ngay-nhat-gio6

Gánh hàng hoa một thời, bây giờ thì hiện đại hơn bằng những giỏ xe bông trên đường phố.

Hà Nội dĩ nhiên không mang đến những sắc Thu vàng quyến rũ của Levitan hay rợp lá phong đỏ ở Bắc Mỹ nhưng cũng làm những ly cà phê trở nên đậm đà hơn trong tiết trời se se lạnh. Thiếu nữ với áo dài rực màu Thu bên chiếc xe đạp cũ kỹ chở đầy hoa kia tạo thành một tương phản rất Hà Nội. Tôi cũng thường mua bông ở những xe hàng hoa này về cắm trong chiếc bình men lam Bát Tràng cũ.

Gió vẫn mang vị lạt, với tôi, người lưu trú từ nửa vòng trái đất thật khó để tìm ra cái  cảm giác “ Thu man mác” đúng chất Kẻ Chợ!

ngay-nhat-gio5

Đồng hồ, đồng hồ, và đồng hồ. Bất luận là gì Poljot hay Vostok và cả đồng hồ Thụy Sĩ, thì đều sửa láng! Tiệm antique store, chuyên bán đồng hồ và đèn cổ, nơi tôi đã tậu một cái đèn bàn ăn của Đức và chiếc đèn tường từ Ý. Antique trong cái không gian Việt Nam, ở đây, có thể tìm thấy những tủ hộc cũ kỹ đen sì  bằng gỗ lim, tay kéo sắt từ thời Pháp cho đến những chiếc đèn được “đánh” bằng công ten nơ từ Đức gửi về. Máy ảnh cũ được mua từ flea market ở Mỹ, Đức, Tiệp đánh về; dân chơi Sài Gòn, Hà Nội rất chuộng!

Kim ngắn, kim dài, bánh xe, quả lắc… những chiếc đồng hồ cơ, cũ, cổ xen lẫn kim vàng hiện đại. Ông thợ sửa đồng hồ nhìn cool với cặp kính lúp xưa mỏng mảnh. Cái nghề từ thập niên 30 ở mỗi góc phố đều có một tiệm sửa đồng hồ. Hà Nội ngày xưa dễ tìm hàng sửa đồng hồ hơn giờ đây tìm hàng vàng.

Vẫn còn những tiệm sửa đồng hồ lên dây cót…, dù cực hiếm hoi nhưng chưa tới mức tuyệt chủng!

ngay-nhat-gio4

Đã gọi là cổ thì không chỉ cổ với Tây mà là cổ với Ta. Hút thuốc lào là phải ngồi xếp bằng trên sập gụ, có sẵn khay trà bằng gỗ trắc quý, hút bằng điếu ống được khảm ốc. Cái thú chơi gọi là quý tộc thượng lưu của các vị hương mục trong làng xã.

Cạnh nhà tôi là một anh cựu quân nhân chiến tranh biên giới, cứ khi trời chớm nắng hay ngả nắng là lọc xọc rít điếu cày. Cái ban công nhà bên lập lòe điếu đóm liền sau là tiếng rít thuốc lào sảng khoái vọng sang. Thực thì chỉ ngoài Bắc mới thấy quán nước chè nào cũng có ống điếu cày bên cạnh, một bi thuốc lào vào là đủ phê tỉnh người. Điếu thì có: điếu cày, điếu bát và điếu ống. Giới ghiền thuốc lào bình dân cũng chỉ thường chơi điếu cày bằng tre, chứ hiếm ai dùng điếu bát hay điếu ống khảm ốc xà cừ.

ngay-nhat-gio3

Hình chú gà tre Tân Châu tốt mã từ An Giang xa xôi  bị buộc chân vào cái chuồng gà tiểu cảnh.

Vừa sớm đã dị ứng bởi hình ảnh một đại bàng con cụp cánh bị bó co ro trong yếm xe, đôi mắt sáng quắc của nó thật khao khát tự do. Ngôi nhà tôi ở nơi phố Cổ, sáng sáng vẫn lảnh lót những giọng hót của chào mào, vành khuyên và cả cu gáy rù rì qua khung cửa. Mấy con chào mào từ đâu bay đậu trên lớp ngói cũ, tôi gú gồ tìm cái “bird feeder” để treo cạnh chậu Phù dung ngoài ban công. Thực là nhọc công hơn cả săn lùng đồ cổ!

ngay-nhat-gio2

Bà Cả Thép, bán hàng từ 10 rưỡi sáng mỗi ngày, cứ cọc cạch cái xe đạp Phượng Hoàng từ thời cổ đại, chiếc cân đòn đã hoen rỉ mà vẫn còn dùng được. Hà Nội chỉ còn duy nhất bà Cả Thép bán cơm nắm góc đường Hàng Bún, Nguyễn Khắc Nhu này thôi trong khu phố Cổ. Chuẩn bị từ 5 giờ sáng, 80 phần cơm nắm cộng thêm với xôi nắm. Dạo xưa bà còn bán đến chập tối, chỉ chờ khi cái tiếng rao “Kết quả đê …” của tụi trẻ con bán kết quả thông báo từ “Công ty xổ số kiến thiết thủ đô” ở Tăng Bạt Hổ, bà mới dọn hàng. Cái thời bà còn trẻ, cứ quá 5 giờ là mua tờ kết quả được rao dạo để  xem con số bao nhiêu mà cầu mong đổi vận. Vận nào chẳng thấy, nhưng đến ngày này thì bà vẫn đạp cái xe cà tàng mỗi ngày đến góc đường này, 2 thúng cơm nắm, cái làn đựng nước; còn mấy cái ghế nhựa con con thì đã có xe ôm chở hộ.

Đời vẫn vui những nhịp lá đổ muôn chiều. Chỉ là bà già hơn, bức tường vàng ngả màu vàng hơn, Tây qua lại đông hơn và phố phường nhiều thêm chật hẹp.

ngay-nhat-gio

“Mọt sách” hay Bookworm là một cái tiệm sách không phải dễ tìm, nó chẳng chình ình nơi mặt phố, chẳng biển hiệu với ánh đèn lóe mắt. Từ phố cổ, phải qua con chợ Châu Long mà lên mạn bắc để vào một con ngõ sâu chỉ đủ một người lách. Không gian bên trong là khoảng sân nho nhỏ đầy những  rêu phong bám loang lổ tường.

Bookworm đã đến sinh nhật 17 tuổi. Đây là một trong số những nhà sách tư nhân ít ỏi cung cấp sách ngoại văn. Và cũng thật hứng thú với những đầu sách ở đây theo cách nào đó mà lại về nằm ở chốn này. Sách ngoại văn không thể đến trực tiếp Việt Nam. McGraw Hill, Freedom House, Pearson… chẳng có cửa mà xuất bản sách trực tiếp sang Việt Nam. Chỉ có “những đơn vị giáo dục” được ủy quyền nhập một số nguồn sách ngoại văn ít ỏi. Sách ở Bookworm chủ yếu là do những người nước ngoài mang đến đây bán lại, có khi cũng có cả những đầu sách được nhập về chính thống. Độc giả đa số là người ngoại quốc, một số ít là giới trẻ Việt.

Tác giả trong không gian tiệm Mọt sách. Thu rồi mà vẫn “bung lụa” với áo cánh!

ngay-nhat-gio1

Giới trẻ hiện đại vốn hay bị nhìn nhận là thế hệ bông tuyết “snowflake”, và ở Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng này. Sinh sau chiến tranh, sinh sau cả thời kỳ bao cấp đói khổ, đó là một thế hệ được chiều chuộng và được bố mẹ, ông bà cưng nựng, được coi là “tinh hoa” từ ngay trong gia đình.

Đấy là điều tôi thấy, một xã hội trong lồng xã hội, nơi con người cần được bơm những liều doping sản sinh ra Dopamine từ tương tác xã hội. Trào lưu nhảy việc, xu thế đòi hỏi cá nhân phải có dấu ấn ngay lập tức trong xã hội. Trùng hợp thay, nó lại đi cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội Facebook, Instagram sinh ra những thỏa mãn tức thời từ những cái Like. Một xã hội đòi hỏi những khoảnh khắc, những biến cố có tính câu view, có tính gây ấn tượng đặc biệt bằng sự tương tác thị giác.

Trong hình, một cậu nhỏ mặc áo in nguyên câu quote của ca sĩ John Mayer. Tạm dịch, “Ngày nào đó, mọi điều tréo ngoe sẽ tự được giải thích ổn thỏa. Tốt nhất là bây giờ, hãy cười vào những khúc mắc, thầm gạt nước mắt vượt nỗi đau, hãy mạnh mẽ và nhắc bản thân là mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân của nó.”