Tháng 5 là tháng ghi dấu nhiều văn nghệ sĩ tài năng của chúng ta ra đi. Đầu tiên là nhà văn/họa sĩ Võ Đình mất ngày 31 tháng 5. 2009 tại nhà riêng ở West Palm Beach, Florida. Kế đó là nhà văn/họa sĩ/dịch giả Hoàng Ngọc Biên từ trần ngày 18 tháng 5. 2019 tại San Jose. Rồi đến nhà thơ Tô Thùy Yên ra đi ngày 21 tháng 5. 2019 tại Houston, Texas. Và mới đây nhà thơ Chân Phương lìa đời ngày 6 tháng 5.2020. Tất cả những tác giả nói trên đều là những người lỗi lạc, kiến thức ‘thiên kinh vạn quyển’ là những tài năng lớn của văn học Việt Nam. Nguyễn được hân hạnh quen biết những vị này. Chiều nay 26 tháng 5. 2020 nhìn mây trôi mà thấy lòng quặn thắt. Cho nên những dòng sau đây xin được xem là một nén hương tưởng nhớ tới nhau.

Nhà văn họa sĩ Võ Ðình với kẻ này là chỗ đồng hương. Anh sinh năm Quý Dậu, 1933, tại Huế. Chánh quán huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Những năm 50 du học ở Lyon và Paris. Năm 1961, triển lãm hoạ phẩm đầu đời ở New York City. Các họa phẩm của anh đã được trưng bày trong hơn 40 triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm tập thể ở khắp nơi. Một số tranh đã được UNESCO dùng để in post cards. Về văn học những tác phẩm chính của Võ Ðình gồm: Xứ Sấm Sét, Sao Có Tiếng Sóng, Lầu Xép, Rừng Mắm Văn Nghệ , Huyệt Tuyết, Mây Chó, Trời Ðất…

Thời gian ở Mỹ, Võ Ðình thay đổi chỗ ở nhiều lần: California, Maryland, Nevada, New York… Chỗ ở cuối cùng trước khi qua đời là West Palm Beach, Florida. Ðây là vùng ven biển có nhiều tùng bách, và các loại dừa, kè, thốt nốt… Trong vườn đất rộng, anh và Lai Hồng trồng rất nhiều loại rau quê nhà.  Võ Ðình có nhiều người ngưỡng mộ thường lui tới thăm anh: Trương Vũ, Ngu Yên & Ngọc Phụng, Lê Thị Huệ, Ðinh Cường, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hoàng Xuân Sơn, Phan Tấn Hải, Hoàng Quốc Bảo, Hồ Ðình Nghiêm… Ðêm cuối cùng trước khi Võ Ðình qua đời (31.5.2009) một số bạn bè cũng có mặt ở West Palm Beach nhà anh để tiễn đưa. Ðể tưởng niệm anh, xin mượn thơ của Hoàng Xuân Sơn tựa là Thạch Ðề viết ở Thạch Lũng trong chuyến Sơn cùng Ngô Vương Toại lên thăm anh:

Võ Đình   

Viết Trên Ðá (Thạch Ðề)

Chiều đi sẩm mặt đá buồn

Gởi yên chút nắng bên vườn mây trôi

Còi khuya Thạch Lũng xa rồi

Ngựa xe trăm chuyến ngược xuôi tình nhà

Mai về núi ở cùng ta

Chút lòng viên ngoại rót qua trường đình

Một người nữa là Hoàng Ngọc Biên cũng ra đi vào tháng 5 sau Võ Ðình 10 năm. Anh Biên gốc người Quảng Trị là nhà văn nhà báo nổi tiếng từ thời tạp chí Trình Bày ở trong nước. Anh Biên cũng vẽ tranh và dịch thuật như Võ Ðình. Nguyễn cũng quen với Hoàng Ngọc Biên. Nhớ có một lần cách đây hơn mười năm cùng với Ðinh Cường đi thăm anh Biên ở San Jose, cùng nhau đi ăn rồi về uống trà trong nhà anh. Một lần khác gặp anh ở Dallas này có cả Trần Vũ và Thanh Mai khi anh qua lo tang lễ cho mẹ. Anh Biên tính tình điềm đạm được nhiều anh em mến, trong đó có Ðỗ Trung Quân khi qua Mỹ đã ở lại nhà anh Biên nhiều ngày và đặc biệt mê cái garage nhà anh. Có thể kể một số tác phẩm văn chương của Hoàng Ngọc Biên: Ðêm Ngủ Ở Tỉnh, Tĩnh Vật và Những Bài Thơ Khác, Uống Trà Sớm Mai, Người Ðạp Xe Vào Thành Phố Buổi Sáng, Chiếc Xe, Chân Mây Cuối Trời… Nhà thơ Hoàng Hưng trong nước có nhận định chân tình như sau về Hoàng Ngọc Biên: “Anh và tôi có cái tình có lẽ khá đặc biệt. Người Sài Gòn thời Cộng hoà, kẻ Hà Nội thời Cộng sản, nhưng hình như ngay từ lúc gặp anh lần đầu ở quán cà phê vỉa hè anh tạm kiếm sống qua ngày vào những ngày tháng 5 năm 1975 trên đường Trương Minh Giảng bên ngoài nhà anh, cho đến lần gặp cuối cùng tháng 9 năm 2017 cũng tại nhà anh ở San Jose, chưa khi nào hai người cảm thấy có sự khác biệt. Một cảm giác mơ hồ về sự đồng cảm nào đó, ít ra là sự an toàn khi sơ giao và sau này, đồng điệu khi kết giao.”

Hoàng Ngọc Biên

Anh Hoàng Ngọc Biên ra đi ngày 18 tháng 5. 2019 ở tuổi 81 sau khi đã yên tâm để lại lý lịch và di sản tinh thần của mình. Trước đó anh được mổ thay gan bình yên. Tiễn anh xin mượn thơ của Trần Ðình Sơn Cước:

Xem thêm:   Một thời của sách

Hình như

có giọt lệ rơi

Mộng xưa

đọng mãi tim người lưu vong

Một thời lãng mạn bão giông

Hoá thành tĩnh vật

trơ cùng tháng năm…

Với Tô Thùy Yên, người viết có nhiều kỷ niệm thân tình từ lúc tóc còn xanh bắt đầu đi vào con đường văn chương cho tới những năm tháng cuối cùng này. Tô Thùy Yên nổi tiếng từ thời Sáng Tạo cùng với Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… Tác phẩm để lại không nhiều, gồm hai tập Thơ TuyểnThắp Tạ, nhưng tên tuổi Tô Thùy Yên rất lớn trong văn học. Người ta xem thơ Tô Thùy Yên như tiếng nói thời đại. Cái tình của người viết với Tô Thùy Yên đậm đà sâu sắc nhất là những năm tháng trong trại tù Cẩm Nhân, Bắc Thái, Thanh Chương, Hàm Tân. Suốt chặng đường dài chập chùng khổ ải ấy, Tô và Nguyễn này từng chia sẻ với nhau cục đường, miếng cơm, điếu thuốc… Và đặc biệt thơ. Làm sao quên được buổi tối khi trăng lên ở đầu núi, Tô Thùy Yên đã đọc cho mình nghe câu thơ ‘nguyệt xuất kinh sơn điểu’ của Vương Duy. Rồi Tô Thùy Yên chép cho mình nguyên văn bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ của Trương Nhược Hư. Thời gian ở Cẩm Nhân, Thanh Chương và Hàm Tân làm được bài thơ nào là đều cùng chia sẻ. Và Nguyễn được đọc của Tô Thùy Yên những bài thơ quan trọng như Tàu Ðêm, Mùa Hạn và phần đầu bài Ta Về. Rồi khi ra khỏi trại tù cũng như lúc đã sang Mỹ cái tình thơ ấy vẫn tiếp tục. Vài năm trước khi ra đi, Tô Thùy Yên đã mời anh em tới nhà ở Houston họp mặt nhân giới thiệu tập thơ của Cái Trọng Ty. Buổi họp mặt gồm đông anh em văn nghệ: Tô Thẩm Huy, Phan Xuân Sinh, Thận Nhiên, Ngu Yên, Ngọc Phụng, Nguyễn Thị Thảo An, Phan Mỹ Hạnh, chị Dung, Lâm Chương, Ðức Phổ, Cái Trọng Ty… và nhiều người nữa không nhớ hết. Trong dịp này, Tô Thùy Yên đã nói một câu rất ý nghĩa: Hôm nay Muhammad không đi thăm núi được thì núi đến với Muhammad.

Tô Thùy Yên

Tô Thùy Yên ra đi ngày 21 tháng 5. 2019 sau mấy tháng nằm bệnh, đến nay đã một năm trôi qua. Nhiều người vẫn còn tưởng nhớ tới ông như vừa mới đây thôi. Trong thơ, Tô Thùy Yên đã nhiều lần mường tượng tới cuộc chia tay không ngày trở lại này, như trong bài Chia Tay Ải Tây đề tặng Thanh Tâm Tuyền, hoặc trong bài Ði :

Xem thêm:   John Steinbeck & ngôi nhà mùi gỗ sồi ở Salinas

Ði như đi lạc trong trời đất

Thủy tận sơn cùng xí xóa ta

Cõi chiều đứng lại khóc như liễu

Có thật là ta đi đã xa…

Tô Thùy Yên ơi, chúng ta chia tay nha.

Và chia tay với Chân Phương cũng trong tháng 5 này. Nguyễn biết Chân Phương đã nhiều năm và rất phục sở học cũng như yêu thơ anh. Nguyễn nghe nói anh định cư ở Massachusetts trong một ngôi nhà thơ mộng bên bờ biển. Thật là tuyệt vời và Nguyễn chỉ ước mong được tới đó một lần để cùng Chân Phương nâng ly rượu đỏ đọc thơ cho nhau nghe. Ước vọng thì như thế nhưng chỉ được gặp Chân Phương có một lần ở nhà Trương Vũ bên Maryland cũng với nhiều bạn bè khác như Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Thị Thanh Bình… Dịp này, Chân Phương ôm đàn hát cùng với anh em. Chỉ một lần đó thôi. Và rồi không bao giờ nữa… Tin Chân Phương ra đi thật là đột ngột làm mình nghẹn ngào. Sau đây xin mượn lời trong bài viết của Trần Doãn Nho để tiễn đưa Chân Phương về nơi yên nghỉ:

“Sáng sớm 6 Tháng Năm, 2020, đọc mấy dòng điện thư của Nguyễn Trọng Khôi báo tin chàng mất, tôi có cảm giác như đột nhiên bước hỏng chân nơi bậc thềm, ngã xuống, gượng đứng lên, bàng hoàng nhìn ánh nắng rơi bên ngoài cửa sổ hốt hoảng nhòe đi trong màn mưa. Biết sớm muộn, chàng cũng sẽ ra đi, nhưng sao mà vội thế. Buồn, buồn hết biết!

Chàng mang căn bệnh nan y cả 10 năm, ấy thế mà, chàng vẫn sống, vẫn vui chơi với bạn bè y như một người bình thường, rất bình thường. Ðến nỗi mãi đến vài năm trước đây, tôi mới biết chàng có bệnh.

Chân Phương

Còn nhớ, khi nâng cốc bia hơi trong tửu quán John Harvard’s Brewery & Ale House, Cambridge (gần Ðại Học Harvard) nơi chúng tôi thường gặp gỡ hay tiếp đãi bạn bè từ xa đến, chàng nói, “Moi bị ung thư, đang chữa trị.” Tôi sửng sốt nhìn chàng, định hỏi thêm, nhưng chàng xua tay, lảng sang chuyện khác. Và từ đó về sau, không hề nghe chàng nói một lời nào về bệnh tật của mình. Chàng vẫn họp mặt cùng bạn bè, khi thì ở Worcester, khi thì Boston, khi thì Cambridge, khi thì Hull, khi thì Milton, vui vẻ, lạc quan.

Hồi Tháng Mười Hai, 2019, họp mặt tại nhà Nguyễn Trọng Khôi, trời lạnh, chàng vẫn lái xe chở anh Nguyễn Huệ Chi đến và như thói thường, vẫn mang theo chai rượu ngon. Lúc này, chàng gần như mất tiếng, giọng nói khàn khàn. Suốt bữa tiệc, chàng nói ít, không hát và vẫn nâng ly cùng bạn bè. Cuối tiệc, chàng lấy điện thoại cầm tay ra, mở cho mọi người nghe lại bản nhạc “Thập Giá và Mạn Ðà La,” thơ của chàng, tôi phổ nhạc, Nguyễn Trọng Khôi đệm đàn và Nguyễn Ngọc Phong hát. Chia tay ra về, chàng còn hẹn gặp. Biết là chàng yếu lắm rồi, nhưng không ai ngờ đây là lần gặp cuối cùng của chàng với chúng tôi.

Những ngày tháng cuối cùng, biết mình không qua khỏi, nhưng chàng không chịu vào bệnh viện trong thời gian đang có dịch bệnh, chỉ muốn ở nhà, đọc sách, chấp nhận số phận. Phút cuối cùng, chỉ có đứa con trai bên cạnh chàng. Vợ chàng còn ở Việt Nam, mẹ và em chàng ở Pháp, trong cơn đại dịch, ai ở chỗ nấy, không đi đâu được. Mặc Trí cho biết, “Ba con đi bình an, trong khung cảnh và môi trường ông yêu cầu,” qua một “text message” cháu gửi cho tôi vào ngày 7 Tháng Năm khi cháu chuẩn bị để nhà quàn tới mang chàng đi.

Chàng mê sách. Nhà chàng là một thư viện nhỏ, gồm toàn những sách thuộc dạng “cao cấp,” nhất là về thi ca. Ðọc và suy gẫm nhiều nên chàng là một tay “connoisseur,” sành sỏi và hiểu tường tận rất nhiều vấn đề, từ hội họa, âm nhạc, thơ, văn, lịch sử cho đến chuyện du lịch, tình dục, rượu vang… Bất cứ đề tài nào, đã không nói thì thôi, hễ nói là nói tường tận, chi li, cụ thể. Tôi có cảm giác chàng là một thứ tự điển sống. Hỏi đến là chàng kể vanh vách chuyện này chuyện nọ với những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.

Chàng mê rượu. Chàng chọn mua rượu ngon, cất trong kho, để dành năm này qua năm khác, hễ có dịp là mang ra đãi bạn, biếu bạn.

Chàng mê bạn, quý bạn. Chàng vẫn thường mời bạn về nhà chàng ngoài đảo, uống rượu, ngắm biển và bàn luận chuyện văn chương. Nhiều bạn đến từ rất xa, từ Việt Nam, Pháp, Canada, có khi ở lại chơi với chàng cả một, hai tuần. Những dịp như thế, chàng tự nấu nướng, phục vụ bạn bè từ đầu chí cuối theo một cung cách rất “Tây,” từ các món ăn, thức uống cho đến cách ăn và cách uống.

Chàng sáng tác nhạc. Và thích ca. Mỗi lần như thế, chàng vừa đàn guitar vừa hát, và đặc biệt, xen vào đó, chàng còn thổi harmonica phụ họa.

Cầu mong thơ sẽ đưa hương linh chàng về cõi tịch lặng bình an!” (TDN)

Xem thêm:   Cái chuông gió

Sáng nay mây vẫn từng đàn bay qua bầu trời. Nhìn mây trôi mình lại nghĩ tới những khuôn mặt lớn vừa ra đi trong tháng 5 này. Ôi mây kia, trôi về đâu. Trong những đám mây phiêu du ấy thấp thoáng thấy bóng mình. Ôi, mây trời vô hạn có bao giờ ngừng bay…

TN