Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Hiên nhà cổ chẳng mấy khi mở cửa, vẫn thường bị chiếm dụng bởi bãi gửi xe và chợ cóc bán rong. Chẳng giấy đỏ dán cửa đuổi quái thú tên Niên vô hình, chỉ nhánh đào bên song cửa rỉ hoen là thứ còn sót lại hậu Tết.

Lượm lặt những phối cảnh của đời sống, sự tình cờ của bóng áo dài đỏ trở thành chủ thể ngẫu nhiên trong không gian tương phản – chính xác như sự mường tượng của tôi.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Chẳng có âm nhạc Xuân, cái góc cũ vẫn rầm rì nhịp điệu riêng của nó. Trừ cái menu “Happy New Year” và đôi câu đối đỏ tự mừng “Môn đa khách đáo thiên tài đáo / Gia hữu nhân lai vạn vật lai” – dịch nôm na, quán đón nhiều khách thì càng tài lộc, nhà lắm người ghé thì lì xì nhiều.

Ở kinh đô cà phê châu Á, quán ăn có thể ngưng, take away – nhưng không thể thiếu thứ đồ uống gây nghiện ngồi đồng.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Sau Tết là lệnh giãn cách khiến cái vắng lặng ngày mồng Một dường như dài hơn ở đất Kẻ Chợ. Vỉa hè Hàng Cót chỉ có cái bóng cà vạt, mũ phớt, ô đen, khẩu trang bít rịn và âm thanh quạnh quẽ của tiếng bước chân cụ già đi chúc Tết đầu Xuân.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Cái biểu cảm náo động của tuổi trẻ dễ làm những thế hệ truyền thống cảm giác “dị ứng”. Tuổi trẻ ít nhiều muốn tách rời cái tôi ra khỏi sự kế thừa vai trò, trạng thái của xã hội, lịch sử – chỉ để được thể hiện.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Covid đóng sập tất cả mọi thú tiêu khiển, trừ vài địa điểm check-in như phố bích họa với mấy gốc đào bích sắp lụi tàn.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Tấm biển “Lợi Ký” còn sót lại ngót nghét một thế kỷ. Người Hà Nội cũ chẳng hào hoa, họ bị ký ức thời cuộc đè nặng tới mức cáu bẳn. Họ khó gần, và khi đã mở lòng thì đấy là những thiên tiểu thuyết trải dài với không ít cao trào và dấu lặng.

Thăng trầm nếm trải đủ, nên chẳng quá màng lợi lộc của mảnh đất xắt ra vàng vài chục tỷ. Người già trong những căn nhà mặt tiền phố Hàng cũ dột – cái mảnh đất gắn liền với những hoài ức, ấy mới chính là sự thảnh thơi của tuổi già.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Mãn Tết, bậc hiên shop boutique Nhà Thờ đã phá sản. Anh chàng – hậu duệ Quốc Dân đảng bị đánh tan tác sau vụ Ôn Như Hầu đình đám – thú đạp xe Roger Anh, ăn “phở Quát” Ấu Triệu, thích tụ tập văn nghệ sĩ ở Oriberry café. Không dạy vẽ là xách con Roger lượn lờ Bờ Hồ.

Cháo Chửi bà Mỹ, phở Quát Ấu Triệu vẫn còn đó – nhưng sau vụ đám thanh niên dọa nếu còn chửi, quát là cho nguyên cục gạch vô nồi nước nước lèo hết làm ăn. Chẳng còn phong vị Hà thành “chửi, quát” nhưng cái tên vẫn là dấu ấn “định vị thương hiệu” nổi lềnh bềnh.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Tay thì ngồi ngửa mắt nhắm tư lự phê trong nền nhạc, khói thuốc; kẻ dính mắt trong con chữ; người chúi mặt lướt iPhone. Thoải mái với cái tôi, nhạc nền underground dường như không gián đoạn suy tưởng của ba thế giới riêng biệt.

Xem thêm:   Đông dược

“Hà Nội không vội được đâu” tưởng chừng chỉ một câu nói cửa miệng – nhưng vốn là sự tự thán về cái bản dạng của người Hà Nội. Lắm lớp lang, dò xét, không hào sảng như dân phương Nam – còn lâu mới chỉ qua chầu nhậu đã là kết nghĩa huynh đệ như dân miền Tây sông nước.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Tơi tả sau trận cúm mùa. Không cần sư tử hống của Tạ Tốn, chỉ một tiếng ho cũng đủ làm người dưng giãn cách!

ĐMH