lang-xa-huong-mua-gio-bac9

Sắp đến mùa của những rộn ràng nhang Tết, Hà Nội vừa ngơi những ngày mưa rét. Cứ ngỡ Hưng Yên chỉ cách Hà Thành vài bước chân, vậy mà phải mất một tiếng rưỡi để đi gần 60 cây số mới đến được cái làng hương xạ có tiếng lâu đời là Cao Thôn này. Một ngày tắt nắng thật dài với cái rét căm căm trên cái yên xe thông thốc gió. Con đường tỉnh lộ 378 heo hút, tôi thề rằng chỉ sẽ bon bon ô-tô bốn bánh nếu đường sá xa xôi. Mệt phờ người mới lần đến con Dốc Lã đầu Cao Thôn!

Không nắng, không điện, trai làng Cao Thôn thì chực chờ hăm hở trận chung kết AFF Cup, những thợ làng hương cũng nhân tiện mà nghỉ luôn một ngày công.

lang-xa-huong-mua-gio-bac8

Bức ảnh đầu tiên của tác giả lọ dọ giữa những phên tre phơi nhang. Hậu cảnh là ngôi nhà cũ kỹ mái ngói đổ màu, cái màu vàng bong tróc từ thời bao cấp của thập niên 1980, chiếc xe đạp điện của cậu học trò làng vừa tấp vào sân nhà gạch cũ. Cậu bé, vẻ như chẳng hề sành sỏi gì về cái nghề gia truyền bao đời của gia tộc. Bà lão trong nhà cười nói với ra, “Nó không chịu theo nghề này nữa đâu, cô ạ!” Cái nghề bụi bặm nguyên liệu, phải thức sớm hơn cả mấy con gà, bốn giờ sáng đã cặm cụi làm nhang, đến trưa lại đem ra sân phơi phóng.

lang-xa-huong-mua-gio-bac7

Trong làng thì hầu như nhà nào cũng làm nhang, từ nhang nén, nhang vòng và nhang sào. Tôi được biết đến cái tên nhang sào, thường cắm ở ngoài nghĩa trang vì nhiều gió, được người dân các tỉnh vùng cao như Yên Bái, Hà Giang, Sơn La thích dùng vì nhang không tàn mà lại cháy lâu đến bảy tiếng. Cái nghề hít… xạ hương cũng đầy nhọc công, bụi bặm; nguyên liệu phải phơi khô xong xay giã nghiền nhỏ, trộn lẫn thành bột nhuyễn dẻo rồi mới cho vào máy để cùng với tăm mà thành ra cây nhang.

lang-xa-huong-mua-gio-bac6

Chẳng có cảnh mặc áo lụa đào với nón quai thao làm nhang. Một “ninjia làng hương” bít bùng, chỉ chừa mỗi hai con mắt. Tóc tai, quần áo và cả đôi dép như phủ lên một thứ màu bàng bạc của bột nhang được nghiền nhuyễn từ rễ cây, vỏ cây đủ loại. Cái lạc cảnh hương xạ thơm lừng thắp trong những đền chùa sơn son thiếp vàng bắt đầu từ những chốn mịt mù này đây. Chẳng thế mà cậu nhỏ học trò kia không thể kham nổi cái nghề thủ công gia truyền dẫu có danh tiếng đến mấy!

lang-xa-huong-mua-gio-bac5

Rất hiếm nhà còn giữ nếp se hương bằng tay; máy móc đã thay thế và cho hiệu suất cao. Mỗi thợ làm hương một máy, một ngày có thể cho ra 2 vạn nén hương. May thay, cái thẻ nhớ của tôi kịp lưu giữ hình ảnh chị thợ làng hương này vừa bỏ tăm vào máy, là điện lại cúp cái rụp!

lang-xa-huong-mua-gio-bac4

Con đường làng lát bê tông không mùi gió thôn vẫn thoang thoảng mùi hương nhang dễ chịu. Làng ngoại tỉnh khá khang trang so với nhiều làng khác ở Bắc bộ tôi đã qua.

Mỗi dòng họ Cao Thôn lại có một bài thuốc thảo mộc riêng đặc trưng cho mỗi hiệu hương. Những bó tăm hương đỏ sắc phơi giữa đường làng, hương phơi trên phên tre để khô tự nhiên. Hương thơm lâu nhờ nắng và có màu đẹp mắt.

lang-xa-huong-mua-gio-bac3

Căn nhà của cặp vợ chồng già với mấy phên hương sào ngoài sân. Cái làng nghề hương xạ có lịch sử 165 năm. Lão ông kể rằng dân làng Cao Thôn vốn là dân vạn chài, sống bên rẻo đất ven sông Hồng mà mưu sinh nhờ con nước. Nhang của làng Cao Thôn có tiếng đất Hưng Yên, do một người phụ nữ miệt này lấy chồng xa, không con cháu nên về lại bản quán mà độc truyền cho người làng. Nhang được chuộng ở cả vùng sơn cước lẫn tận miền trong vì là dòng nhang xạ không có hóa chất, gồm nhiều loài thổ mộc mà dân làng thợ gọi là 36 vị — như tùng, rễ quạ, cam thảo, quế và nhiều loại thuốc bắc khác.

Lão bà trở về nhà trên chiếc xe đạp cà tàng, huyên thuyên với tôi về mùi hương xạ làng nghề với vẻ tự hào. Cái mạch câu chuyện vẫn còn mang sự hồn nhiên hoang dã khi bà kể sẽ làm thịt con chó để mấy đứa con cháu ăn nhậu xem bóng đá, mặt chẳng chút biến sắc. Tôi chợt tụt rơi vào khoảng lặng kinh hãi. Một cảm giác đau thốn! Tôi chẳng thiết hỏi thêm lão bà về cái nhúm xạ hương vô tri trên tay bà. Chỉ chực muốn biến khỏi cái sân nhà này.

lang-xa-huong-mua-gio-bac2

Con bê cứ lẵng nhẵng theo đuôi suốt đoạn đường làng, bỏ lại sau lưng gã chăn bê chạy bước thấp bước cao miệng hét tay vung cái gậy tre. Một đoạn vào trong ngách của làng thì bê con bỏ cuộc.

Trước hiên một ngôi nhà mang vẻ “đại gia làng xạ hương”, sung túc những chậu kiểng bonsai bạc triệu. Ba bố con đang cặm cụi thu gom những thẻ nhang khô ngoài sân phơi. Tôi hỏi vui về chuyện chòm xóm, ông bố kêu rằng nhà to thì cũng có người bán đất mà làm nhà vì Cao Thôn nằm ngay rìa thị trấn Hưng Yên nên đất cũng có giá. Mần nhang muốn giàu thì phải chịu cực chứ không thể vừa làm vừa chơi, dẫu vậy thì khó thể sánh với sự trù phú nhộn nhịp của làng gốm Bát Tràng.

Muốn chơi nhang thơm, nhang trầm thì chớ chơi hàng công nghiệp hóa chất mà phải thắp nhang xạ, nguyên liệu tự nhiên với đủ vị thuốc bắc mà dân Cao Thôn phải lấy từ vựa thuốc Ninh Hiệp bên Gia Lâm. Có cả máy để làm nhang vòng, nhưng nghệ nhân Cao Thôn cũng chỉ quấn bằng tay mà còn khéo lẹ hơn máy gấp bốn lần. Ấy mà không như nhang nén, nhang sào, sợi chỉ đỏ của nhang vòng lại chuyển cho làng khác để mà hoàn thiện.

lang-xa-huong-mua-gio-bac1

Một nửa làng làm hương. Mùa nồm và mưa ẩm phải dùng lò sấy để hương khô nhanh và không mốc. Mùa Tết thì hương vòng cháy hàng do hương thơm sâu, đốt lâu suốt 24 tiếng. Nhà nào có xây bề thế cũng sẵn chừa một khoảng sân rộng để phơi bột nhang. Có lò than hay lò điện thì người dân ở đây vẫn gắng giữ nghề theo cách làm nhang xạ truyền thống. Mùi xạ hương của nhang Cao Thôn sẽ bị phai đi nếu sấy theo cách công nghiệp. Chỉ có ánh nắng thiên nhiên sạch mới giữ cho nhang mùi thơm sâu. Khách chơi nhang có quyến luyến mùi hương xạ thì làng đây mới không hiếm những biệt thự bề thế nhà cao, cửa rộng như vầy!

lang-xa-huong-mua-gio-bac

Mùi nhang hương dẫn tôi vào ngôi chùa làng. Chú tiểu đầu ba chỏm, áo thun in siêu anh hùng Ironman thay nâu sồng, chồm hổm phụ bà Phật tử luống tuổi nhặt mấy nhánh rau cạnh căn bếp nhỏ ở sân chùa. Một cậu Sa di vừa xong “đại học Văn hóa” cũng lại chùa tu tập. Sư cô trụ trì lâu năm ở ngôi làng Chùa mời tôi bữa cơm chay “ăn bằng muỗng và gắp bằng đũa” trong tịnh thất. Nhà Chùa làm món chả quấn lá mơ, sung kho mặn. Nồi cơm chẳng trắng ngần, bát canh môn ám khói củi lửa. Sự khốn khó của những cuộc đời chay tịnh thuần túy.

Sắc thẫm đỏ tuyệt của chậu hồng cổ Hải Phòng tậu mua giữa đàng – tiếp thêm năng lượng cho đoạn đường về vừa dài, vừa rét buốt…