Hồi mới ra trường, tôi có một thời gian ngắn làm việc trong một xưởng cơ khí ở quận 6, ngày trong tuần đi – về qua chợ Bình Tây. Khi ấy, tôi ngụ nhà dì ở đường Lam Sơn, gần hồ bơi Chi Lăng (Phú Nhuận). Chiều tan xưởng, tôi còn hai lớp dạy kèm nữa mới về nhà. Thời bao cấp, ăn không có nhiều chất dinh dưỡng thịt cá lại thêm tuổi thanh niên mau đói, để “cầm cự” đến tối kết thúc hai lớp học, tôi thường ghé chợ Bình Tây ăn lót bụng chén chè đậu trắng. Có một bà bán chè trước chợ xế chiều mới dọn ra, nhiều thứ chè nhưng tôi chỉ thích chè đậu trắng nước cốt dừa, rất ngon.
Bây giờ từ nhà tôi, chỉ lên một chuyến xe buýt và đi bộ khoảng vài trăm mét là đến chợ Bình Tây nhưng mấy chục năm rồi tôi mới trở lại dù ngang qua rất nhiều lần.
Theo ý tôi, chợ Bình Tây là một ngôi chợ cổ có kiến trúc khá độc đáo so với các chợ ở Sài Gòn, dễ thấy điều này khi đứng trên tầng lầu nhìn ra mái ngói chung quanh, khiến liên tưởng đến những bộ phim kiếm hiệp của Trung Hoa.
Theo Wikipedia, chợ Bình Tây (còn gọi là Chợ Lớn Mới) nằm trong khuôn viên rộng 25,000m², giữa 4 tuyến đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – Phan Văn Khỏe – Trần Bình. Chợ có mặt bằng hình chữ nhật, 12 cổng (gồm cả chính lẫn phụ)… Chợ này do một thương gia người Hoa là Quách Đàm (còn gọi là Thông Hiệp) bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1928 tặng cho chính quyền thành phố lúc bấy giờ, chợ khánh thành năm 1930. Đổi lại, ông Quách Đàm chỉ xin xây dựng thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ và đặt tượng mình giữa chợ khi mất. Phố và nhà lồng chợ do nhà thầu danh tiếng – Công ty Tàu Cuốc (Công ty Xáng) Đông Dương xây dựng. Chợ Bình Tây được xây dựng mang phong cách kiến trúc Á Đông nhưng ứng dụng những kỹ thuật hiện đại phương Tây đương thời và được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn.
Quách Đàm (1863 – 1927) là người Triều Châu, Trung Hoa, thuở nhỏ có cuộc sống cơ cực, nghèo khó. Ông khởi nghiệp bằng đôi quang gánh (mua ve chai). Quách Đàm vốn mồ côi, không nhà không cửa, phải sống lang thang đầu đường xó chợ. Ngày đi mua ve chai, tối về ngủ ở mái hiên nhà phố. Tuy sống cảnh đời tận cùng như vậy, nhưng ông vẫn nuôi chí làm giàu. Khi có ít vốn, ông mua đi bán lại các mặt hàng da trâu, vi cá và bong bóng cá. Thời đó, những mặt hàng này chủ yếu là đem bán ở nước ngoài. Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển: “Buổi trưa Đàm thường nghỉ lưng ở hàng ba phố trống, ghe phen bị một phu vác lúa làm khổ, móc túi Đàm lấy giấu giấy thuế thân để chẹt Đàm chuộc năm xu, một hào, mỗi bữa có đủ tiền uống trà giấc trưa. Như vậy mà Đàm không thù hiềm, khi đắc thời tìm cho được anh phu, ân cần mời về cho làm cặp rằng sếp bọn vác lúa… Đàm nhờ lanh trí, nhập giới thương mãi thấy việc mau lẹ hơn ai, nên làm giàu cấp tốc. Đàm hút nha phiến đêm ngày, đèn không tắt, giao thiệp lựa toàn quan to, thậm chí thống đốc Nam Kỳ Cognacq, làm cao không ai có, thế mà cũng hạ mình cầu thân với Đàm. Đàm mua đất vùng Bình Tây nguyên là đất ruộng, mua xong Đàm nghĩ ra một kế để biến đất ruộng trở nên đất thổ trạch châu thành. Đàm hy sinh một số vốn to tát, tự mình xuất tiền đúc một chợ ciment cốt sắt vĩ đại, nay vẫn còn đồ sộ và khéo léo, quen gọi chợ Quách Đàm (chợ Bình Tây). Đổi lại ơn kia, Đàm xin chánh phủ đặt tượng đồng của Đàm nơi cửa chánh môn. Tượng do Đàm xuất tiền đúc nắn, ăn vận triều phục Mãn Thanh, nón nhỏ, áo ngắn phủ trên một chiếc áo thụng, đầu để bín, tay cầm một bản đồ, dưới bệ đá trắng có mấy con giao long bằng đồng phun vòi nước bạc. Chợ xây rồi, chung quanh đó, Đàm dựng nhà lầu kiểu phố buôn bán và toa rập với chánh phủ Pháp định dời Chợ Lớn về đây, trước dẹp chợ cũ xấu xí, sau mở mang thành phố cho thêm tráng lệ. Không ngờ địa lợi chưa thuận, thêm dân cư thuở ấy không được đông đúc như bây giờ, vả lại các thương gia Huê kiều đã yên nơi yên chỗ cũng chưa muốn dời phố mới xa xuôi thêm hao tốn: Đàm thất bại một phần nhưng không lấy đó làm mối lo”. (1)
Theo các tài liệu, chợ Bình Tây bắt đầu xây dựng từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930. Như vậy, ông Quách Đàm mất trước khi chợ xây dựng xong.
Tồn tại đến nay gần trăm năm, chợ Bình Tây qua 3 lần tu sửa. Năm 1992, chợ Bình Tây được nâng cấp, sửa chữa toàn diện. Năm 2006, xây dựng 2 dãy phía đường Trần Bình và Lê Tấn Kế bằng khung sắt, mái tôn. Lần thứ 3 vào năm 2016, chợ tạm ngưng để sửa chữa trong 2 năm. Tháng 11 năm 2018, chợ Bình Tây hoạt động trở lại với hơn 1400 sạp đủ các mặt hàng phục vụ người dân ở cửa ngõ phía Tây thành phố và các tỉnh lân cận.
Vào từ lối cổng chính, sẽ thấy khu vực giữa chợ là khoảng trời. Một đài phun nước hình bát giác bằng đá cẩm thạch tại sân trung tâm của chợ có tượng bán thân của ông Quách Đàm, phía trước có lư hương cho bà con thắp nhang khấn vái. Tôi hỏi chuyện một người bán hàng, anh bảo rằng, ngày nào anh cũng thắp nhang cầu xin buôn may bán đắt, ở đây ai cũng tin ông Quách Đàm là “thần tài” phù hộ. Chính giữa đài bát giác nhô lên một bệ cao, trước đây đặt tượng ông Quách Đàm của nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp Dueuing.
Câu chuyện về tượng ông Quách Đàm có hành trình di dời lòng vòng. Bài trên báo Tuổi Trẻ ngày 01/7/2004 còn lưu Internet, tóm tắt:
“Khi chính quyền cách mạng vào tiếp quản thành phố, bức tượng bằng đồng tạc toàn thân ông Quách Đàm đã bị hạ xuống, đem cất trong Phòng Văn hóa thông tin Q.6, rồi từ năm 2003 được đem về để tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM”…
Gần đây, một số ý kiến của tiểu thương chợ Bình Tây vẫn cho rằng nên dựng lại bức tượng người sáng lập chợ ngay tại chợ…
Trong khi ý kiến mọi người chưa ngã ngũ và UBND TP chưa có ý kiến thì ngôi chợ Bình Tây vẫn vắng bóng bức tượng Quách Đàm!”
Suy từ bài viết này, tượng bán thân của Quách Đàm hiện nay ở chợ Bình Tây chỉ mới có những năm gần đây.
Là một trong những chợ bán sỉ lớn nhất của Sài Gòn, chợ Bình Tây không chỉ là nơi giao thương, buôn bán của người dân Sài Gòn mà với lối kiến trúc cổ xưa của Trung Quốc và lịch sử lâu năm nên chợ Bình Tây là một trong những điểm đến thăm thú hay mua sắm của khách du lịch. Nhiều người Việt ở nước ngoài cũng thích mua sắm ở đây mỗi khi về Việt Nam.
Điểm cộng đầu tiên khi bước vào là chợ tương đối sạch sẽ, tôi thấy có nhiều người ngồi bệt nghỉ chân ở các bậc cầu thang. Điểm cộng thứ hai là nhìn chung người bán vui vẻ, xởi lởi. Điều quan trọng nữa là chợ rất thông thoáng không bị cảnh nóng nực như đa phần thấy ở các chợ. Hàng hóa nhiều, muôn hình vạn trạng nhưng chia thành từng khu vực riêng như: ngành nón, vải sợi, túi xách, xi mạ… Tôi thích nhất là đi qua những hàng đồ khô ở chợ bên hông, đủ mùi thơm của hoa cỏ, rau, quả khô … nhè nhẹ khá dễ chịu.
Tôi lên lầu, nhìn giàn khung sườn mái nhà rất đẹp và vững chắc, những ô thông gió rất thoáng hợp lý, phải phục tài người thiết kế ngôi chợ này.
Bài và hình ĐTTT
(1) Cuốn “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển xuất bản lần đầu tiên năm 1960