photo dangmyhanh/tre

Đi chợ sớm mới cảm nhận được cái không khí huyên náo tất bật của chợ Đồng Xuân – Bắc Qua. Nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa dọc lối Hàng Ngang Hàng Đào thì chẳng thể biết được sự sôi động của con chợ này. Hoạt cảnh của mặt sau mới đúng cái chất chợ Việt thuần túy – từ cái giọng chanh chua tới chuyện nói thách một tấc đến trời. Lơ ngơ khéo dễ phải canh chừng phường trộm cắp, móc túi từng có tiếng “xuất quỷ, nhập thần” trong sử sách Hà Nội cũ.

Nhãn, măng cụt, mãng cầu (ngoài Bắc kêu là quả na), … trái cây, hoa quả vào mùa ở xứ ta thì cứ ra chợ Đồng Xuân là có đủ. Và có ngay đầu mùa.

photo dangmyhanh/tre

Hậu cảnh là một dãy chung cư cũ đến rệu rã mà tôi chưa từng thấy ở Hà Nội. Dễ liên tưởng đến khu Cửu Long Trại Thành ổ chuột ở Hong Kong. Tiền cảnh là những quang gánh hoa quả đủ sắc màu trật tự theo một hàng ngang.

Khu chung cư 15 Cao Thắng ngay sau chợ Đồng Xuân chắc đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy từ cái thời “hợp tác xã”, những ban công được cơi nới đua ra với sàn ván ép được gọi là “chuồng cọp”. Những khu tập thể “vác ba lô” dễ nhận thấy bởi những khu chung cư được xây thập niên 60-70. Nằm giữa trung tâm, tiện việc sinh hoạt, buôn bán, hay cho thuê nên dù có suất tái định cư về khu đô thị Việt Hưng cách đó 10km bên kia sông Hồng mà chẳng mấy ai mặn mà rời bỏ cái chung cư cũ nát nằm sát chợ Đồng Xuân Bắc Qua, nơi đã gắn bó mấy chục năm trời.

photo dangmyhanh/tre

Chị bán gà vịt xách đôi con ngan đang kêu toang toác giao bà bán hàng tấm (vải vóc).

Những con gà bị nhồi chặt trong lồng, còn những con ngan buộc chân neo ngược vào mắt lưới B40.  Không chỉ là gia cầm, chợ Đồng Xuân sẵn cả ba ba, cóc, kỳ đà, rươi, … còn lổn nhổn. Tôi chẳng thể tưởng tượng mình có thể nuốt trôi những sinh vật được ví là đặc sản này.

Tô bún ngan chặt, lòng mề chân cổ đi kèm với măng khô xé sợi, cái món điểm tâm phổ biến ở xứ Bắc mà tôi cũng chẳng từng thử qua.

photo dangmyhanh/tre

Gần hết mùa chôm chôm, những chiếc xe đạp lại địu những mẹt nhãn đầu mùa. Người lặn lội chở từ quê Hưng Yên lên, nhưng đa số đều lấy hàng bên chợ đầu mối Long Biên – con chợ đầu mối nằm ngay phía bên kia con đê Trần Quang Khải.

Cái mẹt đặt bệt dưới đường là những trái rời, bao giờ cũng rẻ hơn nhãn chùm. Vào mùa thì nhãn Hưng Yên giá chỉ 35 nghìn một ký (75 cent/pound.) Bên cạnh cái cân Nhơn Hòa, chiếc vỏ xe máy (mà ở ngoài bắc gọi là lốp) đổ đầy xi măng với cái ống nhựa Tiền Phong ló lên là để cắm cái dù lớn vào những ngày mưa to, nắng lớn.

Cái mẹt nhãn còn đầy vun, chị bán nhãn ngồi xổm chống mặt cau có nhìn đường vì từ sáng đến giờ vẫn chưa có ai mở hàng! Poor her!

photo dangmyhanh/tre

Nhiếp ảnh đời thường là một dạng “xâm phạm thầm lặng”, đôi lúc có thể rất đáng ngại với các chủ thể đang mưu sinh. Một chị bán giò chả lắc đầu nguầy nguậy, bà bán cá cũng xua tay “no, no”… Với những câu hỏi ngây ngô của tôi về số phận của mấy con cóc trong lồng, bà bán cóc đã ngoa ngoắt “để ăn chứ để làm gì!” Thường thì chẳng đáng để chụp những gương mặt hung dữ.

Vậy mới thấy, ông lão thoăn thoắt thái gọt với những xô măng… thật mặc nhiên với người qua kẻ lại, cả với cái ống kính đang chĩa về mình.

photo dangmyhanh/tre

Một kiosk bán đồ khô trong chợ Đồng Xuân. Dạo hỏi mua hàn the mới biết giờ nó đã thành mặt hàng cấm bán. Măng khô hay tươi ở xứ Bắc này thì đều ngon. Ngay cả phở, cứ từ mạn Yên Bái trở ngược là phải ăn kèm với măng ớt. Thế mới biết không phải chỉ có phở Bắc và phở Nam đâu!

photo dangmyhanh/tre

Hàng tấm trong chợ Đồng Xuân. Vải vóc ở đây chủ yếu được lấy từ Trung quốc và trong Sài Gòn ra. Chủ hàng tấm trong chợ Đồng Xuân đều là hạng có số má, vốn dày. Bà chủ hàng tấm thường chỉ ngồi trên sập tính toán, tiếp khách bán hàng và ăn quà. Mọi chuyện khác đều có đầy tớ phục vụ

photo dangmyhanh/tre

Các hàng chả rất bắt mắt, xanh mướt màu lá dong hay vàng rộm của quế. Bánh chả cốm thân thuộc ở đất Hà thành. Bún đậu mắm tôm không thể thiếu chả cốm, một món khoái khẩu của tôi. Còn chả rươi, ăn thử ở con phố Gia Ngư thì chưa đủ hấp dẫn tôi lắm!

photo dangmyhanh/tre

Chợ xong, tay bạn gốc Hà Nội kéo tôi ngồi café đầu phố Đào Duy Từ. Đối diện là một quán bar & café bề thế màu sắc vàng trội mang tên Pateta trong khu phố Tây. Hắn chỉ về căn nhà mà hắn đã ở từ thời đóng bỉm đến thanh xuân, cứ độ Tết về thì đám bạn cùng lớp lại kéo về tụ tập ăn uống rồi chơi bài đánh tá lả. Hắn đã chẳng ngờ cái góc phố Hàng Buồm, Đào Duy Từ, Mã Mây giờ lại thành một nơi ăn nên làm ra, tấp nập khách du lịch. Căn nhà mặt tiền phố cổ xưa đã đổi chủ, giờ khoác lên mình một diện mạo khác. Cái ban công trên lầu vốn chỉ là nơi phơi đồ, chất xó những vật dùng cũ kỹ thành một vườn treo xôm tụ với đám khách Tây.

photo dangmyhanh/tre

Căn bếp cũ trong ngôi nhà hơn trăm năm tuổi, thoảng hương của nhúm vỏ bưởi khô vắt vẻo.  Bếp người Việt xưa luôn tách rời khỏi những gian chính trong nhà. Mâm đồng, chạn gỗ, rế tre, … và cái vách bếp ám đầy muội than.

Một ngày với chợ búa, café và kết thúc trong gian bếp cũ.