Đã bước sang tuần thứ ba chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục bị đóng cửa một phần và tạm thời (government shutdown) vì không được Quốc Hội chuẩn thuận ngân sách để tiếp tục duy trì các hoạt động, sau khi các nhà lập pháp và hành pháp không tìm được giải pháp chung trong những chính sách quốc gia. Dù không phải lần đầu tiên chính phủ Mỹ bị đóng cửa và vì lý do gì hay trách nhiệm thuộc về ai, điều này xem ra không phải là giải pháp tốt nhất cho nước Mỹ. Để cung cấp thêm thông tin cho quý độc giả trước câu chuyện thời sự, chuyên mục mời các bạn cùng quay lại đề tài đóng cửa chính phủ là như thế nào và ảnh hưởng đến người dân ra sao qua bài viết của Nguyễn Kim Du-Hạ.

dong-cua-chinh-phu1

nguồn ABC News

Tại Hoa Kỳ, việc chính phủ liên bang ngừng hoạt động thường xảy ra khi Quốc Hội không thông qua và/hoặc Tổng Thống không ký khoản tài trợ cho các hoạt động của chính phủ bằng ngân sách quốc gia. Bởi vì phần lớn chính phủ liên bang hoạt động là từ ngân sách quốc gia do Quốc Hội quyết định.

Lần này, chính phủ liên bang Hoa Kỳ lại bị tạm thời ngưng hoạt động một phần (partial shutdown) bắt đầu vào lúc rạng sáng (giờ miền Ðông Hoa Kỳ – EST) ngày 22 tháng 12 năm 2018. Ðây là lần chính phủ liên bang tạm thời ngưng hoạt động lần thứ ba trong năm 2018. Lần đầu tiên là vào ngày 20 tháng 1, 2018. Ðây cũng là lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua mà chính phủ liên bang đã tạm thời ngưng hoạt động ba lần trong một năm như vậy. Lần đầu tiên xảy ra tương tự là vào năm 1977, khi Tổng Thống Carter đã khiến chính phủ liên bang tạm thời ngưng hoạt động ba lần trong ba tháng liên tiếp. Ðây sẽ là lần đầu tiên việc chính phủ liên bang ngưng hoạt động kéo dài hai nhiệm kỳ Quốc Hội. Bởi vì nhiệm kỳ mới của Quốc Hội khóa 116 sẽ bắt đầu vào ngày 3 tháng 1, 2019. Nếu điều này xảy ra thì đây cũng là lần đầu tiên có việc Quốc Hội Hoa Kỳ chuyển giao quyền lực trong lúc chính phủ liên bang vẫn đang còn ngưng hoạt động.

Việc chính phủ liên bang Hoa Kỳ ngưng hoạt động một phần bắt đầu ngay sau khi các nhà lập pháp của Quốc Hội Hoa Kỳ và Tổng Thống Donald Trump đã không đạt được thỏa thuận về việc tài trợ cho việc xây bức tường biên giới Mỹ – Mễ Tây Cơ do Tổng Thống yêu cầu. Tổng Thống Trump khẳng định rằng ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận nào khác nếu như Quốc Hội không thông qua khoản tài trợ từ ngân sách quốc gia có trị giá 2.5 tỉ đô la cho bức tường biên giới mà ông đã hứa với cử tri từ khi ra tranh cử chức vị Tổng Thống. Thoạt đầu, Tổng Thống Trump yêu cầu 5.6 tỉ cho việc xây bức tường biên giới, nhưng Quốc Hội chỉ chấp thuận khoảng hơn một tỷ thôi. Do đó, hiện nay, khoảng một phần tư chính phủ liên bang phải tạm thời ngưng hoạt động một thời gian cho đến khi có sự thỏa thuận giữa đôi bên Quốc Hội và Tổng Thống.

Ðây không phải là lần đầu tiên có chuyện chính phủ liên bang tạm thời ngưng hoạt động kiểu này. Trong lịch sử Hoa Kỳ thì chính phủ liên bang đã từng lâm vào tình trạng phải tạm thời ngưng hoạt động nhiều lần, và thường xảy ra khi bên Hành Pháp và Lập Pháp không cùng một đảng, khó mang đến sự thỏa thuận dễ dàng.  Ngoại trừ hai lần chính phủ liên bang tạm thời ngưng hoạt động trong năm 2018 thì lần trước đó là vào đầu tháng 10 năm 2013 (chính phủ ngưng hoạt động 16 ngày). Vào năm 1995-1996 thì chính phủ liên bang tạm thời ngưng hoạt động lâu nhất (tháng 11 năm 1995: chính phủ tạm thời ngưng hoạt động 5 ngày và từ giữa tháng 12 năm 1995 đến đầu năm 1996: chính phủ tạm thời ngưng hoạt động 21 ngày). Ngoài ra còn có những lần khác chính phủ liên bang cũng lâm vào tình trạng tạm thời ngưng hoạt động như vào tháng 10 năm 1990 (đóng cửa 3 ngày), tháng 10 năm 1986, tháng 10 năm 1984, tháng 11 năm 1981, tháng 5 năm 1980, v.v… Lần này, không biết chính phủ liên bang sẽ bị đóng cửa bao lâu, nhưng trước hết thì hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ liên bang sẽ bị tạm thời nghỉ việc (furloughed) cho đến khi chính quyền liên bang mở cửa làm việc trở lại. Cũng hy vọng là chính phủ liên bang sẽ mở cửa làm việc trở lại trong thời gian rất sớm khi cả hai Ðảng Cộng Hòa và Dân Chủ có được sự thỏa thuận hay nhượng bộ lẫn nhau trong vấn đề ngân sách quốc gia hoặc các đạo luật cần thông qua.

Những lần trước, khi chính phủ liên bang Hoa Kỳ tạm thời ngưng hoạt động thì các công viên quốc gia, kể cả các Viện Bảo Tàng trực thuộc Smithsonian tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn cũng phải đóng cửa. Tuy nhiên, lần này, vì chính phủ liên bang đóng cửa ngay vào dịp cuối tuần nên chính quyền Trump đã ra tuyên bố là các dịch vụ công viên quốc gia (National Park Services) vẫn mở cửa, mặc dù nhân viên đã được cho tạm thời nghỉ việc và một số công viên vẫn có thể bị đóng cửa vì thiếu nhân sự. Dự đoán rằng khoảng một phần ba trong số 417 công viên quốc gia sẽ bị đóng cửa hoàn toàn, bao gồm luôn cả các khu di tích lịch sử và văn hóa ví dụ như Tượng Nữ Thần Tự Do (ở thành phố New York) hay Liberty Bell (ở Philadelphia, Pennsylvania). Thế nhưng, các di tích quốc gia (National monuments) ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn vẫn mở cửa như thường lệ. Khoảng 700 nhân viên bảo vệ hay nhân viên chăm sóc và nuôi thú tại các Sở Thú Quốc Gia thì vẫn đi làm như thường. Khi các công viên quốc gia đóng cửa thì chỉ còn hơn 3,000 nhân viên (bao gồm những người đảm trách dịch vụ cứu hỏa, khẩn cấp, v.v..) tiếp tục làm việc mà thôi. Một số dịch vụ của chính phủ cũng sẽ bị đóng cửa hoặc ngưng hoạt động. Tuy nhiên, các dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua luật để tiếp tục trả lương cho những quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ.

Cũng vì chính phủ liên bang Hoa Kỳ đóng cửa nên một số nhân viên thuộc Toà Bạch Ốc và Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ bị buộc phải nghỉ việc. Bộ Ngoại Giao cũng sẽ phải cho một số nhân viên tạm thời nghỉ việc nếu như chính phủ không mở cửa làm việc sớm. Lần này, ngoài các nhân viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ không bị cho nghỉ việc vì ngân sách của họ đã được phê duyệt trước thì còn có thêm 5 bộ khác cũng vậy. Những công việc liên quan đến an ninh quốc gia của Bộ Nội An như tuần tra biên giới, kiểm tra hải quan, nhân viên điều hành không lưu, lực lượng tuần duyên, mật vụ, v.v.. thuộc diện miễn trừ nên vẫn làm việc như thường. Cơ quan Di Trú và Quốc Tịch Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục làm việc để tiếp nhận những hồ sơ xin thẻ xanh hay vào quốc tịch Hoa Kỳ.

Khi chính phủ liên bang Hoa Kỳ đóng cửa thì hầu hết các nhân viên của Trung Tâm Không Gian Hoa Kỳ (NASA) sẽ phải nghỉ việc – duy chỉ có Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS) thì vẫn được duy trì hoạt động. Những dịch vụ về bưu chính vẫn sẽ hoạt động bình thường vì bưu điện không nhận ngân sách quốc gia mà có nguồn tài chánh độc lập từ bưu chính.

dong-cua-chinh-phu

Các thùng rác công cộng cạnh Đài tưởng niệm Washington trên National Mall. ERIC BARADAT / AGENCE FRANCE-PRESSE

Các cơ quan, ban ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bộ Canh Nông (Agriculture), Bộ Thương Mại (Commerce), Bộ Tư Pháp (Justice), Bộ Nội An (Homeland Security), Bộ Nội Vụ (Interior), Bộ Giao Thông Vận Tải (Transportation), Ngân Khố (Treasury), và Bộ Phát Triển Nhà và Ðô Thị (Housing and Urban Development). Tuy nhiên, các nhân viên của Bộ Tư Pháp, bao gồm các nhân viên của Cục Ðiều Tra Liên Bang FBI, Cục Chống Ma Túy,  nhân viên làm việc trong các nhà tù, v.v… sẽ vẫn đi làm. Các trung tâm dịch vụ của Tiểu Bang và địa phương do Bộ Canh Nông điều hành sẽ đóng cửa, điều đó có nghĩa là không có nhân viên nào sẵn sàng trả lời các thắc mắc hoặc hỗ trợ các nông dân ghi danh cho các chương trình mới theo Dự Luật Nông Trại (Farm Bill) vừa mới được Quốc Hội phê chuẩn. Hơn 30 triệu doanh nghiệp nhỏ sẽ không truy cập được các khoản vay do liên bang hỗ trợ vì SBA (Small Business Administration) đã ngưng các khoản vay đó khi chính phủ liên bang tạm thời ngưng hoạt động. Những công dân Hoa Kỳ nào đang tìm mua một ngôi nhà mới hoặc xin tái cấp vốn một khoản thế chấp được bảo đảm bởi Cơ Quan Quản Lý Nhà Cửa Liên Bang (Federal House Administration) sẽ phải chờ đợi cho đến khi nào chính phủ mở cửa trở lại mới hy vọng được chấp thuận. Những việc tranh tụng dân sự (civil litigation), chi trả cho các nạn nhân và cả việc huấn huyện cho các nhân viên thực thi pháp luật của tiểu bang lẫn địa phương cũng sẽ phải tạm dừng lại trong thời gian chính phủ liên bang ngưng hoạt động.

Không như những lần chính phủ liên bang đóng cửa trước đây, lần này, chính quyền địa phương ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn vẫn tiếp tục hoạt động và làm việc như thường lệ vì năm 2017 đã có một Ðạo Luật được thông qua về việc này. Thời gian chính phủ ngưng hoạt động càng lâu thì dĩ nhiên thiệt hại càng lớn. Theo như bên Văn Phòng Quản Trị và Ngân Sách (Office of Management and Budget) ước tính chi phí của lần chính phủ ngưng hoạt động hồi năm 2013 là hơn 6.6 tỷ đô la.

Mặc dù một số nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang phải nghỉ việc trong thời gian này, nhưng khoảng hơn 420,000 nhân viên liên bang cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân vẫn sẽ phải tiếp tục làm việc mà không được trả lương. Trong đó bao gồm khoảng 41,000 nhân viên thuộc Bộ Nội An như tuần tra biên giới, kiểm tra hải quan, nhân viên điều hành không lưu, lực lượng tuần duyên, mật vụ,…. chẳng hạn.

Một số người đang nhận các quyền lợi của bên Bộ An Sinh Xã Hội (Social Security) lo lắng vì không biết có tiếp tục được nhận check hay không. Ðiều này thì yên tâm. Cho dù chính phủ liên bang tạm thời ngưng hoạt động, nhưng các tấm check social security vẫn được gửi ra như bình thường, kể các các dịch vụ về Medicare, v.v… Tuy chính phủ liên bang đóng cửa, nhưng lương của các thành viên Quốc Hội vẫn lãnh đủ. Cho đến đầu tuần này, Quốc Hội và Tổng Thống Trump vẫn chưa có sự thoả thuận nào dẫn đến việc mở cửa chính phủ liên bang trở lại cả. Vậy thì cùng chờ xem, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp.

DH