Người Hàn xuất cảng “văn hóa thứ cấp” đến giới trẻ Việt, thế nên cái Trung tâm văn hóa Hàn quốc ở Nguyễn Du lại hay ầm ĩ nhạc K-pop mà không giống như Hội đồng Anh British Council, Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, Casa Italia hay Viện Geothe của Đức. Có thể, tôi là một người thuộc motif khác nên cái Chợ Phiên Người Yêu Cũ ở cuối ngõ Tô Ngọc Vân, bỗng dưng lại gây sự tò mò. Thực chất đây là một chốn nằm phía Bắc Hồ Tây. Gọi là chợ, nhưng ở đây là một địa điểm có cái tên Bay La Bato – Vịnh Cướp biển. Cái tên của mấy cậu teen tự đặt. Một địa chỉ của những em văn nghệ sĩ nửa mùa và đám Tây phủi ghé cụng vài ly bia, đàn đúm vớ vẩn hay nhậu xỉn. Hàng tuần cũng có tụ tập vẽ tranh, mà chẳng phải là hội họa gì, chỉ trét chơi; nhân viên phục vụ thì là mấy em teen tự biên tự diễn. Cái không gian không hẳn theo một lối cũ nào mà có phần xập xệ kiểu nhà sàn, mái lá đầy gió.

goi-anh-la-oppa8

Thuật ngữ “K-Culture” như ma lực khiến giới trẻ Việt giờ đây lại sinh ra cái bệnh sính Hàn quá độ. Sự phủ sóng của “Hàn Lưu” – Hallyu nên xuất hiện những cô gái ở đất Bắc này, giờ ẩn giấu hơn cái vẻ sư tử Hà Đông, mà lại vào vai những em gái rất ư teen và điệu bộ feminine thục nữ quá mức để diễn với các oppa xứ Hàn. Hallyu từ váy áo tới trang điểm. Những nàng teen Việt cực thích yêu trong tưởng tượng. Nên “Oppa”, một từ lóng khá hot của teen Việt từ những “mọt phim Hàn” hay  sự du nhập ngọt ngào của cơn sốt K-pop. Và đây là cách các cô gái gọi các “anh chai” hay người yêu của mình.

goi-anh-la-oppa7

Một nàng teen với một mớ thơ tình con cóc của mình. Vài cuốn sách của Franz Kafka, Scott Fitzgerald và có cả cuốn “Một mình sống trong rừng” của Walden, … nhưng chỉ để bày “làm màu”, chứ không bán. Sự hồn nhiên pha chút tinh nghịch, cái kiểu bày hàng cũng khá “cu-te” (cute) nói theo đúng phát âm kiểu Việt. Những váy áo cũ, thư tình, quà tặng… Những thứ đồ mà “không thể trả lại mà chẳng nỡ vứt đi” đều có mặt vui vẻ trong một phiên chợ Heartbreak Market! Kiểu day dứt, “Dear tất cả những nyc (người yêu cũ). Xin lỗi vì em luôn cảm giác mình chưa từng quen nhau, dù đã rất gắng sửa chữa nhưng không làm sao cải thiện được trí nhớ!”

Một cô nàng “Sói Quái” của những bài thơ tình tự biên, cái ngăn tủ của những dòng nhật ký bằng thơ tình, giờ được rao “đọc thơ giá bèo 5k một lượt”. Một kiểu hội chứng của những con-tim-tan-nát này làm tôi chợt nhớ đến cái SMS kinh điển của Batman nhắn tin cho người-yêu-cũ rằng: “Anh đau ngực trái!”

goi-anh-la-oppa6

Giang, cậu sinh viên Mỹ thuật và chuẩn bị mở quán café. Tác giả của những bức tranh sơn dầu xoàng xĩnh. Tôi thử hỏi về một bức vẽ như quẹt quẹt vài nét cọ sơ sài có cánh cửa đỏ giữa đám cỏ cũng chót màu đo đỏ. Giang cho biết ý tưởng là tình yêu của một cặp đôi ở bãi cỏ ven sông Hồng, và đấy cũng chính là “cái màu tình yêu lúc ấy” mà cậu cảm nhận. Và rồi, thì họ đã chia tay. Nghe rất chi phù hợp với tinh thần của phiên chợ Người Yêu Cũ vậy!

goi-anh-la-oppa5

Tự đeo trên mình cái biển “Người yêu cũ dã man của một chị nào đó”. Bày hàng với một đống “nhật ký tình yêu” là hàng chục mối tình lãng đãng từ những em gái Đài Loan, Nhật Bản đến các em gái quê Việt. Với vốn tiếng Anh kha khá, tay Thắng kể là sống ở Vancouver nhưng chán rồi về Việt Nam sống. Cái kẽ răng rít khói đã sạm làm tôi hơi ngờ ngợ về cái vẻ lãng tử ẩm ương của mấy tay tổ khoái nổ lộp bộp.

goi-anh-la-oppa4

Cái phiên chợ trong một không gian chồm hổm này, đã khiến tôi bực mình vì phải bỏ dép bên ngoài. Đồng  nghĩa với đôi giày yêu dấu chỉ vừa tháo khỏi chân để gần cái quạt máy cũ đã liền bốc hơi, nhanh đến cực sốc! Và nếu tôi chẳng mạnh miệng mà la toáng như vừa bị cướp của, rằng “Ai vừa chôm đôi giày của tao!” thì kể như đôi Sorel chỉ còn là dzĩ dzãng, tê tái còn hơn cả đống phiên bản thất tình ảo diệu kia.

An ninh? Thường xuyên mất trộm! Có người, lần đầu ghé quán 2 tiếng, mất 3 cái nón bảo hiểm. Điều này cũng dễ hiểu như chuyện phải dời cái quạt máy cũ đi chỗ khác chơi, rồi tiện thể rinh luôn đôi giày xịn để tâm sự ngày hè. Đến khiếp cái thói trộm vặt núp dưới bóng lãng tử anh hào!

Café Tranquil, một địa chỉ check-in của teen Hà thành. Rất tĩnh lặng với những chiếc sofa để ngả nằm đọc sách. Bên trên là nhà kính ngồi bệt, một địa chỉ tụ tập đọc sách, học thi, đa phần là lứa tuổi ô mai cam thảo. Dù giới trẻ khá đậm tính phong trào, nhưng tôi cảm nhận một điều rằng, trong cái không khí ngộp thở ở Hà Nội, sự tôn trọng không gian riêng tư là khá rõ nét. Ai nấy đều chăm chú vào phone, laptop, làm bài tập hay đọc sách…Cho dù, một thế giới nội tâm mà có lẽ chỉ được xả đầy trên online hay trong các cuộc tụ tập mang tính đám đông. Nhưng dường như, mỗi cá thể trong thế giới thực này, giới trẻ tỏ ra khá ngượng nghịu rụt rè và im tiếng.

goi-anh-la-oppa2

Và tôi, đứng bên cạnh lối vào của Bay La Bato. Cái mỏ neo của Chợ phiên Người Yêu Cũ chắc chẳng đủ hấp dẫn tôi để đến lại nơi này. Đang gắng làm nguội mình sau vụ xém mất đôi giày! Hahaha!

goi-anh-la-oppa3

Teen Hà Thành ngồi café ngày cuối tuần trên tầng lầu con phố Nguyễn Biểu, đối diện Nhà thờ Cửa Bắc. Một chi tiết khá thú vị. Đây là nhà thờ mà Tổng thống Bush từng ghé thăm. Mặc dù Bush con chẳng phải là tín đồ đạo Cơ đốc, nhưng cái nhà thờ Tin Lành ở số 2 Ngõ Trạm lại quá xập xệ, nên đám cận vệ đã dúi cho những hàng xóm xung quanh nhà thờ Cửa Bắc mỗi hộ vài trăm đô để đi vắng ngày Bush đến thăm. Tất cả các cửa sổ hướng về nhà thờ Cửa Bắc đều được đóng kín hôm đó.

goi-anh-la-oppa1

Cậu trẻ trong hình đang tập tành với chiếc máy ảnh cơ, vẻ chăm chú. Ở góc Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng này tôi luôn gặp những tay phó nháy trẻ và cùng vài ba cô gái điệu đà, sẵn sàng hết mình cho 1001 kiểu ảnh sống ảo. Vỉa hè cây xanh hay selfie dường như khá lỗi thời. Mốt của thế kỷ 21 là những trung tâm nghệ thuật đương đại đáp ứng trào lưu “wander lust” (đam mê xê dịch) hay cơn sóng lũy thừa #ootd (out fit of today) của Instagram.

goi-anh-la-oppa

Những tác giả ăn khách mì ăn liền như Guillaume Musso, Nicholas Sparks, hay Murakami đều được đọc theo phong trào. Giới trẻ Việt hiện đại với thú đọc ngôn tình, theo học những khóa kỹ năng sống, sống ảo với selfie Camera 360 sửa lai láng… Tôi thầm thích sự cá nhân thô mộc của nước Mỹ, đất nước đã rút khỏi những đường ranh của thế giới cũ Châu Âu, để khoác lên mình chiếc mũ cao bồi, súng giắt ngang hông, một mình trên lưng ngựa như Lucky Luke thuở nào. Một tinh thần cá nhân mãnh liệt mà Alexis de Tocqueville từ nước Pháp kiêu hãnh phải khâm phục.