Những ngày tháng hạ, cây lá ở đây vẫn xanh biếc. Mây trắng lững lờ bay qua soi bóng xuống mặt hồ. Những mạch nước ngầm vẫn ngày đêm phun lên từ lòng đất mẹ, không biết những mạch nước ấy đã phun tự bao giờ, trước khi điền trang được lập thì nó đã có ở đó, sau khi điền trang mai một nó vẫn còn đây. Những vòi nước nho nhỏ nhưng trong vắt phun chưa ngừng nghỉ dù chỉ một giây, nước từ đây chảy thành một con lạch nhỏ và rồi tích tụ ở những cái hồ gần đấy. Nước từ đất mẹ phun lên, rồi chảy đi khắp nơi, lại bốc hơi bay lên với gió mây, cuối cùng lại mưa xuống và thấm vào lòng đất mẹ, cái vòng quay miên viễn bất tận này!

Nhà kho cổ   

Ðiền trang Huie ngày xưa nay gọi là Huie Reynolds Barn, nó vốn là đất đai tài sản của dòng họ Huie, rộng chừng một trăm năm mươi mẫu tây, có đủ đồi, rừng, đầm, hồ… tạo nên một quang cảnh thiên nhiên hoang dã vừa có nét núi rừng vừa pha cảnh đồng quê ở giữa lòng các thị trấn: Forest park, Morrow city, Lake city. Ðiền trang này có từ năm 1867, ngày xưa nó là nhà ở, nông trại sản xuất của họ nhà Huie.

Thời gian thay đổi, thế sự vần xoay, nhân gian biến dịch đến năm 1976 thì luật sư William Huie dời đi đến đất khác. Họ hiến toàn bộ đất đai tài sản lại cho quận Clayton để biến nó thành một công viên công cộng. Hơn một trăm năm mươi năm đã trôi qua, họ nhà Huie giờ không biết con cháu thế nào nữa, có những cây cổ thụ ở điền trang đã đổ nhưng có những con rùa lên tuổi cố còn sống đến hôm nay.

Huie Reynolds Barn thuở ấy rất thịnh vượng, thời của những điền trang nông sản và bông gòn. Trang trại Tara của họ nhà Scarlet trong ‘Cuốn theo chiều gió’ cũng gần đây, cách chừng mươi dặm. Thời ấy những điền trang ở thành Ất Lăng* nổi tiếng về bông gòn, bông gòn trồng khắp nơi và kết tập về cảng Savannah để chở về Anh quốc hay Âu Châu. Ngoài điền trang Tara của nhà Scarlet O’Hara, còn có những điền trang khác như: Ðiền trang Twelve Oaks của nhà John Wilkes, điền trang Mimosa của nhà Fontaine, điền trang Lovejoy của họ Munroe… Những điền trang nổi tiếng một thời, suy tàn dần sau cuộc Nội Chiến, sự huy hoàng của những điền trang đã cuốn theo chiều gió. Tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” đã nói lên tất cả, ngay cái tên của tác phẩm đã hàm chứa ý nghĩa của cuộc bể dâu, tất cả rồi cũng đều cuốn theo chiều gió. Những điền trang một thời thuở ấy cũng đều không xa mấy trung tâm thành Ất Lăng này! Huie Reynolds Barn ngày nay giống như một hệ sinh thái thâu gọn, có cảnh sắc núi đồi, đầm, hồ rất hài hòa, yên tĩnh và nên thơ.

Butterfly Garden

Hai mươi mốt năm trước, khi đến đây sinh sống, những ngày đầu tiên tôi đã đến với Huie Barn. Tôi thấy thích và kể từ đó đến nay, nơi này trở thành một nơi lý tưởng của tôi. Những con đường mòn quanh quất dưới rặng thông là nơi chạy bộ tuyệt vời, thỉnh thoảng gặp những con nai ngơ ngác nhìn mình từ trong bụi rậm, những con sếu cao lều khều trong đầm nước, những đàn rùa bám lúc nhúc trên thân cây thông đổ dập dềnh trong làn nước… cảnh vật ở đây trở thành một phần hồn tôi, hồn tôi đã hòa với cảnh vật. Tôi đã viết về một số địa danh khác ấy vậy mà chưa từng viết gì về Huie Barn, có đôi khi cũng có ý định viết chi đó nhưng cuộc sống đời thường quá nhiều đẩy đưa, những ý tưởng mới cứ lấn lướt nhấn chìm ý định ấy, vì vậy mà tháng ngày cứ lần lữa cho đến tận hôm nay.

Xem thêm:   Lăng Tự Đức

Tôi thường chạy bộ loanh quanh trên những con đường mòn ở Huie Barn. Tôi đã chạy như thế hai mốt năm rồi, ấy vậy mà hôm nay nảy sinh một cảm xúc lạ thường. Trên con đường mòn ven bờ suối, tôi gặp một mảng tường thấp xếp bằng đá vốn đã rất quen thuộc. Tôi dừng lại nghỉ thở một tí và bỗng dưng trong tôi nổi lên một sự rung động mãnh liệt, trong tâm lập tức liên tưởng đến hai câu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư:

“Tường thành cũ phiến bia xưa

Hồn dâu bể gọi trong cờ lau bay”

Cái hồn dâu bể sao mà tha thiết quá, sao mà bàng bạc như mây bay gió thoảng, nhưng lại cũng khốc liệt vô cùng. Hồn dâu bể hiện trên từng phiến đá rong rêu, thấp thoáng nét thời gian dãi dầu trên dãy nhà kho cổ xưa, tháng năm hoen rỉ hiện hữu trên những nông cụ của Huie Barn đã một thời thịnh vượng.

Đường mòn ở Huie Barn

Hồn dâu bể phất phơ những ngọn cờ lau đồng nội, những ngọn cờ lau xa xưa của điền trang giờ vẫn phơ phất, vậy mà tôi lại như mơ những ngọn cờ lau tập trận của Ðinh Bộ Lĩnh trong sử sách quốc gia. Hồn dâu bể gọi trên từng phiến đá, đường mòn, những tàn cây của điền trang. Chủ đất đã xa rồi nhưng đất vẫn còn đây, cây cỏ vẫn còn đây. Người xưa đã qua, người nay đang hiện diện trong phút giây này.

Xem thêm:   Ăn trộm tàu ngầm

Dâu bể là lẽ thường, vô thường đích thị là thường, dù biết thế nhưng hồn người không khỏi ngậm ngùi bâng khuâng. Ngày xưa, lần đầu đến Huế, tôi sờ tay lên tường thành mà rung động đến độ nổi cả da gà. Bao nhiêu cảm xúc trào dâng, lòng tưởng nhớ cảnh thiết triều, ngựa hí voi chầu, cảnh công thành đầy máu lửa giáo gươm, cảnh khải hoàn… Nay, nhìn thấy những phiến đá rong rêu mà dậy hồn dâu bể trong tôi.

Từ Huie Reynolds Barn lái xe chừng năm tiếng là đến được cảng Savannah. Ngày xưa cảng này chuyên xuất bông gòn đi Anh quốc và Châu Âu. Ngày nay con đường lát đá dọc bờ sông còn đó, trụ sở hãng tàu biển còn đây, trụ sở công ty bông gòn cũng trầm tư nhìn du khách náo nhiệt quanh đây, những lò kẹo thủ công vẫn tiếp tục làm và bán kẹo cho du khách. Ðặc biệt những ngôi mộ và bia đá trong các nghĩa trang cổ gây ấn tượng mạnh cho du khách. Người ta biết cách kiếm tiền bằng cách khêu gợi sự tò mò và trí tưởng tượng của du khách, đó là những tua đi thăm nghĩa trang cổ để tìm ma, bắt ma.

Savannah có rất nhiều những cây sồi cổ, thân cành bám đầy loại rêu Tây Ban Nha (Spanish moss). Nhìn những cây sồi này với hình dáng rất cổ xưa, rất ma quái kích thích mạnh nhãn quan và trí tưởng tượng của mọi người. Rêu Tây Ban Nha trên cây sồi chỉ sống được ở Savannah, tôi thử đem một mớ về thành Ất Lăng nhưng chúng trơ ra, không chết mà cũng không sống. Những cây cổ thụ của Huie Reynolds cũng không có loại rêu này, dù rằng phong thổ cách nhau chỉ mấy tiếng lái xe. “Tường thành cũ phiến bia xưa” của Savannah lại càng tha thiết hơn, dấu ấn của thời gian còn đậm hơn, hồn dâu bể ở đây cũng hiển hiện rất rõ, nó man mác một chút u buồn, một chút hoài niệm dĩ vãng xa xưa.

Xem thêm:   Lễ Hội Powwow ở trường đại học UTA

Nghỉ ngơi bên hồ

TLTP  – Ất Lăng thành

Ất Lăng*; Thành phố Atlanta, Tiểu Bang Georgia.