Cách nay ít lâu, nghĩ đến thơ Phạm Ngọc Lư, mình có viết:

chiều nay

ngồi đọc lại thơ lư

nghe sông hàn. bạt gió

hải vân quan. đá dựng

biên cương

sóng gào

Thanh Tâm Tuyền cũng đã một lần viết về Ðèo Hải Vân

Trên đỉnh Ðèo Hải Vân

Nếu nhớ quê hương

Muốn chết

Vũ Ðạo Ánh

Chiến tranh vẫn còn (đến khi nào)

Ðồn đóng sườn núi

Ngó biển không

Chiều chẳng mặt trời

Một mình rừng

Mây loã thể

Đèo Hải Vân 

Hải Vân Quan. Ôi Hải Vân Quan. Ðá dựng thành trì nằm chắn giữa Huế-Ðà Nẵng. Sử ghi: Vào năm Minh Mệnh nguyên niên (năm Canh Thìn, 1820), nhà vua cho tôn tạo cửa ải Hải Vân thành Ðệ Nhất Hùng Quan. Gần hai thế kỷ qua, hàng đại tự trên vòm cổng trời vẫn còn nguyên nét bút. Công trình “Ðệ nhất hùng quan” đất nước vẫn đứng vững trước bao nhiêu biến động. Lên đèo mây, dừng bước trước Hải Vân Quan, chúng ta không thể không nhắc đến những thi nhân từng một thuở làm người “hành dịch”, trên đường công vụ vẫn đeo dây thao “túi thơ, bầu rượu”, trao lại cho hậu thế những bài thơ đặc sắc.

Ngày xưa, Cao Bá Quát có bài Ðăng Hải Vân Quan, Trần Quý Cáp thì viết Vãn Quá Hải Vân Quan.

Trịnh Hoài Ðức danh sĩ Nam Bộ thời Nguyễn, có lần đi qua đèo đã cảm tác: Vén mây muốn bước lên trên tột/ Ðoái lại dì trăng lẽo đẽo theo.

Gần đây nhà báo Lê Vũ Trường Giang viết bài Vén Mây Quá Hải Vân Quan trên tạp chí Sông Hương cũng đã ghi lại mấy câu thơ của Thu Bồn khi qua đèo Hải Vân:

Xem thêm:   Tháng Ba, đưa người

Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya

tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng

anh trở về hoá đá phía bên kia.

Ðèo Hải Vân. Ôi Hải Vân Quan. Thơ ngày nào còn ghi bao nét đẹp hùng vĩ. Còn bây giờ? Xin đọc đoạn văn trích dẫn sau đây của nhà báo Vũ Hùng trên trang web ghi lại thảm cảnh trên Ðèo Hải Vân hiện nay:

“Nếu ở ngoài khơi miền Trung, một cơn áp thấp nhiệt đới đang rập rình chuyển thành bão lớn thì trên đất liền, xung quanh đèo Hải Vân, đã thực sự dấy lên một “cơn bão lòng” – một cơn bão của sự quan tâm, lo lắng và bức xúc trong lòng hàng triệu người dân Việt.

Ngay sau khi Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, trong khoảng 5-7 ngày liên tục tính cho đến đêm 7/10, đã có nhiều đoàn người rời khỏi thành phố Sài Gòn và khu vực trọng điểm kinh tế Ðông Nam Bộ. Nguyên nhân cơ bản của cuộc hồi hương bất đắc dĩ này, bên cạnh nỗi lo dịch bệnh, là sinh kế cạn kiệt, là hết chịu đựng nổi vì đã qua 4 tháng cách ly không có công ăn việc làm và thu nhập.

Hàng chục nghìn người dân chạy xe gắn máy về các tỉnh phía Bắc đã phải chạy lên đèo Hải Vân, vì lâu nay hầm Hải Vân chỉ cho phép ôtô chạy qua, người đi xe máy phải trung chuyển bằng xe tải, tuy nhiên dịch vụ này đã dừng vì dịch bệnh.

Ðèo dài 21 km, nối Ðà Nẵng và Huế, từng là nỗi ám ảnh trên trục đường Bắc – Nam với nhiều khúc cua tử thần. Do đường dốc, khó đi nên nhiều người thường bị rớt lại phía sau. Nhiều người mệt mỏi sau chặng đường dài gục xuống tay lái chợp mắt, những thảm cảnh của người đi xe máy vượt đèo trong mưa to gió lớn đã được ghi lại và đăng tải trên báo chí, trên mạng xã hội. Tất cả những hình ảnh, những clip ấy đã tạo nên “cơn bão” trong dư luận.

Đoàn người hồi hương bằng xe máy chờ mở chốt chặn trong mưa gió – nguồn BBC

Từ tâm “cơn bão” trên đèo Hải Vân, chúng ta đã thấy được những điều gì? Nhà báo viết tiếp:

Xem thêm:   Một thời của sách

“Trước hết là tình đồng bào. Ngay lập tức, trên các bài báo, trên MXH và các diễn đàn đã sôi sục hàng nghìn ý kiến, kiến nghị. Một số nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo thậm chí đã viết đơn gửi các vị lãnh đạo Chính phủ. Tất cả đều chung một nguyện vọng là đề nghị cho người dân hồi hương được đi qua hầm, sẽ an toàn hơn so với đi đèo trong đêm tối, sương mù và đường trơn trượt do mưa lớn những ngày qua.

Cùng với đó, rất nhiều tình nguyện viên, nhóm cứu trợ từ Ðà Nẵng và địa bàn lân cận đã băng qua mưa gió núi rừng tới đèo Hải Vân, để có mặt bên cạnh những người dân hồi hương. Họ cung cấp cho đoàn người hồi hương lương thực, nước uống, thuốc men cho người ốm đau, sữa cho trẻ nhỏ, xăng dầu cho xe máy…

Một lần nữa, tại đèo Hải Vân, chúng ta lại được chứng kiến những biểu hiện sinh động của tinh thần tương thân tương ái, truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng” của người dân Việt.”

Trong khi đó Bộ Giao Thông Vận Tải hầu như bất động. Báo chí trong nước ghi lại: Người ta không thấy sự năng động đáng ra phải có từ phía Bộ GTVT. Việc tổ chức các chuyến tàu hoả chở dân về quê không có gì khó khăn cả, nhưng họ làm ngơ, cho đến khi xã hội lên án họ thì họ mới chuyển động. Cả một hệ thống đường sắt, xe tải, xe chở khách nằm yên bất động cho cỏ mọc lút mà lãnh đạo ngành giao thông từ cấp Bộ xuống đến các Sở đã không huy động vào việc góp sức đưa bà con trở về quê hương?

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

Những đoàn tàu hoả nằm chết gí ở ga, hàng ngàn xe khách phủ bụi ngoài bến xe, mà các vị để trẻ em, có cháu mới 5 ngày sinh, để phụ nữ mang thai, người già cả, đau ốm phải dắt díu bồng bế nhau chạy xe máy hàng trăm nghìn cây số ngoài đường dưới trời mưa bão bên những khúc cua tử thần và những vực sâu thăm thẳm…

Ô hô… Thương thay! Oan này còn một kêu trời nhưng xa!

Ðèo Hải Vân một thời đi vào sử thi. Bây giờ là ngọn đèo oan khổ. Hải Vân Quan, ôi, đá dựng sóng gào, mây bay qua, chỉ có đồng bào rách rưới ôm lấy nhau qua cơn thất tán… E một lần nữa phải gợi lại Phản Chiêu Hồn Ca của Tố Như: Thành quách ấy nhân dân đã khác / bụi mù bay dơ bẩn áo người / quan thì xe ngựa rong chơi / lầu son gác tía đứng ngồi vào ra… Hải Vân Quan Hải Vân Quan… Thơ nào nói hết nỗi đau của ngày hôm nay.

TN  – Tổng Hợp