Lăng vua Thiệu Trị, còn được gọi là Xương Lăng (Xương là tốt đẹp, Xương Lăng là lăng mộ của sự tốt lành), tọa lạc tại làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8 km. Là một lăng không được nhiều người chọn thăm, một điểm đến (hầu như) bị lãng quên. Tuy nhiên, lăng vua Thiệu Trị có nhiều nét đặc biệt riêng.

Là lăng duy nhất trong các công trình cung điện và lăng tẩm triều Nguyễn hướng về phía Tây Bắc. Lăng không có La Thành. Ví dụ như lăng Gia Long mượn yếu tố tự nhiên 42 ngọn núi làm La Thành bảo vệ (gọi là sơn chầu) thì lăng Thiệu Trị bao xung quanh là những cánh đồng lúa. Chuyện kể rằng, khi vua Tự Đức xây lăng cho cha mình là vua Thiệu Trị vốn là một người yêu thơ văn, thích khung cảnh thanh bình, thơ mộng không gò bó, bao bọc bởi công trình nhân tạo nào… nên vua Tự Đức chọn thế đất bình an, thư thái.  Lăng có sự dung hòa giao thoa giữa lăng Gia Long (hai trục lăng và tẩm khác nhau) và lăng Minh Mạng (giống gần như 90%).

Nhà Bia

Vua Thiệu Trị (16 tháng 6 năm 1807 – 4 tháng 11 năm 1847), tên húy là Nguyễn Phúc Dung, sau cải thành Nguyễn Phúc Miên Tông, là vị vua thứ ba của triều Nguyễn. Ông kế vị vua cha là Minh Mạng, trị vì từ năm 1841 đến khi qua đời, tổng cộng gần 7 năm, lấy niên hiệu là Thiệu Trị, có nghĩa là kế vị vua cha trị vì đất nước. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa. Khi ông được 13 ngày tuổi thì mẹ ông qua đời. Ông được bà nội là bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang vợ thứ hai của vua Gia Long (mẹ vua Minh Mạng) nuôi dạy đến khi trưởng thành.

Bài thơ Vũ Trung Sơn Thủy

Vua Thiệu Trị được sử sách mô tả là một hoàng đế thông minh, hiền hòa, tận tụy chăm lo việc nước, uyên bác Nho học, yêu thích thơ ca. Trong 7 năm trị vì ngắn ngủi, ông chỉ duy trì các chính sách hành chính, kinh tế, giáo dục, luật pháp, quân sự… từ thời Minh Mạng, không có cải cách nào nổi trội.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/03/2025)

Vua Thiệu Trị rất có hiếu, do sống với bà nội từ nhỏ nên ông dành nhiều tình cảm đặc biệt cho bà. Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vua Thiệu Trị cho xây thêm ở chùa Thiên Mụ một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi thành Phước Duyên), và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp và các bài thơ của nhà vua.

Khu tẩm trong lăng Thiệu Trị

Ông có thiên phú về thi ca, ông sáng tác 3200 bài thơ, một số hiện trưng bày ở điện Long An trong Đại Nội; đặc biệt “Vũ Trung Sơn Thủy” có thể xem là bài thơ liên hoàn độc đáo bậc nhất. Từ ngữ của bài thơ này được sắp trên một vòng tròn bát quái, gồm 56 chữ, nhưng có thể đọc thành 128 bài thơ khác nhau với đủ loại, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt.

Ông có 34 bà vợ. Người vợ đầu là Hoàng hậu Từ Dụ, tên là Phạm Thị Hằng quê ở Gò Công, Tiền Giang (khi còn sống bà chưa từng lên ngôi hoàng hậu nhưng lần lượt được tôn làm Hoàng thái hậu rồi Thái hoàng Thái hậu). Bà được biết đến với tôn hiệu là Từ Dụ Thái hậu. Danh hiệu của bà được đặt tên cho Bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn.

Bửu Thành lăng vua Thiệu Trị

Trong giai đoạn Thiệu Trị làm vua, ông cho đổi những địa danh có chữ Hoa thành Huê, Bông, hay Ba (kỵ húy tên mẹ ông là Hồ Thị Hoa). Ví dụ như: chợ Đông Hoa thành Đông Ba, Thanh Hoa thành Thanh Hóa, cầu Hoa thành cầu Bông (ở Sài Gòn), Khánh Hòa có địa danh Tu Hoa đổi thành Tu Bông…

Xem thêm:   Chợ nhỏ truyền thống ở Berlin

Ông là vị vua duy nhất không xây lăng cho mình lúc còn sống. Khi sắp mất, vua Thiệu Trị căn dặn người con sắp nối ngôi là vua Tự Đức rằng, chọn vùng đất cao ráo, gần kinh thành xây lăng, tiết kiệm công sức quân dân, tiền của, không xây dựng quá cầu kỳ, tẩm, lầu, gác không sơn son thếp vàng. Phải xây dựng một đường Toại Đạo (đưa quan tài vào Huyền Cung) giống như lăng Minh Mạng.

Lầu Đức Hinh giờ chỉ còn cái nền.

Sau khi vua Thiệu trị băng hà, thi hài của ông được quàn tại điện Long An cung Bảo Định 8 tháng. Vua Tự Đức khởi công xây dựng lăng mộ cho vua cha. Tháng 3.1848, xây xong Toại đạo mới đưa quan tài nhà vua vào huyệt mộ. Lăng được hoàn tất trong 10 tháng nhưng khá đồ sộ.

Qua cổng soát vé là trục đường chính có hai hàng cây cao, tỏa bóng mát, một ngã ba rẽ phải về tẩm điện, rẽ trái là khu lăng mộ.

Điện Biểu Đức (đã trùng tu)

Chúng tôi đi vào khu lăng mộ trước. Có thể thấy được yếu tố phong thủy của khu lăng: xa xa có núi Chằm (bên kia bờ sông Hương) làm thế tiền án, hậu chẩm có núi Kim Ngọc, tả long có núi Ngọc Trản, hữu hổ có đồi Vọng Cảnh. Sông Hương làm yếu tố minh đường. Có 3 hồ thông nhau chảy quanh lăng: hồ Nhuận Trạch, hồ Điện, hồ Ngưng Thúy.

Phía trước lăng là hồ Nhuận Trạch rồi đến Bình phong, tiếp đến là cổng Nghi môn đầu tiên, tương tự như lăng Minh Mạng, có 4 trụ đồng nguyên khối chạm trổ rồng mây gọi là Long Vân đồng trụ. Các công trình ở đây bị hư hại nhiều, cổng Nghi môn không còn pháp lam, họa tiết…

Sân chầu ở lăng Thiệu Trị

Qua sân chầu (bái đình) có hai hàng tượng đá quan văn, võ, voi, ngựa, 2 con nghê đứng chầu (giống như lăng Minh Mạng), đến Bi đình (nhà bia) có tấm bia “Thánh đức thần công” do vua Tự Đức lập cho vua cha. Một bài văn bia dài trên 2,500 chữ vua Tự Đức ca ngợi công đức của vua cha. Ở Bi đình, cột kèo còn nguyên bản không sơn son thếp vàng.

Xem thêm:   van Manen Anaïs Ca Dao

Các công trình lầu Đức Hinh, vườn hoa chỉ còn cái nền, gạch vụn lam nham. Tiếp đến là hai trụ biểu rồi cổng Nghi môn thứ hai có 3 cây cầu Chánh Trung, Đông Hòa, Tây Định trên hồ Ngưng Thúy (ngưng đọng lại vẻ đẹp trong xanh của nước). Qua cổng Nghi môn thứ ba là đến Bửu Thành hình vòng tròn. Cũng giống như lăng Minh Mạng, Bửu Thành chỉ mở cửa năm một lần vào ngày giỗ vua. Không ai biết chính xác thi hài của vua đặt ở đâu. Người ta kể rằng, khi chôn nhà vua có vàng, bạc châu báu, lụa là… sợ sẽ bị khai quật, trả thù, nên cần giữ bí mật, có thể thủ tiêu lính đưa quan tài vô Huyền Cung, có thể là bịt mắt quân lính lúc đưa thi hài vào Toại Đạo…

Di tích Lầu Đức Hinh và vườn hoa

Khu lăng chưa trùng tu nhiều nhưng khu tẩm đã được trùng tu. Bắt đầu từ bình phong, hồ Điện rồi đến Nghi môn (bằng đá cẩm thạch), rồi Hồng Trạch Môn (một dạng vọng lâu), Tả, Hữu Phối Điện, điện Biểu Đức (nơi thờ cúng bài vị của vua Thiệu Trị và hoàng hậu Từ Dụ), Tả Hữu Tùng Viện…

Bên trong điện Biểu Đức sau trùng tu được trang trí sơn son thếp vàng. Gạch lát mặt sàn sử dụng hai màu chủ đạo là vàng và xanh, kết hợp với các trụ cột màu đỏ và các hoa văn màu vàng.

Rừng thông phía sau lăng Thiệu Trị

Dạo một vòng quanh lăng Thiệu Trị mới thấy hết vẻ đẹp nhã nhặn, thanh thoát của nơi này. So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng: cánh đồng, con đường rợp bóng mát, tiếng thông reo vi vu… Ngắm nhìn di tích đổ nát cũng rất hay.

Trong quần thể lăng Thiệu Trị còn có lăng Hiếu Đông (mẹ vua – bà Hồ Thị Hoa) và Xương Thọ Lăng (vợ vua – bà Từ Dụ)… Và, có thể nhiều người không biết, phía sau lăng Thiệu Trị là khu rừng thông xanh mát, những con đường đất nhỏ rất đẹp, yên bình.

Cảnh lăng Thiệu Trị

Bài và hình ĐTTT