Tôi nhớ như in mỗi lần theo ngoại đi chợ. Nói “xa xưa” vì trong ký ức tôi bây giờ nó “xa” lắm rồi, dù gì cũng đã ngót hơn 47 năm, một khoảng thời gian dài đủ để cho một người bước qua “bên kia sườn dốc cuộc đời” và đang trên đà tuột xuống “sườn dốc” đó. Nói “xa xưa” vì tầm 45 tuổi trở xuống bây giờ có mấy ai được sống giữa không khí chợ búa thanh bình, chân chất thời ấy nữa. Mà nói “gần” thì nó cũng thật là “gần” khi thỉnh thoảng bạn có thể nằm mơ nghe văng vẳng tiếng lao xao, tiếng mời chào của những người bán hàng ở chợ trong bối cảnh vừa thật vừa hư như chuyện liêu trai. Đúng như hoàn cảnh được cụ Tú Xương mô tả: “Đêm nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình cứ tưởng tiếng ai gọi đò.”

Bảo Huân 

Dân miền Tây Nam kỳ bán trái cây theo đơn vị tính là chục. Thông thường, một chục nghĩa là 10 nhưng chục của người miền Tây, Nam kỳ là “chục có đầu,” tức mỗi chục có 12, 14, 16, hoặc 18 trái (cao nhứt) số chẵn cho hên chớ không dùng chục số lẻ. Mỗi tỉnh lại có cách tính “chục” khác nhau. Xứ miệt vườn chuyên trồng trái cây dùng “chục” 16 hoặc 18. Miệt thứ (hạng hai, vùng đất mới khai hoang, còn hoang sơ, khắc nghiệt chỉ trồng lúa và đi biển) thì trái cây quý giá hơn nhưng vẫn xài chục 12 hoặc 14. Ngoại tôi đi chợ. Ngay từ xa đã nghe tiếng bà bán hàng rao “Xoài đây, xoài đây (hoặc cóc, ổi, mận…) Một chục hai đồng đây.”

Vừa nhìn thấy ngoại tôi, bả “chớp” luôn: “Xoài đi bà bác. Xoài con trái bự ngọt mà rẻ nè bác.” Lại quay qua bên kia: “Lựa xoài đi ngoại. Ăn thử hông con gọt cho ngoại ăn thử.” Ngoại tôi hỏi: “Chục bao nhiêu trái vậy cô?” “Dạ, 14 trái đó bác.” Vừa rao, vừa trả lời ngoại tôi, bà bán xoài vừa mời những khách đi chợ khác, miệng luôn phát âm thanh liên tục. Sau này, tôi có thời gian ngắn theo người dì ra chợ bán trái cây. Tôi để ý khi nào chợ vắng ngắt không người qua lại thì người bán hàng mới nghỉ “làm việc miệng,” vừa có bóng khách hàng xuất hiện lập tức khắp nơi âm thanh rao hàng vang lên giòn giã, rộn rã từ đầu tới cuối chợ. Có lẽ vì vậy mà dân quê tôi nói lấy vợ bạn hàng “Miệng bằng tay, tay bằng miệng, không sợ đói.” Nên nơi nào ồn ào nhứt người ta gọi là “cái chợ.”

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Chợ bán gà vịt còn sống và con vịt thì nó kêu cạp cạp luôn miệng nên “Hai người đàn bà với một con vịt họp lại thành cái chợ.” Trong lớp học, mỗi lần mấy dãy bàn cuối nói chuyện ồn ào, giáo viên lại nhắc: “Cái xóm nhà lá dưới đó ngưng nhóm chợ đi, quay lên bảng nghe giảng nè.” Người bán có quyền “nói thách” (giá cao hơn giá thực) người mua có quyền “trả giá” (hạ giá bán) “Hơn thua ở đồng nài” khi trả giá, ngã giá xong rồi thì mua, không lừa nhau. Người Việt gốc Hoa miền Nam từ xưa cũng nổi tiếng giàu có nhờ nghề buôn bán với nguyên tắc “Lấy chữ Tín làm đầu.”

Ðó là chuyện chợ búa miền Nam ngày xưa. Thời đại văn minh xứ Mỹ đế, buôn bán không cần đứng tại chỗ rao hàng, thậm chí không cần có người đứng bán hàng, cứ gắn cho cái bảng giá để đó, khách muốn mua cứ việc cầm món hàng lên săm soi, đọc phần chữ mô tả món hàng, ai mua tự lấy bỏ vô giỏ ra ngoài trả tiền, khách hàng dùng máy tự tính tiền luôn. Mua xong về nhà tháo ra xài mà không vừa ý thì gói lại cho vô thùng đem ra tiệm trả sẽ được hoàn đủ tiền miễn là bạn còn giữ tờ hóa đơn (receipt) chứng minh bạn đã mua hàng của họ, không ai buồn hỏi bạn một câu “Tại sao ông/bà trả món hàng này?”

Một ông quen với tôi sống tại Little Sài Gòn kể rằng chiếc xe ổng bị hư bộ phận gì đó (tôi quên rồi) mà đem cho tiệm sửa xe sửa thì tiền công thợ quá mắc. Ổng bèn vô một tiệm Mỹ chuyên bán dụng cụ sửa xe, định mua nhưng thấy giá bán (dụng cụ) cũng mắc luôn, đang đứng chần chừ suy nghĩ “Không lẽ mình bỏ ra số tiền lớn mua cái (dụng cụ) này về chỉ dùng có một lần thì lãng phí quá.” thì người đàn ông bán hàng chừng như hiểu ông bạn tôi muốn gì, người bán hàng kêu ông bạn tôi cứ mua đem về xài, xài xong mai mốt trả lại vẫn OK.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ông bạn mừng húm, lấy cái dụng cụ xong về gặp ai cũng khen tiệm đó nức nở và nói “Mai mốt cần mua gì tui nhứt định phải mua ở đó.” Tất nhiên bạn bè ổng cũng “Wow” lên và nói “Tui cũng vậy.” Rõ ràng, tiệm kia cho khách mượn dụng cụ sửa xe, không thiệt hại gì nhưng đã kéo được một mớ đáng kể người tiêu dùng trở thành “khách hàng ruột” của mình, không thu lợi trước mắt nhưng lợi về sau thì “đếm không xuể.”

Thực tế vẫn có những khách hàng lợi dụng nguyên tắc “cho trả hàng” của tiệm Mỹ để “xài chùa” món hàng một vài lần, người Mỹ cũng biết tỏng tòng tong như vậy nhưng số khách “chỉ muốn xài chùa” không nhiều mà đa số vẫn mua bán sòng phẳng. Người Mỹ nhắm vào lượng khách đa số và biến họ trở thành khách hàng quen. Ngay cả số khách “thích xài chùa” thì tiệm buôn vẫn gây thiện cảm với họ, khi họ muốn mua một hàng nào đó họ sẽ nghĩ ngay đến tiệm họ có thiện cảm và tin tưởng nhứt.

Nguyên tắc bán hàng ở miền Nam ngày xưa và hiện nay (tôi nhìn thấy của người Mỹ) là “Ðặt mình vào địa vị khách hàng,” không cần cái lợi nhỏ trước mắt, nhắm tới cái lợi lớn ở tương lai.

Thứ Bảy tuần rồi, tôi đi Hội chợ Hoa Xuân Phước Lộc Thọ- Little Sài Gòn (đường Bolsa, quận Cam.) Tình cờ, tôi gặp một chị là người quen của tôi chào tôi. Thì ra chị đang đứng bán cho shop trái cây Việt Nam. Chị đon đả giới thiệu khi tôi hỏi trái cây nhập của nước nào, giá bán bao nhiêu? Bỗng dưng nghe có giọng cáu gắt từ bên trong shop vọng ra gọi chị “Lo bày hàng ra đi.” làm chị này đang nói vội ngưng lại và bỏ đi liền không kịp từ giã tôi luôn.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Tôi giựt mình nhìn vô, thấy ngồi bên trong shop đàng sau quầy là một bà đứng tuổi mập mạp, mặt sầm sầm nhìn tôi. Hóa ra chị quen với tôi làm công cho bà này chớ sạp trái cây không phải của chị. Thái độ bà chủ như muốn nói: “Mua thì mua ngay. Không mua thì biến đi chỗ khác, hỏi nhiều quá.”

Nhìn bà chủ shop trái cây tôi liên tưởng tới các bà mậu dịch viên thời bao cấp ở Việt Nam và hết muốn mua trái cây của bà cho dù nhìn nó ngon mắt đến cỡ nào đi nữa. Chợ chiều, hàng trái cây đã bày biện đầy đủ từ sớm rồi. Tôi đi một vòng rồi quay trở lại coi shop có bày thêm gì mới không thì thấy quang cảnh vẫn y như lúc nãy. Thì ra bà chủ shop không muốn nhân viên nói chuyện gì khác với khách trừ cân hàng và thu tiền bán. Tôi chỉ hỏi một cách chung chung xã giao rằng trái cây nước nào chớ tôi đâu có hỏi nhập hàng từ công ty nào, từ nhà vườn nào đâu mà sợ tôi “giành mối”? Hàng hóa trong khu chợ hoa xưa nay nổi tiếng có “truyền thống” bán giá “máy chém” mà còn thêm kiểu “Bỏ tiền ra mua mà như đi xin” thì mấy ai dám mua để rước thêm sự bực mình?

Người Việt bán hàng thường mắc một lỗi nặng là “Không đặt mình vào địa vị khách hàng,” và “Khách hàng đứa nào cũng xấu.” Họ chỉ muốn bán cho nhanh cái mà họ có, thu tiền và “Mua hàng rồi miễn trả lại,” “Mày coi mà không mua thì tao đốt phong long.” Bao giờ thì người Việt chịu thay đổi cách làm như người Mỹ?

TPT