Kong, nhộn nhạo tả pín lù, quán vịt quay, tạp hóa, Cường ca tửu điếm, há cảo, tiệm may, bánh ngọt Kỳ Hoa, tiệm cá koi Mỹ nhân ngư, thư điếm và quán băng đĩa, … Nắp cống, sàn loáng nước,… một con hẻm nhỏ dẫn ra bến cảng ở khu Tiêm Sa Chủy.

Xem thêm:   Chó...

Một cặp tourist Thái hứng khởi “This is gonna be our favorite place!”, gã Tây đồng hành sau khi cuốc bộ rạc chân thì chỉ muốn ghé qua để “giải quyết nhu cầu”.

photo dangmyhanh/tre

Cái poster của cô đào danh tiếng Trương Mạn Ngọc thập kỷ 80 chẳng gợi nhiều ý niệm cho dân tình xứ Bắc về thời hào quang của Hong Kong pop culture, từng phủ bóng khắp vùng Đông Á len lỏi những ngõ hẻm Sài gòn. Thời đế chế Hollywood phương Đông tung hoành, thập kỷ của băng video kiếm hiệp đến xã hội đen – dù đế chế phim ảnh TVB tàn lụi thì sự hoa lệ neon vẫn còn là một phông nền kinh doanh đầy sức hấp dẫn ở chốn Hà thành này.

photo dangmyhanh/tre

Nhân viên Hẻm bia kiêm “iPhone photographer” tính phí. Một phiên bản thứ hai của Hẻm Bia phố Tây Phạm Ngũ Lão, chốn của vô số bầy thiêu thân selfie tụ lại nơi ánh đèn, phô diễn hết mức những bộ cánh “thời trang phang thời tiết!”

Tôi gọi chai Budweiser, vài dĩa nhắm – mường tượng về một Hong Kong thật, lối sống “way of life” đang bị xâm lấn từng ngày từ một quyền lực rất xa xôi ở Bắc Kinh. Sự xâm thực chỉ đảo ngược khi giới trẻ Hong Kong đạt quyền “phổ thông đầu phiếu” – Universal Suffrage – điều quan yếu nhất của phong trào phản kháng.

photo dangmyhanh/tre

Hắt bóng của ánh đèn neon xanh lục, tạo sắc đỏ tương phản trên vẻ mặt cô gái trẻ Hà thành. Chiếc cửa cuốn không dán đầy những ước vọng như bức tường Lennon Wall – những khát khao rất thực của thế hệ “Young Hongkongers” đầy tự quyết chứ không chỉ là lý tưởng.

photo dangmyhanh/tre

Tiệm vịt quay nào ở Hongkong cũng tự phong “tối hảo” ngon nhất, là “nguyên ký” chính gốc nhất. Mấy tay đầu bếp nhà hàng Phù Dung Hoa (Fu Rong Hua) luôn tất bật với tay dao phay chặt thịt. Tôi gọi vài món dimsum, há cảo, bánh bao, bánh cuốn… Ông già người Quảng từ Sài Gòn làm manager chăm chút khách tận tình bằng thứ tiếng Việt chưa sõi, dường như chẳng màng tới thế sự xứ Cảng thơm. Cuộc chiến biên giới đã bài Hoa tận tiệt ở xứ Bắc, dấu ấn người khách trú rất mờ nhạt, chữ Hán chỉ còn sót lại trong đình chùa như tử ngữ.

photo dangmyhanh/tre

Trước quầy sách “Trí năng thư điếm” . Tự thán, “Sương sương với chai bia rồi nghĩ chuyện thế sự à?” Ngẫm về sự tồn tại của văn hóa đa nguyên Hong Kong, lớp người già đi gần suốt cuộc đời trong sự phồn thịnh – có thực thấu hiểu sự đối mặt với tương lai bất định của lớp trẻ Hong Kong khi cái năm phán xét “Judgement Year” 2047 kia cận kề?