Mấy hôm nay, tòa Bạch Cung và Quốc Hội Mỹ nóng như sôi khi thảo luận về việc chấp thuận cho khoan mỏ dầu ở Alaska, với công suất khoảng 180,000 thùng/ngày. Dự án khổng lồ này nằm ở phía bắc Alaska, dự định sẽ khai thác 600 triệu thùng dầu trong vòng 30 năm.

Các cuộc biểu tình của các nhà bảo vệ môi trường nổ ra, một số người cho rằng ông Biden đã “phản bội” họ nếu chấp thuận dự án này. Đây là một quyết định khó khăn, khi giá dầu bắt đầu nhích lên không có dấu hiệu dừng lại, nhất là chuẩn bị vào mùa nắng ấm, nhu cầu du lịch sẽ tăng lên. Trong khi đó, Trung Cộng đang “làm thân” với Ả Rập Saudi và Iran, những quốc gia có trữ lượng dầu cao nhất thế giới. Sự rù rì của Trung Quốc sẽ gây bất lợi lớn cho Mỹ về thỏa thuận cung cấp dầu từ Ả Rập Saudi trong tương lai.
Thượng nghị sĩ Alaska, ông Dan Sullivan, cho rằng “….Dự án (khai thác dầu) này rất quan trọng đối với kinh tế của tiểu bang Alaska, đồng thời cần thiết cho Mỹ để bảo đảm an ninh năng lượng.”

Nước Mỹ hiện là quốc gia sản xuất dầu nhiều nhất thế giới với sản lượng khoảng 15 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên vẫn không đủ, phải nhập thêm khoảng 8 triệu thùng/ngày. Con số này phụ thuộc vào các quốc gia xuất cảng dầu như: Canada (51%); Mexico (8%); Nga (8%); Saudi Arabia (5%); Colombia (2%).
Saudi Arabia có trữ lượng dầu khổng lồ, 250 tỉ thùng, đứng thứ nhì sau nhà vô địch là Venezulia, có trữ lượng 300 tỉ thùng. Nhưng Trung Quốc đang ve vãn Ả Rập Sauidi, hiện nay cũng là khách hàng lớn nhất của Ả Rập Saudi, với mức nhập gần 2 triệu thùng/ngày, trong khi Mỹ chỉ “khều” được khoảng nửa triệu thùng/ngày.

Những nhà bảo vệ môi trường phản đối các dự án khoan dầu ở Mỹ (ảnh: (Jemal Countess/Getty Images for Sunrise AU) 

Thượng Nghị Sĩ Dan Sullivan (Alaska) ủng hộ việc khoan dầu ở Alaska (ảnh: Al Drago-Pool/Getty Images)

Hạnh Dung (tổng hợp)