Lăng vua Tự Đức tọa lạc tại làng Dương Xuân Thượng, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, cách trung tâm khoảng 5km, là một trong 4 lăng đẹp nhất của triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định luôn đông khách đến thăm.

Cảnh trong lăng vua Tự Đức
Vua Tự Đức
Vua Tự Đức (1829-1883), là vị vua thứ tư của triều Nguyễn. Tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, ông có thời gian trị vì 36 năm (1847-1883), lâu nhất của triều Nguyễn.
Người đời điểm lại những biến cố đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông:
– Phế trưởng lập thứ, huynh đệ tương tàn: Anh trai của ông là Nguyễn Phúc Hồng Bảo tuy là con trưởng của vua Thiệu Trị nhưng là con của bà vợ thứ; vua Tự Đức là con thứ nhưng là con trưởng của bà Phạm Thị Hằng là vợ cả. Hồng Bảo không lo học hành, ham mê cờ bạc còn Hồng Nhậm từ nhỏ đã thông minh, tinh thông học hỏi… Vua Thiệu Trị trước lúc qua đời đã di chiếu truyền ngôi cho Hồng Nhậm, khi ấy mới 19 tuổi.

Cổng vào lăng vua Tự Đức
Hồng Bảo không phục, cấu kết bè phái muốn lật đổ vua Tự Đức để chiếm ngai vàng nhưng không thành, bị bắt kết án tử được ân giảm chung thân, cuối cùng tự tử trong ngục thất và người đời gán cho Tự Đức giết anh mình.
– Ông có 103 bà vợ nhưng không có con vì di chứng bệnh đậu mùa chuyển sang quai bị. Ông nhận 3 người con nuôi là con của anh và em mình là Nguyễn Phúc Hồng Cai và Nguyễn Phúc Hồng Y. 3 người con nuôi là Nguyễn Phúc Ưng Chân (vua Dục Đức), Nguyễn Phúc Ưng Đường (vua Đồng Khánh) và Nguyễn Phúc Ưng Đăng (vua Kiến Phúc).
– Đối với quốc gia xã tắc: Năm 1858 Pháp và Tây Ban Nha nổ tiếng súng tấn công Đà Nẵng tuy không thành, nhưng 1 năm sau Pháp tấn công Gia Định, sau đó vua Tự Đức phải ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhượng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. 4 năm sau nữa, 6 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp. Và 2 năm sau khi vua băng hà, đất nước đã hoàn toàn vào tay người Pháp.
– Triều đại vua Tự Đức quân sự rất lạc hậu. Chính sách bế quan tỏa cảng không giao thiệp với nước nào, thiên tai dịch bệnh triền miên khiến kinh tế suy yếu, đất nước lâm vào cảnh loạn lạc. Việc cấm đạo Công giáo, giết hại nhiều giáo sĩ cũng là cái cớ người Pháp xâm chiếm Đại Nam (1)

Phế tích trong lăng vua Tự Đức hình st
Lăng Tự Đức
Lăng xây dựng trong 3 năm (1864-1867). Ban đầu vua Tự Đức đặt tên là Khiêm Cung, sau khi vua băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng.
Vua Tự Đức đã sớm nghĩ đến việc xây lăng mộ cho mình. Vốn là một người giỏi thi phú, ông đã chọn một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị, phù hợp với tính cách của mình. Trong thời gian xây dựng lăng (khi ấy gọi là Vạn Niên Cơ) đã có sự kiện Loạn chày vôi. Hai vị quan đảm trách việc xây dựng muốn rút ngắn thời gian lập công với vua, đã tuyển thêm hàng ngàn binh lính, bắt lao động khổ cực, đánh đập… đã làm cho người dân vô cùng căm phẫn. Trong dân gian có câu: “Vạn Niên là vạn niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân”. Có 3 anh em họ Đoàn: Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tư Trực đã nổi dậy và huy động hàng ngàn dân phu chống lại triều đình. Họ dùng dụng cụ xây dựng công trình là cái chày giã vôi làm vũ khí nên triều đình gọi là Loạn chày vôi hay Giặc chày vôi. Cuộc nổi dậy thất bại, 3 anh em họ Đoàn bị xử tử. Sau đó vua Tự Đức nhận ra sự bất mãn căm phẫn của người dân, ông đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung.
Bài thơ chữ Nôm “Ngẫm sự đời” của vua Tự Đức nói lên nỗi niềm cùng tâm sự của ông về cuộc đời, mối quan hệ anh em trong gia tộc và xã hội, tình cảnh đất nước…

Chòm sao Nhi thập bát tú trên trần nhà ở Minh Khiêm Đường
Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê!
Sống gửi rồi ra thác lại về
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…

Khiên Cung môn lăng vua Tự Đức
Lăng Tự Đức có La thành bao quanh xây bằng gạch cao 2.5m, dài hơn 1,800m, mở 3 cửa: Vụ Khiêm môn (cổng soát vé), Thượng Khiêm môn và Tự Khiêm môn. Có 50 công trình trong quần thể rộng 12.5 ha.
Qua cổng soát vé theo con đường lát gạch thấy hồ nước rất đẹp là hồ Lưu Khiêm. Ngày xưa đất đào hồ được đắp thành một hòn đảo gọi là đảo Tịnh Khiêm, vua cho trồng các loài cây quý và nuôi các động vật quý hiếm. Bên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ là nơi nhà vua đến giải trí, nghe hát, ngắm trăng, hay xuống thuyền qua đảo Tịnh Khiêm ngắm hoa, cho thú ăn…
Ở Xung Khiêm Tạ có biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế vào giờ nhất định sáng và chiều. Hầu như bất cứ du khách nào đến lăng Tự Đức đều dừng lại nơi này khá lâu để nghỉ chân, ngắm cảnh chụp hình….

Xung Khiêm Tạ
Hai trục lăng và tẩm khác biệt.
Khu vực tẩm điện bắt đầu từ Khiêm Cung môn (cửa tam quan) là lối chính vào tẩm điện. Khiêm cung môn có 1 lầu, ngày xưa vua Tự Đức thường lên đây ngắm toàn cảnh hồ Lưu Khiêm.
Qua Khiêm Cung môn có Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho quan văn võ theo hầu khi vua đến nghỉ ngơi, làm việc.

Dũ Khiêm Tạ
Điện chính là điện Hòa Khiêm thờ bài vị vua Tự Đức và Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu, ngày xưa là nơi vua làm việc. Một sự khác biệt so với các lăng vua khác là Tự Đức có thời gian 16 năm sống, làm việc, nghỉ ngơi ở nơi sẽ chôn cất mình.
Qua điện Hòa Khiêm có Minh Khiêm Đường, nhà hát đầu tiên, cổ nhất Việt Nam. Trên gác cao là nơi vua ngồi xem hát, bên dưới là chỗ bá quan văn võ. Đặc biệt trên trần có những đường nét vẽ màu trắng gọi là thập nhị bát tú(2). Tại đây khách có thể thuê trang phục vua, ngồi lên ngai vàng (đặt trên sân khấu cũ) để chụp hình.
Công trình tiếp theo là điện Lương Khiêm xưa là nơi ở của vua Tự Đức, về sau là nơi thờ bài vị mẹ vua là bà Từ Dụ Thái Hậu.

Điện Hòa Khiêm
Có Ôn Khiêm đường là nơi để các vật dụng của vua khi ông lên đây ở.
Tiếp đến là Khiêm viện. Có Y Khiêm viện và Trì Khiêm viện là nơi dành cho các bà vợ của vua, cung tần mỹ nữ theo hầu. Tòng Khiên viện và Dụng Khiêm viện là nơi vua giải trí… Hình dung nơi đây như tam cung lục viện dành cho người theo hầu nhà vua. Công trình này bị hư nhiều, chỉ ít vết tích còn lại.
Chí Khiêm Đường là nơi thờ bài vị 103 người vợ của vua Tự Đức.

Điện Lương Khiêm
Bắt đầu qua trục lăng dừng lại ngắm toàn cảnh rất đẹp, thơ mộng với 3 cây cầu bắc qua hồ Lưu Khiêm: Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm.
Đi lên những bậc cấp là đến sân chầu (Bái đình). Hai hàng tượng quan văn võ. Tượng ở lăng Tự Đức có kích thước nhỏ hơn tượng ở lăng các vua tiền nhiệm. Vua Tự Đức vốn gầy gò, thấp, tượng bắt buộc phải nhỏ hơn vua.
Đặc biệt, tấm bia trong Bi đình không gọi tên Thánh Đức Thần Công như các lăng khác mà gọi là Khiêm Cung ký. Vua Tự Đức không có con, ông tự lập bia cho mình. Trên bia khắc 4,935 chữ Hán như bản tự thuật của vua về cuộc đời, biến cố, bệnh tật, kể công và nhận tội trước lịch sử trong 36 năm trị vì… Công trình được xây kiên cố, trụ cột khảm sành sứ hoa văn tinh xảo.

Nơi thờ các bà vợ của vua Tự Đức
Qua Bi đình có hai trụ biểu, tượng trưng cho 2 ngọn nến trước phần mộ của vua.
Vòng qua hồ Tiểu Khiêm bắt đầu vào lăng có 2 lớp Bửu thành. Một bình phong khảm sành sứ rất đẹp. Mộ vua dạng thạch thất.
Như lăng các vị vua tiền nhiệm không ai biết thi hài vua ở đâu. Lăng mộ vua Tự Đức đã một lần bị đào do viên khâm sứ người Pháp ở Trung Kỳ là Georges Marie Joseph Mahé chỉ huy để tìm châu báu. Sau khi đào lên không thấy gì, Mahé cho lấp lại.

Nhà bia
Ngoài ra, trong khu vực lăng vua Tự Đức còn có 2 công trình không thể bỏ qua là mộ bà Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (Khiêm Thọ lăng), người vợ đầu tiên của vua Tự Đức.
Công trình thứ 2 là lăng Kiến Phúc, vua thứ 7 của triều Nguyễn còn gọi là Bồi Lăng. Vua Kiến Phúc được vua Tự Đức yêu mến nhất, lên ngôi lúc 15 tuổi, trị vì 8 tháng rồi mất. Cái chết của vua Kiến Phúc có nhiều nghi vấn là bị đầu độc.
Hiện một số công trình trong lăng Tự Đức đang được trùng tu, dự kiến kéo dài đến tháng 10/2027.

Mộ vua Tự Đức đã trùng tu
Bài và hình ĐTTT
(1) Đại Nam là tên nước Việt Nam tồn tại 107 năm (1838 – 1945)
(2) Nhị thập bát tú là một thuật ngữ trong thiên văn học phương Đông cổ đại, chỉ 28 chòm sao nằm gần hoàng đạo và xích đạo thiên cầu.